Có nên uống cafe khi mang thai?
Ép tóc lúc mang thai có nên không?
Triệu chứng khi mang thai bé trai
Mang thai là điều hạnh phúc của bất kì người phụ nữ nào. Nhưng khi mang thai cũng là thời gian người phụ nữ dễ mắc phải những bệnh... thông thường nhất.
Dưới đây là một số bệnh phổ biến các thai phụ thường gặp khi trong quá trình thai nghén.
Bệnh cúm
Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus gây ra. Cúm rất dễ lây từ người này sang người khác, nhất là đối với phụ nữ mang thai vì khi có thai, sức đề kháng của người phụ nữ giảm đi.
Một trong những bệnh thai phụ hay mắc phải là bệnh cúm. Tuy tỉ lệ tử vong của bệnh cúm thấp nhưng phụ nữ mang thai khi bị cúm thường kéo dài hơn ở những phụ nữ khác.
Trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều vì thế các virus gây bệnh có nhiều khả năng "tấn công" hơn. Với những người có sẵn cơ địa nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến bị bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn gây nên.
Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ. Khi người mẹ nhiễm cúm, hậu quả có thể là làm tăng khả năng sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ hoặc dẫn đến những dị tật bẩm sinh nhẹ ở thai nhi như: hở hàm ếch…
Để phòng ngừa bệnh cúm khi mang thai, thai phụ cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tinh thần tốt, không nên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cúm. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi có các biểu hiện của cúm mà cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể. Những phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vaccin phòng cúm trước khi mang thai 3 tháng đến 1 năm.
Khi có biểu hiện ho, sốt cần đi khám để được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là những thai phụ đang trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.
Ốm nghén
Đa số phụ nữ khi mang thai đều xuất hiện triệu chứng này. Các biểu hiện của nghén thường là: Buồn nôn, thay đổi sở thích ăn uống, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu…
Tuy nhiên sang tháng thứ tư của thai kỳ, những triệu chứng này sẽ giảm hẳn. Vì thế bạn đừng quá lo lắng.
Táo bón
Hơn 50% thai phụ thường gặp rắc rối với vấn đề đại tiện, chủ yếu là táo bón. Trong thời kì mang thai, chị em ít vận động, hơn nữa, nồng độ hormone progesteron trong máu tăng lên làm giảm nhu động ruột, thai phát triển gây chèn ép đại tràng khiến phân chậm di chuyển.
Những chất bổ dưỡng, các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể. Đây cũng là nguyên gây ra táo bón ở các bà bầu.
Khi bị táo bón, nhiều thai phụ dễ bị ức chế, có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, hay cáu gắt, thậm chí chán ăn, suy kiệt sức khỏe, tinh thần... Điều này nếu kéo dài có thể khiến cơ thể mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng, thai nhi không được nuôi dưỡng đầy đủ, dẫn đến chậm phát triển, dễ mắc các khuyết tật, sau khi sinh sẽ có sức đề kháng kém...
Hơn nữa, phân tồn tại lâu trong đường tiêu hóa có chứa nhiều chất thải độc hại, khi không được bài tiết ra ngoài có thể xâm nhập trở lại qua đường tiêu hóa gây nhiễm độc ngoài ý muốn cho cả mẹ và thai nhi.
Để ngăn ngừa bệnh táo bó, khi mang thai, thai phụ nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả...
Bệnh trĩ
Ăn ít chất xơ, ít uống nước, ít vận động khi mang thai là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bệnh trĩ ở bà bầu. Sở dĩ nó là nguyên nhân gián tiếp vì các thói quen trên dễ làm cho bà bầu bị táo bón. Và táo bón lâu ngày là nguyên nhân có thể gây ra bệnh trĩ.
Ngoài ra, theo thời gian, bào thai phát triển sẽ khiến tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu thai phụ bị chèn ép là nguyên nhân hình thành trĩ.
Một số người có trĩ sẵn nhưng ở dạng ẩn (bên trong) sẽ dễ bị lộ trĩ trong quá trình mang thai hoặc sau sinh. Số khác hình thành bệnh trong lúc mang bầu hoặc sau sinh. Hiện tượng này không phải hiếm bởi vì, khi sinh, tình trạng tử cung mở to, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn hoặc việc rặn sinh làm tăng áp lực lên ổ bụng, cũng khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.
