Cách chăm sóc bệnh nhân xạ trị đúng phương pháp

Cách chăm sóc bệnh nhân xạ trị đúng phương pháp. Làm sạch ở khu vực điều trị để tránh nhiễm trùng.Sử dụng nước ấm (tránh quá nóng hoặc quá lạnh). Giữ cho khu vực điều trị được khô bằng cách lau nhẹ bằng khăn mềm.
 



CÁCH CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XẠ TRỊ
Chăm sóc bệnh nhân xạ trị

1. Chăm sóc da ở khu vực điều trị

Tránh sử dụng xà phòng ở khu vực điều trị. Sử dụng gel lô hội trên khu vực điều trị 2 lần/ngày.

Không tẩy mực đánh dấu, không sử dụng kem, lotion hay dầu ở khu vực điều trị nếu không được chỉ định từ bác sĩ xạ trị.

Tránh mặc quần áo chật ở khu vực điều trị. Bệnh nhân nam đang điều trị ở vùng mặt và cổ nên giảm cạo râu thường xuyên và sử dụng dao cạo râu điện.
 
2. Tránh phơi dưới nắng trực tiếp

Ánh nắng mặt trời trực tiếp có nhiều bức xạ ảnh hưởng đến làn da. Tránh để vùng da đang điều trị xạ trị tiếp xúc lâu dưới ánh nắng gay gắt.
 
3. Chăm sóc miệng

Bệnh nhân xạ trị cần được bồi bổ để tăng sức đề kháng


Nếu bệnh nhân xạ trị ở phần khoang miệng, sẽ bị khô miệng và dày tuyến nước bọt do ảnh hưởng của xạ trị lên tuyến nước bọt. Sẽ bị mất vị giác tạm thời. Bệnh nhân cũng có thể bị loét nông ở miệng và có nguy cơ nhiễm trùng.

Vì vậy, việc chăm sóc tốt miệng ngay từ ngày đầu điều trị là rất quan trọng. Gặp nha sĩ để đánh giá toàn bộ răng miệng trước khi bắt đầu xạ trị.

Chú ý vệ sinh miệng bằng thuốc súc miệng được chỉ định định kỳ. Chải răng bằng bàn chải mềm sau mỗi bữa ăn. Uống nhiều nước lọc, mật ong, glucose và nước lúa mạch, tránh thức uống quá nóng hay nước đá lạnh. Tránh thức ăn cay, chiên nhiều dầu mỡ.

Bệnh nhân xạ trị cần được bồi bổ để tăng sức đề kháng

 4. Chăm sóc bản thân trong suốt giai đoạn điều trị

Ăn nhiều thức ăn dinh dưỡng và uống nhiều nước. Ngủ nhiều hơn nếu cảm thấy mệt mỏi. Mặc đồ lót rộng rãi.

5. Điều gì xảy ra sau khi việc điều trị hoàn tất?

Một vài ảnh hưởng của xạ trị sẽ kéo dài thêm vài tuần sau khi việc điều trị hoàn tất. Tuy nhiên dần dần bệnh nhân sẽ cảm thấy ổn. Điều quan trọng là bệnh nhân cần nghỉ ngơi và ăn đầy đủ trong suốt thời gian này. Kiểm tra định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng của bệnh nhân.
 

Điều trị xạ trị tại chỗ giúp bệnh nhân ung thư sống thêm 20 năm

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương thì từ nay đến cuối năm 2005, Việt Nam ứng dụng phương pháp mới là điều trị xạ trị tại chỗ hay còn gọi là xạ trị áp sát cho bệnh nhân ung thư. Phương pháp này đã được nhiều quốc gia ứng dụng thành công và giúp bệnh nhân ung thư sau khi điều trị sống bình thường thêm 20 năm.

Đây là phương pháp dùng nguồn phóng xạ cắm trực tiếp vào khối u. Sau một khoảng thời gian đạt đủ liều lượng yêu cầu, chất phóng xạ sẽ tiêu diệt dần các tế bào ung thư. Ưu điểm của phương pháp này là dù khối u có kích thước, hình dạng, vị trí có khó quan sát nhất trong cơ thể, nhưng nguồn xạ có thể tiếp xúc và tiêu diệt dần các tế bào ung thư. Thời gian điều trị phụ thuộc vào các thông số giải phẫu khối u và tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bệnh nhân ung thư càng phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Việt Nam đã triển khai và ứng dụng nhiều phương pháp điều trị ung thư tiên tiến, tập trung chủ yếu ở hai bệnh viện đầu ngành là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hóa trị và xạ trị.

Người bệnh cần chia nhỏ các bữa ăn và không uống nhiều nước ngay sau bữa ăn.

Cùng trò chuyện với GS.BS Nguyễn Sào Chung để tìm ra một chế độ ăn hợp lý nhất cho người thân của bạn.

Trong quá trình hóa/ xạ trị, bệnh nhân có thể ăn được những thức ăn như thế nào?

