Các loại bánh đặc sản miền Trung

Các loại bánh Huế, bánh bột lọc... là những món ăn ngon mà du khách không thể bỏ qua khi đến miền Trung.




Các món bánh ngon Miền Trung


Bánh bèo xứ Huế

- Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, xứ Huế mang trong mình một nét đẹp cổ kính của kinh thành xưa. Bên cạnh phong cảnh hữu tình, người dân giản dị, bạn còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực phong phú mang nét đặc trưng tại vùng đất này.
Bánh bèo đã trở nên quen thuộc khắp các vùng miền nhưng khi đến Huế thưởng thức món này bạn vẫn sẽ cảm nhận được cái “chất” rất riêng tại đây. Bánh bèo được đổ trong những cái chén nhỏ với lớp bột mỏng và thêm một ít tôm cháy cùng hành bên trên bề mặt như cánh hoa trông rất thích mắt. “Chất” làm nên thương hiệu bánh bèo Huế có lẽ phải nói đến nhị tôm cháy, tóp mỡ giòn rụm và nước chấm. Nước chấm được chế biến với nước mắm, đường, ớt…một chút cay hòa quyện với vàng rụm của tóp mỡ và mùi thơm của hành để làm món ăn thêm đậm đà níu giữ những ai trót thưởng thức bánh bèo chén nơi này.




Bánh bèo, món ăn thân thuộc của người Huế


Món bánh khoái đặc trưng

Đến với Huế, bạn cũng không thể nào bỏ qua món bánh khoái đặc trưng của vùng này. Bánh được làm với bột gạo nguyên chất và được tráng trên khuôn nhỏ. Nhân bánh là sự hòa quyện từ thịt heo băm với tôm cùng nấm xé nhỏ thêm một ít giá sống đã tạo ra món bánh khoái vàng rum, giòn được ăn kèm với rau sống, nước lèo nữa thì ngon tuyệt. Nước lèo được chế biến rất đặc trưng từ gan heo, tương đậu nành, đậu phộng, mè và các loại gia vị thêm một chút mắm ruốc đem đến cảm giác vừa béo ngậy, vừa ngọt dịu khó quên cho thực khách. Cái cảm giác vừa ăn vừa hít hà hơi sảng khoái là đặc điểm khi được thưởng thức món bánh này.
Bánh Nậm cũng được làm từ bột gạo với hình dáng chữ nhật được dát mỏng thanh thanh. Trên bề mặt bánh được điểm xuyết một ít tôm đỏ ửng và được gói bằng lá chuối. Mở lớp lá ra mùi thơm thoang thoảng từ lá, vị béo béo của bánh sẽ cuốn hút mọi thực khách. Rưới nước mắm mặn đều lên bánh rồi dùng đũa xắn thành từng miếng vuông vức. Bánh làm bằng bột gạo nên mềm và dễ tan ngay trong miệng tạo nên một cảm giác thú vị cho thực khách.




Bánh bột lọc ở Huế có 2 dạng: bánh bột lọc luộc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần. Tuy khác nhau về hình dáng nhưng cả hai đều rất cầu kì trong cách chế biến và tùy thuộc vào sự khéo tay của mỗi người thợ làm bánh. Nhân bánh màu đỏ ửng của tôm luộc nhanh chóng bắt mắt thực khách, cùng một tí thịt heo ăn với nước mắm vừa miệng đem đến cho bạn nhiều cảm giác tuyệt vời về món ăn “rặt” Huế này.



Bánh bột lọc trần


Loại bánh bột lọc đc gói trong lá
Quảng Nam trầm mặc

Rời khỏi Huế, đi xuống phía nam là chúng ta đến Quảng Nam - Đà Nẵng. Và sẽ thật thiếu xót nếu bỏ qua món bánh đập khi đến vùng đất này. Bánh tráng ở đây gồm 2 phần gồm: lớp bánh tráng nướng mỏng được trải bên trên là lớp bánh tráng mỏng mềm phía trong. Khi ăn, bánh tráng sẽ được đập nhẹ cho vỡ ra từng mảng, rồi dùng với mắm nêm hay mắm cái cùng mỡ hành đem đến cảm giác thơm ngon và lạ miệng. Độ giòn của bánh cũng như vị vừa miệng của nước chấm, béo ngậy làm thực khách khó lòng dừng lại được.


