Bệnh ghẻ ngứa và cách điều trị bệnh ở trẻ em

Hỏi:  Con tôi năm nay 3 tuổi, xuất hiện nhiều mụn nước ở rốn, kẻ ngón tay và bộ phận sinh dục, kèm theo rất ngứa vì thấy cháu gãi nhiều, nhất là về đêm, đi khám bác sĩ chẩn đoán là ghẻ ngứa, nhưng điều trị vẫn chưa khỏi, nghe nói bệnh rất lây. Vậy tôi xin hỏi điều trị và phòng lây nhiễm bệnh ghẻ ngứa như thế nào? Rất mong được bác sĩ giúp đỡ.

Trả lời:  Ngày nay, ghẻ ngứa vẫn còn là bệnh lây lan trong gia đình và cộng đồng, bệnh do con cái ghẻ gây nên, có tên khoa học là Sarcoptes scabiei, bệnh lây truyền chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp da – da, qua vật dụng dùng chung như: quần áo, chăn mền…

Bệnh khởi đầu bằng triệu chứng chính là ngứa, ban ngày ngứa ít và ngứa rất dữ dội về đêm, khiến cho bệnh nhân mất ngũ. Sau ngứa thì xuất hiện các mụn nước nằm rải rác, có màu trắng đục, ở vùng da non, con cái ghẻ đào hầm dưới da, là một đường rất nhuyễn, cong khúc khuỷu, màu xám hay đen do màu của phân con cái ghẻ tạo nên, kích thước khoảng vài mm, hơi nổi cộm dưới da, nhìn kỹ cũng thấy bằng mắt thường.

Vị trí thường ở nếp kẻ tay, mặt bên các ngón, mặt trước cẳng tay, cùi chỏ, nách, quầng vú, quanh rốn, bộ phận sinh dục, mông, đùi, háng. Ở trẻ em thường ở lòng bàn tay, kẻ các ngón tay, lòng bàn chân, bộ phận sinh dục, mông, da đầu.

Ngoài các triệu chứng trên còn một số triệu chứng không đặc hiệu như: dấu gãi trầy xước da do các móng tay, vết chàm hóa tạo những mụn nước tụ lại thành mảng. Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ tồn tại lâu dài, bệnh có thể tái phát sau 25 ngày sau khi lành bệnh

Về phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, như với người đang mắc bệnh, không ngủ chung, không dùng chung quần, áo, chăn màng. Vệ sinh cá nhân hàng ngày với xà phòng, đặc biệt là ở các nếp như: kẻ các ngón tay, bẹn, rốn… Nếu trong gia đình hay tập thể có người bệnh cần điều trị dứt điểm để tránh lây lan, hấp quần áo ở nhiệt độ 600C ít nhất từ 5 – 10 phút.