Các loại bánh gạo Nhật Bản hấp dẫn vô cùng

Bánh gạo thường được làm vào ngày lễ tết của đầu năm mới và đem dâng lên các vị thần mong sao vụ thu hoạch và làm ăn năm sau sẽ tốt hơn năm trước. Tại Nhật ngày lễ tết còn được gọi là toshigami, là một ngày đầu của một năm mới.


Phong tục làm bánh gạo ở Nhật


Người Nhật có một phong tục làm bánh thường được gọi là mochi (bánh gạo, bánh nếp)



Theo truyền thống, những người hàng xóm hoặc những người họ hàng sẽ nhận được mochi vào những ngày cuối của năm trước. Tại Nhật, rất ít các gia đình có các loại cối lớn, thường là những chiếc nhỏ của từng hộ gia đình. Chiếc cối còn được gọi là usu thường được sử dụng để giã gạo. Ở Nhật, bánh gạo thường được sử dùng nhiều tại các trường tiểu học và các nơi có nhiều trẻ em.
 


Khi làm bánh gạo thì mọi người sẽ phải dùng gạo nếp để làm bánh. Bánh gạo được thực hiện bằng cách lấy gạo nếp ngâm với nước 1 đến 2 tiếng rồi cho vào cối dùng chày giã nhuyễn và quánh lên thành một khối chất dẻo. Khi đã quánh, họ sẽ véo ra thành những viên nhỏ và bọc bên trong một chút đậu nành hoặc những viên đường đỏ khô, hay một chút khoai môn, dừa hoặc cốm, tùy theo khẩu vị của người ăn và vo viên lại, rồi cho vào nồi hấp cho đến khi bánh mềm ra.
 


Một số cách ăn bánh mochi là: phủ trên bánh một lớp đường trắng, bột đậu nành được làm từ đậu nành rang và nghiền nhỏ thành bột, ngâm bánh trong nước sốt đậu nành và gói lại với lá rong biển khô (nori) là có thể sử dụng.
 

 

Bánh Mochi nhân kem

Mochi là một loại bánh nếp nhân ngọt truyền thống của Nhật Bản, có ý nghĩa mang lại sự may mắn, vì vậy thường được dùng trong các ngày lễ cổ truyền như Năm mới, Trung thu... hoặc các dịp cúng thần linh. Bánh Mochi cổ điển được làm bằng bột gạo nếp nhân đậu đỏ, tượng trưng cho hồng phúc. Ngày nay, Mochi đa dạng hơn với nhiều loại nhân khác nhau cũng như những biến tấu về màu sắc và hương vị cho phần vỏ bánh, vì thế khay bánh Mochi trở nên đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, Mochi nhân kem thơm ngon và mát lạnh phù hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng đã vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản, được đón nhận ở khắp thế giới.
Trung thu năm nay, mình quyết định làm bánh Mochi để trải nghiệm một phong cách ẩm thực vừa lạ vừa quen. Lạ vì bánh mang hương sắc Nhật Bản, quen vì nó có cái gì gần gũi với bánh trôi, bánh dày của người Việt. Mình làm bánh Mochi kem tươi với ba loại nhân: đậu đỏ, trà xanh và dâu tây.
 


