Bệnh táo bón mãn tính

Chữa táo bón mãn tính.

Nhiều người vẫn xem thường táo bón và thường “tự xử” khi mắc bệnh. Điều này làm bệnh trầm trọng thêm, gây các rối loạn trong cơ thể và nhiễm độc.

Táo bón là tình trạng người bệnh gặp khó khăn khi thải phân: đi tiêu ít lần hơn bình thường (ít hơn 3 lần/tuần), hay đi tiêu ra phân cứng hoặc phải rặn gắng sức khi đi tiêu. Nặng hơn, bệnh nhân phải thường xuyên dùng các thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo và móc phân. Thậm chí trong các đợt táo bón nặng, mọi cố gắng để đi tiêu đều thất bại.

Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi, người lớn tuổi dễ mắc hơn và nữ bị nhiều hơn nam. Đối tượng có nguy cơ bị táo bón mạn tính là những người làm công việc phải suy nghĩ nhiều, làm việc văn phòng, những nghề phải thay đổi chỗ ở thường xuyên như tài xế lái xe đường dài, đi buôn chuyến đường dài, đi công tác thường xuyên, tiếp viên hàng không...

Bác sĩ Dương Phước Hưng, giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết, chứng táo bón mạn tính có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm độc do không bài tiết tốt, khiến người mệt mỏi, xuống sức dần.

Trên thực tế có rất nhiều người bị táo bón, nhưng phần lớn tự điều trị cho mình. Thông thường, họ tự mua thuốc bơm hậu môn, thuốc uống nhuận tràng trường kỳ. Sau một thời gian, người bệnh bị nhờn thuốc và phải tăng liều sử dụng hằng ngày mới “giải quyết” được. Theo bác sĩ Phước Hưng, việc tự điều trị này có thể gây rối loạn dinh dưỡng hoặc rối loạn nước và điện giải trong cơ thể. Nếu có thêm bệnh tim mạch hay tiểu đường... thì tình trạng rối loạn về nước và điện giải có thể thúc đẩy các bệnh này trở nên trầm trọng hơn.

Vì vậy, khi bị táo bón, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm. Ngày nay, sự phát triển kỹ thuật cho phép chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón khá dễ dàng. Phần lớn (59%) trường hợp bị táo bón chức năng mạn tính (đại tràng co bóp bình thường). Loại này được điều trị hiệu quả bằng cách dùng thuốc nhuận tràng ngắn hạn kết hợp uống nhiều nước, tăng chất xơ trong khẩu phần ăn và tăng cường hoạt động, bệnh sẽ nhanh khỏi.

41% trường hợp còn lại bị táo bón do nguyên nhân khác, chẳng hạn do hội chứng tắc nghẽn đường ra (thành của ống hậu môn - trực tràng có những nguyên nhân gây cản trở lối ra của phân như khối u, các khối cơ dày và co thắt). Đối với các khối u, cần phẫu thuật cắt bỏ. Với rối loạn co thắt cơ, có thể điều chỉnh bằng cách tiêm Botulinum toxin vào cơ hoặc phẫu thuật. Trường hợp táo bón do giảm nhu động của đại tràng thường được điều trị hiệu quả với nhóm thuốc kích thích thụ thể 5HT4. Nếu bị phình đại tràng bẩm sinh, cần cắt bỏ đoạn đại tràng bệnh.

Nếu bị táo bón mạn, bạn đừng ỷ vào thuốc, mà phải tìm nguyên nhân để khắc phục nó. Với các trường hợp táo bón do các nguyên nhân cơ năng ở đại tràng, có thể áp dụng chương trình luyện tập, sinh hoạt sau trong 4 tuần lễ.