BS: Hóa chất/ phóng xạ làm cho bệnh nhân có hiện tượng nôn ói, ăn không tiêu (tiêu chảy hoặc táo bón). Bệnh nhân có thể ăn theo chế độ sau:

- Ăn ít, ăn từng chút và chia thành nhiều bữa (5-6 lần), ăn chậm và nhai thật kỹ
- Tránh ăn quá ngọt, quá béo, tránh những món chiên xào.
- Nên lựa những thức ăn dễ tiêu, thức ăn ở nhiệt độ hơi lạnh sẽ dễ tiêu hóa so với thức ăn quá nóng.
­- Không nên nằm ngay sau khi ăn ít nhất 2 giờ, và nếu nôn xảy ra vào buổi sáng thì nên cố gắng ăn thức ăn khô (đối với hóa trị) nhưng nếu bệnh nhân có triệu chứng đau họng thì không cần cố gắng. Khác với xạ trị, bệnh nhân nên sử dụng những thức ăn dạng lỏng.
­- Trước khi hóa trị/ xạ trị vài giờ thì chỉ nên ăn nhẹ.
­- Uống nước cách xa bữa ăn ít nhất là 1 giờ, uống ít, từng chút một, không có đường nhưng có thể dùng nước ép trái cây, không nên vừa ăn vừa uống.
- Nếu bệnh nhân thường xuyên có cảm giác buồn nôn, có thể ngậm một viên thuốc có vị bạc hà hoặc một viên đường nhỏ.

Ngoài ra có những món ăn nào bệnh nhân cần kiêng cử hay không?

BS: Nói chung, bệnh nhân Ung Thư không nên kiêng cử, nên ăn với chế độ đầy đủ dinh dưỡng.

Những món ăn nào không khó tiêu, có thể chịu đựng được và thích, thì bệnh nhân nên thường xuyên ăn. Nhưng vấn đề quan trọng là cần chia nhỏ các bữa ăn và hạn chế dầu mở/ gia vị khi chế biến. Không nên uống nước nhiều ngay sau bữa ăn.

Nếu bệnh nhân xảy ra tình trạng nôn ói khi ăn, ta cần phải làm gì thưa BS?

BS: Lời khuyên cho bệnh nhân là nên uống nước nhiều. Nước được đun sôi để nguội, tránh uống những thứ nước ngọt có gas và rượu bia. Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như luộc hoặc nấu súp rau củ quả. Ngoài ra, một số loại thuốc dùng kèm trong chỉ định của bác sĩ có thể giúp bệnh nhân hạn chế được các cơn nôn ói. Nếu bệnh nhân có triệu chứng táo bón thì nên kết hợp thể dục nhẹ hoặc uống thuốc nhuận trường.

Bệnh nhân có thể bổ sung dưỡng chất từ các loại thức uống (sinh tố, nước ép, bột ngũ cốc…) hay không thưa Bs?

BS: Nước sinh tố trái cây rất có lợi cho bệnh nhân Ung Thư. Sử dụng những loại trái cây mình thích để làm sinh tố. Có thể dùng nước ép trái cây hoặc bột ngũ cốc.

Ngoài ra, trong quá trình bồi bổ cơ thể cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần chú ý thêm điều gì thưa BS?

BS: Chăm sóc bệnh nhân theo nguyên tắc:
1. Dùng những thức ăn dễ tiêu
2. Không ăn một lần quá nhiều, chia nhỏ từng bữa ăn
3. Uống nước theo từng đợt, không nên uống một lúc. Đặc biệt là tránh uống nước quá nhiều ngay sau khi ăn.


THAM KHẢO THÊM:

Mẹo” ăn uống trong điều trị ung thư

Vượt qua quá trình điều trị bệnh ung thư chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là khi cơ thể đang chống chọi với những ảnh hưởng từ việc hóa trị và xạ trị. Điều này có thể làm bạn kiệt sức, mệt mỏi và không muốn ăn.

Để có đủ sức khỏe “theo đuổi” đến cùng quá trình điều trị, việc xây dựng chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm có ích cho cơ thể là vấn đề quan trọng cần lưu tâm. Vài cách sau đây sẽ giúp bạn ăn uống dễ dàng hơn dù đang gặp phải những triệu chứng thật khó chịu.

Để có đủ sức khỏe “theo đuổi” đến cùng quá trình điều trị, việc xây dựng chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm có ích cho cơ thể là vấn đề quan trọng cần lưu tâm

1. Chán ăn:

Khi có cảm giác không muốn ăn, bạn rất dễ bỏ bữa. Để cơ thể vẫn có đủ dưỡng chất cần thiết, hãy thử những bí quyết sau:

- Ăn khi đói dù không ăn được nhiều.

- Lập thời gian biểu cho việc ăn uống và mỗi ngày, luôn ăn đúng giờ qui định.

- Ăn từng bữa nhỏ.

- Chuẩn bị sẵn thức ăn và đồ ăn vặt như trứng luộc, đậu… để bạn có thứ để “nhâm nhi” với đầy đủ dưỡng chất khi không cảm thấy đói hay không thể nấu ngay đồ ăn được.

