Bệnh não mô cầu ở trẻ em

Bệnh viêm màng não do não mô cầu: Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao

Theo Sở Y tế, đến thời điểm này, toàn tỉnh Khánh Hòa mới chỉ phát hiện 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não (VMN) do não mô cầu. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng…
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với bệnh này vì cho dù được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỉ lệ tử vong do bệnh cũng chiếm từ 5 - 15%.

Bác sĩ Phan Thế Long (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như VMN tủy cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết do não mô cầu, viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu. Ngoài ra, có nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ có sốt và (hoặc) viêm mũi họng. Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, số người bị nhiễm não mô cầu ở hầu, họng mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm từ 5 - 10%. Thể nhiễm khuẩn không có triệu chứng thường hay gặp trong các vụ dịch và đó là nguồn lây truyền dịch rất quan trọng trong cộng đồng. Triệu chứng của bệnh gồm: sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện màng xuất huyết và sốc.

Bác sĩ Phan Thế Long cho biết, tác nhân gây bệnh VMN do não mô cầu là Neisseria meningitidis, còn gọi là meningococcus. Dựa vào những kháng nguyên polyozit, người ta chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C, D. Não mô cầu nhóm A, B thường hay gặp nhất. Ngoài ra, người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn có thể gây bệnh nặng. Sức đề kháng của vi khuẩn não mô cầu rất yếu, tuy ở trong dịch não tủy nhưng vi khuẩn chỉ sống được vài giờ khi ra ngoài cơ thể và sẽ bị diệt ở 56oC trong 30 phút hoặc 60oC trong 10 phút, tuy nhiên ở nhiệt độ -20oC vi khuẩn vẫn có thể sống được.

Bệnh VMN do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh thường phát tán và có thể gây dịch. Tỉ lệ mắc bệnh cao do vi khuẩn não mô cầu nhóm A tồn tại lâu dài ở vùng bán sa mạc Sahara ở miền Trung châu Phi. Mới đây, bệnh dịch não mô cầu nhóm A đã xảy ra ở Nepal, Ấn Độ và một số nước khác ở châu Á. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều nước ở châu Mỹ La-tinh như: Mỹ, Canada, Cuba, Brazil, Chi Lê, Argentina, Colombia… đã xảy ra các vụ dịch do vi khuẩn não mô cầu nhóm B và C. Ở Việt Nam, bệnh VMN do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi. Bệnh thường phát tán lẫn trong hội chứng VMN mủ và đã xảy ra dịch ở một số huyện miền núi các tỉnh phía Bắc. Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉ lệ mắc bệnh từ năm 1991 - 2000 ở Việt Nam là 2,3/100.000 dân và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ chết cao nhất. Bệnh tán phát quanh năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam bệnh có thể xảy ra dịch vào mùa Thu, Đông và Đông Xuân. Nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em và đây cũng là nhóm có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Bệnh VMN do não mô cầu lây trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Vì thế, để chủ động phòng, chống bệnh, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp mọi người hiểu rõ về bệnh, biết phát hiện bệnh sớm, cách ly và cộng tác với ngành Y tế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh (nơi ở sạch sẽ, thông thoáng); đồng thời tiêm vắc xin phòng bệnh…

Phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu.

Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của bệnh viêm màng não do não mô cầu khiến nhiều người lo lắng, họ đã đổ xô đi tiêm vaccin phòng bệnh trong khi những hiểu biết về bệnh và vaccin còn nhiều hạn chế. Vaccin này là gì và sử dụng như thế nào?

 Vaccin viêm màng não do não mô cầu là gì?

Hiện nay, để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu có 3 loại vaccin được sử dụng rộng rãi: 1 loại phòng được 4 týp A, C, Y và W-135, cấp phép năm 1978 là loại duy nhất được dùng tại Mỹ hiện nay và 1 loại phòng 2 týp A và C của vi khuẩn này, hiện đang được sử dụng tại Việt Nam. Loại thứ 3 là  vaccin phòng 3 týp A, C và W mới được sử dụng ở một vài nước. Đây là loại vaccin tiếp hợp (liên kết giữa polysaccharide với chất mang protein). Nhờ đó vaccin có thể gây miễn dịch tốt hơn ở trẻ và tạo ra trí nhớ miễn dịch lâu hơn.