Bánh Đập ăn rất vui


Bánh đậu xanh này chỉ có ở Hội An
Cũng như ở Hải Dương, bánh đậu xanh tại Hội An cũng làm nên thương hiệu riêng và trở thành đặc sản của vùng đất này. Bánh đậu xanh ở đây có hình dáng tròn hoặc vuông với hương vị đa dạng của bánh. Bánh đậu xanh Hội An có hai loại: bánh đậu xanh ướt và bánh đậu xanh khô. Bánh đậu xanh ướt cũng tương tự như bánh ở Hải Dương, nhưng bánh có độ dẻo vừa phải, không bị tan ngay khi vào miệng. Còn bánh đậu xanh khô lại mang hơi thở đặc trưng của vùng đất này. Bánh được nén với lớp nhân thịt ở phía trong. Vị ngọt, giòn và béo của bánh làm cho nhiều người cảm thấy thích thú khi được thưởng thức lần đầu tiên. Hãy đến và thưởng thức những chiếc bánh độc đáo vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm, vừa giòn.

Bình Định mặn mà

Rời Quảng Nam - Đà Nẵng để đến với đất võ Bình Định. Tới đây, bạn hãy thưởng thức ngay món bánh hỏi nổi tiếng. Bánh hỏi tại đây được làm từ bột gạo cũ nên lớp bánh mềm và mỏng. Bánh thường được xếp vào rổ tre có xếp lá chuối ăn kèm với thịt heo luộc. Cuốn bánh tráng và dưa leo thái mỏng thêm một chút hẹ rải lên trên bề mặt với nước mắm hay mắm nêm là bạn có thể thấy cái độc đáo của món ăn này.


Bánh hỏi Lòng Heo nổi tiểng

Từ xứ trầm hương Khánh Hòa đến đất Bình Thuận thì các món ăn mang vị đậm đà của biển. Đặc trưng trong đó bánh căn và bánh xèo được mọi thực khách gần xa biết tới và ưa thích.
Cái đậm đà của bánh căn không chỉ dừng lại ở độ giòn và độ dẻo của bánh mà còn từ các loại nước chấm được pha chế rất riêng tại mỗi vùng. Nước chấm được làm chủ yếu từ cá tươi – món đặc sản tại xứ biển nên hương vị mặn, đậm đà. Hoặc không còn có thể dùng thêm mắm nước, mắm nêm, mắm ruột ăn cho lạ miệng. Thật ngon khi thưởng thức bánh nóng giòn với chén nước mắm đầy mở hành đúng chất của món này.


Bánh căn ngon là bánh vừa giòn, dẻo và nước chấm cũng phải ngon nữa
Không kém gì bánh căn, bánh xèo cũng là món được nhiều người ưa thích bởi nguyên liệu đa phần là hải sản tươi nguyên từ biển hòa với nước chấm pha hơi chua chua ngọt ngọt. Món bánh này được dùng kèm với rau sống thì thật là tuyệt cú mèo. Miếng bánh nóng và ngọt thịt với lớp nhân hải sản phía trong, pha trộn với vị mắm dịu nhẹ và rau sống nhai giòn thật đã miệng.

Các món bánh ngon Miền Trung bình dị và đơn giản như chính con người nơi đây nhưng luôn để lại lưu luyến mọi thực khách gần xa khi được thưởng thức. Các món bánh tại vùng đất này đa dạng về hình thức cũng như độc đáo trong cách chế biến đã thực sự đem lại cho thực khách một cảm giác khó quên khi trót nếm qua.

Bánh Tết cổ truyền không thể thiếu ở miền Trung


Người miền Trung rất thích ăn bánh trong dịp Tết vì thế họ chế biến rất nhiều loại bánh mỗi độ Tết đến xuân về... Dưới đây là 6 loại bánh truyền thống không thể thiếu trên đĩa bánh tết miền Trung.
 

1. Bánh lá răng bừa xứ Thanh
 
 
Trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền, tuy có rất nhiều thức ăn ngon nhưng luôn có thêm đĩa bánh lá răng bừa (chiếc bánh nhỏ, thon như răng của chiếc bừa) bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi hành mỡ, lá chuối thật hấp dẫn.




Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối vừa đủ. Nếu làm bánh lá răng bừa để lễ chay hoặc đi lễ chùa thì nhân bánh được làm bằng lạc hoặc đậu.
Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá răng bừa bằng ngón tay trỏ hoặc như những chiếc răng bừa xinh xắn được xếp ngay ngắn vào nồi, sau đó đổ nước đun sôi rồi luộc chín.
2. Bánh Tổ
Bánh tổ được nhiều người miền Trung nói rằng có từ vua thời Lê Thánh Tôn. Khi đó, những người từ miền Bắc di cư vào vùng đất mới Quảng Nam nhớ về quê cha đất tổ, nên vào dịp tết họ làm một loại bánh bằng chất liệu sẵn có tại địa phương dâng cùng tổ tiên, tạ ơn trời đất.
 
 




Bánh tổ, có nơi gọi là bánh ổ, được làm từ đường đen và nếp hương. Đường đen là loại đường bát, cứng, sản xuất từ các lò đường thủ công trong làng, còn nếp chọn loại dẻo, thơm ngon.
3. Bánh in
Bánh in giống bánh khảo ở miền Bắc. Được làm từ gạo nếp xay mịn, sau đó mang đi phơi sương cho có độ ẩm thích hợp. Tiếp đó, đường bát cũng được nạo thành bột mịn, trộn đều vào bột bánh. Nhẹ tay úp khuôn bánh lên nong, nia có lót giấy hoặc lá chuối cho sạch, để lấy bánh ra.
 


Để bánh được cứng hơn, có thể phơi một nắng, hoặc dùng than củi nướng qua một lần, bánh sẽ cứng hơn và có mùi thơm hòa quyện của đường và nếp. Nay, phổ biến là bánh in có trộn thêm bột đậu xanh. Cũng có loại bánh in chỉ làm hoàn toàn bằng bột đậu xanh đã được rang chín xay mịn, trộn với đường đã thắng keo lại.
4. Bánh gừng
Bánh gừng nhưng không phải làm từ gừng mà người làm bánh chỉ nặn giống hình củ gừng. Bánh được đem chiên dầu cho phồng lên và có màu vàng như màu gừng.
 



 
Người ta cắm những củ gừng ấy vào tăm tre nhỏ rồi đem đặt thành hình tháp chung quanh một cái lõi làm bằng thân cây chuối. Tất cả đặt trên chiếc mâm gỗ trông như một khối tháp, toàn khối như vậy gọi là "quả bánh gừng".
5. Bánh su sê Huế
Được làm bằng bột sắn có nhân đậu xanh với dừa hay tôm chấy (tôm chấy là tôm tươi được rang xát cho nhỏ tơi ra), gói lá dừa đem hấp cách thủy.
 


Nếu như chiếc bánh ở ngoài Bắc có hình hơi tròn dẹt và được gói trong giấy bóng kính trang kim màu vàng hoặc đỏ, ăn hơi nhão và có vị của phẩm màu; thì ngược lại, bánh phu thê Huế lại được đóng khuôn trong những chiếc hộp lá dừa xinh xắn, thanh nhã, đáng yêu và ăn có vị giòn mát, thơm ngọt hấp dẫn.
6. Bánh măng
 


Bánh măng làm bằng măng tươi thái chỉ đem rim kỹ với đường, nấu lẫn với bột nếp. Sau đó cắt miếng, phủ lớp bột hoàng tinh bên ngoài rồi bọc bằng giấy bóng.'

MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

20 món ngon không nên bỏ qua ở miền Trung


1. Bún bò Huế

Ai từng ăn bát bún bò Huế sẽ không quên được cái vị cay xé lưỡi của nó. Ớt được người bán cho một ít vào trong nước dùng, ngoài ra trên bàn ăn luôn có nhiều loại ớt cho bạn lựa chọn như: ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát... Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.

2. Cơm hến

Tô cơm hến vừa thơm, vừa có vị ngọt của hến, của nước luộc hến. Có thể nói cơm hến là món ăn cay nhất trong ẩm thực Huế, vừa ăn vừa xuýt xoa, ăn đến đâu mồ hôi chảy ra đến đấy, nhưng với người Huế như vậy mới đã, mới thấm và mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của món ăn.

3. Mì Quảng

Đặc điểm của món ăn này là nước lèo phải sánh và rất ít chỉ đủ thấm và quyện vào từng sợi mì và làm mềm những món rau ăn kèm. Ăn kèm với bánh tráng (bánh đa) cùng các loại rau như xà lách, bắp chuối, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, mùi và một trái ớt sừng, những nguyên liệu đó hòa quyện vào nhau làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.

