Cách ăn lẩu băng chuyền hay nhất

Cách ăn lẩu băng chuyền hay nhất. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng lẩu băng chuyền ngày càng chiếm được cảm tình của thực khách tại Hà Nội và TPHCM. Vậy lí do nào khiến lẩu băng chuyền có thể nhanh chóng trở thành xu hướng trong khi thực khách ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn địa điểm ăn uống?





CÁCH ĂN LẨU BĂNG CHUYỀN HAY NHẤT

Ăn lẩu băng chuyền cần một số kinh nghiệm căn bản,  xin chia sẻ để bà con tham khảo:

1. Tư thế: ngồi không quá gần băng chuyền quá, vừa nóng vừa không quan sát được toàn cảnh đồ ăn mà đón lấy khi nó nến. Không ngồi xa quá, đụng người phục vụ cũng như sẽ không lấy đồ kịp - đồ tới rồi mà không lấy kịp, coi như qua tua. Bỏ.
2. Mắt: một mắt láo liên kiếm đồ ăn vừa ý, mắt kia xem chừng nhiệt độ của bếp. Nhưng mắt đừng dòm ra phía sau hay bên kia quá, người ta tưởng mình dòm ngó tài sản chưa phải là của mình.
3. Tôn trọng ranh giới chủ quyền của nhau: cái đường ranh giữa nguời ngồi đối diện và anh rất thiêng liêng, đừng xâm phạm. Cho dù bên kia đang chạy tới món tôm hay bông bí anh thích, chớ có thò tay qua bốc. Hãy từ từ đợi nó chạy đến chỗ mình. Nên nhớ nước lẩu rất nóng, và ai cũng có 1 nồi.
4. Đừng nóng: nếu món khoái khẩu không chạy đến chỗ mình vì đã bị người đầu dòng nẫng mất. Đừng nóng nảy cáu gắt. Cứ ngồi đó đợi. Đợi lâu quá, vẫn chưa ra món đó hay vẫn bị người đầu băng chuyền nẫng tay trên liên tục, hãy ném nhẹ một cái dĩa vào đầu người đó kèm theo một lời nhắc nhở là phải nghĩ đến người khác mộc chút.
5. Nên ngồi bên phải của người đi cùng: vì băng chuyền sẽ tới mình trước. Nhưng nhớ lịch sự và thỉnh thoảng để cho người đó chọn cùng, nếu không sẽ gặp cảnh huynh để tương tàn như (4).
6. Ngồi càng gần bếp càng tốt: "bếp" ở đây là chỗ người ta để đồ ăn lên băng chuyền. Chú nào ngồi gần đó nhất, được nhiều lựa chọn nhất. Chú nào ngồi cuối dòng, toàn ăn đồ nấu nước lẩu thôi. Cái cảm giác thấy bên kia lấy hết những món mình thích, hết đợt này đến đợt khác...tập cho mình tính nhẫn nhục, nhường nhịn, và vị tha.

Lẩu băng chuyền – Truyền thống kết hợp với phong cách công nghiệp

















Ẩm thực băng chuyền không phải là kiểu ăn lạ lẫm gì trên thế giới, bởi từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước, ở Osaka, một người đàn ông Nhật Bản đã nảy ra ý tưởng về kiểu ăn này, khi một lần tình cờ nhìn thấy dây chuyền chuyển bia trong nhà máy.

Thế rồi sushi băng chuyền đã nhanh chóng có mặt trên khắp nước Nhật, nó là một hình thức ăn uống bình dân và rẻ tiền, vốn dành cho giới lao động nhưng hầu hết người Nhật đều thích, một phần cũng vì giá rẻ. Người nước ngoài khi đến Nhật cũng chuộng kiểu ăn này, bởi họ có thể thoải mái lựa chọn thứ mình thích mà không cần phải biết tiếng Nhật.

Lẩu băng chuyền, một kiểu ăn nghe cũng khá lạ tai, vì nó mới xuất hiện trong mấy năm gần đây ở Việt Nam, và vì nó là một kiểu ăn được lắp ghép từ hai kiểu ăn ngoại nhập: lẩu băng chuyền.