Chuẩn bị:
- 150g bột gạo nếp
- 20g bột nếp rang để làm bột áo
- 100g đậu đỏ
- 150g đậu trắng
- 100g dâu tây
- 1 tsp bột trà xanh nguyên chất
- 2 tsp bột trà xanh ngọt
- 50ml whipping cream
- đường phèn bột, tinh chất vani, nước lọc
Thực hiện:
Vì chỉ nên làm vỏ bánh khi nhân đã sẵn sàng nên phần nhân được thực hiện trước nhé.
1. Whipping cream cho vào ngăn đông khoảng 30 phút để sánh đặc lại (không để đông)
2. Đậu đỏ, đậu trắng rửa sạch, luộc mềm rồi nghiền mịn hoặc xay mịn. (Lưu ý: làm đậu đỏ, đậu trắng riêng biệt. Mình làm bằng đậu tươi, nếu các bạn làm bằng đậu khô thì nên ngâm nước trước cho mềm.) Dâu tây xay nhuyễn (mình mua dâu New Zealand, thiệt tình là lúc mới xay ra nhìn đỏ choét như tương ớt cũng hơi hãi nhưng đến khi trộn làm nhân và vỏ thì hóa ra màu rất đẹp).
- Đậu đỏ đã nghiền nhuyễn trộn đều với 1 tsp đường phèn bột + 1/2 tsp tinh chất vani
- Đậu trắng đã nghiền nhuyễn chia làm 2 phần: phần thứ nhất trộn đều với 1 tsp đường phèn bột và lượng dâu tây đã xay (trừ lại 2 tsp dâu để trộn bột làm vỏ bánh); phần thứ hai trộn đều với 1 tsp đường phèn bột và 1 tsp tinh chất trà xanh.
3. Đem các phần đậu đã trộn nguyên liệu sên kỹ với nhiệt nhỏ cho đến khi đặc lại. Để cho nhân nguội.
4. Lấy whipping cream ra khỏi tủ lạnh. Lấy từng phần nhân vo những viên tròn nhỉnh hơn trái tắc (quất) một chút, ấn lõm một lỗ để đổ kem vào và bọc lại. Tiếp tục làm cho hết nhân, cho vào hộp cất ngăn đông tủ lạnh.
5. Bột nếp trộn với 3 tsp đường phèn bột, chuẩn bị sẵn 1 ly nước và rót từ từ vào để trộn bột. Sở dĩ mình không nói lượng nước cụ thể vì còn tùy thuộc vào bột hút nước nhiều hay ít. Cứ rót ít một và trộn đều để đảm bảo bột vừa độ dẻo mịn (hơi nhão). Sau đó chia bột làm 3 phần: phần 1 để nguyên làm bánh nhân đậu đỏ; phần 2 trộn đều với 2 tsp dâu xay thành nước bột hồng nhạt; phần 3 trộn đều với 2 tsp bột trà xanh ngọt thành nước bột xanh nhạt (bạn có thể thay bằng tinh chất trà xanh với lượng ít hơn, khoảng 1/3-1/3 tsp). Tất cả đem hấp chín (dùng lò vi sóng hoặc hấp cách thủy).
Bột đã hấp chín chờ nguội bớt một chút rồi rắc bột áo (bột nếp rang) và nhào kỹ, cán mỏng vừa phải rồi cắt từng miếng vừa vặn để bọc nhân bánh (vừa lấy trong ngăn đông ra). Vỏ trắng thì bọc nhân đậu đỏ, vỏ hồng bọc nhân dâu tây và vỏ xanh bọc nhân trà xanh.
Bánh đã hoàn tất. Cho bánh vào ngăn mát tủ lạnh, khi nào thích ăn thì lấy ra. Nếu muốn bảo quản bánh lâu hơn thì cho vào ngăn đông, khi ăn chỉ việc lấy ra trước 20-30 phút (do bánh nhân kem tươi nên tuyệt đối không rã đông bằng lò vi sóng).



Bánh mochi trà xanh

Mochi là loại bánh truyền thống của người Nhật thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Mochi có nhiều loại nhân khác nhau như đậu đỏ, nhân kem, dâu tây... Còn dưới đây mình sẽ giới thiệu các làm mochi trà xanh nhân đậu xanh nhé! !

Nguyên liệu:

- Bột nếp: 100 g
- Sữa tươi: 100 ml
- Bột trà xanh: 2 thìa cà phê
- Bột ngô: 20 g
- Đậu xanh: 50 g
- Dầu ăn: 1 thìa cà phê
- Đường cát: 50 g (tùy thích)
- Dừa vụn: 1 ít

Cách làm:

Bước 1: Đậu xanh ngâm mềm, hấp chín, xay nhuyễn với đường. (tùy theo sở thích bạn cho đường tùy thích). Cho đậu xanh lên bếp sên lửa vừa với 1 thìa dầu ăn, khuấy liên tục cho đậu không bị khét, đến khi đậu không còn nhão, không dính tay là được. Tắt lửa, đợi đậu xanh nguội viên tròn.

Bước 2: Bột trà xanh hòa với sữa tươi cùng chút xíu nước. Nếu thích bánh đậm màu thì cho lượng bột trà xanh tăng lên.

Bước 3: Đổ bột nếp cùng bột ngô ra bát trộn cùng với bột trà xanh đã pha. Sau đó nhào bột thật nhuyễn thành một khối mịn, dẻo, không dính tay.

Bước 4: Chia bột thành từng phần bằng nhau, ấn bột dẹt ra rồi đặt nhân đỗ xanh vào viên tròn lại.

Bước 5: Lần lượt làm như vậy cho hết phần nguyên liệu rồi xếp vào xửng qua lớp giấy nến. Trên phần vung lên lót một lớp khăn mỏng để tránh nước rơi vào bánh.

Bước 6: Hấp chín khoảng 15 - 20 phút.