Phòng bệnh trĩ khi mang thai không phải là quá khó. Khi có thai, thai phụ nên kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý với thường xuyên tập thể dục. Các tư thế thể dục được lựa chọn phải đảm bảo làm sao để bào thai không đè xuống phần dưới cơ thể.
Khi có thai, thai phụ càng nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau củ quả. Hạn chế thức ăn nóng nhiệt, không nên ăn nhiều muối, đường. Đặc biệt không sử dụng thức ăn có chất kích thích.
Bệnh về da
Khi có thai, người phụ nữ thường phải đối mặt với các thay đổi về da nốiạm da, vàng da, ngứa, rạn nứt da.
Trán, má, mũi, môi trên, hai thái dương, gò má, cổ, nách... là những vùng mà da dễ bị chuyển sang sậm màu hơn khi mang thai. Đó là do tác động của các hormone khi mang thai, chủ yếu gặp ở phụ nữ da nâu.
Hiện tượng vàn da thường gặp ở một số phụ nữ mang thai vào 3 tháng cuối. Có một vài chị em vừa bị vàng da vừa ngứa da, có thể ngứa ở ngực, hai tay, chân... nhưng hầu hết không có dấu hiệu bị đau. Hiện tượng vàng da thường tự biến mất trong khoảng 15 ngày sau sinh.
Nếu vàng da xảy ra mỗi lần có thai hoặc thứ phát do bất thường về enzim thì có thể có nguồn gốc gia đình, trong trường hợp này thai có nguy cơ sinh non.
Khi mang bầu, hoặc là do thay đổi hormone, hoặc do da bị kéo dãn quá mức mà các sợi chun giãn dưới da bị đứt, dẫn đến các đường rạn nứt. Những đường rạn nứt có chủ yếu ở bụng, vú, hông, đùi hay mông, từ đơn độc, song song nay tập hợp lại thành đám và thường cân xứng.
Có thể phòng ngừa sự xuất hiện các vết rạn nứt bằng cách dùng kem dưỡng da dành cho bà bầu (kem chống rạn da). Đồng thời, cung cấp đủ nước cho da là điều hết sức cần thiết vì da càng được cung cấp nước và thư giãn thì càng mềm mại và dễ co giãn, ít bị kéo giãn da sẽ ít bị rạn nứt.
Mong ước và niềm vui lớn nhất trong đời của người phụ nữ là mang thai và được làm mẹ. Nhưng trong suốt chín tháng mười ngày, người phụ nữ phải đương đầu với không ít những rắc rối do thai kỳ mang lại.
Đau đầu
Trong thời kỳ mang thai, nhiều người có chứng đau đầu nhưng phần lớn sau 4-6 tháng, triệu chứng này sẽ mất hoặc giảm hẳn.
Đau lưng
Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Nguyên nhân là do khung chậu giãn, trọng lực của thai nhi làm cơ lưng bị căng. Để giảm các cơn đau bạn nên thường xuyên luyện tập những động tác thể dục thích hợp.
Số lần tiểu tiện tăng
Thời kỳ đầu bạn thường phải đi tiểu nhiều. Đó là do tử cung bị phình to đè lên bàng quang gây kích thích. Đến cuối thai kỳ, hiện tượng này lại lặp lại do đầu thai di chuyển vào khung chậu lại đè lên bàng quang. Triệu trứng này không cần phải điều trị và để hạn chế bạn có thể tập lên các cơ ở khu vực hậu môn.
Nóng ruột
Do tử cung to ép vào dạ dày “quấy nhiễu” nhu động ruột làm thức ăn trào ngược và gây kích thích niêm mạc. Vì vậy, trong ăn uống bạn cần tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, quá chua hay quá ngọt.
Chuột rút
Từ tháng sáu trở đi do máu ở chân tuần hoàn không tốt, dây thần kinh bị chèn ép hoặc do tử cung co mà xảy ra hiện tượng co rút bắp chân. Hiện tượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe. Để khắc phục bạn chỉ cần duỗi thẳng chân và xoa bóp.
