Cách chiên bánh chưng ăn cực ngon mà không bị ngấy

Cách chiên bánh chưng ăn cực ngon mà không bị ngấy. Với kiểu rán này, bạn sẽ có một đĩa bánh chưng rán vàng với phần nhân được trải đều, thật mỏng và thật giòn






CÁCH  CHIÊN BÁNH CHƯNG ĂN CỰC NGON KHÔNG BỊ NGẤY

Bánh chưng rán giòn

Nguyên liệu:

Nửa cái bánh chưng (hoặc bánh tét), dầu ăn.

Cách làm:

- Cắt bánh chưng ra thành từng miếng nhỏ rồi cho vào cái bát to. Dùng thìa dầm các miếng bánh ra cho nát, trộn đều nhân và vỏ lẫn với nhau.

- Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa canh dầu ăn vào đun nóng với lửa vừa. Sau đó, đổ bát bánh chưng đã dầm nát vào chảo rồi dùng thìa to bản dàn bánh thành hình tròn mỏng.

- Sau khi rán được vài phút, phần nếp và nhân sẽ mềm ra hơn, bạn tiếp tục dùng thìa to ấn đều khắp mặt bánh để cho phần mặt liền nhau và láng mịn.

- Kiểm tra mặt dưới bánh vàng đều thì lật bánh lại rán tiếp mặt thứ hai, có thể cho thêm dầu để mặt hai không dính chảo và được giòn.

- Khi bánh chín vàng đều hai mặt và giòn, cho ra đĩa, dùng nóng với củ cải muối, dưa món hay củ kiệu, hay cả giò chả.

Bánh chưng cắt nhỏ cho vào bát dầm nát.

Cho bánh đã dầm vào chảo dàn mỏng đều.

Bánh chưng rán có thể ăn kèm giò chả, củ kiệu...


Bánh chưng chiên cách điệu

Lâu lâu lại thèm món xôi chiên giòn. Miếng xôi giòn bên ngoài, dẻo bên trong với nhân thịt bằm rất ngon. Ăn với ketchup thì tuyệt vời luôn. 

Nguyên liệu:

Xôi: nấu bằng lò vi sóng

- 1 chén gạo nếp ngâm qua đêm hoặc vài tiếng đồng hồ
- Xíu muối
- Nước lã
=> Gạo nếp vo sạch, cho vào tô chịu nhiệt trong lò vi sóng. Đổ nước xâm xấp mặt nếp cao khoảng gần nửa lóng tay, cho xíu muối vào. Đậy khăn giấy lên tô. Bấm 2 lần 4 phút là xôi chín. Trong quá trình bấm lần 1, lấy ra đảo đều để xôi được chín đều hơn.

Nhân:

- 100 gr thịt bò băm
- 1/4 củ hành tây xắt hạt lựu
- 1 tép hành lá xắt nhỏ.
- Xíu muối, tiêu, dầu ăn.

=> Trong quá trình nấu xôi, bắt chảo dầu nóng lên, cho thịt bò băm + hành tây + hành lá + tiêu muối vào chảo xào chín.

Thực hiện:

- Xôi chín, lấy ra để nguội bớt. Cán mỏng xôi ra thành hình chữ nhật, cho nhân xào chín vào 1 bên. Gập miếng xôi bên kia lại cho vừa khít nhân. Dùng plastic wrap ém chặt sao cho nhân và xôi dính lại với nhau.
- Cắt từng miếng vuông vừa ăn.
- Chảo dầu nóng, cho từng miếng xôi vào chiên chín vàng đều 2 bên. (Mình dùng ít dầu để chiên thôi, chứ không chiên trong chảo ngập dầu).

Thưởng Thức:

Xôi ăn nóng cùng với ketchup rất ngon. Giòn giòn giòn bên ngoài và dẻo dẻo bên trong.

THAM KHẢO THÊM:

Cách gói bánh chưng hương vị Bắc ngày Tết

Gạo nếp Bắc, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong, lạt là những thành phần cần thiết để gói nên chiếc bánh chưng đậm hương vị Bắc cho gia đình bạn trong những ngày Tết.

