Bình tĩnh

 Chu Du trong tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Tam quốc diễn nghĩa”, năm 20 tuổi đã được Tôn Quyền phong làm Đại đô đốc, là con người văn võ kiêm toàn, hào khí nhưng ông ta có một nhược điểm là tính khí hẹp hòi, hay nổi giận, khi bị Gia Cát Lượng chọc tức, ông ta đã nổi giận lôi đình. Ông chỉ tay lên trời mà rằng: “Trời đã sinh ra Chu Du, hà tất còn sinh Gia Cát Lượng làm gì?”. Vì phẫn uất ông đã chết.

Qua các công trình nghiên cứu về tuổi thọ, người ta đã nhận ra rằng những người đoản thọ đều là những người tính khí hẹp hòi. Gặp việc gì cũng nổi giận đùng đùng, bất phân phải trái. Hoan hỉ, giận dữ, ưu phiền, tư lự, bi quan, hoang mang, lo sợ đó là bảy loại tình cảm bị khách quan tác động, nếu đi quá đà sẽ dễ sinh bệnh. Giận dữ có hại cho gan, vui quá có hại cho tim, ưu phiền có hại cho lá lách, quá buồn rầu có hại cho phổi, quá lo sợ có hại cho thận v.v…

Nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy: giận dữ có quan hệ mật thiết với việc phát triển bệnh tật. Giận dữ sẽ làm cho hệ thống thần kinh bị tác động, làm cho tim đập nhanh, mạch máu co lại, huyết áp tăng cao, nhức đầu v.v… Nếu trường hợp đó lại rơi vào người mắc bệnh tim, bệnh não thì giận dữ rất có thể sẽ gây nên mạch đập rối loạn hoặc đứt mạch máu não dẫn đến tử vong.

Giận dữ còn làm cho khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút, dẫn đến các bệnh chảy máu dạ dày và hành tá tràng, bệnh tiểu đường, bệnh suy nhược thần kinh, kinh nguyệt không đều, bệnh gan, mật v.v… Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng nếu một người ở trạng thái tinh thần không tốt và hay cáu gắt thì rất dễ dẫn đến các bệnh khốiu và đi đến kết luận: Những người hay giận dữ có tỷ lệ tử vong cao gấp 5 lần so với những người bình thường.

Tinh thần lạc quan yêu đời là một trong những điều kiện cần thiết của sức khỏe và tuổi thọ, vì thế con người phải biết kiềm chế sự bực tức của mình. Có sáu cách để kiểm chế như sau:

Chuyển sự chú ý sang việc khác

Khi gặp một việc gì đó không hài lòng, bạn nên lập tức rời khỏi nơi đó ngay, hãy chuyển sự chú ý của mình sang nơi khác để bảo đảm sự ổn định về mặt tinh thần.

Thổ lộ chân tình

Khi gặp chuyện không vui, bạn nên tìm gặp những người bạn tri kỷ, có sự thông cảm với mình để thổ lộ hết những điều mà mình bực bội, như thế sẽ làm cho bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Hãy quên đi mọi buồn phiền

Sau khi xảy ra những chuyện không vui, tốt nhất hãy nên lao vào công việc, để quên đi nỗi buồn phiền và trút bỏ gánh nặng tư tưởng.

Hãy tự an ủi mình

Khi gặp những chuyện không vui, bạn hãy tỏ ra độ lượng, tự an ủi mình để cho đầu óc được bình tĩnh trở lại.

Phải có sự nhượng bộ về lý trí

Đối với những sự việc phiền toái, nên có sự nhượng bộ về lý trí, như thế chẳng những sẽ giúp bạn kiềm chế được bực bội, mà còn làm cho người khác đồng tình và thông cảm với mình hơn.

Tránh xích mích cãi cọ nhau

Đối với mọi việc xảy ra, nên có thái độ chín bỏ làm mười, tránh đi sâu vào chuyện xích mích cãi cọ.

Những ai muốn sống lâu, xin hãy đứng cách xa “khu vực” giận dữ, nên có thái độ và cách xử lý biến “thù” thành bạn, biến giận dữ thành niềm vui. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người chính là do sự suy thoái của tim. Như chúng ta đều biết, mỗi phút tim đập 72 lần, tính đến tuổi 70, thì tim đập 25 tỷ lần. Nếu có thể làm cho cơ thể hạ nhiệt, thì mỗi phút tim có thể giảm đi năm sáu chục lần nhịp đập, như thế sẽ kéo dài được tuổi thọ của tim. Tuy nhiên trong điều kiện không ảnh hưởng gì đến sức khỏe như hiện nay, việc giảm nhiệt độ cơ thể là điều rất khó thực hiện, song nếu thường xuyên giữ được bình tĩnh, không buồn bực, không cáu kỉnh cũng có thể làm cho nhiệt độ cơ thể giảm đi đôi chút, giúp cho nhịp đập của tim ổn định, như thế cũng rất có lợi cho sức khỏe rồi.