Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em hiệu quả an toàn
7 cách chữa mụn đầu đen tận gôc cực dễ dàng
Cách chữa mụn nhọt ở nách nhanh khỏi
Bạn đọc hỏi:
Cháu tên Công, năm nay 19 tuổi, thường hay bị nhọt rất đau và nhức. Hiện tại, cháu đang bị 3 cái dù đã đi khám lấy thuốc nhưng vẫn chưa đỡ. Vậy cháu xin hỏi các bác sĩ nguyên nhân nào dẫn đến bị nhọt và cách điều trị? Cháu rất mong câu trả lời bác sĩ sớm nhất. Cháu xin cảm ơn!
Bác sỹ trả lời:
BS. Trần Thị Hồng Thanh-Chuyên khoa Nội-Trường TCYT Đặng Văn Ngữ
Nguyên nhân và cách chữa mụn nhọt
Chào cháu!
Mụn nhọt là những u bướu nhỏ chứa đầy mủ và rất đau nhức. Mụn nhọt hình thành dưới da, khi vi khuẩn xâm nhập vào nơi lông hình thành (nang lông) và phát triển thành mầm bệnh. Mụn nhọt có thể xuất hiện mọi nơi trên cơ thể, nhưng phần lớn thường thấy trên đầu, mặt, cổ, nách, mông và đùi.
Nhọt xuất hiện đột ngột như một vết sưng màu hồng hoặc đỏ, đau nhức. Da xung quanh cũng có thể đỏ và sưng lên. Trong vòng một vài ngày, vết sưng đầy mủ, phát triển lớn hơn và đau hơn. Khi nhọt vỡ mủ, có thể có một hoặc nhiều ngòi lỗ chỗ như tổ ong. Nhọt nhỏ thường lành mà không có sẹo, nhưng nhọt lớn có thể để lại sẹo. Nếu nhọt to, số lượng nhiều thì có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết sưng đau. Nhọt ở lỗ tai rất đau, dân gian gọi là đằng đằng. Nhọt ở quanh miệng còn gọi là "đinh râu", rất nguy hiểm vì có thể gây tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn huyết, dễ gây tử vong. Nhọt gặp ở gáy, lưng, mông gọi là hậu bối hay đinh hương sen, do tụ cầu vàng có độc tính rất cao gây ra, thường gặp ở người già yếu, nghiện rượu, tiểu đường, ăn uống kém. Nhọt bày là nhiều đinh nhọt mọc liên tiếp hết đợt này đến đợt khác dai dẳng hàng tháng. Thường gặp ở người suy nhược, giảm sức đề kháng. Nguyên nhân: hầu hết do một loại vi khuẩn (tụ cầu). Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua vết xước nhỏ, vết cắt trên da hoặc các nang lông. Bệnh tiểu đường, hệ miễn dịch suy giảm, thiếu dinh dưỡng, vệ sinh kém, tiếp xúc với các hóa chất mạnh gây kích ứng da cũng là những nguyên nhân gây ra nhọt.
Cách điều trị:
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
- Dùng kháng sinh, càng sớm càng tốt (có thể dùng đường uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, tùy mức độ nặng hay nhẹ).
- Dùng các vitamin, đạm, gamma globulin để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Tại chỗ: tuyệt đối không chích nặn ở giai đoạn đang viêm tấy, chưa hóa mủ để tránh biến chứng nhiễm khuẩn huyết.
- Đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện để được tư vấn và điều trị nếu nhọt đau nhức nhiều hoặc nhọt lớn, sốt, sưng đỏ xung quanh nhọt. Đây có thể là dấu hiệu vi khuẩn đã xâm nhập vào mạch máu; Nhọt không giảm khoảng ngày thứ 10; Đã điều trị nhọt mà không khỏi trong 14 ngày.
Cháu hãy đến các cơ sở y tế uy tín khám để được điều trị thích hợp, tư vấn cụ thể nhé.
Chúc cháu sức khỏe!