Cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng ăn nhiều, mau lớn

Cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng ăn nhiều, mau lớn. Có nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng cho trẻ như: trẻ không được nuôi đúng phương pháp khi thiếu hoặc không có sữa mẹ; ăn sam (ăn bổ sung) chưa đúng; thời gian ăn bổ sung quá muộn hoặc quá sớm; cai sữa mẹ sớm... Để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, một số bài thuốc hay sẽ giúp các bậc phụ huynh vơi bớt nỗi lo.





CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ SUY DINH DƯỠNG ĂN NHIỀU, MAU LỚN
Thực đơn chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng



1. Cháo chim cút
Nguyên liệu: Chim cút 1 con (250 - 300g), gạo nếp 30g, gạo tẻ 50g, vỏ quýt khô 30g, mắm muối vừa đủ.

Chế biến: Chim cút làm sạch (bỏ ruột, phổi, phần đầu từ mắt trở lên, chân), ướp mắm muối trong 20 phút. Vỏ quýt tán thành bột cho vào bụng chim cút, cùng gạo tẻ, gạo nếp nước vừa đủ ninh thành cháo.

Lưu ý: Cho trẻ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 5 - 10 ngày.
 
2. Cá quả hấp
Nguyên liệu: Cá quả 1 con (khoảng 250g), tỏi 2 tép vừa, bột gia vị vừa đủ.

Chế biến: Cá quả làm sạch bỏ ruột, khía trên mình cá 2 - 3 nhát. Tỏi giã nhỏ cùng bột ngọt, bột gia vị ướp cá, sau 20 phút đem hấp cách thuỷ, khi chín cho trẻ ăn.

Lưu ý: Khi ăn gỡ lấy thịt cá nạc và nước, ngày ăn 1 lần, cần ăn liền 5 - 10 ngày.

3. Bài thuốc với lươn
Nguyên liệu: Thịt lươn 300g; đương quy, đẳng sâm, gừng tươi mỗi thứ 15g; hành tây 25g, muối ăn vừa đủ.

Chế biến: Lươn rửa sạch, thái sợi, đương quy và đẳng sâm cho vào túi vải, bỏ vào nồi cùng thịt lươn, đổ nước nấu trong 1 giờ, vớt bỏ túi thuốc, gia hành, gừng, muối, nấu thêm 1 giờ nữa là được.

Lưu ý: Cho trẻ ăn thịt lươn và nước.

Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng:
- Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh. Việc nuôi dưỡng chỉ có hiệu quả khi bệnh của trẻ đã được điều trị một cách triệt để.

- Cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

- Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

- Nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào... để tăng đậm độ nhiệt trong bữa ăn của trẻ.

- Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.


Cách chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển.

Đây là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Làm thế nào để phòng tránh suy dinh dưỡng? Cha mẹ cần quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ thế nào?

Vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng ở trẻ thường do tổng hợp nhiều nguyên nhân gây ra như:

- Do dinh dưỡng: Trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh.

- Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…

- Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.

- Do điều kiện kinh tế - xã hội: Suy dinh dưỡng là một bệnh do ảnh hưởng của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan đến kinh tế, văn hóa, dân trí.

Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.

Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2 - 3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.

Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:

- Suy dinh dưỡng độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi

- Suy dinh dưỡng độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi

- Suy dinh dưỡng độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.

Những nguy cơ của suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý hô hấp, tiêu chảy… xảy ra và kéo dài, bệnh lý làm cho trẻ ăn uống kém, nhu cầu năng lượng gia tăng và vì vậy suy dinh dưỡng ngày càng trở nên nặng nề hơn; Ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Cần thường xuyên theo dõi cân nặng của trẻ để phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng. Ảnh: TN

Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp lờ đờ vì vậy giao tiếp xã hội thường kém, kéo theo sự giảm học hỏi, tiếp thu.

Biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ

Giai đoạn sớm: Thường chỉ có biểu hiện đứng cân kéo dài hay sụt cân.

Giai đoàn toàn phát: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng. Khi thăm khám thấy có thể biểu hiện của thể phù, thể teo đét hay hỗn hợp.