Bánh chưng Bắc là mặt hàng được ưa chuộng nhất trong ngày Tết ở Sài Gòn, dùng để cúng ông bà, làm quà biếu hoặc để dùng cho gia đình trong ba ngày Tết. Bạn có thể dễ dàng đặt mua ở các cửa hàng đặc sản Hà Nội hoặc các chợ, siêu thị ở Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu muốn tự tay gói bánh chưng ở nhà, bạn có thể thực hiện theo cách hướng dẫn dưới đây:

Nguyên liệu:

- Lá dong:Chọn loại lá bánh tẻ (không quá già hoặc quá non) thì mới dễ gói, mỗi bánh chọn 4 chiếc lá. Ngâm lá vào nước cho mềm, rửa sạch hai mặt lá và để ráo nước. Dùng khăn sạch lau lá cho thật khô, cắt bớt gân lá cho lá mềm để dễ gói.

- Lạt:Lạt gói bánh chưng là loại lạt giang, mỏng, mềm và dẻo dai. Mỗi một chiếc bánh cần khoảng 2-4 chiếc lạt tuỳ bạn muốn buộc hình chữ thập (2 lạt) hay hình vuông (4 lạt) trên bánh.

Các nguyên liệu để gói bánh gồm có: thịt ba chỉ, nếp, đỗ xanh, lá dong, lạt buộc.

- Gạo nếp: Chọn loại nếp có hạt đều, mẩy ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, vừa thơm vừa dẻo. Loại gạo nếp nương của Điện Biên cũng rất thơm ngon. Gạo phải ngâm ít nhất là 8 tiếng, đãi sạch sạn, vớt ra để ráo nước trước khi gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo, tuỳ độ to nhỏ mà bạn thích.

- Đỗ xanh:Chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường là 8 phần gạo : 2 phần đỗ.

- Thịt lợn: Chọn loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn thì mới ngon. Không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5-7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp muối, tiêu, hành củ thái lát cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.

Đầu tiên là lá dong, tiếp đến là nếp, đỗ xanh, thịt lợn...

Cách gói bánh:

- Lấy một chiếc mâm rộng, xếp lá một bên, lạt một bên, gạo và đỗ, nhân thịt lợn để phía trước.

- Chọn hai chiếc lá to đặt song song, sao cho mặt lá không có gân lá hướng xuống dưới. Xếp hai chiếc lá khác lên trên hai lá này theo hình chữ thập, mặt lá không có gân quay lên trên.

Trên cùng là một lớp nếp và gói lại.

- Đổ một nửa gạo lên trên, cho một nửa đỗ, xếp nhân thịt lợn (hai miếng), rồi cho tiếp nửa đỗ, sau đó là nửa gạo còn lại. Cuộn lá dong lên gói bánh, sau đó bẻ hai đầu cho vuông thành, sắc cạnh. Gói tiếp bằng hai chiếc lá bên ngoài, dùng lạt buộc lại cho chắc.

- Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo, không bị thấm nước vào bên trong.

Bánh gói xong được xếp vào nồi nấu chín.

- Lót đáy nồi bằng một ít lá nhỏ, cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chắc, đổ ngập nước và bắt đầu luộc chừng 10 đến 14 giờ đồng hồ.

Dùng vật nặng để ép bánh cho ráo nước.

- Bánh chín, vớt ra, rửa sạch. Xếp bánh lên bàn, dùng tấp ván đặt lên trên, đè thêm một số vật nặng để bánh ráo hết nước, để lâu không bị mốc.




Cách làm bánh rán ngọt
Cách làm bánh rán mặn
Cách làm bánh dorayaki
Công thức làm bánh rán lúc lắc
Hướng dẫn làm bánh rán mặn cho ngày mát trời
Hướng dẫn làm nem rán bánh đa ngon miệng
Hướng dẫn làm bánh rán vừng ngon tuyệt
Hướng dẫn làm món bánh rán ngon như ngoài hàng



(ST)