Vaccin được đóng gói dưới dạng đông khô liều đơn hoặc nhiều liều cùng với dung môi pha hồi chỉnh đi kèm. Sau khi pha hồi chỉnh, vaccin là một dung dịch trong suốt. Hiện nay chưa có loại vaccin phòng viêm màng não do não mô cầu týp B.

Hình ảnh cấu tạo màng não.

Tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vaccin

Vaccin viêm màng não do não mô cầu có đặc điểm tương tự như các vaccin polysaccharide khác (ví dụ vaccin phế cầu) mà một trong những đặc điểm quan trọng nhất là đáp ứng của cơ thể với vaccin phụ thuộc vào tuổi người được tiêm. Các nghiên cứu cho thấy khả năng sinh miễn dịch kém nếu tiêm cho trẻ dưới 2 tuổi. Sau khi tiêm vaccin khoảng 7-10 ngày, nồng độ kháng thể đạt tới mức đủ để bảo vệ người được tiêm. Đối với những trẻ dưới 5 tuổi, kháng thể chống lại vi khuẩn týp A và C giảm đáng kể sau 3 năm nếu tiêm 1 mũi duy nhất. Ở những người lớn khỏe mạnh, mức độ kháng thể cũng giảm nhưng vẫn còn đủ để phát hiện tới 10 năm sau khi tiêm vaccin. Dù vaccin được cho là có tác dụng bảo vệ ít nhất 3 năm với trẻ độ tuổi đi học và người lớn nhưng hiệu lực của vaccin đối với týp A giảm một cách đáng kể đối với trẻ 90% xuống còn <10% trong vòng 3 năm với trẻ được tiêm vaccin lúc dưới 4 tuổi. Hiệu lực vaccin đạt 67% với trẻ trên 4 tuổi.

Lịch tiêm chủng và cách sử dụng

Đối với cả trẻ em và người lớn, vaccin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu được chỉ định tiêm bắp với 1 liều duy nhất 0,5ml. Vaccin có thể được tiêm đồng thời với các loại vaccin khác nhưng tiêm ở những vị trí khác nhau. Không cần thiết phải tiêm cho tất cả trẻ nhỏ bởi vaccin không có hiệu lực cao với trẻ < 2 tuổi - lứa tuổi có nguy cơ cao nhất bị mắc bệnh tản phát và bởi vaccin có tác dụng bảo vệ tương đối ngắn. Tuy vậy, cha mẹ trẻ nên đưa con đi tiêm nếu trẻ có nguy cơ bị bệnh cao. Người ta cũng khuyên nên tiêm vaccin đối với những người làm việc trong phòng thí nghiệm - nơi thường tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch não mô cầu xảy ra.

Tiêm chủng nhắc lại

Tiêm nhắc lại có thể được chỉ định cho những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao (ví dụ người hiện đang sống trong vùng có vụ dịch xảy ra), đặc biệt là những trẻ khi được tiêm liều vaccin thứ nhất lúc dưới 4 tuổi. Những trẻ này nên được tiêm nhắc lại sau 2-3 năm nếu chúng vẫn có nguy cơ bị bệnh cao.

Sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại đối với trẻ lớn và người lớn tới nay vẫn chưa được làm rõ nhưng các nghiên cứu cho thấy nồng độ kháng thể bảo vệ trong máu giảm nhanh sau 2-3 năm. Do đó, nếu vẫn có chỉ định tiêm vaccin, những đối tượng này nên tiêm nhắc lại sau mũi 1 từ 3-5 năm.

Tính an toàn và những phản ứng sau tiêm?

Những phản ứng sau khi tiêm vaccin não mô cầu thường rất nhẹ. Một số người có thể cảm thấy đau, đỏ nơi tiêm. Những biểu hiện này thường mất đi sau 1 đến 2 ngày, gặp ở khoảng 5-10% số người được tiêm vaccin. Các phản ứng toàn thân như đau đầu, mệt mỏi được báo cáo trong mức 2-5% số người được tiêm. 3% trường hợp tiêm có thể bị sốt nhẹ. Những phản ứng nặng như phản ứng dị ứng (quá mẫn, mày đay, khó thở…), lơ mơ và những phản ứng thần kinh (động kinh, mất cảm giác) rất hiếm gặp.