Phù chân
Khi tử cung phát triển, mạch máu nuôi phần dưới cơ thể bị chèn ép làm cho máu khó lưu thông dẫn đến hiện tượng phù. Nếu hai chân bị phù nặng kèm theo phù ở những chỗ khác bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra.
Chảy máu cam
Khi mang thai, estrogen tiết ra nhiều hơn làm cho niêm mạc mũi giãn nở, mạch máu ứ đầy máu nên rất dễ bị chảy máu cam. Bạn không nên lo lắng, chỉ cần ngồi nghỉ, ngửa đầu ra sau, ấn ngón tay vào hai bên cánh mũi, máu sẽ cầm.
Khó thở
Khi thai phát triển to, tử cung to, lồng ngực bị ép bạn sẽ cảm thấy khó thở. Do đó bạn không nên hoạt động mạnh, nên nằm nghiêng và gối cao đầu.
Mất ngủ
Bụng ngày càng to, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái cộng với chứng tiểu tiện đêm sẽ làm bạn mất ngủ. Để dễ chịu hơn bạn nên đi bộ và tập thể dục nhẹ vào ban ngày.
Ngứa
Bạn có thể bị ngứa ở vùng bụng, quanh thắt lưng và ngực. Tuy nhiên sau khi sinh, lượng hormone trở lại bình thường, hiện tượng này cũng sẽ biến mất.
Sâu răng
Trong thai kỳ, nướu răng trở nên mềm hơn và dễ bị tổn thương nên dễ dẫn đến các bệnh lý về nướu răng và sâu răng. Ngoài ra cơ thể không khỏe mạnh cũng là một nguyên nhân dẫn đến sâu răng. Vì vậy bạn phải đi khám nha khoa ít nhất 1 lần trong thai kỳ.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa (VRT) thường nặng vì tình trạng thai nghén làm tổn thương ruột thừa diễn biến nhanh, dễ đưa đến thủng hơn ở người bình thường và gây ra viêm phúc mạc toàn thể. Ngược lại, VRT có thể ảnh hưởng tới thai làm sảy thai hoặc đẻ non. Hội chứng VRT khi thai còn nhỏ cũng giống như ở người bình thường, khám thấy hố chậu phải (HCP) đau và có phản ứng thành bụng, sốt nhẹ 37,5oC – 38oC, buồn nôn, thử máu số lượng bạch cầu tăng…
Tuy nhiên, ở phụ nữ có thai thường khó khám vì tử cung to đẩy mạnh tràng và ruột thừa lệch khỏi vị trí bình thường do đó điểm đau không điển hình nữa. Để dễ dàng phát hiện, người ta cho bệnh nhân nằm nghiêng bên trái khiến tử cung đổ sang trái làm lộ HCP, khi ấn vào bệnh nhân kêu đau nếu ruột thừa bị viêm hoặc để bệnh nhân nằm ngửa rồi dùng tay đẩy tử cung sang phải, tử cung chạm vào ruột thừa nếu bị viêm bệnh nhân sẽ đau nhói ở HCP. Khi thai đã lớn điểm đau có thể ở cao dưới góc gan phải hoặc ở thượng vị quanh rốn.
Cần lưu ý ở 3 tháng đầu mang thai, hiện tượng nôn do VRT có thể nhầm với nôn do ốm nghén. Chẩn đoán VRT ở phụ nữ mới có thai đặt ra nhiều nghi vấn cần phân biệt với một trường hợp viêm phần phụ phải, chửa ngoài dạ con, nang buồng trứng xoắn hoặc dọa sảy thai. Thường ở cuối thai kỳ bệnh cảnh dễ nhầm lẫn vì VRT ở thời kỳ này không gây co cứng phản ứng thành bụng mà lại gây co và đau tử cung phía phải, khiến có thể nghĩ đến một trường hợp xuất huyết sau rau hoặc sản phụ chuyển dạ đẻ. Đáng lo ngại là VRT lại xảy ra đồng thời với một biến cố về sản khoa kể trên. Việc chẩn đoán và xử lý sẽ trở nên khó khăn và phức tạp. Điều khác cần biết là ngay sau khi đẻ sản phụ vẫn có thể bị VRT. Nếu VRT xảy ra sau khi đẻ có thể dễ bỏ qua hoặc chẩn đoán chậm, do cơ thành bụng bị nhẽo phản ứng không rõ khi khám khiến bệnh dễ tiến triển thành nặng. Hiện nay ghi hình siêu âm do các thầy thuôc có kinh nghiệm thực hiện giúp ích nhiều cho chẩn đoán VRT. Ở phụ nữ có thai, ghi hình siêu âm còn giúp phát hiện được những biến cố về sản khoa.
