Bệnh viêm lợi ở trẻ và cách trị nhanh khỏi

Bệnh sâu răng và viêm lợi ở trẻ nhỏ

Bệnh sâu răng và bệnh viêm lợi là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ em.


1. Bệnh sâu răng:

Bệnh thực chất là sự tiêu huỷ cấu trúc vôi hoá chất vô cơ (tinh thể can-xi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra.

Hậu quả là sâu răng dẫn đến viêm tủy răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp xe quanh cuống răng, sâu răng có thể làm vỡ răng, sâu răng làm giảm thẩm mỹ, gây hôi miệng, ảnh hưởng đến giao tiếp.

Bảo vệ răng khỏi bị sâu là điều mà các bậc cha mẹ luôn phải lưu tâm, đây là chứng bệnh rất thường gặp ở trẻ lên tới hơn 80% trẻ bị sâu răng sữa. Sâu răng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung mà còn liên quan tới sự trưởng thành và phát triển thẩm mỹ của trẻ về sau. Vì vậy ngay từ khi còn bé, bố mẹ nên chủ động phòng chống sâu răng và hướng dẫn trẻ cách đánh răng cũng như chủ động bảo vệ răng. Hãy cho bé tập làm quen với nha sĩ trong những lần đi nhổ thay răng để bé không sợ mỗi khi khám răng. Đặc biệt cố gắng giảm lượng đường vì trẻ thường thích đồ ngọt và ngại đánh răng.

Nguyên nhân bệnh sâu răng:

Có 3 nguyên nhân quan trọng gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng. Còn đường thường tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn, tuỳ thuộc vào hình thức chế biến trong thức ăn (đặc quánh hay lỏng, loãng). Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng. Vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn và đồ uống để tạo và phát triển các mảng bám răng. Đồng thời chúng tiêu hoá đường để tạo a-xit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu. Các đối tượng có nguy cơ bị bị sâu răng sớm bao gồm trẻ thường xuyên dùng các thức uống, thức ăn có đường, có cha mẹ hoặc các anh chị em ruột bị sâu răng, trẻ có dị dạng ở răng…

Dấu hiệu của bệnh sâu răng:

Bình thường bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2 đến 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm (hoặc có khi 2 năm) đầu thì bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Có thể chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa hai răng. Do đó mọi người thường không nhận thấy. Khi lỗ sâu còn nông thì không đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì mới thấy đau với cường độ nhẹ. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm, bệnh nhân bị đau tủy răng từng cơn. Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng hơn. Viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng lan các vùng khác của mặt.

Điều trị và phòng ngừa sâu răng:

Cách điều trị sâu răng phổ biến nhất là hàn răng, cần nạo sạch ngà vụn, sát khuẩn lỗ sâu và hàn kín. Trong một số trường hợp răng sâu nặng, không thể hàn được thì phải nhổ.

Để phòng bệnh, mọi người cần phải đánh răng sau khi ăn 30phút hoặc ít nhất 2 lần/ ngày, đặc biệt là đánh răng trước khi đi ngủ. Đánh răng đúng cách là việc quan trọng để làm sạch toàn bộ các răng dùng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, trên và dưới. Nên cầm bàn chải quay 45 độ về phía lợi, chải kỹ rìa lợi và cổ răng. Bạn nên dùng kem đánh răng có fluor và canxi có tác dụng làm cho men răng cứng hơn, do vậy chống đỡ với vi khuẩn và axít tốt hơn. Đối với các kẽ răng có giắt thức ăn mà bàn chải không chải hết được có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng:

Cách sử dụng như sau: Bạn lấy một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 40cm, quấn chặt vào hai đầu ngón tay giữa cho tới khi cách nhau 10cm, dùng hai ngón trỏ căng sợi chỉ, dùng ngón trỏ trái hoặc phải ấn sợi chỉ vào kẽ răng còn dắt thức ăn, kéo ngang 1cm, thức ăn sẽ ra theo sợi chỉ. Những người bị tụt lợi dẫn đến hở cổ và chân răng nhiều và thưa răng cần dùng thêm bàn chải kẽ răng để làm sạch mặt tiếp giáp giữa các răng. Những răng mọc lệch lạc cần được chỉnh cho đúng vị trí vì răng mọc lệch bị bám thức ăn nhiều hơn làm tăng nguy cơ sâu răng. Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và chữa kịp thời.