Lẩu băng chuyền ra đời như một phát kiến của nghệ thuật ẩm thực. Nó là sự kết hợp của hai kiểu ăn mới, vừa rất phù hợp với nhịp sống hiện đại, vừa thích ứng với nhiều kiểu khẩu vị. Và cũng chính vì điều này mà các nhà hàng lẩu băng chuyền đã phát triển rất nhanh ở những đô thị lớn ở Việt Nam.

Vào một nhà hàng lẩu băng chuyền, thực khách sẽ được mời vào ngồi bên một cái bàn dài, trước mặt là một cái bếp nhỏ có để sẵn nồi, còn phía trước là dây chuyền thức ăn, với thực đơn vô cùng phong phú, đang từ từ chạy vòng quanh rồi lại trở về nơi xuất phát- nhà bếp, để tiếp nhận thêm những món đã được thực khách lấy đi.

Trong mỗi nhà hàng lẩu băng chuyền đều có tới ba đến bốn loại nước lẩu, có nơi còn quảng cáo có tới năm, sáu loại, với những mùi vị rất đặc trưng để tùy khách hàng chọn lựa. Người ăn cay thường thích nước lẩu kiểu Thái Lan và nước lẩu Tứ Xuyên (Trung Quốc) - nhưng tất nhiên khi vào Hà Nội thì độ cay đã được giảm bớt cho phù hợp.

Tuy hai loại nước lẩu này đều có chung vị cay, nhưng mùi vị và cách điều chế cũng rất khác nhau: nước lẩu Tứ Xuyên phải có vị chua cay mặn ngọt và thoảng mùi thuốc bắc, còn nước lẩu Thái lại còn có mùi thơm của gừng và lá chanh tươi, với độ cay nồng đậm hơn của ớt và một chút vị ngọt của đường.

Nước lẩu theo kiểu Thượng Hải không cay mà lại hướng về sự thanh đạm nhưng rất bổ, bởi hơi nước tỏa ra có mang theo  hương vị của các loại thuốc Bắc như hoài sơn, kỷ tử, hồng táo…

Mùi vị của loại nước lẩu này cũng khá hợp với khẩu vị của người Việt, nên các nhà hàng cũng ít phải gia giảm.

Đối với nước lẩu gà thì mùi thơm đặc trưng sẽ là hành khô nướng, mùi gừng, mùi nấm hương, mùi sa tế, và thoáng qua mùi đương quy của thuốc bắc. Loại nước lẩu thập cẩm thì không có mùi thuốc bắc, mà chỉ hơi thoáng có mùi gừng, rất thích hợp để nhúng các loại rau cải, rau muống, mùng tơi. Cả hai loại nước lẩu này đều có thể ăn kèm thêm nấm tươi…

Tuy có nhiều loại nước lẩu, mỗi loại đều mang một hương vị riêng, thế nhưng nước lẩu nào thì cũng phải được ninh từ xương lợn, xương gà, chỉ riêng nước lẩu Nhật là hơi đặc biệt, được chắt lọc vị ngọt ngào từ các loại củ quả rồi chế biến, để phục vụ riêng cho những người ăn chay, ăn kiêng, và cả những người béo phì.

Khi chiếc nồi mini trước mặt khách đã được đổ đúng loại nước lẩu theo yêu cầu và ngọn lửa dưới đáy nồi cũng đã được bật lên, thì đấy cũng là lúc thực khách phải quan sát thực phẩm ăn kèm  để trên băng chuyền mà chọn món. Thông thường, trên băng chuyền sẽ có đầy đủ các loại, từ hải sản tươi sống đến những loại thịt vo viên, thịt thái lát mỏng, nội tạng động vật đã qua sơ chế, đến các loại nấm, củ quả, rau xanh…

Khi đến với ẩm thực trên băng chuyền, thực khách cũng cần tuân theo vài quy tắc, trong đó quan trọng nhất là khi các đĩa thực phẩm đã được lấy ra thì không được đặt ngược trở lại, kể cả khi chưa dùng đến, để đảm bảo phép lịch sự và vệ sinh.

Ăn lẩu băng chuyền thoải mái, nó thoải mái không phải bởi vì mình có thể ăn bao nhiêu tùy thích, lại không phải tốn sức đi lấy, mà thoải mái là vì bởi vẫn được ăn theo kiểu của mình dù có đi ăn cùng với vài người bạn, hoặc cả một tập thể.

