Bệnh táo bón ở trẻ em

Bé bị táo bón cha mẹ nên làm gì?

Bé bị táo bón là điều rất thường xuyên gặp bởi hệ thống tiêu hóa của bé chưa thực sự hoàn thiện. Mỗi lần như vậy có lẽ cha mẹ đều lo sốt vó và tìm mọi biện pháp để giúp bé cải thiện tình trạng này. Vậy bạn hãy thử cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục táo bón ở bé nhé.

Nguyên nhân khiến bé bị táo bón

Có nhiều lý do khiến một em bé của bạn có thể bị táo bón ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống của trẻ. Trong đó phải điểm mặt tới các thủ phạm bao gồm căng thẳng, thiếu tập thể dục, thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống và một số rối loạn sức khỏe khác.

Táo bón bản thân nó không phải là vấn đề sức khỏe có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ. Nhưng nếu tình trạng táo bón cứ tiếp tục dai dẳng trong thời gian dài, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Vì thế, ngay khi bé chớm có dấu hiệu bị táo bón, bạn hãy tích cực áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà là cách tốt nhất và đơn giản nhất để xử lý táo bón ở trẻ.

Nếu trẻ nhà bạn thường xuyên đi tiêu với số lần ít hơn thường lệ hoặc đi tiêu không định kỳ hàng ngày mà ngược lại khoảng 3-4 ngày mới đi tiêu 1 lần thì có thể bạn đang bị táo bón.

Biện pháp tự nhiên khắc phục táo bón cho trẻ tại nhà

1. Một trong những nguyên nhân chính gây ra táo bón ở trẻ chính là lượng nước quá ít trong cơ thể bé. Vì vậy, biện pháp khắc phục có hiệu quả nhất với những em bé đang bị táo bón là cha mẹ bé nên tích cực cho con uống nhiều nước mỗi ngày. Hãy bắt đầu ngày mới cho trẻ bằng một cốc nước sau khi thức dậy sẽ giúp rất nhiều để chữa và hạn chế triệu chứng táo bón.

2. Cho bé uống 2 muỗng canh đường trong đêm trước khi đi ngủ. Trẻ cũng có thể uống kèm chúng với sữa nếu trẻ thích. Bạn sẽ thấy kết quả không ngờ vào buổi sáng hôm sau.

3. Những trái cây như đu đủ chín, chuối chín cực kỳ hiệu quả trong việc chữa táo bón. Cha mẹ bé nên cho trẻ ăn một quả đu đủ chín hoặc vài quả chuối chín hàng ngày để cho kết quả điều trị táo bón tốt hơn.

4. Nước ép bắp cải cũng được coi là một biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản mà hiệu quả khi con bạn bị táo bón. Lấy một nửa cốc nước ép bắp cải và uống 2 lần/ ngày để điều trị táo bón.

5. Uống hỗn hợp nước muối để điều trị táo bón bằng cách sử dụng ¼ muỗng cà phê muối Epsom và cho 1/2 ly nước.

6. Cho bé uống nước cam vào buổi sáng sớm với một dạ dày trống rỗng, hoặc uống chúng trước khi đi ngủ vào ban đêm cũng hữu ích trong điều trị táo bón.

7. Một ly nước ép táo trước khi đi ngủ cũng rất hiệu quả để điều trị táo bón.

8. Uống hỗn hợp nước nóng với vài giọt chanh cùng một chút muối vào buổi sáng sớm là một cách tuyệt vời để loại trừ táo bón. Được biết, biện pháp này cho kết quả điều trị táo bón khá nhanh chóng.

9. Cho con uống một khối lượng bằng nhau của nước cà rốt ép và nước ép rau bina trước khi đi ngủ.

10. Cho bé kết thân với nhiều các loại rau xanh có vị ngọt mát, nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày như ăn rau lang luộc, rau ngót cũng có tác dụng nhuận tràng và điều trị táo bón rất tốt.

