Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em hiệu quả an toàn
7 cách chữa mụn đầu đen tận gôc cực dễ dàng
Cách chữa mụn nhọt ở nách nhanh khỏi
Bạn đọc hỏi:
Mấy ngày nay ở nách trái của em bỗng nhiên xuất hiện một cục mụn rất cứng. Lúc đầu nó nhỏ và chỉ hơi cộm lên so với bề mặt da. Nhưng rồi nó to ra nhanh chóng kèm theo sưng tấy đỏ cả vùng da xung quanh. Khi sờ vào thì thấy đau nhức còn nếu để bình thường thì em chỉ thấy vướng mỗi khi cử động tay thôi. Ngoài ra em không bị sốt hay mỏi mệt gì hết. Mong bác sĩ giải đáp liệu em bị bệnh gì và có nên nặn cái mụn này không ạ? Em xin cảm ơn! (chan.ga...@gmail.com)
Bác sỹ trả lời:
Chào em,
Theo những gì mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ rằng tổn thương em đang gặp phải trên da là nhọt đầu đinh.
Nguyên nhân chính gây ra nhọt do nhiễm trùng ở các nang lông. Khởi phát là một điểm nhỏ như đầu đinh ghim hoặc bằng hạt đỗ. Sau đó vùng viêm đỏ cứ lan rộng dần và sưng tấy ra xung quanh. Các tổn thương to dần lên trong 2 - 4 ngày. Lúc đầu các nhọt đỏ, cứng, rồi mềm dần, đồng thời chuyển sang màu đỏ tím.
Nhọt bị rạn da vùng đỉnh rồi vỡ và chảy dịch ra bên ngoài. Dịch thường là mủ màu vàng, đôi khi có ngòi màu xanh ở giữa. Nếu nặn hết mủ thì thấy dịch máu loãng tiếp tục tiết ra.
Các tổn thương dạng này hay tập trung ở da đầu, nách, mông... tuy nhiên da vùng nào trên cơ thể cũng có thể bị. Thông thường chỉ có một nhọt nhưng ở vài trường hợp lại có nhiều nhọt khiến người bệnh bị đau nhức, khó chịu vô cùng. Nếu không khu trú được tại chỗ mà viêm lan tấy ra thì sẽ kéo theo triệu chứng sưng hạch ngoại vi cận kề.
Bệnh chủ yếu do tụ cầu vàng gây nên, có thể tự phát hoặc sau một số động tác làm da bị tổn thương như: cạo râu, chà xát, gãi, xây xước, mồ hôi ra nhiều, dùng xà phòng tắm có chất tẩy mạnh... Các vết xước này chính là cửa sổ để vi khuẩn xâm nhập vào nang lông. Thêm vào đó, nhiều yếu tố bên trong cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh như chứng béo phì, tiểu đường, viêm da cơ địa, dễ dị ứng, sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, còi xương...
Phương pháp điều trị cơ bản phải kết hợp giữa 2 yếu tố sau:
- Tại chỗ: bôi betadin hoặc mỡ foban ngày 2 lần vào các vùng da bị bệnh.
- Toàn thân: phải có chỉ định bắt buộc dùng một đợt kháng sinh, đặc biệt là khi tổn thương bị sưng tấy và có hạch. Nên dùng các thuốc hiệu lực mạnh như: cefixim, spiramycin... liên tục trong khoảng thời gian từ 7 - 10 ngày. Các trường hợp có biến chứng thì phải sử dụng kháng sinh đường tiêm dưới sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Can thiệp chích rạch tháo mủ khi tổn thương có dịch và mủ bùng nhùng nhiều bên trong.
Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên lập tức đến bệnh viện chuyên khoa da liễu khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!