Những món dân dã mang đậm dấu ấn đồng quê được làm từ những hạt gạo, củ sắn, củ khoai,... gắn liền với thời kỳ khẩn hoang đã trở thành đặc sản Nam Bộ.
1. Bánh khoai mì
Từ một thời khốn khó, cùng với khoai lang, khoai mì (khoai sắn), trở thành phụ liệu cho món cơm độn làm no lòng cả một thế hệ. Hiện nay, thứ bánh dân dã này có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm ở thành phố Cần Thơ. Thong dong ra Bến Ninh Kiều hóng gió hay dạo chơi trước cổng trường học, men theo các con đường, ghé thăm các hẻm nhỏ... đâu đâu người ta dễ dàng bắt gặp món bánh đồng quê ấy.
Cách làm bánh khoai mì khá đơn giản, khoai mì luộc chín, cho vào cối quết thật dẻo với dừa tươi xắt sợi.Khi hỗn hợp quánh mịn thì dàn ra mâm, để se mặt rồi cắt nhỏ. Miếng bánh nhỏ xinh ấy được nướng trên bếp than hồng cho đến khi vàng ươm hai mặt và tỏa mùi thơm quyến rũ.Cái dẻo quánh của sắn hòa với vị béo ngậy sần sật của dừa tươi vừa dân dã lại vừa đậm đà khó quên.
2. Bánh căn Nam Trung Bộ
Nguyên liệu để làm bánh cũng rất đơn giản, gồm: bột gạo, mỡ hành và nước chấm. Tuy nhiên, để có thể làm được món bánh ngon phải tốn khá nhiều công sức và có bí quyết riêng. Thông thường, để cho bánh xốp, dai, giòn, người ta thường dùng gạo cũ, ngâm qua đêm. Bí quyết nằm ở chỗ khi xay gạo, phải trộn thêm vào chút cơm nguội, bánh ngon hơn.
Gắp một miếng bánh phủ lớp mỡ hành màu xanh, cho vào chén nước chấm, màu trắng của bánh kết hợp với sắc vàng nhè nhẹ của trứng hay chút hồng nhạt của tôm… làm thực khách chưa ăn đã thấy thèm. Cắn miếng bánh, bạn cảm nhận cái giòn tan của vỏ bánh, độ dai của nhân bánh, vị đậm đà của nước chấm hòa trong vị cá kho.... Có lẽ nhờ vậy mà món bánh căn, đặc sản của nơi này, được nhiều khách du lịch nhắc mãi chỉ sau một lần nếm thử!
3. Bánh thốt nốt
Du khách đến chùa Hang (Kiên Giang) được trẻ em người Khmer ở đây mời mua một loại bánh đặc sản của vùng đất này: bánh thốt nốt được đặt trong những chiếc rổ tre, trông rất xinh xắn. Bánh thốt nốt là loại bánh dân dã của người Khmer Nam bộ. Chỉ có bà con Khmer mới có thể làm ra chiếc bánh ngon và đậm đà hương vị.
4. Bánh bò
Bánh bò là món ăn quen thuộc đối với người miền Nam, có mặt trong nhiều lễ tết như tiệc cưới, hỏi, sinh nhật, đám giỗ…Tên bánh bò cũng xuất phát từ hình dạng của bánh, khi hấp trên xửng, bánh chín nở bung, bò lên trên miệng chén nên gọi là bánh bò.
Nguyên liệu chế biến gồm bột gạo, bôt năng, nước cơm rượu, dừa nạo, đường, lá dứa, dầu ăn, muối, mè, vừng lạc. Người ta có thể tạo ra những chiếc bánh bò có hình dạng như chiếc lá, bông hoa. Và ngày nay để giảm bớt sự phức tạp của công đoạn làm bánh, người ta thường dùng bánh men hoặc bột nở thay thế cho việc ủ bột với nước cơm rượu trong 12 giờ.
5. Bánh khọt
Dù xuất hiện ở nhiều nơi với nhiều tên gọi, nhưng người dân Cà Mau đã quen gọi đây là bánh khọt.
Muốn có bánh ngon phải ngâm gạo trước, sau đó xả lại nhiều nước cho hạt gạo trắng, trộn vào chừng một chén cơm (để nguội) và một ít dừa nạo (để nguyên xác) xay chung tất cả bằng cối đá. Khi có được thau bột mịn, lỏng vừa thì nêm nếm gia vị, để hành xắt mịn, tiêu… khuấy đều. Nhờ trộn cơm và dừa xác nên cái bánh “ra lò” vừa xốp vừa dai, lại béo rất thơm ngon. Có thể ăn bánh với rau sống, dưa leo hoặc chỉ ăn với nước mắm chua cay thôi cũng được, nhưng phải ăn nóng.
Hình ảnh các mẹ, các chị ngồi bên khuôn đất, chăm chú chiên từng cái bánh khọt nhỏ bao giờ cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng thực khách.
6. Bánh tét
Ở miền Trung, bánh tét hầu như giống nhau theo công thức chung: bánh nếp nhân đậu, chuối… khi vào Nam lại biến hóa rất nhiều loại theo nguyên liệu của từng nơi và sự tinh tế, cầu kỳ trong chế biến. Đỉnh cao tinh tế của bánh tét được làm ra từ những nghệ nhân Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho.
Nếp làm bánh ở đây thường được xào nước cốt dừa trước khi gói để tăng vị béo và rút ngắn thời gian nấu. Có nơi pha đậu đen trong nếp để tạo vị bùi và tạo màu nâu sậm. Nhân bánh có nhiều loại: nhân mặn đậu xanh, thịt mỡ hay ba rọi. Ngọt có loại chuối, đậu xanh nấu ngọt. Nhưng nét độc đáo của bánh miệt vườn này là hình dạng bên trong của bánh.
