Cách dạy con 5-6 tuổi cho con hình thành tính cách tốt

Cách dạy con 5-6 tuổi cho con hình thành tính cách tốt. Với trẻ 5 tuổi cái TÔI  đã được hình thành, trẻ ý thức khá rõ về những “quyền lợi” và “thế mạnh” của mình. Vì thể trẻ dễ có những tình trạng như : Hiếu động – nghịch ngợm, nhõng nhẽo, nhút nhát.. Hay lại trở nên biếng ăn, kén ăn hoặc có nguy cơ béo phì.






CÁCH DẠY CON 5-6  TUỔI CHO CON HÌNH THÀNH TÍNH CÁCH TỐT NHẤT

Các vấn đề tâm lý của trẻ 5 tuổi


1. Vấn đề về Hành vi:

Thông thường, khi bước vào lứa tuổi từ 4 – 6 tuổi, trẻ có rất nhiều năng lượng vì chưa phải tập trung nhiều vào chuyện học tập, và các bộ phận cơ quan đang trên đà “liên tục phát triển”. Vì vậy, nhất là đối với các bé trai thì việc nghịch ngợm, leo trèo, chạy nhảy và cả phá phách nữa đều được xem là chuyện bình thường. Thế nhưng cũng có những trẻ thì sự năng động đó đã phát triển đến mức “ngoài tầm kiểm soát” của bố mẹ và cả với chính cháu bé. Đây là tình trạng mà ta gọi là hiếu động thái quá hay rối loạn vận động.

Vì thế chúng ta cần phân biệt hai tình trạng khác nhau của  trẻ như sau :

Trẻ có tính khí năng động: Do trẻ có nhiều xung năng, cá tính hướng ngoại, nên thường xuyên chạy nhảy, chơi đùa nhưng vẫn có khả năng giao tiếp và có  quan hệ tốt với người xung quanh. Trẻ có sự hiểu biết và có thể ngồi chơi một cách tập trung trong một số trò chơi  ưa thích trên 15 phút.  Đây là một tình trạng bình thường, chỉ cần có những tác động và cách ứng xử thích hợp giúp trẻ điều chỉnh một số hành vi quá đáng.

Sự hiếu động của trẻ nếu biết cách tác động sẽ giúp cho trẻ phát triển được nhiều kỹ năng tốt thông qua các trò chơi vận động. Chúng ta chỉ cần sắp xếp cho trẻ có một không gian thích hợp ( Là khu vực được phép chơi thoải mái trong nhà ) cùng với việc tập cho trẻ tham gia các hoạt động trong nhà như phụ giúp bố rửa xe, tưới cây, phụ mẹ dọn dẹp và chuẩn bị bữa ăn.. những điều đó giúp trẻ vừa có điều kiện “xả năng lượng” vừa nâng cao sự tự tin vào khả năng của mình.

Trẻ hiếu động – kém tập trung: Trẻ thường xuyên có tình trạng lăng xăng do không có khả năng tập trung vào một điều gì, dù cho đó chỉ là chuyện ngồi chơi 5, 10 phút và khả năng giao tiếp, hiểu biết rất kém và thường có tình trạng chậm nói.  Chúng ta gọi đó là  hội chứng Tăng động – giảm chú ý (Hay Hiếu động – kém chú ý -Attention-deficit hyperactivity disorder-ADHD).

Để phân biệt, ngoài những dấu hiệu như chậm nói, hay không có trí nhớ ngắn hạn, thường có những hành vi lập lại, thì một trẻ có hội chứng ADHD hầu như không thể ngồi yên trong bất cứ hoàn cảnh nào (ăn uống, vui chơi…) quá 5 phút. Trong khi đó thì trẻ hiếu động do tính khí có thể ngồi yên chơi một trò chơi hay chơi games một cách say mê từ 10 phút cho đến nửa giờ hoặc hơn thế ! Khi nghi ngờ hay thấy trẻ có những dấu hiệu của ADHD, phụ huynh cần đưa con đến các nhà chuyên môn về tâm lý để có những chẩn đoán chính xác về mức độ và các biện pháp can thiệp thích hợp.

Với trẻ có tình trạng ADHD thì cần có một sự chẩn đoán về tâm lý một cách kỹ lưỡng để xác định mức độ rối loạn kém tập trung của trẻ ở mức nào, việc chẩn đoán thông qua các bảng câu hỏi đánh giá, các test về phát triển và cả kinh nghiệm lâm sàng của các chuyên gia vì đây là một tình trạng rối nhiễu tâm lý rất dễ có những nhận định sai đưa đến các chẩn đoán lẫn lộn với Tình trạng Tự Kỷ và Tình trạng Chậm phát triển trí tuệ. ADHD có nhiều mức độ khác nhau, từ mức nhẹ, trung bình có khả năng điều chỉnh và học tập cho đến mức độ năng chỉ có khả năng được chăm sóc mà không thể tiếp nhận một kiến thức nào. Còn đối với trẻ hiểu động do tính cách thì chỉ cần áp dụng những biện pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp là trẻ có thể giảm bớt lăng xăng để nâng cao khả năng học tập trong một quá trình học tập bình thường.

Có một định hướng không đúng trong việc can thiệp cho trẻ ADHD, đó là chú trọng vào việc làm giảm đi sự hiếu động của trẻ và cố gắng tập cho trẻ nói, như điều trị bằng một vài loại thuốc chống xung năng ( như ritalin, metadate, focalin, adderall …mà không nghĩ đến những tác dụng phụ có thể gây nghiện hay có thể bị trụy tim mạch ) hay buộc trẻ phải theo một chương trình tập luyện nghiêm khắc để không còn hiếu động nữa. Thực ra, trẻ có những hành vi lăng xăng rối loạn là do không có khả năng chú ý, vì thế trẻ dễ trở nên bối rối và phải chạy nhảy lung tung. Vì thế, để giảm tình trạng hiếu động của trẻ thì ta cần phải giúp và dạy trẻ gia tăng khả năng tập trung qua một số liệu pháp và trò chơi do các chuyên gia tâm lý giới thiệu, chứ không chú trọng vào việc buộc trẻ phải ngồi yên !

