Nghệ thuật thăng tiến trong công việc
Cách suy nghĩ sáng tạo giúp làm chủ cuộc sống, thăng tiến công việc
Hầu hết những người mới đi làm ít nghĩ tới việc sớm trở thành lãnh đạo trong công ty vì cho rằng mình thiếu kinh nghiệm, kỹ năng... cùng với tâm lý rụt rè, không dám đương đầu với thách thức.
Tuy nhiên, với quan điểm đúng đắn cùng sự quan sát và khát khao học hỏi, bất cứ người trẻ tuổi nào cũng có thể thành công sớm. Dưới đây là một số bí quyết:
Chuẩn bị trước khi bước vào thị trường lao động
Hãy tham gia các hoạt động tình nguyện cho các tổ chức xã hội, phi chính phủ hay câu lạc bộ ở địa phương, trường đại học. Al Coleman, tác giả cuốn sách Bí quyết thành công: Hướng dẫn phát triển sự nghiệp cho thế hệ trẻ, cho rằng đây chính là những cơ hội để bạn thực hành khả năng lãnh đạo nhóm hay một sự kiện đặc biệt.
Còn tiến sĩ Katharine Brooks, giám đốc Trung tâm việc làm thuộc trường đại học Texas, Mỹ và là tác giả cuốn sách Định hướng sự nghiệp từ đống lộn xộn, bổ sung: “Nếu cố gắng mài giũa kỹ năng lãnh đạo khi còn ở trường học, trong giai đoạn thực tập hay làm thêm, bạn sẽ tự tin vào khả năng của mình và kiểm soát các tình huống tốt hơn”.
Nâng cao năng lực chuyên môn
Bên cạnh thực hành và quan sát, bạn cũng có thể đẩy nhanh quá trình trở thành người lãnh đạo bằng cách đọc sách, tham gia các khóa học phát triển năng lực chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Hiện nay, có rất nhiều nguồn thông tin và cơ sở với chi phí thấp, thậm chí miễn phí, giúp bạn không ngừng trau dồi kiến thức cần thiết cho bản thân.
Tìm hiểu văn hóa công ty
Hãy lắng nghe, quan sát cách sếp cư xử với nhân viên và tìm hiểu những mong muốn của sếp về bạn. Tiến sĩ Brooks khuyên: “Hãy hỏi sếp trực tiếp xem anh/cô ấy kỳ vọng điều gì ở công việc của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tới phong cách làm việc của sếp như tính cách, thói quen làm việc… Sau đó, điều chỉnh cách tương tác với sếp cho phù hợp”.
Ryan Kohnen - tác giả cuốn sách Hướng dẫn người trẻ thành công, bổ sung: "Hãy tìm hiểu cả về đồng nghiệp của bạn, nhiệm vụ, vai trò, mục tiêu, triết lý làm việc của họ để có thể phối hợp hiệu quả nhất".
Luôn học hỏi
Hãy luôn luôn tò mò và háo hức đón nhận thông tin mới, đặc biệt trong những ngày làm việc đầu tiên. Hãy làm việc với 100% khả năng của mình và đề nghị sự giúp đỡ từ sếp/đồng nghiệp nếu cần. Bên cạnh đó, bạn không nên phán xét tình huống quá nhanh hay kết luận vội vã khiến ra quyết định sai lầm.
Phát huy sự sáng tạo
Nhân viên trẻ thường có điểm mạnh về sự nhạy bén, nắm rõ các xu hướng. Và bạn có thể tận dụng lợi thế này trong công việc của mình để gây ấn tượng với cấp trên. Chẳng hạn, bạn có thể gợi ý sử dụng mạng xã hội như một phương tiện họp nhóm cho phòng mình hoặc bất cứ ý tưởng sáng tạo nào mà bạn cho rằng sẽ giúp ích cho công ty.