Bước 7: Bánh chín đợi nguội, rồi lăn bánh qua lớp dừa vụn.

Bước 8: Xếp bánh mochi trà xanh lên đĩa, bánh tươi dùng ngay, nếu muốn để dành thì chỉ cần cho vào hộp đậy kín, để nhiệt độ phòng trong khoảng 2 ngày, không nên cho vào tủ lạnh bánh sẽ bị cứng.

Chúc các bé thật vui với bánh mochi trà xanh nhân Trung thu nhé!
 

 Câc loại bánh Wagashi

Nếu có dịp tới đất nước Nhật Bản hay vào quán ăn người người Nhật, bạn nhớ thưởng thức bánh Wagashi để cảm nhận hương vị 4 mùa trong chiếc bánh nhỏ xinh này.



Ảnh minh họa

Wagashi là loại bánh xinh xắn người Nhật luôn yêu thích dùng trong các buổi trà đạo, tiệc cưới và làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

Wagashi xuất hiện nhiều trong các bữa tiệc trà.

Wagashi có tên phiên âm tiếng Việt là Hoa quả tử, nghĩa của cái tên  này là “vẻ đẹp tự nhiên”. Nguyên liệu để chế biến bánh Wagashi chính là bột nếp, hoa quả và nhân đậu đỏ. Sự xuất hiện của bánh Wagashi đã giúp cho những bữa tiệc trà đạo của người dân Nhật trở nên đậm đà và có ý nghĩa hơn.
Bánh Wagashi xuất hiện từ lâu nhưng chỉ cho tới cuối thời đại Taisho (1912 – 1926) thì cái tên này mới được sử dụng chính thức để phân biệt với sự thâm nhập ồ ạt của các loại bánh ngọt phương Tây.
Thưởng thức Wagashi không chỉ để no mà còn để thỏa mãn cả 5 giác quan của bạn. Với bàn tay khéo léo của những người thợ bánh, mỗi chiếc bánh là một bức tranh tuyệt đẹp mô tả thiên nhiên: lá cây, hoa quả, chim thú, mặt hồ với màu sắc thanh nhã đầy sự sáng tạo.
Nghệ thuật sáng tạo hình dạng của wagashi không hề thua kém sự sáng tạo trong thi ca, văn học hay bất cứ hình thức nghệ thuật nào của nền văn hóa Nhật Bản. Có thể nói, mỗi chiếc bánh Wagashi, qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, có thể "tái hiện" các tạo vật của tự nhiên một cách sống động và vô cùng tinh tế.
Vì Wagashi làm từ các loại đậu, ngũ cốc, rong biển và các loại thảo quả sấy khô, các nguyên liệu truyền thống, người thưởng thức có thể cảm nhận được mùi vị thiên nhiên thanh khiết với vị ngọt nhẹ nhàng, mát lạnh như tan ra trên đầu lưỡi.
Chưa hết, khi cầm trong tay chiếc bánh bạn sẽ cảm nhận sự mềm mại, độ ẩm, độ giòn khi cắt, cảm nhận độ tan của bánh trong miệng, tất cả mang lại cho bạn cảm giác tươi ngon và sự độc đáo của một tác phẩm ẩm thực.
Mỗi chiếc bánh là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế.

Nguyên liệu chính các loại đậu, ngũ cốc với đường làm từ mía góp phần tạo cho wagashi một hương thơm thanh đạm, nhẹ nhàng và dễ chịu nhưng không làm mất đi vị của đồ uống kèm. Vị ngọt thanh của Wagashi hòa quyện cùng vị đắng của trà xanh, tạo nên một vị khó tả, nhẹ nhàng lâng lâng khó có thể kiếm được ở bất kỳ món ẩm thực nào. Quả là một món ăn tao nhã.

Vì sử dụng nguyên liệu thiên nhiên nên bánh Wagashi có loại nhân tùy theo từng mùa làmnên bản sắc đặc biệt của loại bánh này.

Dưới đây là 12 loại bánh wagashi trong năm của Nhật Bản:

Tháng 1: Hanabira mochi
 
Bánh Mochi ăn vào dịp năm mới.

  Loại bánh gạo nếp Mochi này ăn vào dịp năm mới. Bánh gạo nếp có nhân bột Miso và rễ cây ngưu bàng ninh trong nước xi-rô. Cách làm này bắt nguồn từ việc làm bánh để phục vụ cho các lễ nghi đầu năm tại Cung điện.