Trẻ lười biếng: Trái ngược với tình trạng hiếu động, đó là có những bé tỏ ra lười biếng trong mọi hoạt động. Có thể đó là do trẻ có sức khỏe kém, suy nhược dẫn đến những phản ứng chậm chạp lâu dần thành thói quen. Nhưng đa phần là do sự chăm sóc, cưng chiều hơi thái quá của những người mẹ hay ông/bà khiến cho trẻ hầu như không phải làm một điều gì ngay cả đến việc tự chăm sóc bản thân.

Điều này có thể chấp nhận nơi những trẻ dưới 3 tuổi, khi khả năng vận động tinh của trẻ chưa thuần thục, khiến trẻ dễ gây đổ vỡ hoặc vụng về. Nhưng với trẻ 5 tuổi bình thường, thì trẻ đã hoàn thiện về các chức năng vận động. Vì thế, người lớn phải tập cho bé biết tự ăn, tự làm vệ sinh cá nhân và luôn khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động chung với các thành viên khác trong gia đình và có thể làm một số công việc nhẹ nhàng phụ giúp bố mẹ.

Việc cưng chiều trẻ, ngay cả với những gia đình khá giả để trẻ không phải làm một việc gì khác ngoài việc vui chơi và học tập là một điều không nên, vì điều đó là mầm mống cho những thái độ và những hành vi không thích nghi với các môi trường bên ngoài mà cụ thể là nhà trường tiểu học. Qua đó, bé sẽ trở nên lười biếng và ích kỷ , không biết tham gia các hoạt động chung với mọi người chung quanh và sẽ có những khó khăn trong việc giao tiếp, ứng xử với bạn bè khi vào lớp Một.

Có thể, ban đầu sự lười biếng đó chỉ đơn giản là việc thức dậy trễ, làm biếng đánh răng, rửa mặt, tắm rửa… dần dần sẽ đi đến việc làm biếng gấp màn, chăn gối và quần áo cá nhân. Từ đó, trẻ sẽ tỏ ra lười biếng trong việc xếp dọn đồ chơi, đồ dùng cá nhân trong phòng … Từng bước một, nếu không có biện pháp tác động và can thiệp kịp thời, thì mức độ lười biếng của trẻ ngày càng tăng cho đến khi bố mẹ, người thân cảm thấy không còn chịu đựng nổi nữa, thì lúc đó việc can thiệp tác động để điều chỉnh sẽ là một điều hết sức khó khăn, và có thể gây ra những tổn thương về mặt tâm lý, hay tạo ra những trở ngại trong các mối quan hệ tại gia đình rất khó thay đổi sau này khi trẻ lớn hơn.

2. Vấn đề về ứng xử:

Có những trẻ nếu không hiếu động, nghịch ngợm thì lại trở nên nhõng nhẽo, đòi hỏi sự chăm sóc quá mức cần thiết và luôn mong muốn mọi người phải làm theo, phải chấp nhận những đòi hỏi của bản thân, điều đó khiến cho khả năng ứng xử của trẻ sẽ trở nên kém cỏi và thụ động…

Trẻ nhõng nhẽo: Đối với một đứa trẻ nhút nhát, thì chúng ta có thể cho đó là một mặt của tính cách rụt rè, thụ động và hướng nội. Điều đó đồng nghĩa với việc cải thiện tình trạng nhút nhát cho trẻ không phải là một điều đơn giản. Nhưng với trẻ nhõng nhẽo thì có thể nói là do sự “tập luyện” của bố mẹ và đôi khi có sự hỗ trợ khá đắc lực của ông bà. Trong trường hợp này thì để làm giảm đi sự nhõng nhẽo của trẻ là một điều cực kỳ khó khăn !

Tre nhõng nhẽo trong một chừng mực nào đó lại có vẻ dễ thương, nhất là với các bé gái xinh xắn thì chút nhõng nhẽo sẽ làm cho các em tạo được sự quan tâm nhiều hơn, và đó cũng được xem là một thế mạnh của bé.  Thế nhưng, từ sự dễ thương để đi đến thói đành hanh và nhất là sự xa lánh của bè bạn, kể cả các anh chị trong nhà vì sự quá đáng của mình chỉ là một bước nhỏ.

Với các cô gái tuổi dậy thì hay cả ở những phụ nữ đã trưởng thành thì đó là sự nhõng nhẽo có kiểm soát, đôi khi đó là sự tính toán, thậm chí đó là cả một nghệ thuật khiến các đấng mày râu điêu đứng một cách ‘tự nguyện” ! Nhưng còn với các bé gái và cả các bé trai trong độ tuổi từ 3 – 5 tuổi, thì lại là một tình trạng nhõng nhẽo không kiểm soát, không kìm chế được. Các bé luôn ở trong tình trạng được voi đòi tiên, được một muốn hai … điều đó thường dẫn đến hậu quả là sẽ đi đến một cuộc “chiến tranh” giữa bé và người lớn mà đa phần chiến thắng lại thuộc về các …bé !

Vì vậy, từ khi trẻ bước vào lứa tuổi từ 3 – 5 tuổi thì việc đặt ra những mức độ để hạn chế các nhu cầu không cần thiết của trẻ là một điều cực kỳ quan trọng. Nói cách khác, trong một số lĩnh vực một mặt chúng ta để cho bé tự giác trong các hoạt động cá nhân để hình thành sự tự tin vào bản thân qua việc tôn trọng những thái độ và quyết định của trẻ (nhưng chỉ trong một số vấn đề như chuyện chọn món ăn, thức uống, chọn quần áo để mặc đi chơi … ) mặt khác thì cần phải đặt ra những hạn chế trong việc đòi hỏi người lớn chiều theo ý mình, mua sắm những món đồ chơi, đồ dùng phí phạm.