Thế nhưng, dù mới lạ và hấp dẫn thì lẩu băng chuyền vẫn là một kiểu ăn nóng, nên nó chỉ thực sự thích hợp vào mùa đông, khi tiết trời lạnh giá ở miền Bắc. Tuy rằng đời sống hiện nay đang ngày càng hiện đại, những phòng ăn có gắn máy làm mát lạnh đã giúp cho thực khách có thể thưởng thức kiểu ăn này suốt cả bốn mùa. Thế nhưng đa số người đến thưởng thức lại là những người trẻ tuổi. Trong số đó, có lẽ đến vì tò mò muốn khám phá món ăn mới…

Điều này có thể lý giải theo một cách chủ quan rằng, có lẽ vì nhiều người đã có thói quen, được hình thành từ bao đời nay, đối với việc tuân theo triết lý âm dương trong ăn uống để phù hợp với môi trường. Nên dù rằng thị giác sẽ được thỏa mãn khi nhìn mấy chục thứ thực phẩm tươi ngon, được trang trí khá tỉ mỉ để trên băng chuyền chạy vòng qua trước mặt, nhưng với tiết trời nóng bức mà lại thực hiện một kiểu ăn nhiều thứ lộn xộn, nóng bỏng,  thì với không ít người, chưa hẳn phù hợp. Đó cũng là vấn đề phong cách ẩm thực ở nơi có bốn mùa phân chia rõ rệt.

Vì sao lẩu băng chuyền lên ngôi?


Mô hình hiện đại và độc đáo, tuy giống nhưng khác

Có lẽ hình ảnh từng đĩa thức ăn được trình bày đẹp mắt với nắp nhựa trong suốt chuyển động liên tục trên băng chuyền là điều thực khách nhớ mãi khi nhắc đến lẩu băng chuyền. Mô hình này cho phép người dùng tha hồ thoải mái chọn lấy món yêu thích mà không cần đến nhân viên phục vụ. Và không bao giờ có khái niệm hết thức ăn tại lẩu băng chuyền vì món ăn sẽ được cho ra liên tục và rất đều tay.




Nước lẩu là yếu tố chính tạo nên thành công của món lẩu, nếu vậy thì có thể nói lẩu băng chuyền ăn đứt lẩu truyền thống về khoản này. Khoan vội bàn đến sự ngon dở của nước lẩu, mà chỉ nói đến sự linh hoạt trong việc phục vụ người dùng. Như mọi người cũng biết đối với lẩu truyền thống thì cho dù bao con người đi nữa vẫn dùng chung một phần nước lẩu, không bao giờ có sự lựa chọn khác. Trong khi đó đối với lẩu băng chuyền, mỗi người có thể chọn cho riêng mình loại nước lẩu yêu thích và tự do “vùng vẫy” trong phần của mình mà không cần để ý đến việc dùng chung hay dùng riêng. Hoàn toàn khác biệt với hình ảnh một người dùng đũa của mình gắp thức ăn trong nồi lẩu truyển thống.

Ăn theo cách của bạn

Có thể gọi lẩu băng chuyền là lẩu bao bụng vì chỉ với một giá cố định, thực khách được thưởng thức không hạn chế các món ăn chất lượng gồm nhiều loại nước lẩu và hơn 100 loại thực phẩm đặc sắc kể cả  món đặc biệt chuẩn bị bằng tay. Món ăn tại lẩu băng chuyền rất phong phú và đa dạng, có thể kể đến như: hải sản, thịt gà, thịt bò, trứng, đồ viên, nấm, rau củ, món ăn kèm, bò cuộn nấm kim châm, khổ qua nhồi thịt, ốc bu nhồi thịt…

Lẩu băng chuyền cũng khắc phục được một nhược điểm khó có thể cải tạo của lẩu truyền thống. Đó là khi một người trong nhóm không ăn hoặc dị ứng với món nào đó, vậy những người còn lại phải nhịn sao? Một người một nồi nước lẩu riêng và thích ăn gì thì lấy đó, không ảnh hưởng đến người đi cùng… đó là cách lẩu băng chuyền thể hiện tính tự do trong dịch vụ của mình.


