Cách chế biến thịt Kỳ đà lạ miệng cực thơm ngon
Mẹo chế biến thịt quay thơm ngon giòn bì như ngoài hàng
Thịt thỏ chế biến như thế nào cho hấp dẫn
“Lòng vả như lòng sung”, dù có nhiều điểm tương đồng giữa trái vả với trái sung, nhưng đương nhiên trái vả ngon hơn rất nhiều. Ăn vả đòi hỏi phải biết cách thưởng thức, tốt nhất là chế biến kèm những thức khác để tạo ra nhiều món ngon đặc sắc.
Gần khu vực Ngã tư An Sương có một chợ tự phát nhỏ hàng sáng chỉ họp trong vài tiếng, nhưng khá đông người. Người dân ở đây gọi Chợ Huế, vì người đi chợ phần đông là dân gốc Huế tập sống trong những xóm Huế quanh khu vực.
Chợ bán đủ thứ từ rau cá tôm thịt như các nơi khác, có khác chỉ là những món mắm rò, mắm ruốc, mắm tôm chua… đặc sản Huế nhiều hơn, và thỉnh thoảng có một loại trái khá xa lạ với người Sài Gòn nhưng lại cực kỳ gần gũi với người Huế: trái vả.
Trái vả bán ở đây được một mệ đem xuống từ Long Khánh- Đồng Nai, nơi cộng đồng người Huế sống rất đông nên đem giống cây vả từ Huế vào trồng. Ai tới trễ một chút là không còn vả để mà mua. Vì người Huế hễ gặp được trái vả sẽ mua rất nhiều, mua để cùng gia đình thưởng thức, để biếu tặng người thân lấy thảo. Giá cả cũng không đắt lắm, 5 - 6 ngàn đồng 10 trái, còn rẻ hơn ở Huế.
Trong các nhà cổ và các vườn Chùa ở Huế, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp cây vả tỏa bóng che mát. Tuy nhiên người Huế có câu: "Trồng vả trả người" hay "Trồng cây vả ngã một người" nên dù thích ăn cũng không nhiều người dám trồng trong vườn nhà, sợ điềm không may sẽ xảy đến.
Cây vả dễ trồng, ít cần phân bón chăm sóc, cứ thế mà theo thời gian mưa nắng lớn lên, cho quả. Người Huế hay dùng cách chiết cành, sau khi cắm xuống đất, chỉ 2-3 năm là cây cho quả. Mùa vả kéo dài từ tháng 12 tới tháng 3, nhưng các thời gian khác trong năm cây vẫn cho trái lai rai.
Quả vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Ảnh: Hương Vũ
Quả vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Quả có dạng như quả sung, tròn dẹt, vỏ màu xanh lục có lông tơ mịn màng. Trái xanh - ruột trắng - lòng hồng, đó là một trái vả lý tưởng, cho vị ngòn ngọt, giòn giòn, lẫn chút chan chát ở đầu lưỡi. Trái vả đã quá lứa, hoặc bị héo thì vỏ sẽ thâm xỉn màu, ruột hết hồng mà chuyển sang nâu nâu, vẫn ăn được tuy không còn độ ngọt, và kém ngon.
“Lòng vả như lòng sung”, dù có nhiều điểm tương đồng giữa trái vả với trái sung, nhưng đương nhiên trái vả ngon hơn rất nhiều. Ăn vả đòi hỏi phải biết cách thưởng thức. Không thể cắn phập vào, vì nhựa sẽ chảy ra chát miệng, chẳng có cảm giác gì ngon. Tốt nhất là chế biến kèm với những thức khác để tạo ra nhiều món ngon đặc sắc.
Ở Sài Gòn, đi các nhà hàng chuyên món ăn Huế, ta đều có thể yêu cầu các món vả như: vả trộn xúc bánh tráng, vả nấu canh với tôm rằn, Vả hầm giò heo. Ngoài ra, các cô các bà người Huế còn dùng trái vả kho chung với tôm thịt, bóp gỏi với bắp bò…. Thật khó mà thống kê cho đầy đủ các món ăn được người Huế sáng tạo từ trái vả.
Cách làm một số món với trái vả
Vả trộn xúc bánh tráng: luộc vả chín cho bớt vị chát, gọt vỏ, xắt thành từng lát mỏng, trộn với tôm thịt cùng mè (vừng), tỏi, muối tiêu, rau thơm, rau răm. Nướng bánh tráng chín giòn thơm, bẻ từng miếng nhỏ thong thả xúc vả đã trộn đủ màu mè như trên, ăn rất ngon, món này có trong các nhà hàng sang trọng và trên các vỉa hè cho thiên hạ lai rai chiều tan sở.
Vả nấu canh với tôm rằn: vả gọt vỏ, xắt vả thành từng lát mỏng, um tôm tiêu hành mắm muối cho thấm, thêm nước đủ dùng, nêm tý ruốc, nước sôi thả vả vào, khi vả vừa chín tới, cho lá hành, lá sung lót vào, thơm phức, ăn rất mát dạ.Vả hầm xương heo: gọt vỏ, xắt lát to bằng ngón tay cái, hầm xương trước cho mềm rồi thả vào, sôi một lúc là chín, bắc xuống cho lá hành, lá lốt vào, hấp dẫn.
Vả hầm giò heo, cách làm như hầm với xương heo vậy, đây là món ưu tiên cho phụ nữ sau khi sinh, ăn vào sẽ có nhiều sữa cho em bé bú do theo Đông y trái vả có tác dụng nhuận trường, tiêu thực, lợi sữa cho sản phụ. Ngoài ra vả còn là món ăn kèm trong rau sống, để ăn với bánh khoái, nem lụi, vả với tôm chua thịt phay, nếu ăn chay thì chấm với tương chao. Đơn giản nhất, trái vả gọt vỏ cắt miếng vừa phải chấm mắm ruốc ăn kèm thịt heo luộc, chỉ nhắc thôi cũng đủ thèm chảy nước miếng.