Cách chữa táo bón hiệu quả

Táo bón là triệu chứng thường gặp, có thể đứng đơn độc thành một bệnh (táo bón chức năng) hoặc là một triệu chứng trong các bệnh lý khác (ung thư đại tràng, suy giáp trạng…). Nếu không đưa ra cách chữa táo bón kịp thời sẽ gây ra những khó chịu trong sinh hoạt, làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và gây tình trạng lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng, là yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh trĩ.

Thức ăn sau khi được tiêu hoá ở ruột non, tới đại tràng, phần lớn được hấp thụ làm chất thải (phân) khô, đóng thành khuôn sẽ đi xuống đại tràng và được tích chứa ở đó. Khi lượng phân đủ nhiều sẽ đi xuống trực tràng và kích thích niêm mạc trực tràng, gây nên phản xạ mót rặn dẫn đến hiện tượng tống phân ra ngoài. Đó được gọi là đại tiện. Đại tiện vừa là một phản xạ tự động vừa là một phản xạ có ý thức.

 

Trường hợp đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần, lượng phân mỗi lần ra ít hơn bình thường hoặc khô cứng kèm theo đau bụng, đau đầu và đặc biệt là phải rặn mạnh và khó nhọc khi đi đại tiện được gọi là táo bón. Điều này xảy ra là do sự di chuyển phân trong đại tràng chậm.

Táo bón kéo dài làm ảnh hưởng chất lượng sống, gây tình trạng lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng. Ngoài ra, bệnh có thể gây nên những rối loạn toàn thân như nhức đầu, đánh trống ngực, thay đổi tính nết (hay cáu gắt…). Thậm chí,  tình trạng này có thể dẫn tới bệnh trĩ hoặc sa hậu môn.

Bệnh táo bón cần được điều trị sớm nhằm hạn chế những rắc rối trong cuộc sống của người bệnh cũng như hạn chế những biến chứng mà bệnh có thể gây ra.

-         Điều trị bệnh táo bón ở từng trường hợp cụ thể như người già, người suy nhược, phụ nữ có thai, trẻ em… sẽ có phương pháp điều trị khác với nam giới khỏe mạnh.

-         Thuốc nhuận tràng có tác dụng nhanh, hiệu quả trong những trường hợp cấp cứu nhưng không nên lạm dụng thường xuyên vì nó có thể làm tổn thương đại tràng.

-         Để điều trị táo bón, người bệnh cần chú trọng đến chế độ ăn uống và lối sống khoa học, thường xuyên vận động, tập thể dục.

-         Đối với trẻ bị táo bón nên điều trị sớm, tránh gây biến chứng sau này. Điều trị táo bón trẻ em là một quá trình lâu dài, toàn diện, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ, sự phối hợp của gia đình với bác sĩ nhi khoa và bác sĩ dinh dưỡng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số cách sau đây để cải thiện chứng táo bón:

-         Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể bạn sẽ dễ dàng bài tiết ra những chất cặn bã để “tống khứ” ra bên ngoài vào sáng hôm sau.

-         Uống 1 lít nước ấm và đi bộ khoảng vài phút ngay lập tức sau khi thức dậy vào buổi sáng.

-         Uống nước chanh pha lẫn với nước ấm từ 2 - 3 lần/ngày. Ngoài ra nên ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hoá, bổ sung nhiều rau, củ quả để tăng cường chất xơ.

-         Chỉ ăn khi đói, không nên ăn thành nhiều bữa và mỗi bữa ăn nên cách nhau 4 tiếng. Hạn chế và tránh ăn những đồ ăn khô như đậu tương, lạc... Không nên ăn quá nhiều loại thức ăn trong một bữa ăn.

-         Luyện tập việc đi đại tiện đều đặn. Tránh xa thuốc lá, cà phê và trà đặc.

-         Ngủ đủ giấc. Mỗi ngày nên ngủ khoảng 8 tiếng/ngày.

Ngoài ra, để cải thiện triệu chứng bệnh táo bón người bệnh nên chú ý: Ăn nhiều chất xơ hơn (rau, củ, quả), uống nhiều nước (1,5-2 lít nước/ngày, uống các loại nước hoa quả như nước cam, nước chanh). Bên cạnh đó, nên tập đi đại tiện đúng giờ cố định và có chế độ tập thể dục, thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc (8 tiếng/ ngày), tránh sử dụng các chất kích thích như: Cà phê, thuốc lá, rượu...