Chữa bệnh đau thần kinh tọa như thế nào?
Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của chim câu
Tác dụng chữa bệnh của cây ngũ gia bì
Nhiều người khi có biểu hiện lo âu, hồi hộp... thường đi khám thần kinh, tim mạch thay vì đến chuyên khoa tâm thần, dẫn đến bệnh kéo dài.
Hiểu và nhận diện đúng triệu chứng bệnh để điều trị đúng chuyên khoa là rất cần thiết.
Suy nhược thần kinh là một tên gọi chung được chẩn đoán sau khi không đủ những triệu chứng chủ yếu để xác định các bệnh rối loạn thần kinh khác như lo âu, ám ảnh sợ, xung động ám ảnh (cơn ám ảnh sợ quá mức), các phản ứng với tình trạng stress … Như vậy suy nhược thần kinh là một tên gọi chung cho các bệnh loạn thần kinh khi các bệnh này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán và có trong Bảng phân loại bệnh tâm thần của Tổ chức Sức khỏe Thế giới lần thứ 10 với mã số là F48.
Suy nhược thần kinh cần được phát hiện kịp thời và đi khám đúng chuyên khoa. Ảnh minh họa
Một số loại bệnh suy nhược thần kinh
Stress
Stress có từ mức độ nhẹ đến nặng, kéo dài sau sang chấn. Khi bị stress nhẹ, kể cả nặng, mà chúng ta vượt qua được, thì chúng ta đã được “trui rèn” trở nên cứng cáp, can đảm trong cuộc sống. Trường hợp này, stress có lợi. Khi stress nặng hoặc xảy ra nhiều lần mà chúng ta không vượt qua được thì rất dễ dẫn đến các phản ứng trầm cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trầm cảm kéo dài hay vừa lo âu vừa trầm cảm…
Rối loạn lo âu
Đây là dạng bệnh gặp nhiều nhất trong nhóm bệnh suy nhược thần kinh. Bệnh nhân tự nhiên có cảm giác lo sợ mà không có nguyên nhân rõ ràng. Thực thế là số người đi khám bác sĩ vì lo âu ngày một gia tăng. Tuy nhiên không phải ai cũng đi đúng chuyên khoa tâm thần. Vì một số bệnh nhân cho là bệnh thần kinh nên thường khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh trước. Chúng ta nên nhớ thần kinh và tâm thần là hai chuyên khoa hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, vì triệu chứng dễ thấy và thấy sớm nhất là hồi hộp đánh trống ngực (lo vô cớ) nên số lượng bệnh nhân đi khám bác sĩ tim mạch cũng nhiều và đôi khi được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim hoặc rối loạn chức năng thần kinh tim. Chỉ đến đến khi các triệu chứng trên kéo dài và chưa được dùng đúng thuốc chuyên khoa nên bệnh không giảm, thì lúc này mới đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Các rối loạn lo âu gồm nhiều loại khác nhau như lo âu lan tỏa, cơn hoảng loạn, lo âu và trầm cảm hỗn hợp… Nếu các triệu chứng lo âu hiện diện cùng lúc với các triệu chứng trầm cảm thì các bác sĩ chuyên khoa tâm thần có khuynh hướng chẩn đoán là trầm cảm. Như vậy, có thể hiểu suy nhược thần kinh còn có cả trầm cảm.
Trầm cảm
Trầm cảm được biểu hiện bằng các triệu chứng: buồn chán, không còn quan tâm hứng thú, mất ngủ, bứt rứt hoặc chậm rề rà, thiếu hụt năng lượng để làm việc, cảm thấy vô dụng, có lỗi và hay nghĩ tới cái chết… Trầm cảm có thể biểu hiện triệu chứng ở từng lúc hay thời gian khác nhau, hoặc sau một giai đoạn rối loạn tâm thần khác. Có người chỉ xuất hiện một cơn trầm cảm, mức độ có cả nặng và trung bình. Cơn trầm cảm nặng có tiêu chuẩn chẩn đoán rất rõ ràng và có cả nguy cơ tự tử.
