Cách cho con ăn dặm

Trong các thức ăn dặm thì thành phần chất bột là phổ biến và quan trọng vì đây là thực phẩm dễ tìm, cung cấp nhiều năng lượng, dễ tiêu hóa và an toàn cho trẻ.


Tốc độ tăng trưởng của trẻ trong năm đầu tiên cao nhất so với bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Vì vậy năng lượng cần thiết cho trẻ phát triển cũng tăng lên nhanh theo tháng tuổi. Một em bé 6 tháng tuổi cần khoảng 700 kcal một ngày. Trẻ một tuổi sẽ cần khoảng 900-1000 kcal mỗi ngày. Một lít sữa mẹ hoặc sữa công thức thường cung cấp khoảng 670 kcal. Do đó trẻ cần những thức ăn có thể cung cấp nhiều năng lượng hơn là sữa. Hơn nữa, bé còn cần thêm nhiều vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm… mà sữa mẹ không cung cấp đủ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi 6 tháng tuổi nhưng vẫn tiếp tục cho bú mẹ.

Hầu hết các bà mẹ trên thế giới tập ăn dặm cho con với thức ăn đầu tiên là chất bột như gạo (ở các nước châu Á), lúa mì (ở châu Âu) hoặc ngô, sắn (châu Phi). Chất bột được cấu tạo bởi rất nhiều phân tử đường gluco liên kết với nhau, cần phải được cắt nhỏ thành các phân tử gluco riêng lẻ thì cơ thể mới hấp thu được. Quá trình phân cắt này cần có sự tham gia của nhiều men tiêu hóa chất bột của nước bọt, tuyến tụy và ruột non. Những men tiêu hóa này sẽ cắt phân tử tinh bột lớn thành các phần nhỏ hơn và cuối cùng thành các phân tử gluco.

Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa chất bột của trẻ lại phát triển dần trong năm đầu đời. Men tiêu hóa chất bột của nước bọt và tuyến tụy cũng không phát triển đồng đều. Theo các nghiên cứu khoa học, men tiêu hóa chất bột trong nước bọt của trẻ rất thấp ở những tháng đầu đời (a,b,c). Đến tháng thứ 5, bé mới đạt mức như người lớn (a). Vì vậy bạn không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm. Men tiêu hóa chất bột của tụy còn phát triển chậm hơn. Khi trẻ một tuổi, men tiêu hóa chất bột của tụy mới đạt 25-50% so với người lớn (d). Nếu lượng chất bột ăn vào nhiều hơn khả năng tiêu hóa có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa.

Việc nấu bột kỹ, cho trẻ ăn bột đúng độ tuổi, từ lỏng đến đặc, ít đến nhiều sẽ giúp bé có thể tiêu hóa tốt thức ăn dặm. Ngoài bột tự chế biến, các bà mẹ cũng có thể lựa chọn thức ăn dặm chế biến sẵn sử dụng công nghệ thủy phân tinh bột bằng men - CHE. Ở giai đoạn ăn dặm, bạn nên chú ý đến những đặc điểm sinh lý của trẻ để cho con ăn dặm đúng, đủ và phù hợp với cơ quan tiêu hóa.


Thông thường, việc xay chút bột rau, cá, gan lợn, thịt… vào cháo là điều xem chừng đơn giản, nhưng xay như thế nào và tỉ lệ bao nhiêu? Dưới đây là một số gợi ý.

Trẻ 6 – 7 tháng tuổi là đủ độ tuổi cứng cáp để ăn dặm, trong cháo nên cho thêm thực phẩm phụ và cần chế biến thành dạng bột hoặc vụn để bé dễ nuốt.


Tỉ lệ thực phẩm khi chế biến đồ ăn cho trẻ ăn dặm cũng rất quan trọng. (Ảnh minh họa).

Cách thức nghiền

Bột rau: Rửa sạch lá rau (cải, dền, cải thảo, bắp cải…) trước, bỏ cuống, xé nhỏ, chần qua nước sôi rồi vớt ra, để vào một chiếc rá kim loại, dùng thìa canh dằm hoặc nghiền nát, lọc bột rau ra. Nếu không có rá kim loại thì có thể xắt nhỏ rau ra, cho dầu ăn vào chảo và xào bằng lửa lớn cho mềm. Một cách nữa là bỏ vào may xay sinh tố để xay nhuyễn và cho vào cháo đun sôi lại.