Thêm nữa, Kohnen gợi ý bạn nên tìm hiểu những khó khăn hiện tại trong phòng mình và thậm chí cả những nguyên tắc làm việc đã thành chuẩn mực bởi đôi khi mọi người đã quá quen với những chuẩn mực mà không để ý rằng chúng đã trở nên lỗi thời. Đây sẽ là cơ hội để bạn phát huy sự sáng tạo, tìm ra giải pháp, ý tưởng cho một cách làm mới.
Giao tiếp và kết nối
Hãy dành thời gian giao lưu với đồng nghiệp và tìm hiểu cuộc sống cá nhân của họ. Đồng thời không ngừng mở rộng các mối liên hệ cả trong và ngoài công ty. Và đừng quên cư xử hài hòa, đúng mực với tất cả mọi người, tạo nền tảng để mạng lưới quan hệ của bạn phát triển vững mạnh.
Trợ giúp tích cực cho sếp/đồng nghiệp
Nếu một nhân viên mới như bạn khởi đầu với quan điểm "Tôi ở đây để giúp đỡ mọi người", quá trình phát triển của bạn sẽ diễn ra nhanh và suôn sẻ hơn. Vì thế, hãy tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác, kể cả khi họ không nhờ bạn.
Đồng thời, hãy tình nguyện mở rộng nhiệm vụ của mình, như tham gia một dự án mới bạn chưa từng thực hiện. Nếu nó quá tầm hoặc bạn thiếu kinh nghiệm, hãy mạnh dạn đề nghị người khác giúp đỡ.
Hoàn thành nhiệm vụ chính
Đôi khi một số nhân viên trẻ thường chủ quan, thậm chí coi thường những việc lặt vặt được giao trong thời gian đầu, dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ cơ bản nhất của mình. Như vậy sẽ khiến cấp trên có ấn tượng không tốt về bạn.
Thay vào đó, bạn nên hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính của mình, tôn trọng thời hạn chót và cố gắng hoàn thành sớm hơn nếu có thể. Bên cạnh đó, chú ý tới những nguyên tắc và nội quy cả chính thức lẫn “bất thành văn” của văn phòng, đừng là người đi làm muộn nhất cơ quan và ra về đầu tiên.
Không tiếc lời khen
Nếu có người giúp đỡ bạn hoàn thành công việc, đừng tiếc lời cảm ơn và khen ngợi họ trước mặt người khác. Trao lời khen, bạn sẽ nhận lại niềm tin của mọi người.
Thiết lập mối quan hệ với cấp trên và tìm người cố vấn
Cấp trên là người tác động trực tiếp tới con đường thăng tiến của bạn. Vì thế, hãy tích cực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với anh/cô ấy. Bạn cũng có thể nhờ sếp làm người cố vấn, đưa ra những lời khuyên và bài học cho mình. Hoặc bạn có thể nhờ một người khác có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng trong mạng lưới quan hệ, tư vấn “đường đi nước bước” cho mình.
Tìm hiểu sở thích của sếp
Sếp có vai trò quan trọng trong việc thăng tiến của bạn. Nếu sếp quý mến bạn, anh/ cô ấy sẽ giữ bạn ở bên mình và tạo điều kiện cho bạn phát triển. Do đó, hãy cố gắng “ lấy lòng” sếp bằng cách tìm hiểu sở thích của anh/ cô ấy và tỏ ra quan tâm.
Chẳng hạn, nếu sếp nói: “ Cuối tuần này tôi sẽ đi xem một trận đá bóng”. Một nhân viên vô tâm có thể nói: “ Tôi chẳng thích bóng đá”. Nhưng nếu muốn gây ấn tượng với sếp, bạn không thể nói như vậy. Thay vào đó, hãy nói một cách tích cực hơn: “ Theo sếp đội nào sẽ thắng? Sếp thích cầu thủ nào nhất?”…
Tích cực tham gia các dự án quan trọng
Nếu nói “ có” với tất cả nhiệm vụ sếp giao cho và đồng nghiệp nhờ vả, kể cả những công việc vặt, thời gian thăng tiến của bạn sẽ kéo dài hơn. Ngược lại, nếu từ chối mọi người, bạn sẽ mang tiếng là kẻ lười biếng, không có tinh thần đồng nghiệp.