Thể phù: Trẻ chỉ được nuôi bằng chất bột, thiếu tất cả những chất dinh dưỡng đa lượng có cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng vi lượng khác. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là: Phù trắng, mềm toàn thân; Rối loạn sắc tố da; Da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng; Còi xương;  Chậm phát triển tâm thần, vận động: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng.

Thể teo đét: Trẻ thiếu dinh dưỡng toàn bộ, cân nặng còn dưới 60% so với cân nặng trẻ bình thường. Mất toàn bộ lớp mỡ dưới da bụng, mông, chi, trẻ teo đét, chi còn da bọc xương, vẻ mặt như cụ già. Tinh thần mệt mỏi, ít phản ứng với ngoại cảnh, trẻ hay quấy khóc, không chịu chơi, không ăn hoặc kém ăn. Thường xuyên có rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, phân sống.

Thể hỗn hợp: Thể phù sau khi điều trị phục hồi một phần, hết phù trở thành teo đét nhưng gan vẫn thoái hoá mỡ.

Làm gì khi trẻ bị suy dinh dưỡng?

Với thể vừa và nhẹ (độ I và độ II): Điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc.

- Chế độ ăn: Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, bất cứ lúc nào kể cả ban đêm,  nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa cần bổ sung các loại sữa bột công thức theo tháng tuổi, hoặc dùng sữa đậu nành (đậu tương).

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cho trẻ ăn bổ sung theo tháng tuổi, đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất nhưng số bữa ăn phải tăng lên, thức ăn phải nấu kỹ, nấu xong ăn ngay.

Tăng đậm độ năng lượng của bữa ăn bằng cách cho tăng thêm men tiêu hóa trong các hạt nảy mầm để làm lỏng thức ăn và tăng độ nhiệt lượng của thức ăn. Cụ thể là: có thể dùng giá đậu xanh để làm lỏng thức ăn cho trẻ, tức là có thể tăng lượng bột khô lên 2 - 3 lần mà độ lỏng của bột không thay đổi. Cứ 10g bột cho 10g giá đậu xanh giã nhỏ lọc lấy nước.

Với trẻ suy dinh dưỡng nặng (độ III): Cho ăn nhiều bữa trong ngày; Tăng dần calo; Dùng sữa cao năng lượng theo chỉ định và tư vấn trực tiếp của bác sĩ.

Trẻ cần được ăn bổ sung theo các chế độ ăn giống như trẻ bình thường. Số lượng một bữa có thể ít hơn nhưng số bữa ăn nhiều hơn trẻ bình thường. Những trẻ có suy dinh dưỡng nặng kèm theo tiêu chảy hoặc viêm phổi phải đưa vào điều trị tại bệnh viện.

Thực đơn tham khảo cho trẻ suy dinh dưỡng tại nhà

Trẻ dưới 6 tháng: Bú sữa mẹ theo nhu cầu. Trường hợp mẹ không đủ sữa mà phải dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ thì phải có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ từ 6 - 12 tháng: Cho trẻ ăn nước cháo xay trộn sữa như trên nhưng tăng thêm lượng thịt, gạo và rau củ, trường hợp trẻ không thích ăn cháo trộn sữa thì dùng sữa cao năng lượng pha với nước sôi để ấm theo hướng dẫn mỗi ngày uống 500ml và cho ăn bột hoặc cháo xay 3 - 4 bữa/ngày, trẻ ăn ít có thể tăng số bữa lên.

Trẻ 13 - 24 tháng: 6h: 150 - 200ml sữa cao năng lượng; 9h: Cháo thịt + rau: 200ml (1 bát ăn cơm); Gạo tẻ: 30g; Thịt nạc: 50g (hoặc cá, tôm, cua: 50g, trứng gà: 1 quả); Dầu: 10ml (2 thìa cà phê); Rau xanh: 20g (2 thìa cà phê); 12h: Sữa: 200ml; 14h: Chuối tiêu: 1 quả hoặc đu đủ 1 miếng;17h: Cháo thịt (cá, tôm, trứng) + rau + dầu

Nếu trẻ đang bú mẹ vẫn phải tiếp tục cho bú và thời gian cho bú kéo dài từ 18 - 24 tháng. Khi cai sữa vẫn nên cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành.

