Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em rất khó phát hiện

Viêm ruột thừa có thể xảy với bé từ 3-4 tuổi. Tuy nhiên do triệu chứng của viêm ruột thừa ở trẻ thường rất dễ nhầm với một số các loại bệnh khác có biểu hiện tương tự như rối loạn tiêu hóa, lồng ruột cấp, viêm ruột... Vì  vậy, các bậc phụ huynh cần nhận biết để phân biệt. 

Trao đổi vấn đề việc cảnh giác viêm ruột thừa ở trẻ em, với thạc sĩ - bác sĩ Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, lứa tuổi nào cũng dễ bị viêm ruột thừa. Tuy nhiên với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi thì việc phát hiện căn bệnh này thường gặp nhiều khó khăn do trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng, không xác định chính xác vị trí đau, không phân biệt được với các bênh lý có triệu chứng đau bụng khác. Đặc biệt, nhiều bố mẹ thường nghĩ viêm ruột thừa chỉ xảy ra nếu bé bị đau ở vùng hố chậu phải, nhưng thực tế là không phải ở trẻ nào bị viêm ruột thừa cũng có biểu hiện như vậy. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có các triệu chứng đau bụng quanh rốn, sốt, nôn mửa thì nên đưa bé tới các trung tâm y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán có phải bị viêm ruột thừa hay không.

Triệu chứng của viêm ruột thừa

Triệu chứng là đau bụng, khởi phát ở vùng thượng vị, phía bụng trên. Sau khoảng từ 6-12 giờ triệu chứng đau hướng về hố chậu phải, vị trí thường gặp của ruột thừa. Tuy nhiên, nó cũng có thể thay đổi vị trí là đau quanh rốn, đau hố chậu trái, đau vùng hạ vị vì ruột thừa không phải lúc nào cũng nằm trong vùng hố chậu phải. Ruột thừa có thể quặt ngược lên gan gây đau ở hạ sườn phải. Ruột thừa cũng có thể quặt ngược xuống vùng tiểu khung gây đau ở vùng này kèm theo một số triệu chứng khác như tiểu lắt nhắt.

Ảnh minh họa

Trẻ bị viêm ruột thừa thường có triệu chứng sốt, sốt thường xuất hiện sau triệu chứng đau bụng. Các triệu chứng buồn nôn, nôn có thể gặp ở giai đoạn trễ khi có hiện tượng tắc ruột. Nếu trẻ đi cầu thường bị nhầm lẫn với một số loại bệnh khác có biểu hiện tương tự như rối loạn tiêu hoá lồng ruột cấp, viêm ruột… Do đó việc thăm khám lâm sàng của bác sĩ rất quan trọng, phải khám nhiều lần mỗi lần cách nhau từ 15-30 phút. Từ sự thay đổi của điểm đau, sự thay đổi phản ứng thành bụng  giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm ruột thừa như do tắc nghẽn cơ học, sự tăng sinh của hệ thống bạch huyết tại đó gây ra sự tắc nghẽn. Điều này có thể do nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân (sỏi phân) đi từ manh tràng vào và bị mắc kẹt ở ruột thừa, các mô bạch huyết ở ruột thừa bị viêm và gây tắc ruột thừa. Đôi khi viêm ruột thừa là hậu quả của tình trạng bã thức ăn bị mắc kẹt trong lòng ruột thừa. Ruột thừa có thể bị viêm sau một nhiễm trùng (vi khuẩn hoặc vi-rút), khiến cho vi khuẩn thâm nhập nhanh chóng làm ruột thừa bị viêm và đầy mủ.

Xử lý khi bé bị đau bụng

Khi thấy con có các biểu hiện đau bụng, nôn ói, sốt, bố mẹ không nên tự ý cho bé uống thuốc hoặc điều trị ở nhà mà nên đưa đến các cơ sở y tế nếu không được chẩn đoán sớm và kịp thời. Viêm ruột thừa mưng mủ từ khoảng 24-48 giờ thì vỡ, chất dịch trong ruột thừa tràn vào ổ bụng thường gây viêm phúc mạc, khi đó phẫu thuật sẽ gặp khó khăn hơn, nguy cơ dính ruột cao hơn so với trường hợp thông thường. Nếu vi khuẩn gây nhiễm trùng từ ruột thừa vào dòng máu đi khắp cơ thể sẽ gây ra nhiễm trùng máu. Đây là biến chứng nguy hiểm có thể đe doạ tính mạng, tuy nhiên biến chứng này thường ít gặp.

Phẫu thuật là biện pháp duy nhất để điều trị viêm ruột thừa và thường được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi. Đa số các trường hợp viêm ruột thừa cấp đến viêm ruột thừa mủ cho đến viêm ruột thừa có biến chứng đều có khả năng mổ nội soi.