Bổ sung sắt và can xi cho bà bầu thế nào là hợp lý
Bổ sung sắt và can xi cho bà bầu: cần đủ lượng
Bổ sung sắt và can xi cho bà bầu đúng thời điểm
Ăn hoa quả tươi và hải sản sẽ giúp bạn bổ sung sắt và canxi.
Những lưu ý khác về thời điểm uống sắt và canxi dành cho thai phụ như sau:
- Bạn có thể uống viên sắt khoảng 1-2 giờ đồng hồ sau bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối. Vì chất sắt sẽ được cơ thể hấp thu tốt nhất khi dạ dày trống rỗng; tuy nhiên, khi mang thai, bạn không nên đợi đến khi bị đói thì mới uống sắt hoặc canxi. Nó sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.
- Nếu phải bổ sung đồng thời sắt và canxi, bạn nên uống cách quãng: Sau bữa sáng, bạn uống canxi; sau bữa trưa, bạn nên uống sắt. Hoặc bạn có thể uống sắt sau bữa sáng; sau đó khoảng 1-2 giờ đồng hồ, bạn mới uống tiếp canxi.
- Bạn nên hạn chế uống sắt hoặc canxi vào trước giờ đi ngủ; bởi vì, chúng có thể gây nóng người khiến bạn khó ngủ ngon.
Để bổ sung sắt hiệu quả
- Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ chất sắt có trong thực phẩm dễ dàng hơn. Vì vậy, bạn nên uống nước cam để cơ thể dễ hấp thu sắt.
- Protein có trong động vật cũng khiến cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt. Do đó, bạn nên ăn thịt, cá trong các bữa cơm hàng ngày.
- Trà, cafe, coca và các loại đồ uống có gas có thể cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể. Vì vậy, bạn nên hạn chế hoặc kiêng những loại đồ uống này.
- Uống viên sắt có thể gây chứng táo bón khi mang thai. Do đó, bạn nên tăng cường rau xanh, hoa quả trong chế độ ăn hàng ngày. Nếu chứng táo bón có dấu hiệu trầm trọng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để chọn cách bổ sung sắt hợp lý.
Lưu ý: Bác sĩ sẽ quyết định liều lượng và thời điểm bổ sung viên sắt. Nhiều trường hợp, thai phụ được chỉ định uống viên sắt ngay từ thời kỳ đầu thai nghén. Khi bắt đầu mang thai, nhu cầu sắt trong cơ thể bạn sẽ tăng gấp đôi (khoảng 30mg/ngày).
- Với những thai phụ có lượng hồng cầu cao thì việc bổ sung sắt có thể được bác sĩ chỉ định vào giai đoạn giữa hoặc cuối thai kỳ.
- Việc bổ sung sắt trong thời kỳ mang thai rất có lợi cho mẹ và bé nhưng điều này không có nghĩa là bạn càng uống nhiều sắt thì càng tốt.
+ Nếu cơ thể bị thừa sắt, gan sẽ hoạt động kém hiệu quả.
+ Thừa sắt có thể làm gia tăng tỷ lệ sinh non, sinh bé nhẹ cân.
- Trước và trong quá trình mang thai, bạn nên tăng cường các loại thực phẩm giàu sắt như thịt gia cầm, thịt bò, thịt lợn; các loại cá, sò, trai; rau xanh như rau cải xoong; các loại hạt như hướng dương, hạt vừng; ngũ cốc, bột lúa mạch...
Bổ sung canxi khi mang thai
- Nhiều người mẹ lo lắng vì không được bác sĩ kê đơn cho sử dụng canxi khi mang thai. Bạn có thể trao đổi rõ hơn với bác sĩ về vấn đề này vì có một số thai phụ không cần bổ sung canxi.
- Nhu cầu canxi ở thai phụ tăng lên theo thời gian: Quý I (khoảng 800mg); quý II (1000mg); quý III (1500mg). Nguyên nhân là vì hệ xương của bé ngày càng phát triển nên nhu cầu về canxi cũng nhiều hơn.