2. Cảm thấy mệt mỏi:

Quá trình điều trị làm mất sức khiến bạn không muốn làm gì, kể cả việc nấu ăn hay thậm chí là ăn thứ gì đó. Trong trường hợp này bạn nên:

- Mua những phần thức ăn sẵn phù hợp (những loại thức ăn giàu dinh dưỡng dành cho người bệnh).

- Chọn thức ăn đặc, giàu calo.

- Có thể liên hệ nơi bán thức ăn có dịch vụ giao tận nhà để đặt hàng những món ăn cần thiết. Đây cũng là cách để bạn không phải bận tâm về chuyện nấu nướng, dành thời gian nhiều hơn cho việc điều trị.

3. Buồn nôn và ói:

Sẽ có lúc bạn cảm thấy khỏe và thèm ăn nhưng có khi nghe mùi hoặc nhìn thấy món ăn là cơn buồn nôn lại xuất hiện. Những cách sau đây sẽ giúp bạn vượt qua vấn đề này:

- Uống thật nhiều nước (đôi khi, nguồn gốc của việc buồn nôn là do quá trình điều trị làm cơ thể mất nước).

- Có thể uống nước mát (nước mát sẽ giúp làm dịu bao tử).

- Cho thêm gừng vào đồ ăn hoặc đồ uống vì gừng luôn là vị thuốc chữa chứng buồn nôn rất hiệu quả.

- Ăn thật chậm và không nên ăn tiếp khi đã có cảm giác no bụng.

4. Đau, khô miệng và cổ họng:

Việc xạ trị ở khu vực đầu và cổ có thể làm thay đổi lượng nước bọt tiết ra trong miệng. Điều này làm miệng và cổ họng hay bị khô, đau, rát. Để đối phó với tình trạng này, hãy áp dụng những cách sau:

- Sử dụng nước súc miệng mỗi ngày một lần để làm sạch miệng, loại trừ vi khuẩn gây đau họng.

- Uống nhiều nước để tránh mất nước.

- Ăn những bữa nhỏ và thường xuyên. Điều này buộc bạn phải nhai và hoạt động cơ miệng nhiều, giúp tiết ra nước bọt để rửa trôi vi khuẩn trong miệng.

- Chọn những thực phẩm, món ăn dễ nuốt như kem hoặc súp. Nếu thấy khó nuốt, thay vì dùng những món làm từ sữa, hãy dùng loại sữa ít béo, chẳng hạn đổi món kem thành món sữa chua ít béo sẽ giúp bạn dễ ăn hơn.

- Dùng bánh mì chung với dầu oliu hoặc thêm bơ, nước sốt vào món ăn cho dễ nuốt.

5. Thay đổi khẩu vị:

Khi phải điều trị bằng phương pháp hóa trị, cơ quan vị giác sẽ bị ảnh hưởng khiến bạn không cảm thấy ngon khi nếm món ăn. Nếu điều này xảy ra bạn cần:

- Cho thêm nước chấm hoặc nước sốt vào món thịt, cá.

- Để giảm bớt vị đắng chát trong miệng, hãy chọn các món có thịt nạc như thịt gà, cũng có thể dùng thêm đậu hũ, trứng hoặc bơ đậu phộng.

- Sử dụng đồ dùng bằng nhựa thay vì bằng kim loại.

- Điều quan trọng là bạn phải lắng nghe chính cơ thể mình và chỉ nên lựa chọn những món ăn mà bạn thấy dễ chịu khi ngửi hoặc nhìn thấy, đừng cố gắng ăn những thứ không thích.

- Tránh những món để lại mùi vị đậm (như các món cá).

- Làm dịu bớt những món có mùi mạnh như các món nhiều gia vị, quá ngọt hay mặn.

6. Những vấn đề về đường ruột:

Dù là tiêu chảy hay táo bón thì những rối loạn của hệ thống tiêu hóa là vấn đề phổ biến khi điều trị ung thư. Những điều bạn nên làm trong trường hợp này là:

- Uống thật nhiều nước, gồm nước lọc và nước trái cây để giúp rửa sạch ruột.

- Tránh những thức uống có chất caffeine vì chúng khử nước nên sẽ khiến cho “rắc rối” ở ruột trở nên trầm trọng hơn.

- Không dùng các món có nhiều chất béo. Thay vào đó nên ăn nhiều rau xanh và trái cây. Chúng có nhiều chất xơ nên có lợi cho sự hoạt động của hệ tiêu hóa.

- Thay đổi lượng chất xơ trong khẩu phần. Nếu đang bị táo bón, cần ăn nhiều chất xơ hơn, ngược lại nếu đang tiêu chảy, cần hạn chế lượng chất xơ.

- Gọt vỏ và bỏ hạt của các loại trái cây trước khi ăn để cơ thể dễ tiêu hóa hơn.

- Tránh những thứ có nhiều hơi gas như kẹo cao su, đồ uống có gas, caffeine…