Về điều trị: Tất cả VRT cấp tính phát hiện trong 36 giờ đầu dù diễn biến thế nào cả khi có vẻ lành tính đều phải mổ. Nguyên tắc này áp dụng cho mọi người dù là trẻ sơ sinh hoặc trẻ lớn đến người trưởng thành, người già và đặc biệt đối với phụ nữ có thai do khi bị VRT thường dễ có nhiều biến chứng. Một nguyên tắc quan trọng khác về chẩn đoán và điều trị bệnh VRT ở phụ nữ có thai là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc ngoại khoa và sản phụ khoa. Sau khi đã mổ cắt ruột thừa viêm, sản phụ cần nằm nghỉ tại giường và được cho dùng các loại thuốc an thai trong trường hợp còn giữ được thai.
U xơ tử cung dễ gặp nguy hiểm cho thai phụ
Rất nhiều phụ nữ có u xơ tử cung khác nhau, tuy là u lành tính nhưng nó cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Khi có nhiều u xơ hoặc u xơ tử cung to sẽ làm biến dạng buồng tử cung, gây cản trở sự làm tổ của trứng đã thụ tinh. Đặc biệt, u xơ tử cung dưới niêm mạc sẽ giống như vòng tránh thai, cản trở sự làm tổ của trứng đã thụ tinh. Do đó cần điều trị kịp thời có thể dùng thuốc làm cho u xơ nhỏ đi hoặc là dùng phẫu thuật bóc bỏ u xơ ra khỏi buồng tử cung, như vậy trứng đã thụ tinh mới có cơ hội làm tổ vững chắc và phát triển tốt.
Trong thai kỳ, u xơ tử cung thường to ra do sự gia tăng Hormone của người mẹ. Nếu u nằm ở vị trí thấp trong tử cung, nó có thể ảnh hưởng đến đường đi ra của thai nhi trong khi sinh. U xơ tử cung là loại u lành tính thường thấy nhất của tử cung. Đây là loại u chịu ảnh hưởng kích thích của nội tiết tố buồng trứng. Khi Oestrogen trong cơ thể tăng cao, u xơ tử cung thường to ra do sự tăng sinh các sợi cơ, kể cả mô cơ thường ở thành tử cung. Vì thế, có những trường hợp u xơ tử cung chỉ được phát hiện trong lúc mang thai.
Sau khi sinh xong, nội tiết tố giảm xuống và kích thước khối u cũng giảm từ từ. Trong lúc có thai, u xơ tử cung sẽ mềm đi nhiều, có thể bị ép dẹp lại, và đây là yếu tố thuận lợi cho cuộc chuyển dạ. Tuy nhiên, nếu nằm ở vị trí thấp nó có thể cản trở việc đứa trẻ ra chào đời. Trong thai kỳ, u xơ tử cung dưới phúc mạc có cuống có thể bị đẩy lên cao trên ổ bụng hoặc chui vào túi cùng >Douglas và dễ bị xoắn, bị kẹt trong túi cùng. U xơ tử cung có thể gây các biến chứng trong thai kỳ như đau bụng âm ỉ hoặc đau nhẹ, có xuất huyết nhẹ. Các u nằm trong cổ tử cung dễ bị hoại tử do tắc nghẽn một mạch máu nuôi khối u, hoặc do u xơ bị chèn ép không to ra được. Biến chứng này ít có biểu hiện nên người bệnh khó biết; đôi khi có đau bụng, sốt nhẹ. Chỉ điều trị bằng các thuốc thường là các triệu trứng sẽ hết.