Bột cá: Rửa sạch cá khúc (cá trắm, cá hố, cá thu…) đựng vào bát. Nêm chút gia vị rồi hấp cá trong 10-15 phút, sau khi nguội lóc bỏ da và xương rồi dùng thìa ép thành dạng bột.

Bột thịt: Rửa sạch thịt nạc, bỏ gân, băm nhỏ hoặc xay rồi cho thêm chút bột mì, rượu và gia vị trộn đều, sau đó bỏ vào nồi hấp chín.

Bột gan lợn: Rửa sạch gan, khía ra, cạo nhẹ mặt khía, cho một tí rượu và gia vị hấp chín, nghiền thành bột. Nếu là gan gà, vịt thì việc nghiền càng dễ dàng hơn.

Bột tôm: Bóc vỏ tôm rửa sạch, băm nhỏ, nêm gia vị, trộn đều và hấp chín.

Những lưu ý về tỉ lệ

Thành phần dinh dưỡng trong ăn uống của bé cũng cần một tỉ lệ thích hợp, thông thường tỉ lệ thích hợp là: 3: 2: 1. Ví dụ: Gạo 30g thì bột thịt khoảng 20g và rau là 10g. Sau khi nấu xong, cần thêm vào vài giọt dầu thực vật để tăng thêm hương vị và nhiệt năng.

Chế biến bột ăn dặm cho bé hợp lý là trên cơ sở chất bột, thêm các loại thực phẩm có nguồn gốc động và thực vật vào cũng cần một tỉ lệ hợp lý. Bất kể xuất phát từ nhu cầu sinh trưởng của trẻ hay mùi vị thì cũng không nên lấy khẩu vị người lớn làm tiêu chuẩn vì nếu quá mặn sẽ bắt thận của bé làm việc quá sức, thậm chí phù nề. Đặc biệt nên hạn chế bột nêm, hương liệu, mì chính… trong khẩu phần ăn của trẻ.


Thực đơn ăn dặm cho trẻ 4 tháng tuổi
Những hương vị đầu tiên
Mặc dù sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé nhưng những thức ăn đầu tiên này sẽ là nền tảng giúp bé hình thành thói quen ăn uống về sau. Do đó bạn can giúp bé cảm thấy hạnh phúc và hứng thú khi làm quen với những hương vị đầu tiên.
Trước tiên mỗi ngày bạn chỉ nên cho bé ăn mộ tthìa nhỏ món ham nhừ và lõang, bạn có thể tăng dần lên từ 10ml đến 15ml/ 2 hoặc 3 thìa và sau đó tập cho bé quen 2 hoặc 3 bữa mỗi ngày.
Những lọai thức ăn thích hợp:
- Bột pha với nước, sữa mẹ hoặc sữa boat
- Súp rau có vị dịu: khoai tây nghiền, cà rốt, củ cải trắng…
- Súp hoa quả có vị tự nhiên và dịu: táo, lê
Các món chưa nên cho bé ăn:
- Các món có nhiều gia vị
- Muối .
- Sữa bò tươi
- Trứng
- Các lọai thịt cá gia cầm
- Các lọai quả như cam quýt chanh vì có thể làm bé dị ứng
- Các loại hạt
- Mật ong
- Thức ăn có mỡ…
Cách pha chế
- Bột : Hòa 5-10ml (1-3 thìa ) boat với nước đun sôi để nguội, sữa mẹ hoặc sữa boat theo chỉ dẫn trên bao. Sau đó kiểm tra lại nhiệt độ trước khi cho bé ăn.
- Rau quả ham nhừ: (cách nấu 175ml hoặc ¾ chén) gọt vỏ 100g khoai tây, cà rốt, hoặc củ cải -> thái hạt lựu ->hấp cách thủy khỏang 10 phút cho mềm ->dầm nhuyễn qua rây -> trộn với 60-75ml sữa mẹ hoặc sữa bột -> cho ra bát, kiểm tra độ nóng khi cho bé ăn hoặc nay kín, bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong 24h.
- Rau quả nghiền: gọt vỏ, bổ làm tư, bỏ hạt, lõi -> thái nhỏ và cho vào nồi với 15ml nước, sữa mẹ hoặc sữa bột -> đậy kín, đun nhỏ lửa khỏang 10’ cho mềm -> dầm nhuyễn qua rây -> cho ra bát, để nguội -> cho bé ăn hoặc bảo quản để sử dụng trong ngày.