4. Cao lầu

Có hình thức giống với mì Quảng nhưng cao lầu là một món ăn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt của mình. Một bát cao lầu đầy đủ gồm có sợi mì tươi, một ít sợi mì khô chiên giòn, thịt lợn thái lát và ít nước dùng. Nước dùng của cao lầu chính là nước tiết ra từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, đun trên bếp, nước dùng có vị hơi ngọt, đậm đà và thơm ngon. Không như những món ăn của miền Trung khi ăn kèm với rất nhiều loại rau, đĩa rau sống của cao lầu đơn giản với cải non và rau đắng.

5. Don Quảng Ngãi

Nghe tên có vẻ lạ nhưng món ăn này lại rất đơn giản, chỉ gồm một tô nước có một ít don, hành tây và một bánh tráng gạo nướng giòn cùng những trái ớt xiêm xanh đặc trưng. Khi ăn bạn phải vừa ăn, vừa húp nước mới có thể cảm nhận hết được cái vị ngọt của nước, cái giòn mềm của bánh tráng nướng cùng cái vị cay xè của ớt xiêm tạo nên một món ăn lạ miệng.

6. Cơm gà Tam Kỳ

Mảnh đất Tam Kỳ (Quảng Nam) đã gắn liền với món cơm gà. Gạo và nếp được trộn lẫn chung với nhau để nấu cơm là đặc trưng của món ăn này. Gà không được thái thành từng lát mà được xé nhỏ, bóp với hành tây, rau răm, rau thơm, ngò cùng ít gia vị cho đậm đà.

7. Các loại bánh Huế

Đến với cố đô Huế, du khách không thể bỏ qua những món bánh nổi tiếng ở đây. Có thể kể ra đây tên một vài loại bánh quen thuộc như: bánh bèo chén, bánh ram ít, bánh phu thê, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh ướt...

8. Bún chả cá

Bún chả cá là món ăn nổi tiếng của người miền Trung với nhiều thương hiệu như: bún chả cá Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang... Món ăn đơn giản với nước dùng trong, chả cá và những sợi bún loại nhỏ xíu. Nguyên liệu để làm chả cá thường là cá thu, cá mối, cá cờ… Đặc biệt, khi ăn bún chả cá phải ăn kèm với tương ớt cùng đĩa rau sống thái nhỏ với rất nhiều loại rau như xà lách, rau thơm, húng quế, bắp chuối thái nhỏ, giá…

9. Bún cá dầm Nha Tran

Bún cá dầm là món ăn bình dị của thành phố biển. Được nấu với cá dầm, là loại cá đặc sản nổi tiếng ở vùng biển Khánh Hòa. Cá còn sống được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, thịt cá được thái thành từng khúc vừa ăn. Nước dùng không nấu từ xương heo mà từ xương của các loại cá như cá thu, cá cờ hoặc mua các loại cá nhỏ về ninh để lấy nước. Nhờ đó nên nước dùng có vị ngọt thanh rất tự nhiên, không lẫn vào đâu được.

10. Bánh canh cá lóc

Đây là món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Trị... với nguyên liệu chính là sợi bánh canh làm từ bột gạo và cá lóc. Cá lóc được làm sạch, luộc chín, lóc hết xương, rim lên vàng ươm. Thịt cá lóc có tính hàn, ăn vào có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe của người dân ở vùng đất quanh năm khô hạn và đầy nắng gió này.

11. Bánh canh chả cá

Nha Trang, Phan Rang là những địa điểm gắn liền với món ăn này. Chả cá là nguyên liệu chính, thường là cá chuồn, các mối, cá chỉ vàng, cá nhồng... nhưng nổi tiếng hơn cả là cá cờ hay cá thu. Một bát bánh canh nghi ngút khói, vài lát chả cá chiên, thêm tí hành ngò, một ít hành phi, tiêu là đủ cho một bữa ăn ngon. Du khách có thể vắt vào một ít chanh, một tí mắm ớt cho bát bánh canh thêm đậm đà.

12. Bún sứa

Đến thành phố biển Nha Trang, bún sứa là món ăn mà du khách không thể bỏ qua. Sứa để làm bún là loại nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu trắng đục, mình dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Bát bún sứa nghi ngút khói với lớp bề mặt đầy thịt sứa giòn rụn và những khối nhỏ thịt nạc cá dầm trông rất thơm. Du khách sẽ thấy thêm ngon khi ăn kèm với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm… Chút ớt đỏ the cay sẽ tô điểm cho hương vị món ăn thêm đặc sắc.