Các biến chứng ít gặp: xuất huyết trong khối u hoặc xuất huyết vào trong ổ bụng; xoắn u xơ có cuống hoặc xoắn cả tử cung có mang khối u xơ; có dấu hiệu bất thường ở đường tiểu thường là do bàng quang bị kéo lên cao, nhiễm khuẩn hoại tử do vi khuẩn yếm khí trong thời kỳ hậu sản (hiếm xảy ra nhưng thường rất nặng). U xơ tử cung cũng có thể gây hiếm muộn do làm thay đổi lớp nội mạc tử cung, không thuận lợi cho việc làm tổ của trứng thụ tinh. Nó cũng có thể chèn ép, làm gập vòi trứng hoặc làm bít lỗ cổ tử cung. Với những người đã mang thai, nó có thể làm sảy thai liên tiếp do lớp nội mạc không phát triển đầy đủ, và do buồng tử cung bị chèn ép, không phát triển to ra được. Sảy thai trên tử cung có u xơ thường gây xuất huyết nhiều vì dễ sót rau và tử cung co hồi kém.
U xơ tử cung cũng có thể gây sinh non, dễ làm cho ngôi thai bất thường, rau bám ở vị trí bất thường (rau tiền đạo, rau cài răng lược). Nó cũng làm kéo dài cơn chuyển dạ. Những khối u to, nằm ở vị trí tiền đạo có thể làm cho sản phụ không sinh được, phải mổ. Khi sổ rau, sản phụ có u xơ tử cung dễ băng huyết do sót rau hoặc do tử cung co hồi kém. Trong thời kỳ hậu sản, thường là u xơ sẽ nhỏ lại, không gây biến chứng gì. Tuy nhiên, cũng có khi nó gây biến chứng nhiễm khuẩn, nhất là với các u xơ dưới niêm mạc. Những u xơ có cuống dễ gây biến chứng xoắn do ổ bụng rỗng đột ngột. Vì vậy, những thai phụ có u xơ tử cung cần được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ, phòng ngừa sảy thai, sinh non bằng cách nghỉ ngơi nhiều, dùng thuốc chống co bóp tử cung. Nếu sảy, nên nạo kiểm tra buồng tử cung để tránh sót rau.
Nhiễm khuẩn đường sinh dục
Loại bệnh này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khi đứa trẻ sinh ra. Mặc dù vậy, phần lớn thai phụ không lưu tâm nhiều đến nó. Theo một khảo sát tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, có đến 72% thai phụ mắc ít nhất một loại viêm đường sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo hay cổ tử cung). Đặc biệt , tỷ lệ viêm nhiễm kết hợp chiếm khá cao. Có tới 24% thai phụ bị viêm âm đạo và viêm cổ tử cung; gần 4% viêm âm hộ kết hợp viêm âm đạo, viêm cổ tử cung.
Theo các bác sĩ, nhiễm khuẩn đường sinh dục có thể tiến triển âm thầm nên người bệnh không chú ý đi khám và điều trị sớm. Do vậy, bệnh từ cấp tính dễ trở thành mãn tính, khiến bệnh nhân phải điều trị lâu dài, tốn kém và có thể bị viêm tiểu khung, vô sinh, chửa ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung… Đối với thai nhi, nhiễm khuẩn đường sinh dục có thể gây sảy thai, đẻ non, thai chết lưu… Trẻ sơ sinh con các bà mẹ mắc bệnh này rất dễ bị viêm kết mạc, viêm phổi hoặc chậm phát triển tinh thần do lây vi khuẩn từ mẹ trong khi sinh nở. Vì vậy, phụ nữ có thai cần được quan tâm khám phụ khoa để phát hiện và điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục, tránh lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau sinh
Viêm đường tiết niệu khi mang thai
Chữa viêm mũi dị ứng ở phụ nữ có thai
Phụ nữ có thai mắc bệnh Zona liệu có ảnh hưởng
Bệnh động kinh ở phụ nữ có thai
Nấm âm đạo khi mang thai
(st)