Ăn thêm các loại quả chín theo nhu cầu của trẻ.  

Sức khỏe trẻ em

Chăm sóc thế nào khi bé bị suy dinh dưỡng?

Chăm sóc thế nào khi bé bị suy dinh dưỡng? Câu hỏi quen thuộc của nhiều bà mẹ có con nhỏ khi gặp nhau là “Bé được mấy cân rồi?”.

Đa phần các bà mẹ đều không hài lòng về cân nặng của con và thế là bắt đầu câu chuyện “không bao giờ chán” của các bà mẹ về chuyện làm thế nào để bé đủ cân….





Chăm sóc thế nào khi bé bị suy dinh dưỡng?


Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, lúc mới sinh trung bình khoảng 3kg. Nếu chỉ nặng dưới 2,5kg thường là trẻ bị thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai (đủ tháng nhưng cân nặng dưới 2,5kg). Chiều cao trung bình của trẻ sơ sinh khoảng 50cm.

Một trẻ phát triển bình thường có cân nặng thay đổi như sau:

- Trong 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh: tăng 1-2 kg/tháng.

- 3 tháng tiếp theo trẻ tăng 500-600g/tháng.

- 6 tháng tiếp theo chỉ tăng 300-400g/tháng.

- Đến lúc 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9-10kg).

- Từ 2 đến 10 tuổi trẻ tăng trung bình 2-3kg/năm

Cân nặng trung bình của trẻ trên 1 tuổi có thể áp dụng công thức sau để tính:

X= 9 kg + 2 kg x (N-1), với X là số cân nặng hiện tại của trẻ (kg), N là số tuổi của trẻ (tính theo năm).






Sự phát triển bình thường về chiều cao của trẻ:

- Trong 3 tháng đầu trẻ tăng 3 cm/tháng.

- 4-6 tháng tăng 2-2,5cm/tháng.

- 7-9 tháng tăng 2cm/tháng.

- 10-12 tháng tăng 1-1,5 m/ tháng.

Đến khi trẻ 1 tuổi, chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75cm), sau đó trung bình 1 năm trẻ tăng 5-7cm/năm cho tới lúc dậy thì.

Chiều cao trung bình của trẻ trên 1 tuổi có thể áp dụng công thức sau:

X= 75cm + 5cm x (N-1), với X là chiều cao hiện tại của trẻ (cm), N là số tuổi của trẻ (tính theo năm).
Làm thế nào biết trẻ bị suy dinh dưỡng?

Biện pháp đơn giản nhất để biết được trẻ phát triển bình thường hay bị suy dinh dưỡng bằng cách cân trẻ đều đặn hằng tháng để theo dõi sự phát triển của trẻ (dựa vào biểu đồ tăng trưởng của trẻ):

- Hàng tháng trẻ tăng cân đều đặn, đó là dấu hiệu quan trọng của một đứa khỏe mạnh, phát triển bình thường.





- Không tăng cân là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt (nguy cơ bị suy dinh dưỡng).

Nếu ở nơi không có điều kiện cân trẻ có thể dùng số đo vòng cánh tay trái để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Các thể loại suy dinh dưỡng?

Người ta phân loại suy dinh dưỡng trẻ em thường gặp ở cộng đồng ra 3 thể:

- Thể nhẹ cân hay cân nặng theo tuổi thấp: Phản ánh cả sự chậm của quá trình tăng trưởng trong tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đó.

Chỉ tiêu này có ích cho việc xác định mức độ chung về quy mô của thiếu dinh dưỡng và các thay đổi theo thời gian. Các số liệu cân nặng theo tuổi thường dễ có hơn vì chúng thường dùng để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ em.

- Thể thấp còi: Sự còi cọc được phản ánh bằng chỉ tiêu chiều cao theo tuổi thấp do sự chậm tăng trưởng của trẻ dẫn đến không đạt được chiều cao cần có của một đứa trẻ cùng tuổi ở quần thể tham khảo.