- Thiếu vitamin D thì cơ thể cũng khó hấp thụ được canxi. Do đó, bạn nên tăng cường vitamin D để hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi.
- Nhóm thực phầm giàu canxi là tôm, cua; các loại sữa (bao gồm cả sữa chua), phômai; rau cần, súp lơ xanh...
+ Ăn và uống ít nhất 4 phần sữa hoặc các loại thức ăn giàu canxi mỗi ngày sẽ cung cấp cho cơ thể bạn khoảng 800-1200mg canxi.
- Một số thai phụ xuất hiện dấu hiệu dị ứng sữa như đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ. Trường hợp này, thai phụ nên:
+ Uống một lượng sữa nhỏ đi kèm với những bữa phụ. Sữa sẽ hấp thu tốt hơn với các loại thức ăn.
+ Bạn có thể tăng cường ăn sữa chua, phômai, bơ.
+ Bạn nên trao đổi với bác sĩ để chọn loại sữa phù hợp hoặc nhanh chóng uống bổ sung canxi.
Sắt và canxi là hai loại khoáng chất rất cần thiết cho phụ nữ khi mang thai.
Vì thế, các nhà sản xuất đua nhau cho ra đời đủ loại sản phẩm: sữa cho bà bầu, vitamin tổng hợp, thực phẩm chức năng, kẹo, bánh cho bà bầu… Thế là, ngoài việc bổ sung sắt và canxi theo chỉ định của bác sĩ, các bà bầu còn tự ý xài thêm đủ thứ thuốc bổ, sữa, thực phẩm chức năng… với suy nghĩ “càng bổ càng tốt” mà không biết rằng thừa hay thiếu đều có thể dẫn tới kết quả đáng buồn.
Rối loạn vì thừa, thiếu
Bác sĩ Lương Thanh Bình, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Trong quá trình phát triển, thai nhi thường sử dụng sắt và canxi từ người mẹ để tạo máu và xương cho sự lớn lên.
Vì vậy, thai phụ thường bị thiếu sắt và canxi. Phụ nữ mang thai có nhu cầu khoảng 1.200 mg canxi/ ngày và 600 mg sắt/ ngày. Ngoài chế độ ăn uống, các chị em mang bầu thường dùng thêm sắt và canxi dạng thuốc.
Tuy nhiên, nếu tự bổ sung thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ không kiểm soát được cơ thể đang thừa hay thiếu chất, dẫn đến một số rối loạn:
- Thiếu sắt: Thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, có thể bị sảy thai, sinh non, ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ sau này. Còn người mẹ thì có thể bị thiếu máu, mệt mỏi và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thừa sắt (do bổ sung quá mức cần thiết): Việc thừa sắt có thể làm tăng nồng độ sắt tự do trong máu thai nhi, tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ.
Điều này gây cản trở quá trình tạo máu bình thường của thai nhi, dẫn đến tình trạng bị sinh non, thiếu cân và tăng nguy cơ tử vong cho sản phụ. Người mẹ có thể có các biểu hiện như tiêu chảy, đi tiểu ra máu, buồn nôn, đau bụng…
Các triệu chứng này thường xuất hiện khoảng 60 phút sau khi dùng sắt quá liều. Cần phải đi khám ngay, không được chờ đợi bệnh tự thuyên giảm.
- Thiếu canxi: Thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương. Người mẹ có thể bị đau mỏi xương khớp, chuột rút. Trường hợp nặng có thể gây co giật do hạ canxi máu.
- Thừa canxi: Thai nhi có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời thóp bị kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Khi thừa canxi, bánh nhau sẽ bị tăng độ canxi hóa, làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, làm thai kém phát triển. Người mẹ sẽ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, tăng dấu hiệu khát, chán ăn, mệt mỏi, tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận.
