Cách cầm máu khi chảy máu cam nhanh nhất
Cách trị chảy máu cam hiệu quả nhất
Nguyên nhân chảy máu cam ở phụ nữ mang thai và cách xử trí
Chảy máu cam (máu mũi) là bệnh thường gặp ở người lớn, đặc biệt là trẻ em. Theo dân gian, chứng chảy máu cam là do nóng trong người do đó chữa bằng đông y, thuốc dân gian hiệu quả hơn tây y.
Chữa chảy máu cam theo Đông y
Chảy máu cam là tình trạng xuất huyết ở mũi. Đông y gọi là “tỵ nục”-một trong những chứng “nục huyết”, bệnh phát sinh do huyết nhiệt vong hành nghĩa là huyết phận có nhiệt gây nên…
Nguyên nhân gây chảy máu cam thường không chỉ do tổn thương ở mũi mà còn do chức năng hoạt động các tạng phế, can, thận, tỳ, vị thiếu điều đạt mà sinh bệnh. Có nhiều phương thuốc chữa chảy máu cam, trong điều trị thường phải kết hợp trị liệu tại chỗ với điều trị toàn thân.
Thuốc tại chỗ:
Khi bị chảy máu cam thường dùng thuốc tại chỗ để chỉ huyết, có thể dùng một trong các phương sau;
– Dùng một củ gừng tươi gọt nhọn, đem nướng qua rồi nhét vào lỗ mũi.
– Sơn chi tử (quả dành dành) hoặc tông lu bì (bẹ móc), đốt cháy tán bột mịn rồi rắc vào lỗ mũi.
– Thanh tương tử (hạt mào gà trắng) sắc đặc nhỏ vào trong mũi sẽ cầm được huyết.
– Ngoài ra có thể dùng một ít tỏi và hồng đơn đồng lượng giã nhừ trộn đều, nếu xuất huyết mũi trái thì đắp vào lòng bàn tay phải và ngược lại mũi phải thì đắp tay trái, huyết sẽ được cầm.
Các thuốc đường uống:
Trong mọi trường hợp khi xuất huyết đường mũi dùng:
– Ngó sen tươi ninh với móng giò lợn, ăn vài lần.
– Ngải diệp tươi 12g, trắc bá diệp 10g, sinh địa 12g sắc uống ngày 1 thang, 2 -3 ngày liền hoặc lấy một nắm rau muống rửa sạch, giã nát thêm ít đường và pha chút nước sôi vào uống, ngày 1 lần.
Nếu chảy máu cam liên tục dùng một trong các bài sau:
– Vương bất lưu hành 30g, sắc đặc, uống nóng, ngày 1 thang.
– Đăng tâm 40g sao vàng tán bột, hoà với 4g chu sa, chia 2- 3 lần uống với nước cơm.
– Rễ hẹ tươi 30g, rửa sạch sắc với 200 ml nước đến còn phân nửa thêm đường đỏ 10g, uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. sẽ có tác dụng chỉ huyết.
– Tam thất 6g, (hoặc tông lư bì 6g), tóc người 6g (sao tồn tính), tán bột, mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần với nước sắc trắc bách diệp, ngẫu tiết mỗi thứ 12g.
– Nhân trung bạch (cặn nước tiểu) đem để lên hòn ngói mới cho khô, nghiền nhỏ pha thêm một ít xạ hương, hoà rượu nóng cho uống.
Trường hợp chảy máu cam do nhiệt
Dùng bài Tứ sinh (bốn loại lá tươi) gồm tiên sinh địa hoàng 24g, ngải cứu tươi 6g, trắc bá diệp tươi 9g, hà diệp tươi (hoặc bạc hà tươi) 9g, sắc uống
– Hoặc trúc nhự 8g, sinh địa 8g, hoàng cầm 6g, bạch thược 6g, mạch môn đông 8g. Sắc uống ngày một thang.