Ví dụ như chúng ta cho bé đi vào siêu thị hay nhà sách, thì quyền lợi mà trẻ được hưởng có thể là việc tự do chọn cho mình một món đồ chơi ưa thích hay cuốn sách hấp dẫn với trẻ. Nhưng sự giới hạn ở đây là chỉ được phép chọn từ 1 – 2 món đồ chơi hay cuốn sách ưa thích mà thôi. Trẻ sẽ mè nheo đòi thêm một vài món hay một vài cuốn sách nữa. Nếu chúng ta nghĩ rằng việc mua thêm những thứ đó không “ảnh hưởng gì đến nền hòa bình thế giới” là chúng ta đã bắt đầu tạo tiền đề cho một chuỗi các đòi hỏi khác cho đến một lúc nào đó thì dù có là ai đi chăng nữa cũng không thể đáp ứng nổi.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, đó chỉ là những “chuyện nhỏ” không đáng gì, vì trẻ cũng còn nhỏ nên có chiều nó một chút cũng không sao. Quả thật, đó là những chuyện nhỏ như con thỏ, nhưng đó chính là những viên gạch xây nên những tòa nhà vững chắc cho những tật xấu như tính ích kỷ, chỉ biết đến quyền lợi của bản thân, sự tham lam và thói “chơi cha” người khác mà có thể vì những tính cách như vậy, khi lớn lên trẻ sẽ gặp rất nhiều những khó khăn trong cuộc sống vì không thể tạo được sự tôn trọng và hòa hợp với những người chung quanh.

Vì thế, đây là giai đoạn đặt nền tảng cho những phẩm chất tốt đẹp trong lĩnh vực ứng xử sẽ giúp cho trẻ không chỉ đạt được những kết quả tốt trong việc học mà còn là những khởi đầu thành công cho việc bước chân vào cuộc đời sau này.

Trẻ ích kỷ : Với trẻ dưới 3 tuổi thì vấn đề ích kỷ chưa cần phải đặt ra, hay đúng hơn thái độ chỉ biết có bản thân lúc đó được gọi là Ái kỷ (yêu bản thân mình) chứ không phải là ích kỷ (Chỉ biết sự tiện ích, quyền lợi cho bản thân mình).

Trẻ dưới 3 tuổi phần lớn đều có tính ái kỷ, và đó là điều bình thường. Chính sự biết yêu bản thân mình là một điều tiên quyết trong việc dẫn đến lòng tự trọng, biết bảo vệ mình trước những tác động từ bên ngoài. Vì lúc đó, trẻ chưa xác định được Cái Tôi, sự phân biệt giữa những điều thuộc về người khác ( kể cả cha mẹ ) và những điều thuộc về mình chưa rõ ràng, khiến cho trẻ sẽ có thái độ : “cái gì trong tay ta là của ta !” Đó không phải là sự chiếm hữu, vì chúng ta có thể đổi cho trẻ một món đồ khác có hình dáng hay công dụng tương tự mà trẻ vẫn chấp nhận.

Nhưng với trẻ 5- 6 tuổi thì các em đã phân biệt được cái Tôi, đã nhận biết được “quyền sở hữu” đã muốn có những “tài sản riêng” và nếu không được rèn tập cho biết những giới hạn, thì trẻ có thể trở thành ích kỷ, chỉ biết đến những điều tốt, điều lợi cho bản thân mà không nghĩ đến những người chung quanh. Đây là một tính chất khó phát hiện trong giai đoạn đầu, thường thì chỉ đến khi trẻ bộc lộ một cách khá rõ ràng thì lúc đó gia đình mới biết, nhưng biết cũng chỉ là để mong chờ những biện pháp giáo dục từ bên ngoài, để có thể làm thay đổi một thái độ có khi đã ăn sâu trong trẻ.

Vì thế, một mặt ta khuyến khích trẻ biết quý trọng giá trị bản thân, đây là một trong những giá trị tinh thần quan trọng. Mặt khác, cần phải để ý để tránh cho trẻ tập nhiễm thói quen ích kỷ. Vì khi đã “nhiễm” tính chất này thì rất khó bỏ. Điều nguy hiểm là đôi khi chính phụ huynh cũng có những thái độ ích kỷ trong cuộc sống, và cho đó là sự “khôn ngoan” biết “ăn người” và chính phu huynh lại tập cho trẻ thói quen biết và thích lợi dụng người khác, luôn tìm cách chơi “trên cơ” và chỉ biết bảo vệ quyền lợi cho bản thân và gia đình mình, bất chấp là điều đó có thể gây thiệt hại cho những người xung quanh.

Chúng ta nên biết rằng, thói ích kỷ sẽ làm cho đứa trẻ bị coi thường và bị tập thể bạn bè xa lánh. Với người lớn, đôi khi bằng vị trí và sự giàu có, mặc dù sống rất ích kỷ những vẫn còn có được một số các mối quan hệ trong xã hội, nhưng thực ra đó chỉ là những sự “rình rập” nhau, hay chỉ mang tính xã giao chứ khó kiếm được những người bạn tốt hay cộng sự trung thành. Nhưng với trẻ thì khi sớm bộc lộ tính ích kỷ, trước sau gì cũng sẽ bị cô lập với bạn bè, vì chắc là ít trẻ nào lại thích chơi với một người bạn ích kỷ. Đó là một nguy cơ lớn có thể dẫn đến những tổn thương về tâm lý cho trẻ. Vì một trong những điều làm cho cả trẻ lẫn người lớn lo lắng nhất, chính là sự tẩy chay hay bị cô lập với tập thể, với những người xung quanh.


