Cách bảo quản sữa tươi để sử dụng được lâu

Khi mua các loại sữa đóng hộp, đóng gói… bạn cần chú ý đến thời gian sản xuất hay hạn sử dụng. Ngoài ra cũng cần xem kỹ để đảm bảo hộp sữa còn nguyên vẹn không bị méo mó hoặc vết lõm, thủng lỗ.

Bên cạnh đó, bạn phải chọn những cửa hàng bày bán sữa ở nơi thoáng mát, sản phẩm không bị bày biện trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Khi mua về mở hộp ra hoặc sau khi pha sữa, nếu thấy sữa bị đóng cục, có màu hay mùi khác lạ thì không nên dùng.

Dưới đây là 11 lưu ý khi mua và bảo quản sữa bạn nên biết:

1. Hạn sử dụng mà bạn thấy được in trên các nhãn sữa thực chất không hẳn là hạn sử dụng mà là "hạn bán". Hầu hết các loại sữa - nếu được cất giữ tốt - có thể giữ được chất lượng của chúng sau hạn này khoảng 1 tuần.

2. Sữa càng tươi thì càng tốt hơn cho bạn, chính vì thế hãy chọn sữa có hạn càng xa càng tốt.

3. Bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh và ở chỗ tối nhất có thể. Hương vị của sữa có thể bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trực tiếp.

4. Bạn cần đậy thật chặt nắp lọ sữa mỗi khi dùng xong, bởi sữa rất dễ bị nhiễm khuẩn.

5. Cấp đông không làm giảm chất lượng của sữa nhưng việc này sẽ ảnh hưởng đến độ sánh của sữa. Sữa sau khi cấp đông sẽ loãng hơn sữa thường.

6. Sữa tách béo sẽ có hàm lượng canxi cao hơn sữa nguyên kem. Lượng canxi trong sữa không chứa ở phần bơ mà chính là phần nước. Bởi sữa tách béo không chứa bơ nên hàm lượng canxi trong một đơn vị sữa sẽ cao hơn.
 

Hãy thay đổi cách bảo quản để có thể sử dụng sữa lâu hơn.


7. Sữa đã bắt đầu bị chua sẽ không tốt cho bạn khi uống liền, nhưng vẫn có thể được sử dụng trong các công thức làm bánh.

8. Nếu muốn đun nóng sữa tươi, bạn không nên đun trực tiếp trên bếp mà nên đun cách thủy. Nếu không thể đun cách thủy, bạn nên tráng qua nồi bằng một lượt nước đá trước khi đổ sữa vào đun. Việc này giúp bạn không làm sữa bị đọng ở đáy nồi và cháy khét. Sữa rất dễ bị đọng và cháy khét bởi các protein thường chìm xuống và dính và đáy nồi khi sữa được làm nóng.

9. Sữa sẽ bị vón cục nếu bạn cho chúng vào các đồ ăn có nhiều acid như cà chua, các loại quả họ cam quýt hoặc rượu vang.
 
10. Với sữa tươi: Nếu chỉ được nấu sôi tiệt trùng theo phương pháp thủ công và chứa trong chai với nút đậy sơ sài thì bạn hãy cố gắng dùng hết trong vòng 24 giờ. Có thể uống nóng, nguội hay để tủ lạnh tùy ý. Tuy nhiên, cần lưu ý đến độ an toàn và vệ sinh của loại sữa này nếu thời gian nấu sôi không đủ 30 phút, vệ sinh chai đựng không sạch.

Các loại sữa tươi chứa trong hộp giấy được tiệt trùng theo phương pháp hiện đại thì không cần trữ lạnh trước khi mở hộp, nhưng sau khi mở hộp thì phải bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 giờ.

11. Các loại sữa bột: Nên "luộc" sôi bình sữa hay ly pha sữa trước khi pha sữa. Tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất từng loại sữa mà chúng ta nên tuân theo như vậy. Hiện nay người tiêu dùng được khuyên nên pha sữa với nước ấm (một nửa là nước đang sôi, một nửa là nước sôi để nguội) để giữ lượng vitamin bổ sung. Bạn cũng nên đong lượng sữa bột theo hướng dẫn ghi trên hộp sữa. Pha đặc hơn hay loãng hơn đều không tốt  (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Lưu ý rằng pha sữa lần nào thì uống hết lần đó. Có thể trữ sữa đã pha trong tủ lạnh nhưng không để bình sữa lâu hơn 2 giờ sau khi pha. Hộp sữa bột đã mở nắp nên dùng hết trong vòng 2 tuần. Riêng các loại sữa chua uống, yaourt… nên trữ lạnh và dùng trong thời hạn ghi trên hộp hay hũ nhựa. Các loại yaourt làm thủ công tại gia đình thì nên dùng hết trong vòng 4-7 ngày sau khi làm.