Cách chế biến chè xanh tươi ngon

Có rất nhiều người thích uống chè xanh (chè tươi) nhưng lại chưa biết cách pha chế và hãm chè sao cho nước trong và có màu xanh đẹp. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách nấu chè xanh ngon.

Cách 1:

Nguyên liệu: (dùng để chế biến 3 lít nước trà)

Lá chè tươi 300g, đường 300g, nước 3 lít, chanh 3 quả hoặc mật ong.

Lưu ý: Khi mua lá chè xanh, bạn nên chọn những lá chè tươi, già vừa phải để khi thành phẩm nước trà sẽ thơm ngon, tinh khiết. Nếu mua lá chè bị nát, quá già thì khi nấu, nước chè sẽ bị chát.

Chế biến:

Chuẩn bị nguyên liệu gồm: lá chè xanh, đường, chanh như yêu cầu. Dùng nước sôi đổ vào phần lá chè, trụng khoảng 2-3 phút như một nước ảo rồi gạn nước bỏ đi. Phần này giúp chè xanh sạch đồng thời giảm bớt phần chát và "ngái" của lá chè.

Sau đó đổ 2 lít nước sôi vào lá chè, đậy nắp nồi và ngâm trong 20-25 phút để lấy được phần tinh chất của chè. Sau đó dùng khay lược bã chè đi để nước chè được trong. Bã chè được thực hiện với lần 2 nhưng lần này bạn chỉ đổ 1 lít nước sôi, ngâm trong vòng 5 phút.

Và cũng lược phần bã chè đi như lần đầu. Hòa chung 2 lần nước chè này vào nhau, để chè có độ chát vừa đủ. Đem phần nước chè bắc lên bếp đun sôi, rồi cho đường vào. Tắt bếp và cho chanh vào. Nên nhớ, khi đun nóng nước chè lên thì mới cho đường. Tắt bếp và cho chanh vào. Nên nhớ, khi đun nóng nước chè lên thì mới cho đường và nước chanh vào.

Như thế sẽ giúp nước chè xanh để được lâu mà không bị hư hoặc thiu. Ngoài ra, thay vì dùng chanh bạn cũng có thể dùng mật ong. Bạn cũng có thể gia giảm độ ngọt, nhạt tùy theo ý thích của mình.

Nước trà xanh nấu xong có vị chát vừa phải của trà, vị chua và hương của chanh. Dù không có hương vị như thức uống đóng chai nhưng nó hoàn toàn làm bạn yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mách bạn:

Nước trà sau khi chế biến có thể dùng nóng trong những ngày mát hay dùng lạnh trong những ngày nắng nóng. Sau khi chế biến, nếu bạn muốn uống lạnh nên để nguội rồi cho vào tủ lạnh vì uống lạnh sẽ ngon hơn. Bạn có thể chế biến cùng một lúc nhiều nước trà vì nước trà chế biến tại gia có thể dùng trong 2 tuần với điều kiện được để trong tủ lạnh.

Cách 2:

Nguyên liệu:

- 200gr lá chè tươi (lá già, thẫm màu một chút, và không giập nát)

- 2 lát gừng tươi

- 3 lít nước sôi nóng (thật sôi).

Cách làm:

- Lá trà ngâm qua nước, rửa sạch bụi trên lá, ngâm 10 phút trước khi vớt ra.

- Nước sôi tráng ấm tích hoặc tráng bình pha.

- Vò nhẹ lá trà, sao cho lá bị gẫy gập, nhưng không bị dập nhé.

- Cho lá trà vào bình, thả 2 lát gừng tươi vào cùng, lấy nửa lít nước sôi đổ vào tráng chè lắc qua và đổ đi.

- Đổ lượng nước sôi còn lại vào ấm, không đậy nắp bình và để chè ngấm 20 phút.

- Bạn có thể cho thêm cục đá lạnh vào bình sau 20 phút chè ngấm để chè có màu xanh trong suốt. Vậy là chúng ta đã có một bình chè tươi cực thơm ngon và xanh trong.