3. Các vấn đề về tính cách

Nhìn chung, tính cách của con người có hai nhóm chính là Hướng Nội và hướng ngoại. Với trẻ 5 tuổi thì tính cách đã được xác định và bộc lộ một cách khá rõ rệt. Trong mỗi loại tính cách Hướng nội hay hướng ngoại thì lại có 4 nhóm tính khí khác nhau là :

Đối với nhóm Hướng nội thì trẻ thường có một trong 4 loại tính chất  là :

Tính thực tế : Trẻ có quan điểm rõ ràng, cụ thê và kiên định.  Trẻ thường phản ứng nhanh nhưng lại thường thiếu kiên nhẫn và ưa vật chất.

Tính Lãnh đạm : Trẻ có tính cách này thường bình thản, có tính tự chủ cao, có khả năng suy luận tốt, dẻo dai và khách quan. Nhưng thường các em không có sức khỏe tốt và sự nhạy bén trong các  hoạt động tập thể.

Tính nhu nhược : Trẻ thiên về tính cách này thường tử tế và thích được chiều chuộng. Nhưng các em lại ủy mị, dễ xúc động và thiếu sự hăng say trong mọi lĩnh vực.

Tính Vô Tình : Trẻ thiên về tính cách này thường kém chú ý vào những chuyện xung quanh và có một cách sống khép kín.

Đối với nhóm Hướng Ngoại thì trẻ thường có một trong 4 loại tính chất sau :

Tính Duy cảm : Trẻ thiên về tính cách này thường có khả năng dễ hòa đồng với mọi người và môi trường xung quanh, có khả năng nhận thức bằng trực giác tốt nhưng trẻ lại hay thay đổi và thường khá chủ quan.

Tính Đa Tình : Trẻ thiên về tính cách này thường có khả năng làm việc cần mẫn và thận trọng nhưng lại thiếu tập trung, khả năng chú ý kém vì thế thường thiếu tự tin.

Tính Hiếu hoạt : Trẻ hăng say, linh động thực tế và có nhiều sáng kiến nhưng lại thiếu kiên nhẫn.

Tính Nhiệt Tâm : Trẻ tự chủ, nhạy bén, có óc tổ chức nhưng lại kém giao tiếp và có tự ái cao.

Trên thực tế thì không bao giờ có một loại tính cách thuần túy trong một con người, mà bao giờ trong tâm tính, con người luôn có một phần của tính hướng nội và một phần của tính hướng ngoại. Chỉ có điều là tính hướng ngoại sẽ nhiều hơn tính hướng nội hay ngược lại tính hướng nội sẽ chiếm ưu thế hơn theo một tỷ lệ nào đó. Thông thường sẽ là 4 phần hướng nội – 6 phần hướng ngoại hay có thể là tỷ lệ 7/3, thậm chí là 8/2 hay 9/1. Nhưng cũng sẽ có một số trẻ có tính hướng nội và hướng ngoại cân bằng nhau theo tỷ lệ 5/5 – Đây là một tình trạng dễ có nguy cơ gặp phải những rối nhiễu tâm lý, bởi vì trẻ sẽ không thể xác định được mình thuộc nhóm nào, khi thì cởi mở, khi thì khép kín … và điều đó sẽ dễ làm cho trẻ bối rối, không tự chủ được bản thân.

Trẻ nhút nhát: Như đã nói trên, đôi khi nhút nhát là một tính cách, và tính cách này thường dễ có ở những trẻ hướng nội hơn là hướng ngoại. Nhưng trong một chừng mực nào đó thì sự nhút nhát lại là một điều đem lại sự an toàn cho trẻ cũng như tạo sự quan tâm của người khác đối với các em. Nhất là đối với các em gái, thì sự nhút nhát “chút chút” cũng là một cái duyên khiến cho các “anh hùng” có thể đứng lên bảo vệ, che chở  mà qua đó, khiến cho các đấng nam nhi có thể “đổ” một cách dễ dàng hơn. Nhưng cũng có những sự nhút nhát thái quá, cái gì cũng sợ, cái gì cũng làm cho bé xanh mặt, thậm chí là ngất xỉu hay hét toáng lên, bám chặt lấy bố mẹ… hoặc đôi khi thì chỉ tự nhiên, bạo dạn trong gia đình, khi bước chân ra ngoài đường, đối diện với những người không quen biết thì trở nên sợ hãi vô cùng. Đó là những tình trạng cần khắc phục vì nó có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý không đáng có, hay trở nên những thói quen không tốt, hạn chế rất nhiều cho khả năng quan hệ, phối hợp với những hoạt động sau này của trẻ.

Một số trường hợp nhẹ thì có thể giúp trẻ trở nên bớt nhút nhát hơn bằng việc để cho trẻ tự làm các việc trong nhà phù hợp với độ tuổi của trẻ như việc tự thay quần áo, tự ăn cơm ..và dần dần tự làm nhiều hoạt động khác. Khi trẻ có thái độ nhút nhát thì phụ huynh cũng không nên tỏ ra quá quan tâm, lo lắng vỗ về, mà cứ để trẻ bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên, rồi sau đó sẽ làm cho trẻ hiểu rõ về những điều làm cho trẻ sợ hãi. Thay vì nói: “ Có gì đâu mà con sợ!” hay “ Có thế mà cũng sợ !” “con sợ cái gì chứ?” những câu nói như thế này có khi còn làm cho trẻ sợ hơn nữa, chúng ta nên nói : “Có phải căn phòng tối làm con sợ phải không?” “con chó kia làm con sợ ?” điều đó giúp trẻ xác định được đối tượng “đáng sợ” của mình và khi đã hiểu rõ cũng như có thể nói ra được thì trẻ sẽ dần dần bớt sợ đi.