Bắt đầu như thế nào? Tại sao lại phải ăn từng chút một? Bao nhiêu bữa/ngày và khi nào có thể cho bé tập gặm? là những băn khoăn thường gặp của các bà mẹ có con tuổi ăn dặm.



Ảnh: VC

Nên bắt đầu cho bé ăn dặm như thế nào?

Sau khi bé tạm thoát khỏi cơn đói bằng cách bú mẹ hay sữa công thức, lúc này bạn có thể cho bé nhấm nhấp 1 - 2 thìa súp được làm từ ngũ cốc khô có pha với sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Thìa cho trẻ ăn là loại thì mềm (thìa cao su) và sau khi bé nhấm nháp hết 2 thì súp ngũ cốc thì lại cho bé bú mẹ hay uống sữa bình.

Với cách này, bé sẽ không cảm thấy bị đói đến mức mà bé buộc phải thử một thực phẩm mới cũng như quá no để chẳng thiết tha gì.

Không nên cho bé ăn vào buổi sáng. Hãy chọn một thời điểm phù hợp với cả 2 mẹ con.

Lúc đầu, bé sẽ có vẻ như là ăn rất ít nhưng bạn hãy kiên nhẫn, cho bé ăn từng chút một thôi bởi bé đang học kỹ năng mới mà.

Khi bé ăn 2 - 3 thìa bột/ngày thì có thể cho thêm những thực phẩm khác vào.

Khi bé đã biết ăn các thực phẩm nghiền thì bạn có thể quấy bột đặc hơn. Điều này sẽ giúp bé học kỹ năng nhai và nuốt.

Cảm giác thèm ăn sẽ đến sau khi bé được thưởng thức đúng món “khoái khẩu”.

Khi bé thôi “miệng sáo”, bắt đầu đùa nghịch với thìa, nhè bột, ngậm trong miệng thì có nghĩa rằng bé đã no.

Tại sao “làm quen” với thức ăn mới cần phải từ từ?

Những thực phẩm mới nên có thời gian “làm quen” vì thế hãy cho ăn từng chút một. Bé cũng cần có thời gian để thích ứng với hương vị mới và cảm giác nữa.

Ngoài ra, việc cho bé tập làm quen với thức ăn mới một cách từ từ sẽ cho phép bạn phát hiện các dấu hiệu của dị ứng thực phẩm chẳng hạn như tiêu chảy, đau bụng hay nổi mày đay.

Co bé ăn một loại thực phẩm mới trong vài ngày. Bắt đầu với các loại quả và rau màu vàng, vốn rất dễ tiêu hóa đối với trẻ.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng nên ăn bắt đầu với rau xanh tuy nhiên thường thì rau quả màu vàng có vị ngọt nên bé sẽ chấp nhận hơn vì thé bạn có thể trộn 2 loại rau quả với nhau để bé không “phản đối”!

Bắt đầu là một vài thìa rau quả trong cùng bữa ăn bột. Những thực phẩm tốt cho thời điểm bắt đầu ăn dặm là: chuối, cà rốt, rau, táo, đào, lê, khoai lang, súp lơ và bí ngô hầm nhừ. Các loại rau quả nghiền nhuyễn này có thể cho thêm nước sôi, nước mát hay sữa mẹ, sữa công thức để làm loãng trước khi cho bé ăn.

Bạn cũng có thể nấu cháo rau cho bé. Nước dừa, nước quả và nước rau ép cũng có thể giới thiệu cho bé trong thời gian này.

Nếu thấy bé không muốn ăn món ăn mới, bạn dừng lại vài ngày rồi cho bé thử lại. Bé có thể sẽ chỉ thích thú với vài loại thực phẩm nhưng bạn nên tiếp tục thử lại các món bé không thích cho tới khi bé chịu ăn nhiều hơn.

Bao nhiêu bữa/ngày?

Khi bé bước sang tháng thứ 7, bé có thể ăn thức ăn dạng bột lỏng 3 lần/ngày.

Những thực phẩm thiết yếu của giai đoạn này gồm:

- Bú mẹ hay uống sữa công thức giàu chất sắt. Một lượng nhỏ nước quả ít ngọt pha với nước sôi, nước mát (1 phần nước quả cho 10 phần nước) và có thể cho bé uống bằng thìa thay vì bú bình.