Những thói quen xấu gây táo bón ở trẻ nhỏ

Chứng táo bón chiếm 3% số bệnh nhân thăm khám của bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị táo bón đều do những sai lầm trong dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt.

Lười vận động là nguyên nhân thường gặp đối với trẻ bị táo bón. Xã hội càng phát triển, đời sống càng tất bật, nên thời gian dành cho thư giãn và vận động càng giảm đi. Cha mẹ không có thời gian đưa trẻ ra ngoài chơi, vận động mà chỉ để quanh quẩn trong nhà với các phương tiện giải trí ở dạng tĩnh tại (xem truyền hình, đọc sách, chơi điện tử, lên mạng...). Nhu động ruột cũng ỳ ra hơn trong lối sống thụ động như vậy, táo bón là tất yếu.

Chế độ ăn giàu đạm, thiếu chất xơ, cũng khiến trẻ bị bón. Với tâm lý muốn tẩm bổ cho con, nhiều bậc cha mẹ thường ưu tiên quá nhiều chất đạm (thịt, cá, tôm, cua...) trong khẩu phần ăn của trẻ. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều chất đạm sẽ làm trẻ khó tiêu. Mà theo nguyên tắc, thức ăn sau khi đã tiêu hóa và hấp thu mới được thải ra ngoài, trẻ khó tiêu thì quá trình đào thải bị chậm đi, gây mất nước nên khiến phân khô cứng làm trẻ khó đi ngoài. Chưa kể lượng nitơ chuyển hóa từ đạm dư thừa thải qua nước tiểu sẽ kéo theo nhiều nước làm cho cơ thể mất nước thêm và gây táo bón trầm trọng hơn.

Một nghiên cứu về những thức ăn mà trẻ không thích, thì hàng đầu là rau, do đó cần phải cho trẻ tập ăn rau, trái cây nguyên miếng từ lúc nhỏ, để sau này trẻ dễ chấp nhận. Những trẻ được nuôi bằng thức ăn xay nhuyễn, ít tập ăn rau hay chỉ uống nước trái cây lúc nhỏ thì sau này rất dễ có nguy cơ không chịu ăn rau quả và thường xuyên bị táo bón.

Nhiều trẻ em ham chơi nên quên uống nước dẫn đến mất nước, lại có khi ham chơi nên nhịn luôn việc đi ngoài khi có nhu cầu. Tâm lý sợ hãi cũng khiến trẻ nhịn, đặc biệt, với những bé mới đi học, do chưa quen với việc ngồi bô tại trường hoặc sợ bị cô giáo la mắng. Đến khi về nhà thì phân đã quá to, quá rắn, trẻ cố rặn ra lại đau, chảy máu... nên sợ đi cầu và nín lại, cứ như vậy lại càng táo bón nặng nề hơn.

Do vậy, cha mẹ nên quan tâm để nhắc nhở hay ép trẻ uống nhiều nước cũng như tạo cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Tập cho trẻ có thói quen ngồi bô mỗi sáng là tốt nhất. Nhưng nếu buổi sáng quá bận rộn không có thời gian thì vẫn có thể đi cầu vào buổi tối, sau bữa ăn tối khoảng 30-60 phút, thời điểm này nhu động ruột tăng và trẻ dễ đi cầu hơn.

Có thể nói, táo bón ở trẻ em ít có nguyên nhân do bệnh lý, vì vậy, nếu cha mẹ hiểu và chịu khó xây dựng cho trẻ một lối sống lành mạnh từ dinh dưỡng đến vận động, thói quen trong sinh hoạt... thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị táo bón. 

Bài thuốc chữa táo bón ở trẻ em.

Nhiều bà mẹ kêu ca rằng con mình rất khó đi đại tiện, vì thế bài viết này xin cung cấp một số bài thuốc bằng các thứ cây lá thông thường quanh ta, các phương pháp xoa bóp để phòng và chống bệnh táo bón ở trẻ em.

Bài 1: Cam thảo nam 20 gam, chỉ xác 8 gam.