Trẻ hung hăng : Ngược với tính nhút nhát, thì có những trẻ lại tỏ ra rất bướng bỉnh, hung hăng. Trẻ luôn tìm cách chống đối mọi người, với bạn bè thì trẻ lại luôn tìm cách “thống trị” hay luôn tìm ra những lý do để gây hấn. Đây là một tính cách thường rơi vào các trẻ hướng ngoại và trẻ em nam dễ gặp phải hơn các bé gái.

Cũng như tính nhút nhát, sự hung hăng của trẻ, ngoài một yếu tố do tính cách hướng ngoại của trẻ, thì thường là do sự “tập huấn”của cha mẹ. Có khi chính cha mẹ các em cũng thuộc loại “ Trời không sợ, đất không kiêng” trong cuộc sống hàng ngày luôn tìm cách gây hấn để cho mọi người phải nể sợ, hoặc có khi do sống trong một số môi trường “thuận lợi” cho sự hung hăng dễ phát triển như trong quân đội, trong các đội thể thao, võ thuật, thậm chí là trong giới “xã hội đen” … mà ở đó, sự hung hăng đôi khi lại là một thái độ có lợi và cần thiết.  Từ đó, phụ huynh cũng có cách ứng xử một cách hung hăng, thích bạo lực với trẻ, và trẻ cũng bị nhiễm tính chất đó cho đến khi trẻ bộc lộ ra, thì lại nhận được sự khuyến khích, cổ vũ của cha mẹ.

Những người hung hăng thường có được những ưu thế ban đầu và nhất thời, nhưng về lâu dài thì họ thường gặp phải những thất bại và chống đối bởi tính cách thích gây hấn của mình. Nếu như họ không kìm chế được bản thân, thì có khi sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.  Vì thế, trong cuộc sống chúng ta cần tập cho trẻ không quá nhút nhát, biết cách tự bảo vệ mình và có lòng tự trọng. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng không nên gieo vào lòng trẻ tính hung hăng, sự ham thích bộc lộ sức mạnh của cơ bắp hay luôn có thái độ bắt nạt người khác. Có thể trẻ sẽ trở nên một “thủ lĩnh” trong xóm hay trong lớp học. Nhưng những quyền lợi đem lại thường không đủ bù đắp cho những gì mà trẻ sẽ nhận được từ thái độ hung hăng của mình. Ông cha ta đã có câu : “Chữ Nhẫn là chữ tương vàng, ai càng nhẫn được thì càng sống lâu”. Chúng ta cũng đã biết và thấy được rất nhiểu tấm gương thành công trong cuộc sống nhờ sự nhẫn nại của mình. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có một số dấu hiệu của sự hung hăng, thì chúng ta cần có những tác động tích cực, mềm mỏng nhưng kiên quyết để giúp cho trẻ hiểu rằng, đó chỉ là những thái độ đưa đến sự thất bại mà thôi.

Khi trẻ bộc lộ tính hung hăng, thì phụ huynh không nên quát mắng, đánh phạt trẻ vì điều đó chỉ gây thêm cho trẻ sự ức chế, mà hãy nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc chỉ ra cho trẻ thấy thái độ không tốt của bé, và sự không hài lòng của bố mẹ, trẻ dần dần sẽ hiểu rằng thái độ hung hăng sẽ không giải quyết được gì và cũng không đem lại kết quả gì, và trẻ sẽ dần dần thay đổi tính cách của mình.

Cẩm nang nuôi dạy trẻ: 5-6 Tuổi

Mục tiêu cần đạt được:

  • Trẻ phải phân biệt được thực tế và tưởng tượng

  • Cảm thấy hài lòng về giới tính của mình

  • Liên hệ và phân biệt được cảm xúc, suy nghĩ và hành động

  • Biết giải quyết các vấn đề bằng cách đề xuất ý kiến và sáng tạo

Các dấu hiệu của việc chậm phát triển

  • Sợ hãi quá mức; lo lắng cực độ về sự chia cách; tè dầm; hay xấu hổ; đe dọa hoặc bắt nạt bạn bè; không mạnh dạn tham gia các trò chơi; có những hành vi quan liêu; ăn liên tục; nói quá nhiều; sử dụng nhà vệ sinh thiếu vệ sinh; sợ người lạ quá mức; thiếu quan tâm đến mọi người

Ghi chú: Mặc dù những mục tiêu và dấu hiệu trên là áp dụng cho trẻ từ 3 đến 7 tuổi nhưng mỗi mục tiêu, dấu hiệu đó lại được thể hiện rõ ở những thời điểm khác nhau.

Sự phát triển thể chất: Trẻ từ 5-6 tuổi

Những đặc tính thông thường

Những việc cha mẹ nên làm

Biết tự mặc và cởi quần áo

Để con tự xoay sở với việc mặc và cởi đồ

Có thể bị viễn thị. Đây là một việc hết sức thông thường, có thể gây ra sự rối loạn trong việc kết hợp giữa tay và mắt.

Đưa con đi kiểm tra mắt nếu hiện tượng này xảy ra. Chấp nhận những hành động kì quặc như là một điều bình thường xảy ra vào giai đoạn này.

Có thể tự đi vệ sinh

Có thể bị đau bụng hoặc nôn nếu bị buộc phải ăn những món không thích; thích những món đơn giản thường ngày, thích chọn các loại thức ăn khác nhau, có thể có khẩu phần ăn lớn hơn.

Cho con ăn nhiều loại thức ăn nhưng đừng ép chúng ăn bất cứ món nào.

Sự phát triển trí tuệ: Trẻ từ 5 đến 6 tuổi

Những đặc tính thông thường

Những việc cha mẹ nên làm

Khi mệt mỏi hoặc lo lắng có thể nói ngọng, nói lắp

Không quá chú ý tới những xáo trộn về ngôn ngữ kể trên bởi đó có thể chỉ là hiện tượng tức thời.

Chỉ làm những việc mà chúng nghĩ là có thể đạt được thành công, luôn làm theo các chỉ dẫn và tuân theo sự giám sát, hướng dẫn.