- Ngũ cốc bổ sung chất sắt

- Các loại rau củ như khoai tây, súp lơ xanh, súp lơ trắng, khoai lang, bí ngô

- Một lượng nhỏ thịt, cá, sữa chua, trứng chín kỹ, đậu lăng ninh nhừ, phô mai.

- Quả tươi

Lưu ý chung:

- Không cho bé uống mật ong trước 1 tuổi để phòng nguy cơ ngộ độc

Khi nào cho bé tập gặm?

Khi trẻ đã có nhiều kinh nghiệm ăn uống hơn, bạn có thể tăng cường thêm những thực phẩm cắt miếng được nấu mềm. Ở thời điểm 7 – 9 tháng, bé đã sẵn sàng với các món ăn cần tới khả năng gặm.

Một số món ăn dễ gặm và tốt cho tiêu hóa ở thời điểm này bao gồm: bánh mỳ, chuối chín, dưa thơm, cà rốt luộc chín, khoai lang.

Không được để bé một mình với các món ăn này đề phòng nguy cơ bé bị hóc.


Tập cho bé ăn ngay từ khi 4-6 tháng tuổi

Thời điểm thích hợp để tập ăn dặm là 4 – 6 tháng tuổi, vì lúc này đường tiêu hóa của bé đã tiêu hóa được bột. Hơn nữa sữa không còn đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Đặc biệt lúc này bé dễ chấp nhận thức ăn lạ hơn là khi lớn hơn 6 tháng tuổi. Thức ăn dặm đầu tiên là bột nấu từ bột gạo với các loại thực phẩm đủ 4 nhóm trong một bát (bột, đạm, dầu, rau).

Trong thời kỳ ăn dặm các thực phẩm thuộc nhóm bột đường là bột gạo (để khuấy bột), gạo (để nấu cháo). Nhóm cung cấp chất đạm (sữa, trứng, các loại đậu, các loại thịt, cá, tôm, lươn…). Nhóm cung cấp vitamin, muối khoáng là các loại rau, trái cây và nhóm cung cấp chất béo là dầu ăn.

Ngay từ đầu nên để bé ngồi ăn (không nên nằm vì dễ bị sặc và bé sợ ăn)

Tuy nhiên, các bà mẹ thường nhầm lẫn tác dụng của các thực phẩm. Ví dụ như khoai tây là một loại rau củ nhưng khoai tây thuộc nhóm bột đường. Bé ăn cả nước lẫn xác thức ăn nhưng các bà mẹ chỉ dùng nước hầm xương mà không lấy xác thịt. Phần lớn bữa ăn của các bé thường thiếu dầu ăn, không có dầu ăn cơ thể bé không hấp thu được các vitamin A, D, E, K và dầu ăn là nguồn năng lượng đáng kể.

Thực phẩm, không nên xay vì tạo thói quen tập nhai và nuốt của bé. Trừ bột gạo và dầu ăn chúng ta thay thế các loại đạm (cá, trứng, tôm, cua…), các loại rau (rau ngót, rau muống, su su..) đều được.

Ngay từ đầu nên để bé ngồi ăn (không nên nằm vì dễ bị sặc và bé sợ ăn). Mới đầu bé sẽ nhè ra ngoài một nửa là bình thường, không phải là bé “chê” thức ăn mà là bé chưa quen nhai và nuốt thức ăn lạ nên cứ kiên trì, bé sẽ quen dần. Mới đầu nên ăn 1 bữa một ngày, đến khi 4 tháng rưỡi hoặc 5 tháng thì ăn 2 bữa, 9 tháng là 3 bữa, 12 tháng là 4 bữa. Mỗi lần ăn nên dừng khi bé không chịu ăn nữa, lúc đó sẽ bù thêm sữa sau khi ăn (không nên dọa nạt bé và ép bé, bé sẽ nôn và sợ ăn).

Nếu bé không thích ăn một loại thức ăn nào đó thì chọn thức ăn khác có giá trị tương đương (ví dụ: thịt có thể thay bằng cá, trứng, phomai, tôm, tàu hũ, cua…) sau đó tập cho bé ăn từng chút một bằng cách chế biến thành những món ăn lạ, hấp dẫn (như trứng đúc thịt, xíu mại, thịt nướng…).

Nếu nhà không có cân, bạn hãy chọn 1 muỗng canh làm dụng cụ đong.

