Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em có nên tự xử lý tại nhà?
Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em - những điều mẹ nên biết
Viêm ruột thừa cấp chuẩn đoán và điều trị
Dấu hiệu viêm ruột thừa ở trẻ em
Video Clip: Cách nhận biết và xử lý bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em: nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị. Viêm ruột thừa là bệnh thường gặp ở khoảng 6% dân số, thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 10 - 30. Điều đáng nói là bệnh viêm ruột thừa cũng có những triệu chứng có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh khác.
Phát hiện sớm trẻ bị viêm ruột thừa
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ vì vậy ở trẻ còn nhiều chức năng sinh lý dần dần mới được hoàn thiện cho đến khi trưởng thành. Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em cũng có một số nét không giống như ở người lớn. Đây là một bệnh mang tính chất cấp tính, nguy hiểm, cần cấp cứu ngoại khoa cũng tương tự như người lớn bị viêm ruột thừa.
Nguyên nhân và triệu chứng của viêm ruột thừa ở trẻ em
Nguyên nhân của viêm ruột thừa ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, thường là do ruột thừa bị tắc nghẽn bởi một số thành phần nào đó có trong ruột chui vào ruột thừa, ví dụ như phân, giun đũa, giun kim... làm cho ruột thừa bị viêm nhiễm cấp tính.
Ở trẻ em, triệu chứng của viêm ruột thừa là sốt nhẹ khoảng 37,5-38 độ. Khi ruột thừa sắp vỡ hoặc bị vỡ thì thân nhiệt sẽ tăng cao hơn 39-40 độ. Khi ruột thừa vỡ sẽ gây viêm phúc mạc và viêm các bộ phận khác có trong ổ bụng. Kèm theo sốt, trẻ kêu đau bụng. Đối với trẻ càng nhỏ tuổi thì việc xác định vị trí đau bụng càng khó khi thăm khám cho trẻ.
Trẻ thường kêu đau ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn nên người nhà dễ nhầm là đau bụng do giun, sau đó vị trí đau có thể khu trú chủ yếu ở hố chậu phải. Đau có tính chất âm ỉ, khi ruột thừa vỡ thì đau tăng lên dữ dội hơn và trẻ quấy khóc nhiều hơn. Nhiều trẻ có thêm triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, đi lỏng, nhưng cũng có trường hợp lại bị bí trung và đại tiện. Cũng có trường hợp các cháu chỉ khóc, bỏ ăn uống hoặc biếng ăn, không cho người lớn đụng vào vùng bụng hoặc rất sợ người lớn đụng vào bụng.
Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, khi bị viêm ruột thừa trẻ hay quấy khóc và đôi khi còn gập người lại khi có ai đó chạm vào bụng, nôn nhiều, mặt lừ đừ, lơ mơ, chân tay lạnh... Khám bụng bằng cách sờ, nắn thấy đau nhiều ở hố chậu phải, đặc biệt là điểm ruột thừa (điểm Mac Burney), có phản ứng thành bụng ở vùng hố chậu phải.
Nếu có điều kiện thì thăm dò trực tràng sẽ thấy thành trực tràng phía bên phải đau (dấu hiệu này rất có giá trị khi ruột thừa nằm trong tiểu khung bị viêm). Trong điều kiện cho phép thì cần xét nghiệm công thức máu sẽ thấy bạch cầu tăng cao, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính; chụp Xquang ổ bụng không chuẩn bị có thể thấy hình ảnh mức nước, mức hơi ở hố chậu phải; siêu âm ổ bụng có thể thấy kích thước ruột thừa to ra (trên 6mm), tăng âm hoặc có dịch xung quanh ruột thừa...
Các chỉ số cận lâm sàng này cũng góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em. Tuy vậy, bệnh viêm ruột thừa nói chung và viêm ruột thừa ở trẻ em nói riêng bao gồm nhiều triệu chứng và một số chỉ số cận lâm sàng nhưng triệu chứng lâm sàng là cực kỳ quan trọng, cận lâm sàng là hỗ trợ cho chẩn đoán, không nên chỉ dựa vào một vài chỉ số cận lâm sàng mà kết luận là viêm hay không viêm ruột thừa. Vì những triệu chứng của bệnh chung chung như vừa nêu ở phần trên nên có một số người do chủ quan hoặc do thiếu kiến thức về bệnh viêm ruột thừa, chỉ nghĩ là trẻ bị rối loạn tiêu hóa thông thường nên tự mua thuốc về cho trẻ uống làm lu mờ các triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán; thậm chí có không ít trường hợp cứ cho là con mình bị đau bụng giun nên tự mua thuốc giun để điều trị. Các việc làm này không những bệnh không khỏi mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ do viêm ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc, viêm các tạng trong ổ bụng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng và dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Viêm ruột thừa ở trẻ có thể nhầm với bệnh gì?