Cách 3: Chè tươi hãm (ủ)

Lá chè tươi được rửa sạch, để ráo nước vò sơ, đổ nước sôi “làm lông chè” rót đổ đi rồi tiếp nước mới cho đầy, đậy nắp âu, ấm đất kín rồi ủ bằng các ấm, ang đất, bình tích sứ được ủ nóng trong giành tích hoặc thúng nhồi rơm, bao tải chèn quanh đặt trong một cái thùng gỗ vuông đóng vừa khít hoặc giỏ đan bằng mây, tre cho nước chè luôn nóng.

Ở khu phố cổ các gia đình truyền thống cho vào ấm tích sứ ủ bằng giành tích nhồi bông rồi đổ nước sôi 100ºC ủ trong giỏ tích mươi phút là dùng được. Nước chè hãm xanh hơn, đậm hơn, ngọt hơn, để lâu không bị đỏ.

Bí quyết giữ màu xanh cho chè tươi được các nghệ nhân đường phố, các bà chủ quán nước Hà thành bật mí: Nấu nồi nước chè xong, trấn vào đấy một gáo nước lạnh rồi ủ nóng uống suốt cả ngày, nồi nước chè vẫn xanh, không bị chuyển thành màu hổ phách mất đi cái sắc đặc trưng, “nét duyên” của riêng nước chè tươi.


Uống chè xanh: Đúng cách mới tốt

Uống chè xanh cũng phải đúng cách, nếu không sẽ dẫn đến một số hậu quả không mong muốn.

Không uống chè xanh quá nóng

Khi uống chè xanh quá nóng trên 60°C sẽ gây tổn thương vách trong của dạ dày, dẫn đến đau loét dạ dày.

Mặc dù một ấm chè xanh ngon phải được ủ từ nước đun thật sôi, nhưng nhiệt độ lý tưởng để bạn uống chè xanh khoảng 45 - 50°C là vừa.

Không uống chè xanh vào lúc đói

Chè xanh có khả năng kích thích dạ dày tiết ra nhiều chất chua, vị chua sẽ làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể hấp thu thức ăn kém đi.

Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống chè xanh, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị. Lúc đó, bạn sẽ thấy cồn cào, nôn nao trong người, chóng mặt, hoa mắt, rất khó chịu mà chúng ta thường gọi là “say chè”.

Không uống ngay sau bữa ăn

Trong chè xanh có chứa tanin, nếu sau khi ăn uống chè xanh thì chất sắt và protein trong thức ăn sẽ kết hợp với chất tanin, từ đó làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.

Được biết, chất tanin có tác dụng “khử” chất sắt, vì thế cơ thể sẽ hạn chế hấp thu chất sắt. Tốt nhất là hãy chờ khoảng 15 - 20 phút sau khi ăn rồi mới uống.

Không uống vào buổi tối trước khi đi ngủ

Nước chè xanh chứa hàm lượng cafein khá cao, khi uống vào gây kích thích thần kinh, làm cho thần kinh hưng phấn, từ đó gây khó ngủ. Vì thế, vào buổi tối, nên uống chè xanh trước giờ đi ngủ từ 1 đến 2 giờ.

Không uống nước chè xanh để qua đêm

Lý do, khi để lâu như vậy nước chè sẽ bị xỉn màu, thành phần vitamin B, C trong nước chè sẽ bị phân hủy. Vì vậy, tốt hơn hết, buổi sáng khởi đầu cho một ngày, bạn nên hãm ấm chè xanh mới và chỉ thưởng thức chúng trong ngày mà thôi.

Không dùng nước chè xanh để uống thuốc

Các chất có trong chè xanh khi “gặp” các hoạt chất trong thuốc sẽ tạo ra những phản ứng hóa học làm cho thuốc giảm tác dụng và cơ thể khó hấp thu, từ đó bệnh sẽ lâu khỏi.

Phụ nữ mang thai hạn chế uống nhiều chè xanh

Thai phụ nếu uống nhiều nước chè xanh đậm đặc sẽ có nguy cơ bị thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Mặt khác, chè xanh còn kích thích hệ thần kinh, làm tim đập nhanh, gây mất ngủ. Phụ nữ mang thai nếu thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của chính họ.

(ST)

tra xanh lan hai uong tot khong?
hơn 1 tháng trước - Thích
Gửi hỏi đáp - bình luận