Vì vậy, hãy thông thái trong việc lựa chọn công việc. Hãy tìm hiểu những cơ hội mang lại nhiều lợi ích cho bạn, cho sếp và công ty. Sau đó, đề nghị sếp cho phép bạn tham gia vào những dự án đó.
Kết thân với đồng nghiệp
Hãy dành thời gian làm quen và tìm hiểu mọi người trong văn phòng/ công ty. Adele Scheele, một nhà tư vấn nghề nghiệp và tác giả cuốn sách Những kỹ năng cần thiết để thành công và chiến lược sự nghiệp, khuyên bạn nên tập trung thiết lập đồng minh với các thành viên trong nhóm. Cô nói: “ Không chỉ xây dựng mối quan hệ bền vững với cấp trên, bạn cần hòa hợp với tất cả những người khác. Nếu một nhân viên mới như bạn lại tỏ ra thiếu thân thiện và kiêu căng, chắc chắn mọi người sẽ cô lập bạn”.
Khiến sếp thành công
Khiến sếp thành công cũng chính là cách để bạn thành công. Nếu bạn giúp đỡ sếp đạt được mục tiêu của anh/ cô ấy, sếp sẽ coi bạn là “ cánh tay phải” của mình và chắc chắn sẽ không quên bạn khi đến thời điểm quyết định việc thăng tiến.
Tích lũy kiến thức
Linda Matzigkeit, phó chủ tịch bộ phận hoạch định chiến lược và nhân sự của tổ chức Children’s Healthcare, Mỹ, chia sẻ ý kiến của mình: “ Kiến thức là sức mạnh. Do đó, bạn nên luôn luôn cập nhật thông tin về ngành nghề của mình, biết mọi người đang làm gì và nắm bắt xu hướng.” Anthony Leone, người thành lập Energy Kitchen - một chuỗi nhà hàng nhượng quyền thương hiệu ở New York, Mỹ, cũng đồng tình: “ Hãy học hỏi càng nhiều về lĩnh vực bạn lựa chọn. Đồng thời, cố gắng trở thành một tài sản quý giá đối với công ty đến nỗi giám đốc phải thốt lên rằng “ Chúng ta không thể sống thiếu người này.” Ông còn đề nghị bạn nên hỏi sếp trực tiếp những kỹ năng nào sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công ty, sau đó nắm được chúng một cách thành thạo.”
Biết cách đặt câu hỏi
Cùng với một nền tảng kiến thức vững chắc trong lĩnh vực của mình, nhân viên có thể thu hút sự chú ý từ sếp nếu biết cách đặt câu hỏi thích hợp.
“Đặt ra những câu hỏi hay là một nghệ thuật”, Elizabeth Sobol, quản lí của IMG Artists Bắc Mỹ, phát biểu. “ Tôi sẽ ấn tượng hơn nếu bạn đặt ra cho tôi những câu hỏi hay hơn là bạn chỉ nói với bạn, cố gắng chứng tỏ với tôi bạn biết nhiều ra sao.”
Nhân viên cũng không nên lo lắng rằng đặt câu hỏi là dấu hiệu của sự yếu kém, thiếu hiểu biết. Robert Stack, chủ tịch và CEO của Community Options Inc., một tổ chức phi lợi nhuận về phát triển nhà cửa và việc làm cho người khuyết tật, nói: “ Đừng sợ hãi khi thừa nhận rằng bạn không hiểu điều gì đó. Không có gì sai trái khi không biết, trái lại, không hỏi hoặc giả vờ hiểu biết mới mang lại phản ứng tiêu cực.”
Nghĩ rộng hơn
Những người thăng tiến nhanh chóng thường là những người giỏi xác định nhu cầu và mục tiêu của công ty cũng như tổng thể, không chỉ của riêng họ. Matzigkeit nói rằng bởi lĩnh vực chăm sóc ý tế của cô ấy rất đặc biệt nên bạn có thể dễ dấn sâu vào trục lợi cá nhân. Cô nói: “ Để phát triển và thực sự xây dựng tầm hưởng của mình trong tổ chức, bạn cần kết nối với bức tranh toàn cảnh. Sau đó, bạn mới có thể phát triển kỹ năng, mở rộng sự hiểu biết và tìm cách ứng dụng chúng trong công việc.”