Thể còi cọc là một biểu hiện của sự chậm phát triển kéo dài hoặc một dấu hiệu của sự chậm lớn trong quá khứ.






- Thể gầy còm: Hiện tượng gầy còm xảy ra khi chỉ tiêu cân nặng theo chiều cao của trẻ tụt xuống thấp đáng kể so với trị số nên có ở quần thể tham khảo. Thể gầy còm phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do không lên cân hoặc đang tụt cân.

Đối với trẻ suy dinh dưỡng khi chăm sóc cần chú ý các khâu sau:
Vệ sinh ăn uống:

- Bảo đảm cho trẻ “ăn chín, uống sôi”. Thức ăn nấu xong cho trẻ ăn ngay, nếu để quá 3 giờ phải đun sôi lại mới cho trẻ ăn.

- Tránh những thực phẩm nhiễm bẩn và bị ô nhiễm vì đó là nguồn gây bệnh như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…

- Các dụng cụ chế biến thức ăn phải bảo đảm vệ sinh.

Vệ sinh cá nhân:

- Tắm rửa thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch (vào mùa hè). Giữ ấm cho trẻ, tránh gió lùa (vào mùa đông, khi tắm gội…) để tránh nhiễm lạnh, viêm đường hô hấp.

- Giữ quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng.

- Giúp trẻ có thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh sâu răng, viêm lợi.

- Giữ tay sạch: tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ. Không để trẻ lê la dưới đất bẩn.

Không cho trẻ mút tay, không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ vật, đồ chơi bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.

Vệ sinh môi trường:

- Bảo đảm cho trẻ ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sáng sủa sạch sẽ.

- Đồ dùng, đồ chơi của trẻ cần sạch sẽ, khô ráo.

- Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và nấu thức ăn cho trẻ.

- Để rác thải ở chỗ kín, xa nơi ở, tránh ruồi muỗi đậu.
Chăm sóc tâm lý:

Âu yếm, vỗ về biểu lộ tình cảm trìu mến, yêu thương trẻ. Trẻ cần được khích lệ, chuyện trò, nô đùa… tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ, tránh thô bạo trong cử chỉ lời nói của người lớn trước mặt trẻ.
Chăm sóc khi trẻ bị bệnh:

Khi trẻ ốm đặc biệt là khi bị tiêu chảy hoặc viêm đường hô hấp cần biết cách xử trí ban đầu tại nhà. Ngoài việc điều trị bằng thuốc cần coi trọng việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ thích hợp để giúp trẻ mau khỏi bệnh và chóng hồi phục.

Nuôi dưỡng khi trẻ bị suy dinh dưỡng:

Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh. Việc nuôi dưỡng chỉ có hiệu quả khi bệnh của trẻ đã được điều trị một cách triệt để.

Cần phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.

- Đối với trẻ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Trẻ 3-5 tuổi cần ăn 5-6 bữa/ngày.

- Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

- Nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc cho dầu mỡ vào nước canh, rau xào… để tăng đậm độ nhiệt trong bữa ăn của trẻ.

- Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.

Nuôi con đúng cách để phòng suy dinh dưỡng

Trung bình cứ 5 trẻ Việt Nam có 1 trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Việc hầm xương lấy nước nấu cháo, cho trẻ bú không đúng cách, ăn dặm sớm, không điều trị dứt điểm các bệnh lý ... có thể khiến trẻ không nhận đủ dưỡng chất.


Đưa con đi khám dinh dưỡng, chị Hà, quận 2, TP HCM cho biết bé nhà chị 10 tháng tuổi nhưng cân nặng chỉ 7,2 kg. Bé bị suy dinh dưỡng dù chị chăm con kỹ lưỡng, chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất.

"Khi bác sĩ hỏi về cách chế biến thức ăn, tôi mới biết sai lầm của mình là thường xuyên hầm xương lấy nước nấu cháo, cho con ăn cái gì cũng chỉ chắt lấy nước mà ít khi dùng phần xác, phần thịt vì sợ bé khó tiêu. Chính những điều này đã khiến chế độ ăn của con bị hao hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng nên ăn bao nhiêu cũng chẳng thấm vào đâu", chị Hà chia sẻ.