Tuần lễ thứ nhất

Sáng sớm lúc thức dậy, uống 2 ly lớn nước ấm để "tráng" cơ thể

Trong ngày, phải từ bỏ các chất kích thích như cà phê, trà (nên biết rằng chất caffeine sẽ xâm nhập dễ dàng vào hệ thần kinh và làm giảm sự co bóp của đại tràng, gây ra táo bón). Dùng các loại cây thuốc tươi có tác dụng nhuận tràng, tạo khả năng dễ dàng tiêu hóa các chất mỡ. Có thể dùng một trong 2 cách:

- Xay nhuyễn 20 g rau diếp xoăn (chicorée) với 1 lít nước trong 10 phút, uống 1-2 ly, dùng 3 lần/ngày trước bữa ăn.

- Xay nhuyễn 10 g rễ cây bồ công anh (Pissenlit) với 250 ml nước, xay trong 10 phút, uống 3 lần/ngày trước bữa ăn.

Hai loại cây trên cũng có thể dùng dưới dạng viên: uống 1 viên trước mỗi bữa ăn.

Ăn nhiều trái cây tươi, rau quả sống hoặc chín, tối thiểu là 5 loại trái cây, rau cải mỗi ngày vì các loại này rất giàu chất xơ, giúp thức ăn dễ tiêu hóa ở đại tràng và tạo sự co giãn tốt cho đại tràng. Uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày. Nên dùng các loại nước giàu chất ma-nhê (Mg) có hiệu quả nhuận trường nhẹ từ 1-2 lần/tuần.

Buổi chiều, ăn 4 quả mận tráng miệng sau bữa ăn chính, nên hạn chế các chất ngọt, chất béo như sữa, bánh ngọt... Nếu vẫn còn táo bón, hãy uống một muỗng canh dầu olive pha với ít giọt chanh tươi trước khi ngủ, hợp chất này sẽ giúp hệ mật cũng như cả đại tràng hoạt động tốt hơn.

Trong ngày, dành nhiều lần thả lỏng hô hấp bụng và giữ đầu óc thoải mái. Tất cả các kỹ thuật thiền, thư giãn cơ bắp và thị giác đều có tác dụng rất tốt. Hít vào và thở ra bằng bụng để tạo sự hoạt động dễ dàng ở hệ tiêu hóa. Dù không mắc tiêu nhưng cố gắng tập thói quen đi tiêu vào một giờ nhất định trong ngày.

Tuần thứ hai

Buổi sáng lúc thức dậy, uống 2 ly lớn nước ấm

Xoa bóp bụng 1 lần trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng, xoa theo chiều kim đồng hồ bằng dầu cải hoặc dầu lạc.

Hãy thực hiện những động tác hít thở bằng bụng để tăng co thắt cơ bụng, tạo sự lưu thông cho hệ thống co thắt đại tràng.

Tuần thứ 3

Buổi sáng lúc thức dậy uống 2 ly lớn nước ấm. Dùng những thực phẩm sinh hóa đa dạng hơn như trái cây, rau, ngũ cốc..., ăn thật nhiều rau. Tiếp tục thư giãn và hít thở bằng bụng nhiều lần trong ngày.

Tập bụng bằng cách nằm ngửa, để hai tay sau gáy, uốn người lên sao cho cùi chỏ trái đụng vào gối phải, cùi chỏ phải đụng vào gối trái. Thực hiện 10-20 lần, mỗi lần giữ 10-15 giây.

Tuần thứ 4

Buổi sáng lúc thức dậy uống 2 ly lớn nước ấm

Giữ thói quen ăn những thứ dễ tiêu, chế độ ăn không quá giàu chất xơ. Thư giãn nhiều lần trong ngày và tập thể dục. Thực hiện được những điều trên, chúng ta sẽ kiểm soát được hoạt động bài tiết của cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và có tinh thần sảng khoái.

Chương trình 4 tuần lễ nêu trên không những có hiệu quả cho những người bị chứng táo bón kinh niên, giúp tái lập lại hoạt động tiêu hóa mà còn giảm được trọng lượng thừa của cơ thể - yếu tố dễ gây nguy cơ bị bệnh tim mạch.

Món ăn bài thuốc chữa bệnh táo bón mãn tính.