– Có thể dùng thiến thảo căn 10g, trắc bách diệp 5g, sinh địa 15g, ngũ vị tử 10g, hoàng cầm 5g, cam thảo 5g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần.
Trường hợp đổ máu cam do ảnh hưởng chức năng hoạt động của các tạng trong cơ thể
– Do ăn nhiều thứ cay nóng làm cho vị nhiệt gây nên bệnh dùng thạch cao 24g, thục địa 24g, mạch môn đông 16g, tri mẫu 12g, ngưu tất 12g, lô căn 12g, mao căn 12g. Sắc uống.
– Trường hợp âm hư hoả vượng gây chảy máu cam dùng thục địa 24g, mạch môn đông 24g, tri mẫu 24g, ngưu tất 24g, huyền sâm 12g, a giao 12g, thiên môn đông 24g, ngẫu tiết 24g, sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
– Nếu do can hoả vượng bốc lên dùng bài: sinh địa 16g, đương quy 12g, hoàng cầm 8g, trắc bá diệp 8g, xích phục linh 10g, cam thảo 6g, xích thược 12g, hương phụ 10g, sơn chi 10g, hoàng liên 6g, cát cánh 10g, ngưu tất 12g, sắc uống.
– Nếu say sưa quá độ làm thương tổn đến phế mà nục huyết dùng bách thảo sương 20g, hoè hoa 80g, tán thành bột, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần, chiêu với 60ml nước sắc bạch mao căn..
– Trường hợp chảy máu cam do phế nhiệt dùng bạc hà 6g, hoàng kỳ 10g, sinh địa 16g, a giao 8g, mao căn 12g, mạch môn đông 12g, bồ hoàng 6g, bối mẫu 8g, tang bạch bì 10g, cát cánh 10g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần.
Chữa chảy máu cam bằng thuốc dân gian, thuốc lá nam
Tại sao lại gọi là chảy máu cam?
Chữ cam ở đây theo nghĩa là “Ngọt”, có nghĩa là chứng chảy máu gây ra do một thứ bệnh có tên chung là “Bệnh cam”. Bệnh thuộc chứng cam thường chỉ xuất hiện ở trẻ em. Vì trẻ em thường thích ăn nhiều đồ ngọt. Và sau mỗi lần ăn như vậy, các em lại không có thói quen súc miệng sạch. Chính điều đó là điều kiện tốt cho các yếu tố gây viêm nhiễm ở các bộ phận họng, mũi, lưỡi, niêm mạc miệng, răng, lợi… Khi bị viêm niêm mạc mũi bị sưng tấy, sung huyết. Các mao mạch ở niêm mạc mũi do viêm nhiễm dẫn đến xơ giòn, dễ bị đứt. Mặt khác với khí hậu của mùa thu và đầu đông khô hanh, kèm theo thời tiết lạnh, làm cho các mao mạch bị co lại, mà gây xuất huyết, tức “chảy máu cam”. Đương nhiên, điều đó sẽ xảy ra nhiều hơn đối với những trẻ em có sức đề kháng kém hơn, và trong tình trạng cơ thể thiếu một số vitamin, liên quan đến tính thấm của thành mạch, như vitamin C, P, K… những chất có tác dụng làm cho thành mạch dẻo dai, bền chắc.
Thuốc cổ truyền trị chảy máu cam
Chảy máu cam là chứng thường gặp, thường không có dấu hiệu gì báo trước, cũng không kể về thời gian. Có khi trẻ em đang nô đùa cũng chảy máu cam, có khi đêm ngủ máu cam ra lúc nào cũng không hay… Nếu bị chảy với lượng ít, số lần bị ít, thì ảnh hưởng cũng không lớn. Song nhiều trẻ do việc chăm sóc và quan tâm của gia đình không chu đáo, hiện tượng chảy máu cam sẽ xuất hiện nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đến việc học tập của các cháu.