Tháng 2: Kobai

 


Cái bánh nhỏ này có hình dáng giống như trái mơ Nhật Bản (ume) và trang trí cho giống với những cánh hoa ume nở vào đầu mùa xuân. Bánh dẻo được làm bằng bột đậu và bột lúa mạch đem hấp lên, tạo thành một màu đo đỏ rất đẹp.

Tháng 3: Hishi mochi
Bánh Hishi Mochi góp mặt trong ngày lễ hội búp bê Hina Matsuri.

Ba cái bánh gạo nếp, mỗi cái mỗi màu khác nhau, được dát mỏng ra rồi cắt thành những miếng hình thoi, đặt xếp lớp lên nhau. Thường được dùng để trang hoàng trong ngày lễ hội búp bê Hina Matsuri
 
Tháng 4: Hana-mi dango
Món bánh ngon cho những người ngắm hoa anh đào.

Những cái bánh dẻo ngọt này được làm bằng bột gạo nếp rồi đem hấp. Người ta dùng những cái vồ bằng gỗ rất lớn để giã bột. Hai loại bánh trong hình này: loại màu sậm hơn (phía sau) được bọc bột đậu, loại màu sáng hơn (phía trước) được nướng với nước tương. Hana-mi dango trở nên phổ biến vào những năm 1800 như một món bánh ngon cho những người ngắm hoa anh đào.


Tháng 5: Kashiwa mochi
 
Chiếc bánh làm bằng gạo nếp này có nhân đậu và được gói trong một cái lá sồi. Loại bánh này được ăn vào dịp lễ Tango no Sekku (Tết Đoan Ngọ), tổ chức vào 5 tháng 5.

Tháng 6: Ajisai


Một miếng Yokan màu tím nhạt (bánh thạch đậu adzuki ngọt) được cắt thành hình khối với các góc tròn để làm cho nó trông giống một bông hoa Ajisai (hoa tú cầu). Nhân bánh làm bằng bột đậu trắng. Chiếc bánh này sẽ làm bạn quên đi thời tiết ảm đạm của mùa mưa.Tháng

Tháng 7: Mizukusa và seiryu

 



Rakugan (trên cùng bên phải) là hỗn hợp bột gạo, đường và một số thành phần khác được nhào chung với nhau và làm cho cứng lại, nó được tạo thành hình dạng và có màu xanh nhạt của loài cỏ nước (mizukusa). Kẹo Aruheito (ảnh dưới bên trái) ở đây miêu tả một dòng sông xanh mát (seiryu).


Tháng 8: Mizu yokan


Được làm bằng bột đậu và thạch. Mizu yokan sử dụng ít bột đậu và thạch hơn loại yokan thông thường, nên nó ướt hơn. Vì ướt nên nó dễ nuốt hơn, và và được coi là loại thức ăn lý tưởng dành cho những ngày hè nóng nực.

Tháng 9: O-hagi
O-hagi được làm bằng gạo nếp hấp, nặn thành những viên hình tròn, rồi bọc bột đậu đỏ bên ngoài. Loại bánh này thường để dâng cúng vào thời điểm thu phân. Loại bánh này trông giống như hoa của loài cỏ ba lá Nhật Bản (hagi), có lẽ vì vậy mà nó được đặt tên như vậy.

Tháng 10: Kuri no yaki-gashi


 
Hạt dẻ hầm trong nước xi-rô, được bọc trong bột hạt dẻ rồi đem nướng. Vào mùa thu, rất nhiều bánh kẹo làm từ hạt dẻ được bầy bán khắp cả nước.

Tháng11: Momiji

Một miếng bánh chưa nướng làm bằng bột đậu được cắt ra cho giống với màu sắc và hình dáng của lá cây thích Nhật Bản vào mùa thu. Một bữa tiệc cuối thu vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng.

Tháng 12: Yuzu manju


 

Vỏ trái thanh yên yuzu mài ra cho vào bột lúa mì và khoai lang yamato, rồi đem hỗn hợp này hấp chín. Hỗn hợp này sau đó được bọc xung quanh mứt đậu, tạo thành cái bánh bao có hình dạng giống như một trái thanh yên vậy. Mùi thơm của trái thanh yên yuzu nhẹ nhàng bốc lên từ bánh rất hợp với tâm trạng thích thú của mùa đông.




Làm bánh sakura mochi đúng vị Nhật Bản
Cách làm bánh Nhật Bản khiến bạn mê mẩn
Cách làm bánh doremon phong cách Nhật Bản
Cách làm bánh takoyaki theo đúng hương vị Nhật Bản
Cách làm bánh wagashi đến từ xứ sở hoa anh đào



(ST)