Cách bảo quản Ngô đúng cách và hiệu quả nhất
Cách bảo quản thức ăn cho bé trong tủ lạnh kiểu Nhật Hàn
Cách sơ chế nấm tươi và bảo quản nấm đúng cách
“Gia đình tôi rất thích uống nước ép trái cây tươi. Gần đây do công việc công ty bận rộn nên để tiết kiệm thời gian tôi định ép sẵn nước bưởi, táo, dưa hấu, nho… cho vô chai nhựa để tủ lạnh uống dần trong tuần. Để lâu như vậy có nên không?” Lê Tú Nhi (TP.HCM)
ThS.BS Trần Quốc Cường, khoa Dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Nước ép trái cây là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe vì chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, tinh bột và một số chất có nguồn gốc thực vật với nhiều tác dụng có lợi: beta carotene, lycopen, phytosterols... giúp đẹp da, chống lão hóa, giảm mỡ trong máu... Tuy nhiên, cách sử dụng nước ép trái cây tốt nhất vẫn là dùng ngay sau khi ép.
Nếu có ép và bảo quản bằng tủ lạnh thì cũng không quá 24 giờ (cũng có một số loại nước ép có thể bảo quản lâu hơn nhưng không nên quá ba ngày). Nước ép hoa quả để lâu hơn sẽ làm giảm vitamin có trong nước ép do bị bốc hơi (ví dụ vitamin C, E) hoặc bị phân hủy bởi ánh sáng (ví dụ tiền chất vitamin A như beta carotene), làm nước ép bị oxy hóa (biểu hiện bằng đổi màu) và ôi thiu do nhiễm vi sinh trong quá trình ép (biểu hiện bằng đổi mùi vị). Nếu muốn bảo quản lâu hơn 24 giờ, nên để vào ngăn tủ đông. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn sử dụng ngay và muốn bảo quản thì nên ở dạng còn nguyên trái nguyên vỏ.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng, bạn nên đựng nước ép trong chai thủy tinh có nắp đậy, miệng rộng và màu sậm. Chai có nắp đậy để tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm khác trong tủ lạnh và hạn chế tác dụng oxy hóa trên nước ép (nên đổ nước ép đầy chai, tránh lớp không khí bên trên). Chai sậm màu giúp hạn chế “thất thoát” các vitamin do bị ánh sáng phân hủy. Chai rộng miệng thì dễ vệ sinh, tránh tồn đọng vi sinh vào các lần dùng sau.