Bí quyết điều trị sốt xuất huyết bạn nhất định phải nhớ

Sốt xuất huyết thường xảy ra quanh năm, cao điểm là vào mùa mưa. Vậy khi có người trong gia đình mắc bệnh thì quy trình chăm sóc người bệnh như thế nào? Vấn đề đó sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.

Sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm virus sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Đặc biệt, sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.

Ở thể nhẹ, bệnh diễn biến tự nhiên khoảng một tuần sẽ tự hết, không cần điều trị. Tuy nhiên,cần cảnh báo rằng bệnh có thể biến chứng thành tình trạng nặng, do đó khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần đặc biệt theo dõi, đồng thời không thể bỏ qua những lưu ý dưới đây.

1/ Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên

Theo dõi nhiệt độ bệnh nhân từ 6 đến 8 tiếng. Đặc biệt cần lưu ý dấu hiệu hạ thân nhiệt thường xảy ra trong giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau khi phát bệnh.

2/ Uống thật nhiều nước

Khi sốt, bệnh nhân dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống lại càng gây mất nước thêm. Vì vậy, điều tối quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết là cần cho bệnh nhân uống thật nhiều nước.

3/ Không ăn thực phẩm sẫm màu

Do “đặc thù” của bệnh sốt xuất huyết là rất dễ xảy ra tình trạng xuất huyết (chảy máu) nên bạn cần tránh, không để bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh. Mục đích là để không bị nhầm lẫn, có thể nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không.

4/ Chọn thức ăn lỏng

Cơ thể sốt rất mệt mỏi, nên cần ưu tiên tối đa trong lúc này những thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ đầy bụng khó tiêu. Cũng cần lưu ý là bệnh nhân không cần kiêng cữ quá mức mà cần ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

5/ Tuân thủ y lệnh

Cần theo đúng đơn và tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, không được tự ý mua thuốc hạ sốt, vì một số loại thuốc hạ sốt có khả năng ảnh hưởng xấu đến dạ dày, làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc dùng an toàn là Paracetamol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn, ngày dùng khoảng 4 lần khi bệnh nhân có sốt.

6/ Lau mát thường xuyên

Song song với việc sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, cần thường xuyên lau mát cho bệnh nhân để giúp giảm nhiệt độ cơ thể. Lưu ý: Cách lau mát đúng là dùng khăn sạch, nhúng vào nước ấm vừa phải, sau đó vắt khô lau trán, mặt, tay chân, các vùng nách, bẹn… Không được dùng nước đá, nước lạnh để lau vì càng khiến cơ thể bị sốc nhiệt, sốt cao hơn.

7/ Tái khám hàng ngày

Do tình trạng quá tải, một số trường hợp sốt xuất huyết nhẹ có thể được cho điều trị ngoại trú (không nằm viện) với yêu cầu tái khám hàng ngày, có khi tái khám nhiều lần trong ngày. Bạn cần tuân thủ theo đúng những điều này, không được tự ý ngừng tái khám dù thấy bệnh tình có thể khả quan hơn.

Hy vọng với những bí quyết trên sẽ giúp bạn và người thân mau chóng khỏi bệnh!

Cho cháu hỏi.cháu đang bị sốt xuất huyết.cháu bị sốt 2ngày sốt hơn 38.5 giờ cháu phát hiện mình mang bầu liệu sốt xuất huyết có bị ảnh hưởng gì không ạ
hơn 1 tháng trước - Thích
Gửi hỏi đáp - bình luận