3 tháng liền con lên cân rất ít, chị Mai, nhân viên của một công ty bảo hiểm tại TP HCM mới đưa con đi khám. Nguyên nhân khiến con chị bị suy dinh dưỡng là bé được ăn dặm quá sớm, từ khi mới 4,5 tháng tuổi, khiến cho hệ tiêu hóa của con bị ảnh hưởng, việc hấp thu chất dinh dưỡng kém. Vì lo lắng cho sự phát triển của con nên khi thấy con còi cọc, chị còn đổi liên tục các loại sữa công thức.

"Ngoài ra, do không biết nên khi cho con bú, mình cứ thay đổi vú liên tục, khiến con không bú được lượng sữa cuối giàu năng lượng, khiến con không tăng trưởng tốt", bà mẹ 27 tuổi này rút kinh nghiệm sau khi được bác sĩ tư vấn.

Trẻ cần được theo dõi cân nặng, chiều cao thường xuyên. Ảnh minh họa: Nam Phương.

Theo bác sĩ Hoàng Thanh Thủy, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng I, suy dinh dưỡng là hậu quả của chế độ ăn thiếu đạm và năng lượng lâu dài ở nhiều mức độ, gây chậm phát triển thể chất và tinh thần, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên. 

"5 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về trí não, chiều cao. Những sai lầm dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ để lại nhiều hậu quả. Cần can thiệp dinh dưỡng sớm để trẻ có thể phát triển tối ưu", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Tại các phòng khám nhi, số lượng phụ huynh đưa trẻ đến khám vì suy dinh dưỡng vẫn còn rất lớn. Không chỉ trẻ nhà nghèo mà những bệnh nhi con nhà khá giả cũng mắc. Theo Chương trình Phòng chống Suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ trẻ nhẹ cân là 19,9%, tức cứ 5 trẻ có 1 trẻ nhẹ cân. Hơn 32% trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng thể thấp còi, tức cứ 3 trẻ có 1 trẻ mắc bệnh.

Trong cộng đồng, suy dinh dưỡng thường gặp dưới 3 thể là thể nhẹ cân, thể thấp còi và thể gầy còm. Với thể nhẹ cân, việc điều chỉnh có thể dễ dàng thực hiện bằng chế độ dinh dưỡng. Với thể thấp còi, thể gầy còm (biểu hiện bằng cơ và mỡ bị teo, suy dinh dưỡng cấp) cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để điều trị kịp thời.

Một số nguyên nhân gây suy dinh dưỡng là trẻ thiếu ăn về số lượng, cách chế biến thức ăn không đảm bảo chất lượng, trẻ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn, ăn dặm quá sớm hoặc quá trễ, trẻ bú mẹ không đúng cách, trẻ suy dinh dưỡng bào thai, trẻ thiếu các vi chất như vitamin A, axit folic, sắt...

Bác sĩ Thủy cho biết, suy dinh dưỡng dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật và tử vong, ảnh hưởng khả năng lao động, trí lực, là nguyên nhân của nhiều bệnh mạn tính. Khi rơi vào tình trạng này, cơ thể giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy, viêm phổi.... 

Hậu quả của nó có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Trẻ nhỏ, vị thành niên suy dinh dưỡng sẽ phát triển thành người lớn suy dinh dưỡng, rất dễ sinh con nhẹ cân, có nguy cơ tử vong cao và phát triển không bình thường.

Biểu hiện của suy dinh dưỡng ở giai đoạn nhẹ là trẻ không tăng cân, chậm tăng cân, biểu đồ tăng trưởng nằm ngang hoặc đi xuống, cơ nhão, mất lớp mỡ dưới da, da xanh. Ở giai đoạn muộn, trẻ hay quấy khóc, thờ ơ với ngoại cảnh.

"Nhiều trường hợp trẻ nhìn mập mạp nhưng vẫn bị chẩn đoán là suy dinh dưỡng. Đây là thể phù, với các rối loạn sắc tố da, rối loạn hình thái và chức năng các cơ quan khác, ảnh hưởng răng, tóc, mắt, xương, ruột...", bác sĩ Thủy lưu ý.