Bạn nấu một bát bột với số lượng bột gạo 2 muỗng đầy (20g), thực phẩm giàu đạm băm nhuyễn 1 muỗng đầy (20g), rau băm nhuyễn 1 muỗng đầy (10g) và 1 muỗng dầu ăn (5g). Lưu ý là mỗi loại bột gạo có thể có độ nở khác nhau, vì vậy bạn có thể gia giảm số lượng bột theo kinh nghiệm của mình để bát bột có độ đặc vừa ý với bé. Bạn có thể thay 2 muỗng bột bằng 2/3 bát cháo đặc nếu bé thích. Với các thực phẩm phong phú thuộc 4 nhóm thực phẩm chúng ta có thể chế biến thành nhiều bát bột với những mùi vị khác nhau.

Cách chế biến hai loại bột thông thường

Bột sữa, bí đỏ:

Bột thịt heo, cà rốt
Nguyên liệu: Chế biến 1 bát bột (khoảng 250ml) cần 4 muỗng canh vun (40g) bột gạo, bí đỏ cắt nhỏ (1 muỗng canh đầy khoảng 20g), sữa bột (4 muỗng canh đầy), dầu ăn (muỗng canh gạt khoảng 5g), nước vừa đủ (1 chén đầy 250ml).

Chế biến: Bí đỏ hấp chín cho ra bát tán nhuyễn với 1/3 bát nước. Cho bột gạo, bí đỏ vào 2/3 bát nước còn lại khuấy đều. Bắc lên bếp nấu sôi (khuấy đều tay trên bếp để bột không bị vón cục). Bột chín, cho dầu ăn vào khuấy đều. Nhắc xuống để nguội bớt. Cho sữa vào từ từ, khuấy cho sữa hòa đều vào bột, cho đến khi hết lượng sữa.

Bột thịt heo, cà rốt

Nguyên liệu: Chế biến 1 bát bột (koảng 250ml) cần 4 muỗng canh vun (40g) bột gạo, cà rốt cắt nhuyễn (1 muỗng canh đầy khoảng 20g), thịt heo nạc băm nhuyễn (1 muỗng canh vun), dầu ăn (muỗng canh gạt khoảng 5g), nước vừa đủ (1 bát đầy 250ml).

Chế biến: Cà rốt nấu chín tán nhuyễn với 1/3 bát nước. Cho thịt heo hòa với 2/3 bát nước còn lại đánh cho tan thịt (để khi nấu sôi thịt không bị vón cục). Cho bột gạo vào bát thịt quấy đều, sau đó trộn cùng với cà rốt đã tán nhuyễn. Bắc lên bếp nấu chín. Bột chín, cho dầu ăn vào khuấy đều. Nhắc xuống để nguội bớt và cho bé ăn.




Dù ngày nào cũng rất kỳ công chế biến và đổi món liên tục, hết thịt, cá, tôm, cua, lươn, mực... nhưng cô con gái 16 tháng tuổi của chị Hoa vẫn lười ăn và chỉ được 9 kg. Chị đưa con đi khám dinh dưỡng và ngạc nhiên khi bác sĩ bảo: 'Lỗi tại mẹ. Đi học nấu và cho con ăn nhé!".

Thực ra, chị Hoa, Gia Lâm, Hà Nội luôn nghĩ chắc con có vấn đề về hệ tiêu hóa hay hấp thu không tốt. Chị muốn được bác sĩ kê đơn thuốc kích thích cho bé ăn nhiều chứ không nghĩ cách nấu của mình có vấn đề gì.

Tuy nhiên, đến học lớp nấu bột, khi được bác sĩ phân tích, chị mới biết vì con gầy nên gia đình cố cho cháu ăn thật nhiều chất đạm, rồi mỗi bữa ăn là một cuộc chiến nhồi nhét nên càng ngày con bé càng sợ ăn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trường hợp như chị Hoa rất nhiều. Hiện nay, do vừa có điều kiện kinh tế, vừa đẻ ít con nên các gia đình thường rất quan tâm đến trẻ và luôn cố gắng đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt nhất để bé phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ.

Thế nhưng, nhiều bà mẹ đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào bữa ăn cho trẻ mà bé vẫn không thích ăn và không tăng đủ cân. Lý do là họ chưa biết nấu đúng cách hoặc sai khi cho con ăn. Chính vì thế, các cháu không thích ăn, hay nôn ói... dẫn đến còi, suy dinh dưỡng hoặc hay rối loạn tiêu hóa.