Chống chỉ định và các thận trọng khi sử dụng

Chống chỉ định tiêm vaccin nếu người được tiêm có phản ứng dị ứng nặng với 1 thành phần của vaccin hay bị phản ứng nặng sau lần tiêm đầu. Phụ nữ có thai, đang cho con bú hay dùng thuốc ức chế miễn dịch không phải là những chống chỉ định tiêm vaccin. Theo khuyến nghị của Uỷ ban Tư vấn Thực hành Tiêm chủng Hoa Kỳ năm 1997: “Dựa trên các số liệu của các nghiên cứu về sử dụng vaccin não mô cầu cho phụ nữ lúc đang có thai, thay đổi chỉ định tiêm vaccin não mô cầu cho phụ nữ khi có thai là không cần thiết”.

Nguy cơ lây lan bệnh viêm não mô cầu

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM đang cấy máu xét nghiệm cho một bệnh nhân 22 tuổi sống ở quận 9, do có những biểu hiện bệnh giống chứng viêm não mô cầu.

10-20% người khỏe mạnh có vi khuẩn lưu trú trong cổ họng. Nhiều trường hợp không biểu hiện thành bệnh nhưng bệnh vẫn có thể gây tử vong.

Nếu trường hợp này dương tính thì đây là ca thứ 6 mắc bệnh viêm não mô cầu được xác định tại TP HCM những ngày qua. Trong khi đó, căn bệnh có khả năng gây tử vong, dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác, lại đang vào mùa.

Nam bệnh nhân nhập viện tối 10/1 trong tình trạng sốt, nhức đầu, đau họng, mệt mỏi. Hiện bệnh nhân tỉnh táo nhưng vẫn sốt cao liên tục, lạnh run, đau đầu mệt mỏi, đau họng, xuất hiện tử ban rải rác toàn thân, màu tím thẫm. Đây là những dấu hiệu của bệnh

Trước đó, ngày 9/1, cũng từ 2 bệnh nhân viêm não mô cầu tại bệnh viện này, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM đã phát hiện thêm 3 trường hợp khác có biểu hiện bệnh. Cả 5 đều làm cùng một công ty tổng cộng 6.000 công nhân.

"Chúng tôi đã tiến hành điều tra dịch tễ và chưa phát hiện thêm trường hợp nào có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tính đến các phương án dự phòng như cho toàn bộ công nhân uống thuốc hoặc khuyên họ súc miệng sát khuẩn để ngừa lây lan", bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM nói.

Cũng theo bác sĩ Siêu, viêm não mô cầu là bệnh theo mùa. Ít xuất hiện nhưng có những điểm đáng lưu ý là dễ bị chẩn đoán nhầm, đồng thời lây lan nhanh nếu người bệnh sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, viêm não mô cầu thường thấy ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh. Khi vào cơ thể qua đường hô hấp, vi trùng có thể gây viêm họng, nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não.

Với bệnh viêm não mô cầu, bệnh nhân thường bỗng nhiên sốt kèm ớn lạnh, rét run, đau đầu, co giật hoặc mê sảng ở trường hợp nặng. Một số trường hợp có biểu hiện nôn ói, nhức mỏi.

Với các vết ban đỏ nổi ngoài da đối với viêm não mô cầu, thường có tím thẫm, hoặc to bằng đầu đũa, hoặc là mảng lớn hơn. Các nốt tử ban xuất hiện trong 1-2 ngày có biểu hiện bệnh, trong khi đó sốt phát ban hay sốt xuất huyết, nốt ban thường có màu nhạt hơn và nhỏ hơn và trổ ban từ sau 3-4 ngày.

Ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể qua khỏi nếu được nhập viện và điều trị bằng kháng sinh. Thống kê dịch tễ tại Việt Nam cho thấy, có đến 50% người mang vi trùng não mô cầu nhưng không có biểu hiện bệnh và vẫn sống khỏe.

Viêm não mô cầu lại nguy hiểm trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết cấp hoặc viêm màng não. Khả năng bị nhiễm trùng huyết cấp rất ít gặp, một số trường hợp được y văn ghi nhận bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 2 ngày sau khi phát bệnh.

Do vi trùng mô cầu có thể truyền từ người này sang người kia qua đường hô hấp (dịch hầu họng, nước mũi) nên để phòng bệnh, người mang bệnh phải được cách ly khỏi đám đông. Người tiếp xúc có thể uống kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng bệnh. Ngoài ra, viêm não mô cầu có văcxin phòng ngừa. Loại văcxin này tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Người lớn cũng có thể tiêm phòng.

Ở mùa thường xuất hiện viêm não mô cầu (những tháng đầu năm), nếu thấy sốt, viêm họng, người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời.

(ST)