Để phòng chống suy dinh dưỡng, bà mẹ cần chăm sóc từ lúc mang thai. Cần nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, chú ý các tư thế cho con bú. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, không ăn uống thêm gì trong 6 tháng đầu tiên. Cần cho trẻ hấp thụ được nguồn sữa cuối giàu dinh dưỡng bằng cách bú hết vú này rồi mới chuyển sang vú còn lại. 

Nên cho trẻ dặm đúng thời điểm, bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi với các thức ăn phù hợp, giàu dinh dưỡng, đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản. Nếu em bé gầy, có thể làm tăng đậm độ năng lượng và giảm độ đặc bằng cách tăng chất béo, đối với thịt, cá, rau, củ... cần ăn cả xác thay vì chỉ ăn nước, mỗi bữa nên thêm 2 muỗng dầu ăn ( nên dùng loại dầu tinh luyện) vào chén bột của trẻ. Nhiều bà mẹ không dám cho con ăn dầu ăn vì sợ ảnh hưởng đến tiêu hóa của bé, chính điều này đã khiến cho bé mất đi một lượng chất béo rất lớn. 

Với những trẻ đã biếng ăn, có dấu hiệu suy dinh dưỡng thì cần phải kiên nhẫn và dành thời gian thật nhiều để trao đổi, khuyến khích trẻ ăn, không ép trẻ ăn. Nếu trẻ lười uống sữa, có thể cung cấp thêm các chế phẩm từ sữa thay thế như yaourt, váng sữa, bánh plan...Với những trẻ suy dinh dưỡng thể nặng, cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em để lại nhiều tác hại lúc cơ quan chưa trưởng thành, dưới 6 tuổi đối với não, dưới 20 tuổi đối với chiều cao. Do đó, cần đi khám dinh dưỡng sớm, tìm hiểu rõ nguyên nhân gây biếng ăn, không tăng cân của trẻ để có hướng can thiệp kịp thời, tạo điều kiện cho trẻ phát triển thể lực, trí tuệ ở những giai đoạn quan trọng.

THAM KHẢO THÊM:

Những sai lầm của mẹ khiến con suy dinh dưỡng

BS Hoàng Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Hầu hết các trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng (đến khám tại bệnh viện) có nguyên nhân chính là do sai lầm và sự thiếu hiểu biết của mẹ trong cách cho con bú, trong cách chế biến cũng như lượng thực phẩm chưa phù hợp với độ tuổi của trẻ (khi trẻ đã ăn dặm).

Sai lầm trong cách cho trẻ bú

Rất nhiều bà mẹ do không biết cho con bú đúng cách nên sữa không tiết ra đầy đủ và bé không được hưởng trọn lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ.
















Sai lầm trong cách cho con bú mẹ gồm cả việc trẻ không được ngậm bắt bú đúng và tư thế bế sai. Ngậm bắt bú đúng là khi miệng trẻ ngậm toàn bộ phần núm đến quầng thâm của vú mẹ, mũi bé đối diện với mặt mẹ, cằm chặn vào vú mẹ, có thể thấy quầng vú của mẹ phía trên nhiều hơn phía dưới. Khi đó, miệng trẻ sẽ ép được vào vùng xoang sữa, giúp sữa tiết ra nhiều và đầy đủ.

Tư thế bế đúng là khi toàn bộ cơ thể bé được nâng đỡ, đầu và lưng bé thẳng hàng, bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Mỗi một bữa bú của bé thường kéo dài khoảng 15-20 phút. Vì vậy, chỉ khi được bế đúng, trẻ mới cảm thấy thoải mái và bú được nhiều.

BS Thanh Thủy cũng khuyến cáo, các bà mẹ nên cho trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên kia để trẻ có thể nhận đầy đủ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Không được cho bé đang bú nửa chừng rồi chuyển ngay sang bên vú còn lại. Lượng sữa tiết ra ban đầu thường trong, chứa lượng đường nhiều để thỏa mãn cơn khát của bé, càng về sau sữa càng đục, chứa nhiều chất béo. Thế nên, nếu chỉ cho bú sữa đầu, trẻ sẽ kém lên cân.