Bác sĩ dinh dưỡng đang hướng dẫn các mẹ cách nấu bột cho bé mới ăn dặm. Ảnh: MT.

Theo bác sĩ Yến, tùy vào lứa tuổi và khẩu vị của từng cháu mà mẹ có thể chế biến cho phù hợp nhưng phải đảm bảo làm sao bát bột/cháo luôn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm...), chất béo (dầu, mỡ), chất bột đường (bột, gạo), vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ).

Ngoài ra, các chất này cần được cân đối lượng vừa phải để vừa cung cấp đủ năng lượng, dưỡng chất, vừa giúp bé hấp thu và tiêu hóa tốt.

Qua kinh nghiệm khám và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ, theo bác sĩ, những sai lầm dưới đây là các bà mẹ hiện đại hay mắc nhất:

- Cho trẻ ăn dặm quá sớm. Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Tuy vậy, có rất nhiều bà mẹ cho con ăn bột từ khi bé mới được 3, 4 tháng và nếu thấy con thích thú lại cho bé ăn nhiều ngay. Lúc này khả năng tiêu hóa tinh bột của bé còn kém, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

- Bắt con ăn quá nhiều và phải ăn hết khẩu phần: Ở mỗi tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, bé sẽ chán và sợ ăn.

- Quá ưu tiên đạm: Nhiều mẹ nấu bột cứ cho thật nhiều thịt, cá, trứng,... và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ. Bát bột phải đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm.

- Chỉ cho ăn nước, không ăn cái: Hiện nay ít bà mẹ mắc sai lầm này hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có chị em ninh xương, nghiền rau, xay thịt chỉ lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con vì nghĩ như thế cũng đủ chất rồi hay sợ trẻ bị hóc, ói. Thực ra, các chất dinh dưỡng, vitamin nằm trong phần xác thực phẩm là chính.

- Không cho hoặc cho rất ít dầu khiến bát bột không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu.

- Nghiền nhuyễn mọi thức ăn: Khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán. Nhiều trẻ 3 tuổi đi mẫu giáo không ăn được cơm cùng các bạn do ở nhà bố mẹ vẫn cho ăn cháo xay.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào lại lấy ra xay rồi nấu lại. Với cách này, cháo bữa sau sẽ có mùi khó chịu, rau giảm chất lượng và chắc chắn trẻ sẽ không thích ăn.

- Các bữa ăn kéo dài quá: Nhiều người cố bắt con ăn hết bát bột, vừa ăn vừa chơi hay đi rong có khi kéo dài cả 1-2 tiếng. Điều này vừa làm bát bột vữa, khó ăn, vừa khiến bé thêm chán. Hơn nữa bữa ăn kéo dài khiến thời gian tới bữa sau quá ngắn, bé còn chưa kịp cảm thấy đói. Vòng luẩn quẩn này khiến bé ngày càng không muốn ăn. Tốt nhất, bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, dù bé mới ăn được ít cũng nên kết thúc.

Hiện nay, chiều thứ 5 hằng tuần, khoa dinh dưỡng, Viện Nhi trung ương, đều có lớp hướng dẫn các mẹ thực hành nấu bột/cháo cho trẻ, đồng thời trả lời những thắc mắc của các mẹ về vấn đề dinh dưỡng của con.

Tại lớp học, bác sĩ về dinh dưỡng, tiết chế sẽ thực hành giúp các mẹ cách nấu một bữa bột/cháo hoàn chỉnh cho con với lượng và tỉ lệ các loại thực phẩm thích hợp cho từng lứa tuổi. Theo các bác sĩ, nên cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc dần. Riêng với thịt, rau, cần tập cho bé ăn từ dạng mịn đến thô dần để trẻ tập nhai. Các bà mẹ hạn chế sử dụng máy xay sinh tố mà nên băm.

Dưới đây là gợi ý của bác sĩ về chế độ ăn bột/cháo của trẻ trong 2 năm đầu (kết hợp với các bữa phụ +sữa mẹ hoặc sữa công thức):

- 6-7 tháng: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 - 200 ml

- 8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200 ml.

- 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml - 250 ml

- 12 - 24 tháng: 3 bữa cháo 250 - 300 ml

- 24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình

Với mỗi bé, tùy thể chất, khẩu vị có thể thời gian và số bữa khác đi.


(ST).