Cách bảo quản thức ăn cho bé trong tủ lạnh kiểu Nhật Hàn
Cách sơ chế nấm tươi và bảo quản nấm đúng cách
Cách sơ chế nấm và bảo quản nấm
Câu hỏi: Cách tiệt trùng và bảo quản sữa bò nguyên chất
Chào bác sĩ! Em có câu hỏi rất muốn bác sĩ tư vấn giúp e với ạ! Em có cháu trai được 18thang 20 ngày cháu nặng 11,5kg. Hiện ngày cháu ăn 3 bữa cháo có đủ 4 nhóm thực phẩm và ăn thêm hoa quả chín, sữa chua nữa.
Nhưng sữa thì cháu uống rất ít ngày chỉ khoảng 200ml vì cháu rất lười ăn , cứ thấy mẹ bê bát cháo hay cho ăn gì là cháu trốn và khóc. Bác sĩ chỉ giúp em có cách nào giúp cháu chịu ăn và ăn ngon miệng với ạ! Em muốn cho cháu uống thêm sữa bò nguyên chất có được không ạ! Và nếu uống thì cách tiệt trùng và bảo quản sữa như thế nào cho tốt ạ!
Giờ em cũng muốn cho cháu đi lớp thì có được không ạ! Và làm như thế nào để cháu hòa nhập với các bạn trong lớp ngoan ngoãn và k đánh lại các bạn cũng như cháu chụi ăn hơn ở lớp? Mong bác sĩ tư vấn giúp em với ạ! Em chân thành cảm ơn!
Câu trả lời:
Chào bạn.
Cân nặng trung bình của trẻ trai 18 tháng là 8,8 đến 13,7kg, như vậy cân nặng của con bạn hoàn toàn bình thường so với trẻ cùng lứa tuổi, không bị suy dinh dưỡng.
Trẻ biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, để giúp bé ăn ngon miệng, bạn nên thay đổi cách chế biến món ăn. Làm cho trẻ hứng thú với thực phẩm bằng cách cho bé chơi đồ chơi về nấu ăn, thức ăn, đi chợ với mẹ để chọn thực phẩm. Trong bữa ăn bạn cần tạo cho bé không khí vui vẻ, và tạo cho bé thói quen ăn, ngủ đúng giờ, không ngủ nhiều vào ban ngày.
Đặc biệt bạn nên tăng cường cho bé ăn sữa chua tạo thăng bằng vi khuẩn đường ruột giúp bé tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Ngoài những cách trên bạn nên cho bé dùng thêm sản phẩm cung cấp enzyme tiêu hóa như amylase, protease, maltase… cùng các vitamin nhóm B. Các dưỡng chất này sẽ có vai trò giúp phân rã, tiêu hóa hết lượng thức ăn trong bụng bé, làm trống ống tiêu hóa, bé sẽ chăm ăn hơn và hạn chế tình trạng biếng ăn cho bé.
Bé đã trên 12 tháng, bạn có thể cho bé uống sữa tươi. Sữa tươi giàu dinh dưỡng, cung cấp các chất đạm, vitamin và khoáng chất cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày. Tuy nhiên, chất lượng (thành phần) của sữa tươi không ổn định, phụ thuộc vào giống bò, bản thân con bò, thời kỳ tạo sữa, mùa trong năm, thời điểm trong ngày, vv…
Môi trường giàu dinh dưỡng của sữa rất lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn. Bên cạnh những vi khuẩn có ích có thể dùng để chế biến thực phẩm cho con người như sữa chua, phô mai và vi khuẩn lành tính không có hại cho sức khỏe, trong sữa còn vô số vi khuẩn độc hại. Vì vậy, không nên uống sữa tươi chưa qua xử lý.
Cách chế biến sữa: Sữa tươi thanh trùng sau khi vắt được lọc sạch đem đun cách thủy ở nhiệt độ 65 - 75 oC trong 30 phút, ở nhiệt độ 80 – 85 oC trong 15 phút và ở nhiệt độ 90 oC trong 5 phút, sau đó làm lạnh càng nhanh càng tốt, vào khoảng 18 oC, đưa vào tủ lạnh ở nhiệt độ 4 – 6 oC, có thể dùng trong 24 giờ vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Sữa tiệt trùng, cho sữa đã lọc sạch vào nồi áp suất đun sữa sôi ở nhiệt độ 105 - 115 oC trong thời gian 15 - 20 phút, hay ở nhiệt độ cao hơn 130 – 140 oC trong 5-10 phút, rồi làm lạnh xuống 18 – 20 oC, đem bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 – 6 oC, có thể sử dụng trong thời gian dài hơn.
Bạn có thể cho bé đi mẫu giáo ở tuổi này. Khi mới đi mẫu giáo, xa rời môi trường quen thuộc, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy lạ lùng, sợ hãi và rất hay quấy khóc. Vì vậy, trước đó cha mẹ phải kiên trì trò chuyện, giảng giải cho trẻ bớt lo sợ. Ví dụ, nên thường xuyên nói với trẻ rằng: “Con bây giờ đã lớn nên phải đi học, ở trường rất vui, có cô giáo và rất nhiều bạn bè, có nhiều đồ chơi mà ở nhà mình không có. Con có thể học hát, học múa, học vẽ, nghe cô giáo kể chuyện…”. Không nên dọa dẫm trẻ kiểu như: “Con mà nghịch/ quấy khóc, mẹ sẽ bắt con đi mẫu giáo…”.
Nếu bố mẹ lấy việc đi mẫu giáo để dọa dẫm trẻ, thì trẻ sẽ nghĩ lớp mẫu giáo là một nơi rất đáng sợ, nên không muốn đi. Nếu có điều kiện, hãy dẫn trẻ đến thăm trường trước để trẻ trực tiếp tìm hiểu và thấy đi mẫu giáo vui hơn ở nhà. Những ngày đầu, trẻ sẽ khóc mếu trông rất đáng thương, bố hay mẹ nhất định phải kiềm chế tình cảm và tỏ thái độ cương quyết.
Thực tế cho thấy nếu bố mẹ quyết tâm thì chỉ sau khoảng 2 tuần, trẻ sẽ quen và thích ứng với cuộc sống ở lớp và hầu như không quấy khóc nữa. Trong thời gian này, bố mẹ phải thường xuyên chuyện trò với trẻ, làm thế nào cho trẻ có hứng thú với môi trường của lớp.
Chẳng hạn hỏi trẻ ở trường có chuyện gì vui không, có bạn mới không. Hỏi như vậy để tạo hứng thú cho trẻ. Dù không có việc gì đáng vui, cũng phải tìm những câu vui vẻ để nói với trẻ.