Các nhu cầu của em bé

Em bé của bạn sẽ luôn luôn phải nạp vào đủ lượngthức ăn để thoả mãn nhu cầu của mình. Nếu không muốn ăn, thì đó là bé không có nhu cầu. Như vậy có nghĩa là có ngày bé khó ăn bất cứ thứ gì, nhưng sau đó thì lại có những thời kỳ ăn được rất nhiều.

Để có một chế độ ăn cân đối, con bạn phải ăn đủ thức ăn từ mọi nhóm thực phẩm khác nhau tuỳ theo tỷ lệ thích hợp. Tuy nhiên, việc này không phải dựa trên cơ sở mỗi ngày, nên khi bạn xét xem em bé ăn có tốt không, thì bạn phải xét chuyện đó về lâu về dài: hãy xem em bé đã ăn gì tuần trước hơn là xem bé ăn cái gì ngày hôm nay. Nhìn dưới góc độ ấy thì việc bé chẳng thích ăn gì khácngoài bánh mỳ trong hai ngày liền cũng chẳng là việc phải đáng quan tâm, khi chắc chắn là rồi em bé sẽ ăn vào đủ rau và trái cây trong tuần để cân đối lại thôi. Điều quan trọng là phải cho cháu nhiều thức ăn khác nhau để bé lựa chọn: cháu không thể nào ăn được những thức ăn cần thiết, nếu những thứ đó không được bạn chuẩn bị cho cháu.

Dần dần rồi em bé sẽ ăn được nhiều thức ăn giống như bạn, nhưng chế biến dưới một hình thức cháu có thể dùng được. Tuy nhiên sẽ làm điều sai lầm nếu bạn cho rằng nhu cầu của em bé chẳng khác gì nhu cầu của bạn, hoặc là một chế độ ăn được cho là lành mạnh cho bạn cũng sẽ tốt cho bé. Chẳng hạn, bạn có thể nhằm mục tiêu giảm lượng chất béo ăn vào bằng cách sử dụng những sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo thấp, nhưng bạn phải cho con uống sữa nguyên kem cho tới khi cháu lên hai; sau đó thì bạn có thể tập cho cháu uống hớt bớt một phần kem, nếu bạn thích thế. Tuy nhiên các lợi ích của việc giới hạn lượng đường ăn vào đối với sức khoẻ , ứng dụng cho các em bé cũng y hệt như cho người lớn. Bạn cũng đừng bao giờ nêm muối vào các món ăn của em bé: hai quả thận em bé còn quá non yếu để xử lý muối.

MỘT THÁI ĐỘ MỀM DẺO

Bạn nên nhớ là bao tử em bé không chứa được nhiều và bé cần ăn thường xuyên hơn người lớn; vậy bạn đừng nên nhất thiết bắt cháu phải ăn hết suất ăn, và bạn nên chuẩn bị cho cháu ăn những bữa phụ giữa hai bữa chính. Đành rằng bạn phải khuyến khích em bé ăn theo bữa có giờ giấc, tuy nhiên nếu bạn chỉ cho cháu ăn vào đúng bữa, thì e rằng các bữa ăn sẽ trở thành những “trận chiến” và cuối cùng là bé sẽ không ăn được thức ăn theo nhu cầu và vào lúc cần thiết. Nếu bé tỏ ra rằng ăn như vậy là đủ rồi, thì bạn đừng cố ép bé ăn nhiều hơn.

Dĩ nhiên, thật là đáng nản khi bạn đã mất bao nhiêu thời giờ để chế biến một bữa ăn mà rồi em bé không chịu ăn, hay kết quả là tất cả rơi xuống sàn nhà. Cách giải quyết là làm cho các bữa ăn càng dễ dàng chừng nào thì càng khoẻ cho bạn chừng đó: bạn đừng có tốn nhiều thời gian chế biến những món ăn cầu kỳ làm chi, và bạn hãy đề phòng bảo vệ tường và sàn nhà khỏi bị dơ bẩn vì thức ăn rơi vãi.

VỆ SINH NHÀ BẾP

Trong vài năm gần đây, những mối đe doạ từ ngộ độc thức ăn đã khiến cho các bậc cha mẹ ý thức được hơn về những nguy hại của tình trạng vệ sinh thực phẩm yếu kém. Những biện pháp đề phòng thông thường sau đây sẽ bảo vệ được con bạn khỏi ngộ độc thức ăn.

Bạn hãy luôn luôn nhớ rửa tay bằng xà bông trước khi đụng tới thức ăn, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hay thay tã cho bé, và sau khi chơi với chó mèo. Bạn hãy nhắc nhở những người khác trong gia đình cũng làm như vậy.

Bạn nên kỹ lưỡng trong việc giữ cho nhà bếp được sạch sẽ, đặc biệt là ở những khu vực làm thức ăn, thớt và nồi niêu xoong chảo dùng để chế biến thức ăn.

Phải có khăn sạch để lau khô chén, đĩa hoặc để cho chén đĩa tự ráo trên các giá gác chén đĩa sau khi rửa bằng nước nóng.

Nhớ đạy nắp thùng rác trong bếp. Nhớ đổ rác thường xuyên và rửa sạch thùng rác bằng nước nóng và một chút nước sát trùng sau mỗi lần đổ rác.

Bất cứ thức ăn nào để bên ngoài tủ đựng đồ ăn cũng cần che đạy lại.

Bất cứ thức ăn nào em bé ăn còn dư cũng đổ đi. Nên có những khăn dùng riêng cho việc lau chùi thức ăn rơi vãi và để rửa sạch chiếc ghế cao của em bé. Nên thay hoặc luộc nước sôi những khăn lau ấy ít nhất một tuần một lần.


(St)