Triệu chứng sốt nhẹ, đau bụng âm ỉ, không điển hình, nhất là vị trí đau lúc ban đầu không phải là vùng hố chậu phải thì không chỉ gặp ở trẻ bị viêm ruột thừa mà còn gặp ở nhiều bệnh khác như ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn không phù hợp với trẻ, viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn hoặc do virut. Đau bụng, âm ỉ, nôn, đi lỏng cũng có thể đau bụng do giun. Trẻ sốt, quấy khóc, lừ đừ, xanh tái cũng có thể do trẻ bị viêm đường hô hấp, thủy đậu ở giai đoạn đầu, sốt do virut...
Viêm ruột thừa ở trẻ em khó chuẩn đoán
- Con trai tôi 5 tuổi, đau bụng nhiều, vào bệnh viện khám bác sĩ không phát hiện viêm ruột thừa nhưng không lâu sau đó đã vỡ. Quan sát thấy đa số trường hợp khác trong phòng cũng trong tình trạng tương tự, vì sao?
ANH TÚ (Q.12, TP.HCM)
Viêm ruột thừa ở trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến, có thể xảy ra cả với trẻ 3-4 tuổi. Tuy quen thuộc nhưng khó chẩn đoán, đôi khi nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa.
Tiến triển nhanh, dễ vỡ
Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái nằm phía dưới bên phải của bụng, có một đầu bịt kín, đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già).
Nếu vì một nguyên nhân nào đó làm lòng ruột thừa bị tắc nghẽn (do sỏi phân, quá sản tổ chức limpho ở thành ruột thừa, dị vật...) sẽ khiến ruột thừa bị sưng lên và nhiễm trùng, tạo thành viêm ruột thừa.
Nếu không điều trị ruột thừa có thể bị hoại tử, vỡ ra, vi khuẩn tăng sinh làm mủ lan tràn ổ bụng gọi là viêm phúc mạc gây nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu), suy đa cơ quan và cuối cùng là tử vong.
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ 3-4 tuổi. Những trường hợp này rất khó chẩn đoán vì trẻ chưa có khả năng diễn đạt rõ ràng tình trạng đau của mình và không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Đặc biệt, viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh và có thể vỡ dễ dàng. Do vậy việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là rất cần thiết nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với các trường hợp ruột thừa khó, đau không điển hình, khi không loại trừ được viêm ruột thừa bác sĩ phải quyết định mổ thám sát, tránh trường hợp xấu nhất là ruột thừa vỡ gây biến chứng viêm phúc mạc.
Triệu chứng điển hình
Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô, lưỡi dơ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ sốt nhẹ, dao động 38-38,50C nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng do ruột bị kích thích kèm theo nôn ói.
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải (còn gọi là hố chậu phải). Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải. Tuy nhiên với trẻ em, điểm đau rất khó xác định vì trẻ phần lớn gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau. Tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa.Siêu âm là một cận lâm sàng tốt, với tay nghề tốt của người đọc có thể thấy được hình ảnh ruột thừa to hơn bình thường, có khả năng là viêm, thấy được dịch trong ổ bụng, thấy được buồng trứng ở bé gái... giúp ích rất nhiều trong việc phân biệt nhiều loại bệnh lý khác nhau có cùng triệu chứng là đau bụng.
Nhưng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm không phải lúc nào cũng phát hiện tổn thương viêm ruột thừa mà tùy thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người đọc. Do đó siêu âm nên được xem là một công cụ hỗ trợ trong công tác theo dõi viêm ruột thừa chứ không phải là tiêu chuẩn vàng quyết định viêm ruột thừa. Chẩn đoán viêm ruột thừa cần chủ yếu dựa vào lâm sàng (các triệu chứng của bệnh) kết hợp với nhi��u lần thăm khám bệnh của bác sĩ và siêu âm hỗ trợ.
Cần đưa trẻ đi khám nếu đau bụng nhiều, không giảm sau 1-2 giờ kèm theo nôn, đi lỏng hoặc sốt để được theo dõi tại bệnh viện vì việc theo dõi ở nhà rất nguy hiểm. Ngoài ra, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định được nguyên nhân vì thuốc có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ.
Tùy thuộc mức độ viêm của ruột thừa mà sau khi mổ xong có còn các biến chứng gì khác. Nếu là viêm ruột thừa cấp (mới chớm viêm trong vòng sáu giờ), viêm ruột thừa mủ thì khả năng biến chứng sau mổ rất thấp. Nhưng đối với trường hợp viêm phúc mạc ruột thừa thì do mủ lan tràn khắp ổ bụng nên biến chứng tắc ruột do các dây dính tạo thành sau mổ rất cao. Nhiều trường hợp tắc ruột phải mổ lại để gỡ các dây dính này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa mổ nội soi và mổ mở về mặt biến chứng. Nhưng mổ ruột thừa nội soi là một bước tiến mới trong tiếp cận mổ viêm ruột thừa, nhất là đối với các trẻ có thể trạng mập. Trẻ sau mổ sẽ bớt đau hơn mổ thông thường do ít phải cắt cơ, quan sát được toàn thể ổ bụng, thời gian hồi phục nhanh hơn và sẹo mổ thẩm mỹ hơn.
BS TRƯƠNG ANH MẬU
(khoa ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2)
(ST)