Chính việc được tự do chọn lựa món yêu thích là yếu tố thu hút và giữ chân ngày càng nhiều thực khách đến thưởng thức lẩu băng chuyền. Sẽ không còn cảnh tượng “Em ơi cho anh gọi món này món kia” mà thay vào đó là chọn ngay món yêu thích từ dãy băng chuyền đang chuyển động và thưởng thức. Có người đã ví lẩu băng chuyền với hình ảnh con sông chở nặng phù sa, con sông luôn chuyển động và phù sa không bao giờ cạn. Cũng giống như lẩu băng chuyền, cứ chạy luân hồi và cõng trên lưng vô số thức ăn, chạy mãi chạy mãi.

Tinh tế đến từng chi tiết


Không gian máy lạnh sạch sẽ, nhân viên đủ đông để giải đáp thắc mắc cho thực khách, cách thưởng thức độc đáo mới lạ, một băng chuyền chở nặng thức ăn chuyển động nhịp nhàng trước mắt… tất cả cùng hòa nhịp tạo nên một bản tình ca mang tên “Lẩu băng chuyền”. Để mỗi khi mọi người nghe đến thì không ai không khỏi háo hức để “nghe” lần nữa.

Người tạo nên lẩu băng chuyền cũng khá tâm lý trong việc sắp xếp bàn ghế. Những chiếc ghế vững chắc được đặt dọc theo băng chuyền dành cho những ai thích sự phá cách so với thường nhật. Còn những bộ bàn ghế thích hợp cho gia đình thích sự riêng tư.


THAM KHẢO THÊM: Những món lẩu ngon cho ngày hè

Lẩu cua đồng, lẩu gà hấp hèm, lẩu cá đuối... là những món lẩu với hương vị thanh mát thích hợp trong những ngày hè nóng bức.

1. Lẩu cua đồng

Lẩu cua đồng là một món ăn dân dã có ở nhiều vùng miền với nhiều hương vị khác nhau. Món ăn trông đơn giản nhưng khâu chế biến lại cầu kỳ, nhất là phần riêu cua. Muốn riêu cua ngon, phải chọn những được những con cua chắc thân, còn sống. Có như thế, riêu cua mới thơm ngon và kết thành mảng. Cua rửa sạch, bóc vỏ lấy gạch cua để riêng rồi giã nhuyễn. Sau đó đem lọc kỹ với nước, đun sôi cho thịt cua nổi lên, vớt ra bát, phần nước để làm nước dùng.

Lẩu cua đồng là món ăn phổ biến của người dân miền Tây Nam bộ. Ảnh: T.T.

Khi ăn, đun sôi nồi nước dùng, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cho riêu cua nổi lên trên mặt. Tiếp đó, cho thêm các loại hải sản như tôm, mực, chả cá làm tăng thêm vị ngọt của nước dùng. Ăn kèm là bún tươi và các loại rau như: cải xanh, bông bí, rau nhút, kèo nèo,… tất cả hòa quyện lại tạo nên sự thanh mát và cho món ăn không bị ngấy.

2. Lẩu cá đuối

So với nhiều món lẩu khác, lẩu cá đuối không có gì đặc biệt nhưng lại hấp dẫn bởi sự lạ miệng. Nồi lẩu nóng hổi, vị chua của măng chua, vị ngọt và hơi dai của cá khiến cho hương vị món lẩu bình dân này trở nên ngon miệng hơn rất nhiều.

Lẩu cá đuối với tính hàn thích hợp trong ngày trời nắng nóng. Ảnh: X.T.

Chế biến món ăn này đơn giản và không mất nhiều thời gian. Cá đuối sau khi mua về được cắt bỏ mang, mổ dọc dưới miệng cá, bỏ hết phần ruột bên trong. Rửa cá lại bằng nước sạch, sau đó rửa qua với giấm hoặc rượu rửa sạch để tránh mùi tanh đồng thời tăng thêm hương vị cho cá.

Thái cá thành từng miếng nhỏ khoảng hai ngón tay rồi xếp vào đĩa, tẩm ướp gia vị cho vừa miệng. Phần sụn cá đuối rất mềm nên có thể cắt nhỏ cho vào nồi ninh để ngọt nước. Ngoài phần thịt cá, lẩu cá đuối còn hấp dẫn người ăn bởi vị chua nhẹ của nước dùng được nấu từ măng chua cùng hương thơm của rau ngổ, ngò gai... Ăn kèm lẩu là các loại rau như rau muống, rau chuối, bún và không thể thiếu chén nước mắm với vài trái ớt tươi thái lát. 