Rèn luyện cho con những kĩ năng cần thiết và tạo điều kiện để con có được thành công trong những việc chúng làm.

Nhận biết được màu sắc, số đếm, biết phân biệt các đồng tiền xu, biết in các bức thư và có một số trẻ còn biết tự học đọc.

Đưa con đi đây đi đó: đến các nhà hàng, cửa hiệu và tạo điều kiện để con tự viết ra tên những người con yêu quý và tên các đồ vật, đặc biệt là những người, vật có tên ngắn.

Sự phát triển về mặt xã hội: Trẻ từ 5-6 tuổi

Những đặc tính thông thường

Những việc cha mẹ nên làm

Có thể sẽ lo lắng nếu không thấy mẹ về vì mẹ là trung tâm trong thế giới của trẻ.

Tránh đi vắng cho đến khi trẻ được chuẩn bị về mặt tinh thần về việc đi và về của mẹ.

Bắt chước người lớn và thích được khen.

Trẻ cần biết tin vào bản thân

Chơi với cả bạn trai và bạn gái, luôn bình tĩnh và thân thiện, không quá đòi hỏi trong mọi mối quan hệ, có thể chơi với một bạn hoặc một nhóm bạn mặc dù thích chơi với bạn cùng giới hơn.

Tỏ ra vui vẻ và tạo điều kiện cho con chơi với các bạn

Thích trò chuyện trong bữa ăn

Cho phép và trả lời những thắc mắc bột phát của trẻ.

Nhận biết được sự khác biệt giữa hai giới và trở nên khiêm tốn hơn.

Đừng làm trẻ xấu hổ nếu chúng quan tâm tới những khác biệt về giới hay tự khám phá bản thân.

Quan tâm đến việc em bé ở đâu ra

Đưa ra lời giải thích đơn giản, chính xác.

Nếu không thích đi học, có thể ọe hoặc nôn

Khuyến khích trẻ khám phá những hoạt động thú vị ở trường.

Tuân thủ các quy tắc, luật lệ và thường hay phê bình những người không tuân thủ.

Giúp trẻ nhận biết giá trị của sự khác biệt ở mỗi người.

Sự phát triển cảm xúc: Trẻ từ 5-6 tuổi

Những đặc tính thông thường

Những việc cha mẹ nên làm

Nhìn chung, trẻ ở tuổi này đều thật thà và thích nghi nhanh

Luôn tôn trọng ý kiến của con

Có thể sợ một số thứ như: bóng tối, bị ngã, chó. Trẻ còn có thể sợ cơ thể bị thương mặc dù nỗi sợ đó không phổ biến lắm ở lứa tuổi này

Đừng làm lơ trước những nỗi sợ của con

Nếu trẻ bị mệt, lo lắng hoặc cảm thấy buồn rầu thì chúng có thể có các hành vi sau: cắn móng tay, nháy mắt, ho khan, sổ mũi, mũi giật hoặc mút ngón tay cái

Đừng quá sốt sắng trước những hành vi này của trẻ vì sự lo lắng ở chúng là tức thời và bình thường. Hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ lo lắng và giúp trẻ giải quyết vấn đề. Giúp trẻ quản lý thời gian sao cho chúng có thời giờ nghỉ ngơi và chơi các trò nhẹ nhàng. Hãy đọc truyện cho trẻ nghe.

Thích làm hài lòng người lớn.

Bộc lộ cho con thấy tình yêu bạn dành cho con bằng các ghi nhận, thừa nhận mỗi khi con cư xử tốt.

Dễ rơi vào trạng thái lúng túng, xấu hổ.

Luôn để ý tới những điều có thể làm trẻ xấu hổ và giúp trẻ tránh những điều đó.

Sự phát triển đạo đức: Trẻ từ 5-6 tuổi

Những đặc tính thông thường

Những việc cha mẹ nên làm

Muốn mình là một đứa trẻ ngoan, nhưng có thể nói dối hoặc chê bai người khác. Trẻ như vậy là do chúng rất thích làm hài lòng người lớn và muốn chứng tỏ là mình luôn làm đúng.

Không nên quá sốc mỗi khi con nói dối. Nói dối không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng ở tuổi này. Hãy dạy cho con bạn biết sống có trách nhiệm với mỗi hành động của chúng theo một cách tích cực nhất.

Muốn làm những việc mà chúng cho là đúng và tránh những việc chúng cho là sai.

Khen ngợi tinh thần hành động theo những điều tin tưởng ở con. Đừng phạt con chỉ vì không phải lúc nào chúng cũng ngoan như bạn muốn.



Cách cư xử với trẻ 5-6 tuổi

Đối với trẻ nhút nhát, thích hướng nội

Ngay khi con vào lớp 1, hãy nói với cô giáo về tính cách con bạn để cô có biện pháp giúp đỡ, làm cho trẻ không bị lu mờ bởi những học sinh mạnh dạn khác. Muốn hỏi bất cứ một điều gì, bạn đừng nên nôn nóng, tra hỏi dồn dập. Làm vậy, trẻ sẽ lúng túng và im lặng. Hãy tôn trọng sự chậm chạp của con và đừng ngắt lời khi nó nói.

Bạn đừng hỏi con về một ngày đã qua. Những câu hỏi kiểu như: hôm nay con chơi trò gì, cô giáo dặn phải làm thế nào... khiến nó chẳng thấy hứng thú. Muốn con trả lời, trước hết bạn hãy kể cho nó về một ngày đã qua. Lâu lâu, bạn dừng lại, trẻ sẽ nói chen vào.

Cha mẹ nên tôn trọng các mối quan hệ xã hội của con. Trẻ hướng nội thường ít bạn, vì thế nếu được yêu cầu mời bạn bè đến dự sinh nhật, có thể trẻ chỉ mời 2 người. Lúc ấy, cách tốt nhất là bạn nên thu xếp cho trẻ và bạn thân của nó tham dự những hoạt động mà chúng yêu thích, bỏ qua những buổi tiệc đông khách.