Bác sĩ – Thạc sĩ Phan Bích Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khám – Tư vấn Dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng
Nếu việc cung cấp canxi trong thai kỳ không đầy đủ, cơ thể sẽ huy động canxi dự trữ xương và răng của mẹ để đảm bảo lượng canxi cho thai, dẫn đến các triệu chứng chuột rút, đau mỏi cơ, nhất là ba tháng cuối, dẫn đến tình trạng loãng xương, hư răng ở mẹ sau sinh.
Đối với thai nhi, thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến việc tạo xương và các mầm răng ngay từ trong giai đoạn bào thai, gây nên những khiếm khuyết về xương và răng (có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành).
Trẻ sinh ra đã có dấu hiệu thiếu canxi như mềm hộp sọ, thóp trước và thóp sau rộng. Trẻ có các cơn khóc tím tái cho do thắt, thậm chí bị co giật do hạ canxi huyết.
Dù hội chứng thừa canxi do khẩu phần ăn quá nhiều canxi là rất hiếm, nhưng nếu thai phụ bổ sung quá nhiều alkali (kiềm) hàng ngày (hội chứng sữa kiềm – milk alkali syndrome) thì có thể xảy ra tình trạng thừa canxi, bao gồm các dấu hiệu: co cứng cơ, táo bón, đi tiểu nhiều, buồn nôn, rối loạn trí nhớ, hôn mê và có thể tử vong.
Việc bổ sung quá nhiều canxi cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu một số yếu tố vi lượng cần thiết khác, đặc biệt là sắt.
Nếu thường xuyên sử dụng sữa và chế phẩm sữa hàng ngày mà muốn dùng thêm canxi dạng thuốc, các bà bầu cần có chỉ định của bác sĩ.
Thiếu máu, thiếu sắt được xem là liên quan đến ¼ trường hợp tử vong ở thai phụ, sản phụ, làm gia tăng các tai biến sản khoa, nhất là tai biến do xuất huyết sau sinh. Bổ sung sắt bằng chế độ ăn sẽ dễ kiểm soát và an toàn hơn bổ sung dạng thuốc.
Tuy nhiên, các bà bầu vẫn thường phải dùng thêm sắt dạng thuốc, nhưng nếu tự bổ sung mà không có chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến thừa sắt, gây tổn thương các cơ quan như: xơ gan, đái tháo đường do rối loạn chức năng tụy, rối loạn chức năng tim mạch.
Thừa sắt, mẹ có thể bị sạm da, xơ gan
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Thiếu canxi khi mang thai sẽ khiến cho cơ thể người mẹ dễ bị mệt mỏi, thoái hóa xương sớm, mọc gai xương, lõm xương và gây mất xương.
Người mẹ còn bị tổn thương răng, mẻ răng, vỡ răng, đau lưng và đau hông. Còn thai nhi sau khi chào đời sẽ bị còi xương, xương mềm.
Thừa canxi khiến hoóc môn tạo nồng độ canxi trong máu người mẹ cao. Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ uống ít nước, canxi không đào thải được qua nước tiểu, có thể gây sỏi thận, ngoài ra còn gây tổn thương đường ruột, ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Khi mang thai, nếu bà bầu bị thiếu sắt sẽ dẫn đến đẻ non, dị dạng bào thai. Vì thế, trong những tháng đầu thai kỳ, các bác sĩ khuyến cáo các bà bầu phải uống sắt đầy đủ. Nhưng nếu thừa sắt thì lại ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn cả con.
Nếu mẹ uống thừa sắt và đứa trẻ hấp thu chất từ cơ thể mẹ bị dư thừa thì khi chào đời mông thường bị xanh từng mảng. Tuy nhiên, đây là triệu chứng lành tính và sẽ tự hết khi bé lớn. Còn cơ thể mẹ nếu thừa sắt có thể bị nhiễm sắt ở một số bộ phận như gan, khiến gan bị xơ cứng như đá, hoặc gây sạm da.
(Tổng hợp)