Cách dùng: Đổ xâm xấp nước, cách thủy 15 phút, lấy ra để còn ấm cho trẻ uống. Trẻ 1 tuổi trở xuống uống 1-2 thìa cà phê một lần. Trẻ 2-3 tuổi uống 2-3 thìa cà phê một lần. Ngày uống 2-3 lần.

Bài 2: Rau khoai lang 60 gam

Cách dùng: Nấu canh hoặc ăn luộc cả nước và cái, ăn vài lần.

Bài 3: Rau dền 30 gam, rau sam 30 gam

Cách dùng: Rau rửa sạch, nấu canh hoặc luộc ăn cả cái và nước, ngày ăn vài lần.

Bài 4: Lá muồng muồng hoặc cây muồng 10-15 gam.

Cách dùng: Nấu nước uống sau mỗi bữa cơm.

Bài 5: Kẹo mạch nha 1.500 gam, mật ong 500 gam, con nhộng 500 gam, lá dâu 1.000 gam, vừng đen 500 gam.

Cách dùng: Lá dâu lấy ngọn non, rửa sạch, đồ chín phơi khô. Vừng đen sao qua, xát bỏ vỏ. Con nhộng đồ chín, phơi khô sao vàng. Ba vị trên tán bột. Đổ kẹo mạch nha vào mật ong, đánh cho tan. Cho ba vị trên đã tán thành bột vào luyện dẻo, viên mỗi viên 12 gam. Dùng giấy chống ẩm bọc lại hoặc bỏ vào lọ dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần sáng và tối, mỗi lần 1 viên, thuốc này còn có tác dụng chữa suy nhược thần kinh, hư hao ngủ kém.

Bài 6: Khi trẻ bí đại tiện, cho trẻ em ăn chuối tiêu già có thể làm nhuận tràng thông tiện hoặc lấy táo tàu (loại táo, loại táo đen hay bán ở hiệu thuốc Bắc). Hầm nhừ, ăn cả nước lẫn cái (bỏ hạt).

Xoa bóp giúp nhuận tràng

Cho trẻ nằm ngửa trên giường, người thao tác dùng phần gốc bàn tay phải của mình áp sát vào phần cơ bụng trẻ, từ bụng trên bên phải xoa sang bụng trên bên trái rồi xuống đến bụng dưới bên phải, cứ xoa xoay day đẩy như vậy. Sau lại tiến hành xoa xoay day đẩy theo chiều tuần tự ngược trở lại.

Động tác xoa không nên làm nặng tay quá, mỗi lần xoa trong 10 phút, mỗi ngày xoa 2-3 lần, cho đến khi nào trẻ thông đại tiện được, cũng nên tiếp tục xoa như thế trong vòng 1 đến 2 tuần nữa để củng cố hiệu quả chữa trị.

Day xoa bụng như thế sẽ thúc đẩy tuần hoàn ở vùng dạ dày và vùng bụng, tăng nhu động ruột, không những có thể làm thông thoát đại tiện mà còn làm tăng khả năng thèm ăn, kích thích ăn ngon miệng ở trẻ.

Phòng bệnh táo bón cho trẻ

- Tập cho trẻ có thói quen đi đại tiện đúng giờ. Có thể hằng ngày vào một giờ nhất định cho trẻ ngồi vào bô đại tiện, những ngày đầu chưa quen, trẻ không đại tiện được cũng không sao, cứ kiên trì, đúng giờ cho trẻ ngồi vào bô như vậy (khoảng 10-15 phút), nói chung khoảng vài tuần sau là có thể tạo thành thói quen phản xạ đi ngoài.

- Tăng cường rau xanh trong bữa ăn của trẻ như rau cần, rau hẹ... kết hợp hoa quả như cam, bưởi, uống nước đun sôi để ấm.

- Tích cực cho trẻ hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, nô đùa.

- Phải chữa trị ngay những bệnh là nguyên nhân dẫn đến táo bón của trẻ, không nên để kéo dài.

(ST)