Đối với trẻ mạnh dạn, sống hướng ngoại

Trẻ có tính cách này bao giờ cũng nói trước rồi mới suy nghĩ sau. Chúng thích nói ngay ra những ý tưởng của mình khi vừa mới hình thành. Bởi vậy, nó nói rất nhiều. Bạn đừng ngắt lời, trẻ sẽ mất đi dòng tư tưởng. Tốt nhất là hãy khuyến khích trẻ nói tiếp bằng cách lâu lâu lại nhắc “mẹ hiểu” cho đến khi chấm dứt câu chuyện.

Trẻ hướng ngoại có thể hay nói dối, bịa chuyện với bạn bè. Thực ra, nó không cố gắng lừa gạt ai cả mà chỉ muốn lôi cuốn mọi người vào câu chuyện của mình. Nếu bạn có mặt lúc trẻ nói dối, hãy nói: “Con đúng là giàu trí tưởng tượng”. Câu nói này sẽ làm người khác hiểu rằng lời tuyên bố của trẻ là không có thật, bản thân trẻ cũng không bị xấu hổ. Khi chỉ còn hai mẹ con, hãy nói với trẻ về tầm quan trọng của tính trung thực.

Mỗi tính cách đều có điểm mạnh, yếu riêng. Cha mẹ đừng nên buồn khi thấy trẻ hướng nội mà không hướng ngoại. Dù mang tính cách nào, con bạn đều có thể thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

THAM KHẢO THÊM:

Những cách nói để bé nghe lời răm rắp

Một trong những cách dạy con ngoan là cha mẹ cần biết nói chuyện với bé. Những cách dưới đây sẽ giúp bé nghe lời răm rắp mà bạn không cần phải mất công quát mắng.

Cha mẹ nên biết rằng cách mình giao tiếp với con cũng chính là cách bé dùng để giao tiếp với người khác. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn dạy bé nghe lời.

1. Hiểu tâm lý con là cách để bé nghe lời

Đe dọa và giận dữ từ mẹ chỉ đẩy bé vào thế phòng thủ. Vì vậy khi muốn con làm một việc gì đó, thay vì hét lên: "Con phải dọn gọn chỗ đồ chơi này vào ngay cho mẹ", thì hay nói: "Mẹ cần con dọn dẹp hết đồ chơi con vừa bày ra. Mẹ bận lắm, mẹ còn rất nhiều việc khác phải làm".

Một lời khuyên hữu ích nữa là cha mẹ đừng bao giờ đặt ra những câu hỏi mà bé có thể trả lời bằng "không", ví dụ: "Con có nhặt quyển sách lên không?", mà hãy nói: "Con nhặt quyển sách lên giúp mẹ nhé".

2. Quy định những thói quen

Thay vì cứ đến bữa bạn lại phải hò hét ầm nhà để gọi con ngồi vào bàn ăn hay mỗi tối trước khi đi ngủ bạn phải dùng đủ mọi cách từ nịnh nọt đến dọa nạt để con đi đánh răng thì hãy tạo ra những thói quen. Và một cách đơn giản để những thói quen ấy trở thành thói quen thật sự thì mẹ hãy cùng bé đọc to những việc cần làm, ví dụ: "Phải rửa tay trước khi ăn", "Nên đánh răng 2 lần mỗi ngày", "Khi ăn phải ngồi ngay ngắn trên ghế"...

3. Hãy cho bé sự lựa chọn

Cuối tuần, bé rất thích đi chơi công viên nhưng bạn lại không thể đưa con đi. Thay vì cứ khăng khăng "Con không được đi công viên" thì hoặc là giải thích lý do hôm nay con không thể đi được, hoặc là đưa cho bé sự chọn lựa: "Con không thể đi công viên nhưng con có thể được sang nhà bạn Bin chơi hoặc đọc cuốn truyện tranh mà con yêu thích".

4. Kết thúc tranh cãi

Khi bé nhà bạn bướng bỉnh, cứ khăng khăng không muốn làm theo ý mẹ và đưa ra những lý lẽ của riêng mình thì bạn hãy kết thúc tranh cãi bằng cách nói kiên định: "Mẹ sẽ không thay đổi quyết định của mình đâu". Đến nước này, bé nghe lời mẹ tuy hơi có chút ấm ức. Khi mọi cảm xúc được lắng xuống, mẹ hãy lựa thời điểm để giải thích cho bé hiểu vì sao mẹ làm thế.

Ảnh minh họa

5. Những kiểu nói dễ được bé chấp nhận

"Khi nào... thì": “Khi nào con đánh răng xong thì mẹ sẽ đọc truyện cổ tích cho con” hoặc “Khi nào con vẽ xong thì mẹ sẽ cho con xem hoạt hình”. Từ “khi nào” ngụ ý đó là công việc bé cần hoàn thành và mang nghĩa tích cực hơn so với khi dùng từ “nếu”.

"Khi con... mẹ cảm thấy... bởi vì...": Chẳng hạn: “Khi con chạy lung tung trong siêu thị, mẹ cảm thấy lo lắng bởi vì con có thể bị lạc”.

Thông báo trước: Thay vì đột ngột bắt con phải dừng chơi gì đó, hãy thử nói: “Sắp đến giờ về rồi. Con chuẩn bị bye-bye các bạn nhé”.

Hãy gọi tên bé: Khi đề nghị bé, bạn hãy gọi tên con; chẳng hạn: “Nhím, lấy giúp mẹ quyển sách”.

6. Nguyên tắc từng câu một

Đừng yêu cầu bé làm quá nhiều việc cùng một lúc vì mẹ càng dông dài, bé càng có xu hướng giả điếc. Nói quá nhiều là sai lầm phổ biến của cha mẹ khi đối thoại với con và muốn bé nghe lời.