13. Bún cá ngừ

Bún cá ngừ um là món ăn bình dân của người dân miền Trung. Món ăn này được chế biến rất đơn giản, vài lát cá tươi, hành tây thái mỏng, ớt trái. Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi và đặt lên bếp, để lửa hơi lớn. Sau khi thấy nồi cá sôi thì cho nhỏ lửa để gia vị thấm đều vào từng thớ thịt cá. Một đĩa rau gồm xà lách, bắp chuối thái mỏng, vài cọng húng quế, giá sống, đĩa bún tươi, chén ớt xanh... là đầy đủ cho một bữa ăn ngon.

14. Bánh đập

Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... là những địa phương gắn liền với món ăn này.  Bánh đập là sự kết hợp giữa bánh tráng nướng, bánh ướt, ăn kèm với thịt nướng hoặc bạn có thể ăn với thịt luộc hay lòng lợn... cùng chén mắm nêm với vị cay đặc trưng của người dân miền biển. Cái giòn rụm của bánh tráng, cái mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong cái đậm đà của mắm nêm, miếng thịt nướng chín vàng, thơm phức đem lại cảm giác ngon miệng thích thú.

15. Bánh căn

Đây là một loại bánh rất nổi tiếng của các tỉnh ven biển miền Trung, có hình dáng gần giống với chiếc bánh khọt của người miền Nam. Nhân của bánh căn rất phong phú và đa dạng, có nhiều loại như: thịt, trứng, nấm, mực, tôm... Ăn kèm là rau sống các loại cùng nước chắm như: mắm nêm, nước mắm chua ngọt... 

16. Bánh xèo

Khác với bánh xèo miền Nam khá to, bánh xèo của người miền Trung có kích thước khoảng bằng bàn tay người lớn, ít nhân, thường chỉ là một con tôm nhỏ, hoặc vài ba lát thịt, mực.. thêm một ít giá tươi. Bánh hấp dẫn người ăn bởi hương vị thơm ngon, vị đậm đà của chén nước chấm ăn kèm với rau sống.

17. Nem chua

Nem chua như là một món quà dành tặng du khách của người miền Trung. Những thương hiệu như nem chua Bình Định, Phú Yên hay Khánh Hòa không chỉ vang danh trong nước mà còn được biết đến ở nước ngoài. Màu hồng của nem được gói chặt trong lớp lá ổi, lá chùm ruột, lá chuối... luôn có một sức hấp dẫn rất riêng với du khách.

18. Nem nướng (lụi)

Nem nướng là món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung như Nha Trang, Huế... Thành phần chính là nem, được làm từ thịt lợn tươi vừa mới mổ xong. Thịt được rửa sạch, xay nhuyễn rồi nêm gia vị vừa ăn, vo thành từng viên dài quanh que tre nhỏ và nướng chín trên bếp than hồng. Dùng một lát bánh tráng mỏng, cho lên trên một lát xà lách, chuối chát, khế, đồ chua, lát nem nướng và vài miếng bánh tráng ngọt chiên giòn, cuộn tròn lại chấm vào nước lèo.

19. Gỏi hải sản

Đến miền Trung, du khách đừng quên thưởng thức những món gỏi thơm ngon được chế biến từ hải sản. Nổi tiếng nhất phải kể đến gỏi cá mai, gỏi cá chuồn, gỏi sứa hay gỏi cá trích... Trong những ngày hè trời nóng, được thưởng thức hương vị thanh mát của những món ăn này thì không còn gì bằng.

20. Các loại hải sản

Miền Trung là thiên đường của các loại hải sản với đủ món vừa lạ vừa ngon. Ngồi ngắm hoàng hôn trên biển, nhâm nhi những con ốc nướng bên cạnh người thân và bạn bè là một trải nghiệm thật thú vị mà du khách sẽ được trải qua khi đến đây.


Cách làm nhân bánh bèo miền trung
Làm bánh bột lọc trần đậm chất miền Trung
Hướng dẫn làm bánh bèo chén miền Trung
Cách làm bánh xèo thơm phưng phức
Cách làm bánh khọt miền Nam
Cách làm bánh đúc lá dứa



(ST)