Y học cổ truyền cho rằng, chảy máu cam là do nguyên nhân “huyết nhiệt” gây ra “huyết nhiệt sinh phong”, tức cơ thể ở trạng thái nhiệt sẽ làm cho “bức huyết vong hành”, tức là gây xuất huyết; mà trong trường hợp này là xuất huyết ở mũi. Do vậy mà Y học cổ truyền thường sử dụng các vị thuốc và phương thuốc mang tính lương huyết, chỉ huyết, kèm với bổ huyết để điều trị chứng bệnh này.
Một số bài thuốc dân gian thường dùng
Khi bị chảy máu cam, trước hết lấy ngón tay trỏ và ngón tay cái, ấn vào chỗ phía trên cánh mũi, hơi ngửa cổ về phía sau. Đồng thời lấy một ít tóc rối, tên vị thuốc là “loạn phát”, loạn là “rối”, “phát” là tóc. Trường hợp không có tóc rối có thể cắt ngay một nhúm tóc cũng được. Đem tóc đốt cháy thành than, vò cho thành bột mịn, rồi đặt ngay vào bên lỗ mũi bị chảy máu, hít sâu vào trong, máu sẽ ngừng chảy ngay.
Sau đó hãy dùng các bài thuốc sau đây.
Bài 1: Ngó sen tươi 40 g, móng giò lợn 1 cái. Ninh nhừ, ngày ăn một lần. Cách 2 ngày ăn lại. Làm liền như vậy 2 tuần lễ, là được. Cách này rất dễ làm, và tiện cho các trẻ nhỏ.
Bài 2: Lá sen tươi 50 g, hoặc 20 g khô. Sắc uống. Để tăng tác dụng, cần đem lá sen sao cháy.
Bài 3: Lá cây huyết dụ 12 – 16 g, cỏ nhọ nồi, lá trắc bách diệp, đồng lượng, sao đen, sắc uống, ngày một thang, 2 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền hai tuần lễ.
Bài 4: Hoa hòe (sao cháy) 12g, trắc bách diệp (sao cháy) 12g, kinh giới tuệ (sao cháy) 12g, chỉ xác (sao vàng xém cạnh) 12g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 2 lần uống, sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền 2 tuần lễ.
Bài 5: Thục địa 16g, trạch tả 6g, hoài sơn 8g, bạch linh 6g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì 6g.
Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ 30 phút. Uống liền 3 tuần lễ. Cũng có thể làm dưới dạng viên hoàn với mật ong, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g. Phương này thích hợp cho những trường hợp cơ thể bị huyết nhiệt, do chứng âm hư hỏa vượng, chứng chảy máu cam, nhiều lần, cơ thể gầy và xanh…
Ngoài việc dùng thuốc y học cổ truyền ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần bổ sung thêm thường xuyên các loại rau quả tươi, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Trong trường hợp cần thiết nên kết hợp uống thêm vitamin C và hoa hòe sao đen hàng ngày, dưới dạng chè hãm. Vì trong hoa hòe chứa rutin, một chất có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm giảm tính thấm của thành mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Do đó, nó là thành phần hữu hiệu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch và suy yếu tĩnh mạch, gây chảy máu cam, ho ra máu và các chứng xuất huyết khác.
Chảy máu cam nên ăn gì – Món ăn tốt cho người bệnh chảy máu cam
Chảy máu mũi còn gọi là chảy máu cam. Bệnh xuất hiện quanh năm, không phân biệt nam, nữ, trẻ già nhưng trẻ nhỏ mắc nhiều hơn.
Nguyên nhân gây bệnh có nhiều như cảm nhiễm nóng, lạnh đột ngột, trúng độc hóa chất, bệnh thuộc bệnh về máu, tăng huyết áp, chứng thiếu vitamin hoặc bệnh truyền nhiễm cấp tính. Y học cổ truyền gọi bệnh này là huyết hư và chia làm 2 nhóm: chứng thực và chứng hư.
Chứng thực là bệnh phát sinh do phổi nhiệt, gan nóng hỏa bốc, dạ dày thực nhiệt mà gây nên. Hư chứng thuộc về âm hư, huyết hư, kèm theo các tạng gan, thận, phổi đều hư dẫn tới bệnh phát sinh.