Binh lang (hạt cau thái lát, phơi khô) 10-15 g, sắc đặc lấy nước, dùng nước đó nấu cháo với gạo tẻ (30-60), ăn khi bụng đói, mỗi ngày 1-2 lần. Món ăn này thích hợp cho những người khó đại tiện, bụng dưới chướng đầy.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân chủ yếu gây táo bón mạn tính là ăn uống không đúng cách, tinh thần không thoải mái, dẫn đến khí uất, nhiệt thịnh, thương tân dịch, gây táo kết đại tràng. Lâu ngày, bệnh có thể làm tổn thương khí huyết, gây khí hư, huyết hư.

Chế độ ăn thích hợp có vai trò quan trọng trong điều trị táo bón. Nên ăn nhiều rau củ quả, nhất là những loại có tính chất nhuận tràng (như táo, lê, đu đủ, rau mồng tơi, rau cải, cải bắp, khoai lang...), uống nhiều nước, sữa đậu nành, nước hoa quả. Hạn chế rượu và các đồ cay, nóng như ớt, hạt tiêu, thịt chó, thịt dê...

- Quyết minh tử (hạt muồng muồng) 10-15 g, mật ong 20-30 g. Đem hạt quyết minh tử sao vàng thơm, cho vào cối giã vụn, thêm 300-400 ml nước, sắc trong khoảng 10 phút. Bắc ra, cho mật ong vào trộn đều. Ngày uống 2 lần sáng, chiều. Cũng có thể làm nhiều uống thay trà. Cả hai vị này đều tốt cho những bệnh nhân táo bón, người nóng, bứt rứt, khó ngủ.

- Hắc chi ma (hạt vừng đen) 60 g, hoàng kỳ 20 g, mật ong lượng vừa đủ. Vừng đen giã nhuyễn thành hồ nhão, nhào với mật ong. Hoàng kỳ sắc đặc, bỏ bã, lấy nước trộn với hỗn hợp trên để uống. Thuốc có tác dụng nhuận tràng nhanh.

- Tang thầm (quả dâu chín) 30 g, hắc chi ma 60 g, vừng trắng 10 g, đường cát 30 g, bột gạo tẻ 300 g, bột gạo nếp 700 g. Vừng đen sao thơm. Tang thầm, vừng trắng rửa sạch, cho vào nồi nước vừa đủ, dùng lửa to đun sôi rồi vặn nhỏ lửa đun trong 20 phút, bỏ bã, lấy nước. Bột gạo nếp, bột gạo tẻ, đường cát cho vào nồi trộn với nước thuốc vừa sắc, thêm nước, nặn thành bánh. Mặt ngoài bánh rắc vừng đen đã sao thơm. Đem hấp cách thủy, ăn buổi sáng.

- Hoàng kỳ 10 g, thịt lợn nạc 250 g, măng tươi 50 g, cà rốt 100 g, hành tươi 100 g, mộc nhĩ 30 g, bắp cải 250 g. Ngâm hoàng kỳ trong nước khoảng 30 phút, sau đó đem sắc đặc, chắt lấy nước. Thịt nạc, măng tươi, cà rốt, hành tươi thái lát mỏng; mộc nhĩ ngâm cho nở, xắt thành miếng nhỏ; bắp cải rửa sạch, thái vụn. Xào thịt chín tái rồi đổ ra, cho củ cải vào xào một lúc, sau đó cho măng vào xào, thêm hành tươi. Đổ thịt cùng nước sắc hoàng kỳ, cải bắp, mộc nhĩ, thêm một ít nước, bột mì đun cho sánh lại, nêm gia vị, ăn với cơm.

Món ăn này chứa nhiều thực phẩm tươi, giàu dinh dưỡng, có tác dụng bổ khí, cường thận, dưỡng vị, nhuận tràng, dùng tốt cho người cao tuổi đại tiện khó do ít vận động, nhu động ruột kém.

(ST)



tôi bị tội bón lâu ngày , mỗi lần buồn đi ngoài bụng cứ đau thắt lại thì phải làm sao
hơn 1 tháng trước - Thích (21)
Gửi hỏi đáp - bình luận