3. Lẩu gà hấp hèm

Điều làm nên sự đặc biệt, hấp dẫn cho món ăn này chính là vị chua thanh của nước lẩu được nấu từ hèm. Hèm là chất thải ra sau khi người dân nấu rượu, thường thì người ta tận dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nhưng, từ chất thải tưởng chừng bỏ đi đấy, người dân ở đây dùng làm nguyên liệu chính để chế biến nên món lẩu gà hấp hèm vừa thơm ngon vừa lạ miệng.

Lẩu gà hấp hèm là món ăn quen thuộc của các quận ngoại thành TP. HCM. Ảnh: K.H.

Trước khi nấu lẩu, lấy một lượng hèm vừa phải, vắt lấy nước, bỏ bã. Nước hèm để lắng, lọc lại một lần nữa để bỏ đi phần lợn cợn của bã hèm còn sót lại. Cho nước hèm vào nồi và đun sôi, nêm đường và các loại gia vị vừa ăn. Gà ta sau khi làm sạch, chặt thành từng lát vừa ăn, cho vào nồi, để lửa vừa cho đến khi thịt chín là được.

Rau ăn kèm chỉ có cải bẹ xanh, cải thảo và hành lá thái khúc. Thịt gà được nấu trong nước hèm nên chín mềm rất ngon, bên cạnh đó là vị ngọt của rau cải, vị chua thanh của nước lẩu rất vừa ăn và ngon miệng.

4. Lẩu cá thác lác khổ qua

Món ăn có đầy đủ các nguyên liệu như cá thác lác, xương lợn, tôm khô, khổ qua, bún tươi, ớt… Thành phần làm nên sự hấp dẫn của món lẩu này là cá thác lác và nước dùng. Chả cá thác lác muốn dai thì thịt cá phải tươi ngon, trộn thịt cá với ít muối, hành ngò, hạt nêm, tiêu…quết thật nhuyễn và vo viên tròn. Khổ qua rửa sạch, cắt đôi, bổ ruột, thái mỏng. Rau thơm rửa sạch, nhặt lá sâu, hành ngò xắt nhuyễn. Ớt xắt lát mỏng.

Đơn giản với cá thác lác và khổ qua nhưng đây là món lẩu có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Ảnh: K.H.

Nước dùng được lấy từ nước hầm xương, đun sôi với ít tôm khô cho có thêm vị ngọt, nêm gia vị cho vừa ăn. Đặt nồi lẩu lên bếp, cho sôi, sau đó cho chả cá vào, khi cá chín, cho tiếp khổ qua. Cá thác lác ngon dai, có nhiều đạm. Khổ qua có tính giải nhiệt, mát. Vì vậy, nếu kết hợp cả hai với nhau sẽ tạo nên một món lẩu vừa ngon miệng, vừa mang tính lành rất có lợi cho sức khỏe.

5. Lẩu ghẹ xanh nấu dứa

Trong những ngày hè nắng nóng, món lẩu ghẹ nấu dứa ăn kèm rau muống thơm phức là món ăn ngon mà không phải ai cũng có thể bỏ qua. Ghẹ sơ chế rửa sạch, cắt đôi. Rau muống nhặt rửa sạch, bỏ bớt lá, vò qua hơi dập. Gừng gọt vỏ, thái lát mỏng. Cà chua bổ cau, dứa gọt vỏ, thái lát hơi dày.

Vị chua chua ngọt ngọt của nồi lẩu là điểm kích thích của món ăn này. Ảnh: K.H.

Đun nước sôi, cho ghẹ, gừng vào đun tới khi ghẹ chín hẳn. Tiếp đến cho dứa, cà chua vào đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa miệng. Nồi lẩu nghi ngút khói, nước lẩu ngọt lại rất thanh mát, là món ăn giải nhiệt rất tốt dành cho bạn và gia đình.




Công thức nấu lẩu gà ngon tuyệt -
Công thức nấu lẩu đầu cá hồi
Làm món lẩu cá trắm hấp dẫn
Hướng dẫn làm lẩu bò cực thơm ngon
Cách làm lẩu Thái chua cay
Hướng dẫn làm lẩu ốc ngon lạ miệng


(ST)

Tính tiền ntn
hơn 1 tháng trước - Thích
Gửi hỏi đáp - bình luận