Xin giới thiệu một số món ăn, nước uống tốt cho người bệnh chảy máu mũi.
Nước rễ cỏ tranh: rễ cỏ tranh 50g, đường phèn 20g. Rễ cỏ tranh nhặt kỹ rửa sạch, giã nhỏ cho vào nồi thêm nước vừa đủ, đun sôi kỹ chắt lấy nước, cho đường phèn vào quấy tan đều chia 2 lần uống trong ngày. Cần uống liền 3-5 ngày.
Nước lá hẹ: lá hẹ tươi 60g. Lá hẹ rửa sạch giã nhỏ, dùng nước sôi để nguội lọc lấy 200ml nước đặc, chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 3 ngày. Nếu uống vào mùa đông, cần uống ấm.
Nước vỏ quả dừa: vỏ quả dừa 60g. Chọn loại dừa cho nước giải khát, vỏ còn xanh, cắt thành miếng cho vào nồi thêm nước, đun sôi kỹ, chắt lấy nước đặc chia 2 lần uống trong ngày. Cần uống liền 3-5 ngày.
Nước nhân lạc: nhân lạc tươi 60g. Chọn loại lạc còn non, bỏ vỏ lấy nhân còn cả vỏ the cho vào nồi cùng với nước, đun sôi kỹ, chắt lấy nước, chia làm 2 lần trong ngày, cho bệnh nhân ăn lạc, uống nước. Cần ăn, uống liền 3 ngày.
Nước củ cải trắng: củ cải trắng 50g. Củ cải rửa sạch, giã nhỏ, dùng nước sôi để nguội lọc lấy nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Trước khi uống nhỏ 3 giọt nước củ cải vào mũi bên chảy máu. Cần làm liền 3 ngày.
Nước ngó sen: ngó sen 10g rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước. Ngày nhỏ 3 lần, mỗi lần 2 – 3 giọt vào lỗ mũi bị chảy máu. Cần nhỏ liền 3 ngày.
Canh mướp: mướp tươi 200g, rau ngót 50g, bạc hà tươi 4 – 5 lá, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Mướp bỏ vỏ thái miếng; rau ngót, bạc hà rửa sạch; thịt lợn băm nhỏ, ướp bột gia vị xào chín, cho nước vừa đủ đun sôi, cho mướp, rau ngót, bạc hà vào đảo đều, canh sôi lại cho bột ngọt vào. Ăn ngày 1 lần, có thể ăn với cơm. Cần ăn liền 5 ngày.
Canh rau má: rau má 100g, cỏ nhọ nồi 50g, tôm nõn 20g, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Tôm nõn giã nhỏ, cho vào nồi thêm nước vừa đủ, cho bột gia vị vào đun sôi. Rau má, cỏ nhọ nồi rửa sạch, thái nhỏ cho vào nước tôm, canh sôi lại cho bột ngọt quấy đều là được. Bệnh nhân ăn ngày 1 lần, có thể ăn với cơm. Cần ăn liền 3 ngày.
Chè đậu đen: đậu đen 100g, đường phèn 30g. Đậu đen xay thành bột, cho vào nồi thêm nước đun sôi trên lửa nhỏ, đậu đen chín cho đường phèn vào quấy đều, chè sôi lại là được. Bệnh nhân ăn ngày 1 lần. Cần ăn liền 5 ngày.
Chú ý: Khi mắc bệnh nên ăn uống những chất thanh đạm, các chất mát, nhiều rau xanh, quả tươi, thức ăn giàu vitamin C như cà chua, quýt; mùa đông cần đầy đủ thức ăn bổ dưỡng để giúp cho sức khỏe ổn định. Không ăn các chất cay nóng như ớt, hành tây, gừng, tỏi, rượu, cà phê, thuốc lá, các món ăn khô như thịt nướng, rán, quay, hun khói.