Cách chữa kiến ba khoang cắn theo kinh nghiệm của người từng bị kiến cắn

Sau một thời gian mưa phùn ẩm ướt, nắng ấm đã tràn về trên các con đường, ngõ xóm. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm kiến ba khoang xuất hiện, tấn công vào các nhà dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đặc biệt là khu chung cư cao tầng, tầng càng cao thì số kiến bay vào nhà lại càng nhiều hơn.

Đặc điểm của kiến ba khoang

Kiến ba khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Trong dân gian, chúng còn có tên gọi là kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt.

Đặc điểm của kiến ba khoang là xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm.

Kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn đêm

Kiến ba khoang độc như thế nào

Theo các nhà khoa học, trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Đặc biệt, pederin có trong máu con vật, khi đã chết khô và để trong 8 năm độc tính vẫn tồn tại.

Do cơ thể loài kiến này có chất độc và vi khuẩn cộng sinh nên khi tiếp xúc với da gây viêm, thối thịt giống như bị tạt axit.

 Vị trí hay gặp ở vùng hở như cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân mình, vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da.

Biểu hiện đặc trưng của vết cắn

+ Tổn thương thường gặp ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.

+ Biểu hiện của vết cắn có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

+ Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.

Biểu hiện của vết cắn là dát đỏ, thành vệt, thành đám, nền hơi cộm, trên có mụn nước..

+ Có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận…

Phương pháp xử lý khi bị kiến ba khoang đốt

+ Khi thấy kiến bò trên da người, không nên đập giết để hạn chế chất độc lan rộng mà thổi nhẹ để kiến bay xuống đất và loại bỏ côn trùng bằng giấy ăn, găng tay.

+ Nếu vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang, cần rửa sạch bằng nước lạnh hoặc nước muối loãng. Không rửa bằng nước xà phòng vì sẽ làm tăng kích ứng.

+ Rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng nước lạnh hoặc nước muối sinh lý.

Dùng nước muối sinh lý 3 lần/ngày để rửa vết cắn của kiến 3 khoang

+ Bôi hồ nước, hồ Tetra – pred vào vết thương để làm dịu vết thương (hồ nước vừa lạnh lại có tác dụng làm mát da bị đốt),.

+ Khi tổn thương khô thì bôi kem kháng sinh, hoặc kem kháng sinh kết hợp chống viêm là corticoid…(theo chỉ định của bác sỹ)

Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý:

+ Không được gãi hay chà xát mạnh vào vùng da tổn thương.

+ Đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa về da liễu để thăm khám, điều trị, nếu thấy vết cắn lan rộng, sốt cao…để tránh xảy ra nhiễm trùng (đặc biệt là những vết cắn trên mặt, vùng mắt, miệng…)

Lời kết

Kiến ba khoang là loại côn trùng độc hại thường xuất hiện vào mùa mưa. Đặc điểm của loại kiến này là để lại vết bỏng rát, xùi, ngứa trên vết cắn. Nguy hiểm hơn, nếu không biết cách điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng nhiễm trùng. 

Nếu không may bị kiến ba khoang đốt cần rửa sạch vết cắn bằng nước muối loãng, bôi hồ nước để làm dịu vết thương, tuyệt đối không được gãi, chà xát sẽ làm tổn thương các vùng da bên cạnh. Khi thấy vết cắn có biểu hiện lan rộng cần đến khám và điều trị ở các chuyên khoa da liễu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lau chùi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ nằm màn, tắt bớt điện vào buổi tối (kiến ba khoang rất thích ánh sang) để hạn chế kiến ba khoang bay vào trong nhà…