Thông thường phải mất từ 4-5 tiếng để nấu một nồi bánh tét, muốn bánh tét “ăn lâu” khi gói phải buộc thật chặt. Khi bánh chín, cắt ra một khoanh sẽ thấy sự phối màu thật đẹp mắt: bên trong khoanh bánh màu tím thẫm là một chút màu vàng của đậu, màu trắng của mỡ, màu hồng của thịt nạc, màu đỏ cam của tròng đỏ trứng vịt muối. Trung bình một đòn bánh tét lá cẩm có thể để trong năm ngày đến một tuần, nếu muốn để lâu hơn thì phải cất vào ngăn đá tủ lạnh, khi ăn đem ra “hấp lại” bánh tét vẫn ngon như mới nấu.
7. Bánh lá
Ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi những vùng nông thôn hẻo lánh, xa chợ búa, khi có khách đến nhà thăm chơi, ngoài các món ăn, nhậu dân giã như chuột, ếch, lươn, rắn, cua đồng, người ta hay đãi khách tráng miệng, hoặc ăn chơi bằng món bánh lá làm bằng bột gạo.
Bánh lá còn được gọi là bánh cục, bánh nắn, vì bánh được nắn chủ yếu từ bột trên những chiếc lá đủ hình thức. Để bánh được mềm và dẻo, bao giờ người làm bánh cũng chọn gạo mới (lúa vừa được thu hoạch và đem đi xay thành gạo) và ngâm qua đêm, sáng hôm sau đem đi xay bột. Dùng cái bồng tương tự như chiếc túi lọc, họ cẩn thận cho bột đã xay vào lọc nước, đặt bên dưới nắp cối xay để lấy được lớp bột mềm và mịn - thành phần chính để làm nên chiếc bánh. Pha một ít nước cốt lá dứa hoặc lá mơ vào bột - tạo nên hương vị đặc trưng chỉ có ở bánh lá.
8. Bánh xèo
Trong tiến trình khẩn hoang, những lưu dân từ miền Bắc, Trung Bộ vào Nam đã giản lược những món ăn bản quán theo cách cởi mở phóng khoáng: cái bánh xèo Trung Bộ phải đúc trong khuôn, vào Nam được đổ thoải mái trong bất cứ chảo nào.
Bột bánh xèo được làm từ bột gạo ngon xay nhuyễn trộn nước cốt dừa theo tỷ lệ vừa khéo để bánh vừa giòn vừa dai, thơm ngậy vị dừa mà không quá béo. Bánh muốn giòn và ngon thì bột phải được đổ thật mỏng đều khắp mặt chảo. Vì bánh mỏng và chín khá nhanh nên phải làm đều tay, thuần thục, chỉ cần lấy ra hơi sớm bánh sẽ còn mùi bột, mà để hơi quá chín bánh sẽ bị nhão.
Dưới bàn tay khéo léo của đầu bếp món bánh xèo hiện ra giống như một tác phẩm nghệ thuật của mùi, vị. Nước chấm đi kèm cũng được pha chế rất khéo từ nước mắm và gia vị, có sắc chua the của chanh hoặc dấm và phảng phất vị cay nhẹ của ớt đem đến hương vị rất quen mà lạ.
9. Bánh phồng cá linh
Con cá linh luôn là nỗi nhớ mong, là hoài niệm tuổi thơ đối với cư dân đồng bằng, luôn cuốn hút các bà nội trợ phải mua cho bằng được về chế biến món ăn. Cá linh chế biến được nhiều món ăn ngon như: cá linh kho lạt, kho khô, kho mía, kho bứa, làm chả, nấu canh chua bông điên điển, nhúng lẩu mắm…, nhưng đáng ghi nhớ nhất về sự sáng tạo trong việc chế biến món ăn của các bà nội trợ miệt vườn nơi đây là món bánh phồng cá linh.
Làm món bánh phồng cá linh rất dễ nhưng tốn công một chút. Vị ngọt, béo, giòn, và mùi thơm đặc trưng của cá linh xông lên tận mũi ăn kèm bánh phồng giòn tan. Thêm một cốc bia lạnh vào nữa, du khách sẽ luyến nhớ mãi một món ăn đầy hấp dẫn của quê hương miền Tây mùa nước nổi.
10. Bánh ít
Cái tên “bánh ít” ra đời gắn liền với chuyện cổ ngàn xưa, khi chàng Lang Liêu - con trai của Vua Hùng thứ 6 – là người chiến thắng trong cuộc thi dâng lễ vật cúng đất trời với bánh chưng và bánh dày, còn nàng công chúa út vốn rất nhu mì, khéo léo trong công việc bếp núc đã nảy ra sáng kiến làm kiểu bánh mới mang hương vị của cả hai loại bánh này.
Ngoài xay bột, giằn bột cho ráo, người ta còn xay đậu xanh cho giập làm đôi, ngâm nước để tách vỏ trước khi luộc cho chín mềm và khô đặt lại đến khi vò viên không dính tay. Lá gói bánh ít được thoa một ít mở hay dầu ăn để khi bóc bánh ra vừa đẹp, vừa không bị dính vào lá.
Thời gian đi qua, bánh ít cũng lùi dần vào quá khứ. Sẽ có rất nhiều đứa trẻ ngày nay vẫn chưa được nếm thử mùi vị của chiếc bánh ít vì quen với những chiếc bánh Tây. Còn đối với những ai từng ở thôn quê, từng trải qua một thời khó khăn chung của đất nước thì chắc hẵn hương vị của bánh ít nhưn đậu, nhưn dừa hay bánh ít trần nhưn mặn sẽ mãi đọng hoài trong ký ức mình - Đó là cái hồn quê còn giữ lại!