Bệnh bướu cổ có nguy hiểm không
Bệnh táo bón có nguy hiểm không?
Ép tóc lúc mang thai và những hiểm họa đặc biệt nguy hiểm
8 sai lầm nguy hiểm nhưng rất phổ biến khi dùng thuốc nhỏ mắt
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhea gây ra, loại vi khuẩn này hay có ở những vùng ẩm ướt của cơ thể như vùng âm đạo, dương vật, mắt, họng và trực tràng. Sự nhiễm khuẩn có thể xảy ra do tiếp xúc với những vùng này.
Một người đã nhiễm vi khuẩn lậu cũng có thể làm lây lan sang các vùng khác của cơ thể do tay tiếp xúc với vùng nhiễm vi khuẩn rồi đưa sang vùng lành.
Bệnh lậu cũng có thể lây lan qua mọi hình thức quan hệ tình dục như qua đường miệng, đường âm đạo và trực tràng.
Bệnh lậu có còn phổ biến và còn nguy hiểm?
Chừng nào tệ nạn mại dâm và lối sống buông thả có nhiều bạn tình còn, thì chừng đó bệnh lậu vẫn còn.
Ngay cả ở những nước phát triển, bệnh lậu vẫn là một trong số những bệnh lây truyền qua đường tình dục cần quan tâm sau các bệnh như HIV / AIDS, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, viên gan, giang mai.
Mặc dầu bất cứ ai đã có quan hệ tình dục đều có thể bị bệnh lậu nhưng hay xảy ra nhất là ở nhóm tuổi từ 15 – 30.
Phụ nữ có quan hệ tình dục với nam giới đã mắc bệnh lậu thì khả năng bị lây bệnh là từ 60 – 90%, trong khi nam giới có quan hệ tình dục với bạn tình nữ đã mắc bệnh thì khả năng bị lây bệnh lại thấp hơn nhiều, chỉ từ 30 – 50%.
Khi phụ nữ bị viêm nhiễm vi khuẩn lậu hay vi khuẩn Chlamydia trachomatis thì những nguy cơ cho sức khỏe sinh sản rất nghiêm trọng, bao gồm bệnh viêm tiểu khung, vô sinh do tắc vòi trứng, chửa ngoài tử cung và đau vùng tiểu khung mãn tính.
Ngoài ra, theo những nghiên cứu dịch tễ và sinh học, nhiễm vi khuẩn lậu còn là điều kiện thuận lợi để bị lây nhiễm HIV.
Tuyến Bartholin (ở phần dưới của âm hộ) còn có thể bị nghẽn tắc ở ống tiết và sưng đau khi phụ nữ bị bệnh lậu. Sự nhiễm khuẩn có thể lan xa, ảnh hưởng đến tử cung và tăng đáng kể nguy cơ xảy ra bệnh viêm tiểu khung.
Các triệu chứng khi bị viêm nhiễm vi khuẩn lậu
Nữ khác với nam khi đường sinh dục bị nhiễm vi khuẩn. Cổ tử cung bị tác động trước tiên. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì vi khuẩn lậu có thể lan đến tử cung và vòi trứng.
Rất không may cho nữ là các triêu chứng của bệnh lậu ở phụ nữ thường không được nhận biết. Khi các triệu chứng bộc lộ thì bao gồm: Ra máu tử cung bất thường, cảm giác nóng rát khi tiểu tiện, ra nhiều khí hư, kích thích ở vùng âm hộ.
Phần lớn phụ nữ không thể nhận biết bạn tình có triệu chứng của bệnh lậu, nếu có bộc lộ thì bao gồm các triệu chứng sau: Xuất tiết ở đầu dương vật chất dịch màu vàng giống như mủ, đái buốt, đái nhiều lần, có máu trong nước tiểu, sưng hạch ở bẹn, quy đầu sưng đỏ.
Khi bị nhiễm vi khuẩn lậu ở họng hay trực tràng thì cả 2 giới đều thể hiện các triệu chứng như đau, sưng và xuất tiết dịch.
Hiện nay, có thể điều trị bệnh lậu bằng một trong các thuốc sau: Ceftriaxon 250mg, tiêm bắp (với chủng vi khuẩn lậu kháng penicillin) – Spectinomycin 2g, tiêm bắp liều duy nhất – Cefotaxim 1g, tiêm bắp liều duy nhất. Vì lậu hay kết hợp với nhiễm chlamydia nên thêm doxycyclin 100mg uống 2 lần/ ngày trong 14 ngày, hoặc Azithromycin 1g uống liều duy nhất (đối với phụ nữ có thai thay bằng erythromycin hoặc amoxycillin). Nếu có biến chứng còn cần điều trị bằng kháng sinh kết hợp.
Phòng bệnh lậu cũng giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, cần dùng bao cao su cho nam là cách tốt nhất nhưng phải dùng đúng cách (dùng ngay từ đầu, bao cao su phải còn nguyên vẹn), có thể dùng bao cao su cho nữ nhưng không dùng đồng thời cả hai.
Cần nhớ, bất cứ ai không có mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài đều cần tự bảo vệ cách thực hành tình dục như một thông lệ.
Bệnh lậu khi mang thai
Có tỷ lệ khoảng 1% ở phụ nữ mang thai (Mỹ). Bệnh có ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe sinh sản vì phụ nữ thường không cảm thấy có triệu chứng gì và khi đã có bệnh lậu thì thường nhiễm cả Chlamydia cho nên cần điều trị cả 2 bệnh.
Mắc bệnh lậu khi đang mang thai thì trẻ có thể nhiễm vi khuẩn lậu trong lúc sinh đẻ, khi đi qua âm đạo. Có thể phòng ngừa nhiễm khuẩn mắt cho trẻ sơ sinh bằng cách nhỏ ngay sau khi sinh thuốc nitrate bạc hay các thuốc khác.
Các biểu hiện toàn thân ở trẻ có thể gặp nhưng hiếm. Mọi phụ nữ mang thai cần làm test tầm soát ngay từ lần khám thai đầu tiên và lần nữa vào 3 tháng cuối. Ngoài những yếu tố nguy cơ thông thường, phụ nữ mang thai được coi là có nguy cơ cao nếu sống ở những khu vực có tần suất cao nhiễm bệnh lậu.
Người ta đã biết rõ các bệnh lây truyền qua đường tình dục đôi khi có thể gây sảy thai, nhưng nguy cơ khác nhau đối với từng loại nhiễm khuẩn.
Đối với bệnh lậu thì có nhiều thông tin trái chiều về sự cố gây sảy thai. Nhiều nguồn thông tin cho rằng nếu bệnh lậu không được điều trị thì có nguy cơ gây sảy thai và ít nhất cũng có một nghiên cứu cho thấy có tăng nguy cơ đẻ non.
Nếu bị bệnh lậu mà không được điều trị thì khi sinh đẻ có thể gây ra những biến chứng đe dọa sinh mạng cho trẻ và bệnh lậu không được điều trị từ trước khi có thai có thể dẫn đến bệnh viêm tiểu khung và bệnh này là yếu tố nguy cơ của chửa ngoài tử cung.
Nhìn chung nên tham khảo ngay ý kiến thầy thuốc nếu thấy có triệu chứng của bệnh lậu hoặc cảm thấy có nguy cơ mắc bệnh.
Cần nhắc lại là nhiều phụ nữ không có bất cứ biểu hiện, triệu chứng gì khi bị nhiễm vi khuẩn lậu.
Theo BS Đào Xuân Dũng (Chuyên khoa sản phụ II)