Để bé chắc chắn hơn, cha mẹ nên để bé nhắc lại yêu cầu của mình. Nếu bé không nhắc được tức là yêu cầu của mẹ quá dài và quá phức tạp.

7. Bắt đầu "chỉ thị" của bạn với "mẹ muốn"

Thay vì "Bỏ con dao xuống", hãy nói "Mẹ muốn con bỏ dao xuống". Thay vì: "Hãy cho Sam mượn đồ chơi", bạn nói: "Mẹ muốn con cho Sam mượn đồ chơi". Điều này hợp với tâm lý phát triển của bé: muốn làm mẹ vui nhưng ghét bị ra lệnh.

8. Hướng dẫn bé cách giải quyết

Thay vì: "Đừng để bóng giữa nhà", bạn có thể thử: "Sam, con tìm chỗ cất quả bóng này cho gọn". Để bé tìm giải pháp cho một vấn đề thì tốt hơn vì nó là bài học tư duy lâu dài cho bé.

9. Nói đi – nói lại

Các bé tuổi mẫu giáo cần được nhắc nhở hàng nghìn lần cho cùng một việc. Bé dưới 2 tuổi gặp khó khăn khi ghi nhớ yêu cầu của mẹ. Hầu hết những bé từ 3 tuổi đều tiếp thu tốt những gì bạn đề nghị nhưng bạn vẫn cần nhắc nhở bé.

10. Phản ứng đối lập

Nếu bé nhà bạn cáu kỉnh, càng hét to lên thì bạn càng cần phải trả lời nhẹ nhàng hơn. Đừng bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực của con. Khi tâm trạng của bé không được tốt, bạn có thể nhẹ nhàng: "Mẹ hiểu..." hoặc "Mẹ giúp được gì cho con?". Một thái độ mềm mỏng của mẹ sẽ làm bé dịu cơn nóng nảy và biết nghe lời mẹ hơn.

10 cách giúp bé tập trung (5-6 tuổi)





















1. Hãy cảm thông với trẻ: bạn có thể nhận thấy trẻ khó chịu và bực mình khi phải ngồi một chỗ mặc dù chúng cũng rất muốn tập trung ngồi chơi hoặc ngồi học như anh chị của mình, đừng vội mắng chúng.

2. Giảm mọi âm thanh (nhạc, tivi…) có thể làm cho trẻ mất tập trung. Khi đến giờ bé ngồi vào bàn học hoặc làm một việc gì cần sự tập trung thì hãy tắt nhạc hoặc tivi đi.

3. Ngồi cùng với trẻ: kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một đứa bé ngồi chơi đồ chơi lâu hơn nếu có cha hoặc mẹ ngồi chơi cùng. Bé tập trung vào chơi và chơi lâu hơn vì bé cảm thấy yên lòng, thoải mái và dễ chịu khi có bạn ở bên cạnh.

4. Tạo góc học tập yên tĩnh: trẻ không thể tập trung nếu nơi bé ngồi học quá ồn ào hoặc bừa bãi. Tập sách phải luôn được sắp xếp gọn gàng, bút viết phải bỏ vào hộp, dẹp hết sách báo cũ…

5. Đặt mục tiêu sao cho bé có thể đạt được: đừng bao giờ nổi giận vì trẻ không thực hiện được mục tiêu mà bạn đề ra. Cơn giận của bạn sẽ làm cho trẻ thất vọng với chính bản thân mình và đánh mất dần lòng tự trọng. Bạn nên bắt đầu bằng một mục tiêu vừa phải; ví dụ như bé phải tập trung làm bài tập nhà trong vòng 5 phút tối nay. Thiết lập khoảng thời gian thích hợp với bé.

6. Dần dần tăng thời gian trẻ cần phải tập trung cho hoạt động của mình: một khi bé đã đạt được sự tập trung trong khoảng thời gian bạn đề ra, hãy kép dài thêm 30 giây nữa vào tối hôm sau. Hãy nói cho bé biết bạn đang làm gì và mục tiêu mới cần phải thực hiện.

7. Thời gian học và chơi phải xen kẽ với nhau: hãy để cho trẻ tự chọn chúng thích chơi trước hay sau hay giữa giờ học. Lúc bé chơi là lúc bé thư giãn và sau đó bé có thể tập trung tốt hơn. Cho bé chơi một khoảng thời gian thích hợp rồi nhắc nhở bé quay trở lại bàn học, tập trung làm và học cho hết bài.

8. Quan sát: có đôi khi bé có thể tập trung học lâu hơn thời gian bạn quy định, nếu vậy thì hãy tìm hiểu động lực nào giúp bé tập trung trong thời gian lâu như vậy? Bé thích làm bài tập này, bé thích ngồi học ở đây hoặc vì nguyên nhân nào khác?

9. Trao cho bé quyền làm chủ: có sự khác biệt giữa giúp đỡ và trách nhiệm. Nếu bạn nghĩ đó là trách nhiệm của bạn thì bé sẽ phụ thuộc hẳn vào bạn. Khuyến khích trẻ tự chủ động làm mọi việc của chúng và thực hành kỹ năng tập trung. 

10.  Thường xuyên nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm của trẻ: Tìm hiểu xem trẻ có tập trung học trong lớp không. Chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên và cùng nhau tìm ra biện pháp tốt nhất để giúp trẻ tập trung tốt, học tốt.




Trẻ 5 tháng tuổi ăn uống thế nào
Bé 5 tháng tuổi biết làm gì

Khẩu phần ăn của trẻ 6 tháng tuổi
Khẩu phần ăn của trẻ 5 tháng tuổi
Thay răng sữa ở trẻ em và những điều lưu ý
Bé bị đầy bụng
Trẻ lười ăn phải làm sao?
Xử lý trẻ bị co giật như thế nào -




(ST)