2. Bệnh viêm lợi ở trẻ em:

Mô nha chu ở trẻ em trước tuổi đến trường nhìn chung thường khỏe mạnh, và nếu bị bệnh thì chủ yếu là viêm lợi viền. Một số rất ít trẻ mắc bệnh toàn thân gây mất xương và rụng răng sữa sớm. Quan niệm không đúng khi cho rằng trẻ không bị viêm lợi và không có cao răng. Viêm lợi ở trẻ em có đặc điểm là có tính hoàn nguyên, ở người trường thành thì không. Viêm lợi ở giai đoạn răng sữa hầu như không ảnh hưởng lên răng vĩnh viễn.

Một số bệnh viêm lợi cấp tính ở trẻ em:

Viêm lợi – miệng ở trẻ em

Là tình trạng nhiễm trùng cấp tính do virus Herpes hominis. Thường thấy trên trẻ 2 – 5 tuổi, tuy nhiên cũng có trên trẻ lớn hơn.

Triệu chứng: Trẻ sốt, nhức đầu, suy nhược, đau miệng, khó nuốt và nổi hạch cổ. Sau đó là giai đoạn viêm lợi sưng, đỏ, phù nề trầm trọng. Xuất hiện các mụn nước trên lợi, lưỡi, môi, má và khẩu cái. Mụn nước màu xám, đột ngột vỡ ra sau vài giờ và để lại vết loét màu vàng nhạt rất đau, để lại sẹo.

Điều trị bệnh viêm lợi ở trẻ em

Cho nghỉ ngơi và chế độ ăn nhẹ trong giai đoạn sốt, tránh mất nước. Cho thuốc giảm đâu như paracetamol và chống bội nhiễm vết loét với nước súc miệng (như chlorhexidin), với trẻ nhỏ hơn 6 tuổi nên dùng dạng khí dung hoặc đắp gạc tẩm dung dịch. Trường hợp nặng cho uống acyclovir 200mg, 5 lần/ngày trong 5 ngày. Trẻ dưới 2 tuổi giảm ½ liều.

Khi trẻ có những tiền triệu chứng như sốt, quấy khóc, bỏ ăn và đau miệng khó nuốt. Nên đưa trẻ đến khám tại phòng khám nha khoa sớm nhất để phát hiện và điều trị kịp thời tránh kéo dài sự đau, khó chịu cho trẻ.

Biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất là vệ sinh chăm sóc răng miệng tốt: Đối với trẻ nhỏ còn bú sữa thì ngay sau khi cho trẻ bú xong, nên dùng gạc cuốn đầu ngón tay và làm sạch khoang miệng cho trẻ, động tác cần làm nhẹ nhàng tránh gây buồn nôn dẫn đến nôn, trớ. Đối với những trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ súc miệng và tập thói quen đánh răng hàng ngày.

Và khám răng miệng định kì, trám các lỗ sâu cần thiết để ngăn ngừa bệnh viêm lợi và các bệnh nha chu cấp tính khác.

Phòng bệnh viêm lợi ở trẻ em:

- Đảm bảo nuôi dưỡng bé đầy đủ các chất dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể trạng cho bé. Đề phòng một số bệnh nhiễm khuẩn.

- Hạn chế các thói quen xấu của bé như thở miệng, mút tay, xỉa răng cho bé bằng tăm…

- Cho bé uống nước ấm ngay sau khi bú, giúp bé dễ tiêu hóa và làm sạch miệng

- Hạn chế cho bé bú bình, ngậm ti giả và không dùng núm vú nhựa quá cứng, có thể gây tổn thương niêm mạc của bé.

- Vệ sinh, tiệt trùng núm vú và bình sữa bằng nước sôi. Nếu bé bú mẹ thì trước khi bú mẹ phải lau vú bằng khăn sạch.

- Phải đảm bảo sữa pha không quá nóng làm tổn thương niêm mạc của bé bằng cách nhỏ thử vài giọt sữa lên mu bàn tay

- Khi bé có vấn đề về răng miệng, bỏ bú thì bạn nên thử pha sữa nguội hơn bình thường cho bé bú vì sữa nguội sẽ ít gây kích thích niêm mạc bé hơn.

Điều quan trọng là cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để kiểm tra sức khỏe răng miệng sớm nhất có thể và tạo thói quen đi khám định kì cho trẻ. Nên thăm khám định kì 2 lần/ năm hoặc nhiều hơn theo khuyến cáo của nha sỹ dựa trên việc đánh giá nguy cơ mắc các bệnh răng miệng của trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ sớm làm quen với việc đi khám răng mà còn đảm bảo trẻ có khởi đầu chăm sóc răng miệng tốt nhất.