Bệnh rối loạn thực thể hóa
Khi bị lo âu kéo dài, chữa không hết, xuất hiện các triệu chứng đau “không cụ thể ” ở các cơ quan trong cơ thể, nhiều nhất là đau tim vùng trước ngực, đau dạ dày vùng thượng vị, thậm chí “đau giả như có bệnh như thiệt”. Lúc này bác sĩ cho làm các xét nghiệm như chụp X-quang, CT-Scanner, MRI, nội soi (kể cả nội soi hiện đại) cũng không phát hiện tổn thương đặc hiệu. Đây là bệnh “rối loạn thực thể hóa”, cũng là một bệnh thuộc lĩnh vực suy nhược thần kinh.
Tóm lại, tên gọi suy nhược cơ thể ngày nay không còn phù hợp vì không nêu được bệnh lý cụ thể. Trong khi đó, suy nhược thần kinh là tên gọi chung cho các rối loạn lo âu, trầm cảm, ám ảnh sợ và cơn xung động hành vi do lo sợ quá mức, các phản ứng liên quan đến stress, các rối loạn giả bệnh…
Suy nhược thần kinh nếu không điều trị đúng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Stress nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến sức khỏe kém thậm chí kiệt sức, tình thần bất an, lo lắng cho cuộc sống bản thân và gia đình. Nói cách khác là dẫn đến trầm cảm lo âu. Trạng thái trầm cảm không chữa trị, các triệu chứng sẽ nặng thêm, cảm giác vô dụng, tội lỗi và ý nghĩ chết chóc tăng lên rất dễ dẫn đến tự tử. Các rối loạn ám ảnh khác dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự điều trị… Cuối cùng bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này lại làm nặng thêm các diễn tiến trên.
Điều cần làm khi bị suy nhược thần kinh
Khi nghi ngờ có hiểu hiện của suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đến khám bệnh ở các bệnh viện tâm thần, khoa tâm thần trong các bệnh viện, các phòng khám tâm thần quận huyện. Trước kia Bệnh viện Tâm thần TP.HCM và các bệnh viện tâm thần khác là những nơi chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần phân liệt mà chúng ta hay gọi là bệnh “điên” là chính. Nhưng hiện nay, các bệnh viện này đều chữa trị cho tất cả các dạng bệnh tâm thần khác.
Một điều được ghi nhận là số lượng bệnh nhân bị các rối loạn thuộc suy nhược thần kinh nhiều hơn loạn thần. Bên cạnh đó, kinh nghiệm phát hiện bệnh của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngày càng nhiều và các loại thuốc chuyên trị cũng đủ đáp ứng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể đến tư vấn tại các bệnh viện tâm thần.
Khi dùng thuốc bệnh nhân cần theo đúng toa bác sĩ. Không tự uống thuốc, không nghe theo bệnh nhân khác, vì một số thuốc chữa suy nhược thần kinh có khả năng gây nghiện. Bệnh nhân nên chú ý lời dặn của bác sĩ và báo ngay bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường do tác dụng phụ của thuốc hay do không “hợp thuốc”.
Một số cách phòng ngừa suy nhược thần kinh
- Thực hiện lối sống lành mạnh như dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục, tránh lạm dụng rượu bia, tránh sử dụng thuốc kích thích…
- Biết lượng sức mình, không nên đặt tham vọng thử thách quá cao mà bản thân không thể thực hiện được.
- Học hỏi bạn bè, quan hệ cởi mở
- Tránh ích kỷ, thù hằn
- Nên nói ra tình trạng buồn phiền, lo lắng hay tình trạng suy nhược (cơ thể và thần kinh) với người thân cận hoặc ai đó mà chúng ta tin tưởng.
Tóm lại suy nhược thần kinh là tên gọi chung của các bệnh thuộc nhóm loạn thần kinh. Nếu có những biểu hiện suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đi khám và tư vấn tại các bệnh viện tâm thần. Khi điều trị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhân hồi phục lại trạng thái bình thường, tránh để suy nhược thần kinh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và khiến bệnh nhân mất khả năng lao động.