Cách chữa bệnh tiêu chảy mạn tính

Tiêu chảy mạn tính là bệnh có thời gian bị bệnh kéo dài, dai dẳng và khó điều trị một cách dứt điểm. Nếu bệnh không chữa trị kịp thời, rất có thể cơ thể bị suy dinh dưỡng hoặc bị nhiều biến chứng khác.

1. Nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy mạn tính, nhưng có thể kể tới một vài những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Tiêu chảy thẩm thấu : nguyên nhân thường thấy nhất với chứng tiêu chảy thẩm thấu chính là sự thiếu hụt men lactase trong cơ thể, gây rối loạn hấp thu tinh bột. Những triệu chứng chính của bệnh bao gồm chướng bụng, đầy hơi, ợ hơi. Nguyên nhân khác như tác dụng phụ của thuốc nhuận tràng như lactose, sorbitol và thuốc trung hòa acid dạ dày. Ngoài ra, cũng gặp trong trường hợp sau khi bị viêm dạ dày, viêm ruột do siêu vi trùng, sau phẫu thuật bệnh tiêu hóa hoặc do dùng một số thuiốc khác.

Do rối loạn hấp thu : Một nguyên nhân nữa cần kể tới là những rối loạn hấp thu hình thành bởi những tổn thương chính ở ruột non như bệnh sprue, do suy tuyến tụy, do cắt ruột non (bệnh hội chứng ruột ngắn), do vi trùng phát triển ở ruột non. Hậu quả của những bệnh kể trên có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, các chất muối khoáng, các chất vi lượng, giảm albumin, giảm cholesterol và tăng thời gian prothrombin.

Do rối loạn bài tiết : Tình trạng này thường gặp trong các trường hợp bị các khối u nội tiết, ung thư tuyến giáp trạng, hội chứng Zollinger- Ellison (có khối u ở tụy tạng, với nhiều ổ loét dạ dày tá tràng, hay tái phát), do rối loạn bài tiết acid mật và do tác dụng phụ của thuốc nhuận tràng. Loại bệnh này, phân thường có nhiều nước, các trường hợp nặng gây ra mất nước và rối loạn chất điện giải nặng.

Do viêm nhiễm : Đây có thể coi là nguyên nhân chính gặp trong bệnh loét đại tràng, bệnh Crohn.Triệu chứng thường gặp như đau bụng, sốt nhe, sụt cân, đi cầu ra máu, tùy theo thể bệnh, còn gặp do điều trị phóng xạ.

Do rối loạn vận động: Loại rối loạn này thường gặp nhất trong hội chứng ruột kích thích. Bệnh nhân bị chướng bụng, đầy hơi, rối loạn đi cầu, đau bụng. Khi đi cầu được thì hết hoặc giảm đau bụng. Ngoài ra, còn gặp trong trường hợp sau mổ cắt dạ dày, cắt dây thần kinh số 10, bệnh sơ cứng bì, biến chứng của bệnh tiểu đường..

Do nhiễm trùng mạn tính : gặp trong nhiễm ký sinh trùng như kiết lỵ, Giardia và bệnh AIDS.

2. Các bước chẩn đoán bệnh

Thông thường, hiện nay các bước chẩn đoán được tiến hành như sau: Trước hết cần loại trừ các nguyên nhân do tiêu chảy cấp tính, rối loạn men lactose, tiền sử mổ cắt dạ dày, cắt ruột non, nhiễm ký sinh trùng, do tác dụng phụ của thuốc và loại trừ bệnh hệ thống.

Việc tiếp theo đó là xét nghiệm bạch cầu và máu trong phân, nội soi đại tràng, sinh thiết, chụp x-quang, nội soi dạ dày tá tràng. Nếu có tổn thương rõ ràng như ung thư, viêm loét đại tràng thì điều trị đặc theo nguyên nhân.

Một bước không thể thiếu nữa trong quá trình chuẩn đoán bệnh chính là nội soi, chụp x-quang. Nếu kết quả chụp nọi soi, x-quang là bình thường, không có máu và bạch cầu trong phân thì xét nghiêm các thành phần khác trong phân như mỡ, chất điện giải. Nếu phân có mỡ, có thể do bệnh rối loạn hấp thu, do viêm tụy mạn tính và nhiễm trùng đường ruột. Nếu phân không có mỡ, có thể gặp trong các bệnh thiếu men lactose, do tác dụng phụ của thuốc sorbitol, lactose và thuốc nhuận tràng khác. Nếu khối lượng phân bình thường, có thể gặp trong các bệnh hội chứng ruột kích thích, tiêu chảy giả tạo. Nếu nhiều phân, trên 1000g thì do tác dụng phụ của thuốc nhuận tràng.

Như vậy để chẩn đoán các loại nguyên nhân trên, trước hết phải hỏi bệnh sử kỹ lưỡng, khám bụng và các dấu hiệu gợi ý gây ra tiêu chảy. Ví dụ tiền sử mổ cắt ruột non, gợi ý hội chứng ruột ngắn. Bệnh viêm tụy mạn tính có thể bị tiêu chảy mỡ. Tiêu chảy do dùng thuốc, thường gặp sau dùng kháng sinh.

Để bổ sung đầy đủ tiêu chuẩn chẩn đoán, cần làm thêm các phương pháp cận lâm sàng như xét nghiệm, nội soi, chụp x-quang…

3. Điều trị bệnh tiêu chảy mạn tính

Quá trình điều trị bệnh phải dựa vào những nguyên nhân chính gây nên bệnh và điều trị triệu chứng. Thuốc cầm tiêu chảy thường được dùng như Loperamid hoặc Lomotin. Loperamid, khởi đầu uống 2 hoặc 4 mg, sau đó duy trì 2 mg khi phân nhão, không nên dùng quá 16 mg/ ngày.

Đối với những người nhạy cảm thì chỉ cần dùng liều thấp hoặc 2 ngày uống một lần. Thuốc có tác dụng phụ gây chướng hơi, có khi liệt ruột tạm thời, vì vậy không nên lạm dụng. Thuốc cầm tiêu chảy khác cũng có tác dụng như codein uống 15-50 mg mỗi 4 giờ, Paregoric 4-8 ml.

Để chữa tiêu chảy do bài tiết, ví dụ tiêu chảy do biến chứng bệnh tiểu đường, có thể dùng Clonidin khởi đầu uống 0,1mg, 2 viên/ ngày, sau đó tăng lên 0,4 mg/ ngày. Thuốc Octreotid có lợi với tiêu chảy do khối u hoặc ung thư và bệnh AIDS nhưng khá đắt, nên ít được sử dụng. Thuốc Cholestyramin có tác dụng trong trường hợp tiêu chảy do muối mật, mổ cắt ruột hoặc bệnh hồi tràng, liều uống 4g, 1- 3 lấn /ngày.

4. Ăn uống để khỏi bệnh

Một chế độ ăn uống phù hợp có tác dụng lớn trong việc điều trị bệnh. Chế độ ăn kiêng phụ thuộc theo nguyên nhân bệnh nhưng áp dụng chung cho tất cả các trường hợp, người bệnh cần  hạn chế ăn dầu mỡ, đường, sữa. Có một nguyên tắc quan trọng: chỉ nên ăn loại thực phẩm phù hợp với mình, nghĩa là loại thức ăn đó không gây tiêu chảy tăng lên, không bị chậm tiêu, chướng bụng, đầy hơi. Phải kiêng những thức ăn, đồ uống mà cứ ăn vào lại bị tiêu chảy, mặc dù thực phẩm đó “bổ âm, bổ dương”.