Đối với những người quản lí tìm kiếm cơ hội phát triển cao hơn nữa, Randy Murphy, chủ tịch và CEO của chuỗi nhà hàng Mama Fu’s Asian House, đề nghị nên chịu khó tìm hiểu tình hình thực tế, “ Có mặt thường xuyên trong cửa hàng, tìm hiểu điều gì đang xảy ra với khách hàng, nhân viên và hoạt động chung.” Ông ấy cũng chú ý rằng những nhân viên tham vọng nên tìm kiếm người thay thế cho mình: “ Hãy phát triển và đào tạo những người cấp dưới để nhóm làm việc tốt hơn và bạn có sự thay thế xứng đáng, điều này giúp ích cho bạn rất nhiều khi đạt tới vị trí cao hơn.”
Luôn nỗ lực hết mình
Tất nhiên, một trong những cách tốt nhất để được chú ý là trở thành một người xuất sắc. “ Nếu bạn hoàn thành công việc một cách hoàn hảo, bạn sẽ có danh tiếng tốt, điều đó cho phép bạn mở rộng quan hệ với những nhân vật cấp cao”, Brian Curin, chủ tịch của chuỗi cửa hàng giầy dép Flip Flop Shops, cho biết.
Stack bổ sung rằng: “ Hãy làm nhiều hơn mô tả công việc của bạn. Ví dụ, nếu bạn là người gây quỹ, ngoài cách làm việc thông thường, bạn có thể gặp gỡ cả những người mình không biết. Hoặc nếu là người đào tạo nhân viên mới, bạn có thể làm việc thêm giờ và sáng tạo hơn. Hãy đi làm sớm và về muộn hơn một chút, đề nghị người quản lí giao thêm trách nhiệm của bạn.”
Làm việc bằng cảm xúc
Thực hiện tất cả những điều trên, từ học càng nhiều càng tốt về lĩnh vực tới cống hiến 100% năng suất, có thể mất nhiều thời gian và nỗ lực. Một vài nhân viên sẽ “ tặc lưỡi” cho rằng mình phải tìm mọi cách vượt qua những trở ngại đó để tiến lên phía trước. Một số khác lại nhiệt tình và thoải mái hơn bởi họ thực sự đam mê với lĩnh vực mình đã chọn. Bạn nghĩ ai sẽ nhanh tiến nhanh hơn?
Sobol nói cô ấy ấn tượng với những người “ bị mê hoặc bởi công việc và rõ ràng luôn luôn cố gắng học và hiểu nhiều hơn về nó.” Cô cũng cho biết thêm rất dễ phân biệt giữa người có cảm xúc thật sự với người giả vờ, do đó, đừng tốn công tỏ ra đam mê trong khi thực tế không như vậy.
Còn với những người thiếu cảm xúc với công việc mình đang làm, có lẽ đã đến lúc tìm một con đường khác đi tới thành công. Bạn sẽ thành công khi bạn hạnh phúc và tận hưởng những gì mình yêu thích.
Trở thành một nhân viên trọng yếu
Điều này phụ thuộc vào năng lực của bản thân. Bạn phải có một chương trình, kế hoạch hay ý tưởng giúp công ty tiết kiệm chi phí đồng thời tạo ra lợi nhuận, năng suất làm việc cao. Hãy mạnh dạn nói chuyện với sếp và mọi người về chúng. Nếu chỉ im lặng hay ngại ngùng thể hiện quan điểm của mình, sẽ không ai biết được năng lực của bạn ra sao và kết quả là bạn sẽ không dành được cơ hội thăng tiến.
Bí quyết lấy lòng sếp
5 bí quyết đơn giản để thành công
12 bí quyết thăng tiến trong sự nghiệp
Bí quyết của người thành công và giàu có
(st)