Nên cho trẻ bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm, khoảng 8-12 lần/ngày. Trong thời gian cho bé bú mẹ, bốn-sáu tháng đầu, tránh cho bé ăn thức ăn khác trước khi bú hay cho uống nước, nước trái cây, ngậm núm vú giả. Nên cho trẻ bú mẹ đến hết năm thứ hai hoặc hơn.

Cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất

Khi cho trẻ ăn bổ sung (từ tháng thứ tư đến tháng thứ sáu) cần chuyển dần từ ngọt sang mặn, lỏng sang đặc để trẻ quen dần. Cần cung cấp đủ năng lượng cho trẻ bằng cách bổ sung dầu ăn vào khẩu phần cho đến suốt hai năm đầu đời.

Cụ thể, bổ sung khoảng hai muỗng canh dầu ăn (dầu tinh luyện) cho 200ml thức ăn (bột, cháo). Mỗi lần chỉ nên tập cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới để loại trừ khả năng trẻ có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào đó. Không nên nêm nếm nhiều gia vị trong thức ăn của trẻ, đặc biệt là bột ngọt và cũng không nên nêm mặn.



BS Thanh Thủy nhấn mạnh, nhiều mẹ thường cho trẻ ăn quá thừa đạm, tinh bột nhưng lại thiếu rau xanh và chất béo. Điều đó khiến trẻ vừa khó tiêu hóa, sinh ra biếng ăn, đồng thời thiếu những vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện.

Phải bảo đảm trẻ được ăn đầy đủ bốn nhóm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Số lượng khuyến cáo cho trẻ cụ thể như sau. Trẻ sáu-tám tháng: thức ăn là bột đặc hoặc thức ăn nghiền, hai bữa/ngày, mỗi bữa 2/3 chén cộng thêm bú mẹ. Trẻ 9-11 tháng: thức ăn băm nhỏ hoặc có thể gắp, ba bữa chính, một bữa phụ và bú mẹ, mỗi bữa 3/4 chén. Trẻ 12-24 tháng: thức ăn gia đình, ba bữa chính, hai bữa phụ và bú mẹ, mỗi bữa một chén.

Khi cho con ăn, các bà mẹ thường mở ti vi có chương trình quảng cáo, ca nhạc để trẻ xem. Thói quen này khiến trẻ ăn một cách thụ động, không có cảm nhận về món ăn, không có giao tiếp với cha mẹ. Cách tốt hơn là nên tiếp xúc, nói chuyện, cười và khích lệ để trẻ ăn và cảm nhận món ăn một cách chủ động. Nên cho trẻ cùng ngồi trong bữa ăn gia đình để kích thích trẻ thử những món ăn mới, đồng thời giúp trẻ tự xúc ăn để trẻ có cảm giác tự lập.

Nếu bị suy dinh dưỡng trong 5 năm đầu đời, trẻ không chỉ lùn, chậm phát triển chiều cao mà còn chậm phát triển trí não hơn trẻ thông thường. Nếu rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cụ thể: 12 tháng nhưng chỉ nặng 7,7kg, 24 tháng nặng 9kg) thì còn có thể điều chỉnh, phục hồi được. Nhưng nếu bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi (cụ thể: 12 tháng nhưng chỉ cao 68,6cm, 24 tháng: cao 80cm), trẻ sẽ không có khả năng hồi phục. Do vậy, ngay khi thấy trẻ kém tăng cân và chiều cao, cần đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, tránh tuyệt đối để trẻ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi.



Suy dinh dưỡng ở trẻ
Tìm hiểu về phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em
Bé bị suy dinh dưỡng
Kế hoạch phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Kế hoạch phòng chống suy dinh dưỡng và béo phì cho trẻ
Kế hoạch phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ mẹ nên biết
Thai nhi bị suy dinh dưỡng
Phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai
Giúp trẻ hấp thu chất dinh dưỡng tốt



(ST)