Cách dạy con ngang bướng trở nên vâng lời, ngoan ngoãn
Cách dạy con ngang bướng cha mẹ nên biết
Cách dạy con ngang bướng ngoan hơn
Cách dạy con ngang bướng cực đơn giản
Video Clip: Tính cách của cung Cự Giải nữ: ngang bướng và hiếu thắng
Tính bướng bỉnh từ đâu xuất hiện? Bạn sẽ làm gì để..."thuần phục" các em bé bướng bỉnh? Hãy cùng Thạc sỹ - chuyên gia tư vấn hỗ trợ tâm lý trường ĐH KHXH và NV giải mã...tính bướng bỉnh của con trẻ.
Thưa ông, có rất nhiều ông bố bà mẹ than rằng, con họ rất bướng bỉnh. Chúng luôn phản ứng lại lời cha mẹ nói. Phải chăng, đó là biểu hiện sự...nổi loạn của con với bố mẹ?
Trẻ bướng - thực ra không phải là việc gì quá trầm trọng
Tôi cho rằng, đó là việc bình thường. Các em bé - đến một giai đoạn nào đó bắt đầu phát triển nhận thức, biết quan sát môi trường xung quanh...thì cũng sẽ xuất hiện nhu cầu được suy nghĩ và hành động theo cách của riêng chúng. Đó là lý do vì sao có em bé, chỉ mới 4,5 tuổi thôi mà bố mẹ đã thấy...rất bướng rồi. Sự bướng bỉnh phổ biến rất rõ ở các em bé lứa tuổi dậy thì.
Đây là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về tâm sinh lý, thấy rằng quyết định của mình mới là đúng và những gì người khác nói là áp đặt. Các em thấy không nhất thiết phải nghe lời của người lớn nữa...Ngoài ra, sự giáo dục cứng nhắc của gia đình - nhà trường lâu nay cũng tạo cho trẻ nếp sống thụ động, không có cơ hội thể hiện quan điểm riêng. Vì vậy, khi có một trẻ nào đó làm khác đi ý kiến người lớn thì sẽ dễ bị cho là bướng bỉnh.
Cha mẹ nếu hiểu nguyên nhân dẫn đến sự bướng bỉnh ở trẻ thì sẽ không bị bất ngờ. Ngược lại, nếu gia đình bỏ qua những thay đổi của con mà không có sự can thiệp kịp thời thì có thể tính bướng bỉnh của trẻ còn mạnh mẽ hơn, đôi khi gây ra rối nhiễu về tâm lý như trẻ bị trầm cảm, bị stress.
Đối phó với tính bướng bỉnh, nhiều cha mẹ đã dùng đến lời mắng mỏ thậm tệ, thậm chí là roi vọt nhưng vẫn không "điều khiển" được trẻ. Vì sao vậy?
Dùng roi vọt để dạy dỗ con trẻ là sai lầm. Đánh trẻ không thể làm cho con ngoan lên mà chỉ làm cho chúng tăng tính xâm khích người khác. Đến một lúc nào đó, trẻ lớn lên và bố mẹ không thể đánh chúng được thì sẽ không có gì "kìm chân" trẻ được nữa. Cha mẹ nên nhớ rằng, những hành vi cha mẹ tác động đến con đều sẽ được chúng tiếp nhận.
Đến một lúc nào đó, nó sẽ thực hiện hành vi tương tự nếu gặp phải tình huống tương tự. Đó là lý do vì sao một đứa trẻ trai sống trong gia đình có bạo lực thì sau này sẽ dễ dàng đánh vợ. Một đứa trẻ gái chứng kiến cảnh mẹ chì chiết bố, chì chiết con...thì sau này cũng sẽ học cách chì chiết chồng mình. Nhiều ông bố bà mẹ, thấy con mới chỉ phạm tội 1 lần đã vội vã kết tội con là đồ hư hỏng, đồ bỏ đi.
Cha mẹ đã nói con như vậy thì đứa trẻ sẽ nghĩ, mình hư rồi, hỏng rồi còn cần gì phải cố gắng làm người ngoan nữa. Vậy là nó sẽ càng bướng hơn, lỳ hơn, trượt dài theo vết xe đổ.
Đứng từ góc độ của chuyên gia tâm lý, theo ông, cha mẹ cần làm gì để điều trị sự bướng bỉnh của trẻ?
Cha mẹ không chỉ đảm nhận vai trò làm cha mẹ là chăm sóc và dạy dỗ con cái mà còn là người bạn tin tưởng của con để mình có thể trò chuyện, giãi bày những tâm tư tình cảm của chúng.
Mỗi tuần cha mẹ dành một buổi tối đặc biệt cho cuộc họp gia đình. Cha mẹ và con cái sẽ chia sẻ cùng nhau. Con nói lên những mục tiêu, những cảm nhận, những suy nghĩ của mình và ngược lại cha mẹ cũng nói những mong muốn của cha mẹ với con trẻ.
Cha mẹ và con cái có các hoạt động ngoài trời vào ngày cuối tuần như chơi cầu lônng, đi bộ, chơi cờ vua...đó cũng là các hoạt động trẻ vừa được rèn luyện thể chất và vui chơi cùng cha mẹ. Qua các hoạt động đó trẻ học được các kỹ năng, các cách ứng xử từ cha mẹ chúng.
Như gia đình tôi, vợ chồng tôi thường xuyên chơi bài, chơi cầu lông...với các con. Các cháu rất hứng thú và chúng cảm nhận được sự quan tâm, sự khích lệ và động viên thường xuyên của cha mẹ.
Đối với các trẻ chưa đi học lớp 1, cha mẹ hãy đọc truyện cho con trước khi đi ngủ...như các truyện tôi hay đọc cho con là bộ sách "để em luôn ngoan ngoãn" hay tập chuyện "chuột tít". Đó là những chuyện hữu ích, hình ảnh sinh động, dạy trẻ các kỹ năng sống và giải quyết vấn đề, đặc biệt hơn là dạy cho con các hành vi tốt được xã hội thừa nhận. Nếu trẻ lớn hơn thì nên dành thời gian trò chuyện, cùng con gỡ rối vì ở lứa tuổi này, các cháu rất coi trọng các mối quan hệ bạn bè, trường học, cha mẹ không nên áp đặt yêu cầu đối với trẻ và coi mọi chuyện của trẻ là "chuyện trẻ con".
Khi con mắc lỗi, bướng bỉnh, cha mẹ có thể phạt nhưng nhất thiết không được dùng roi vọt. Tác hại của roi vọt thì tôi đã nói rồi.
Thưa ông, nhiều gia đình chọn cách "ôn hòa" là dùng tiền treo thưởng. Nếu con nghe lời thì cho tiền, con học giỏi cũng cho tiền. Ông thấy cách làm này có tốt không?
Nếu để sai trẻ làm việc nhà mà thưởng tiền thì chúng ta sẽ khiến trẻ thương mại hóa cả những việc làm thuộc về tình cảm và trách nhiệm. Thay vì lấy tiền "nhử" trẻ cha mẹ cần nói rõ với trẻ về quyền lợi của trẻ như được cha mẹ chăm sóc được đi học nhưng cùng với quyền lợi đó trẻ phải có những trách nhiệm với gia đình và việc học tập của mình.
Như vậy chúng ta thấy làm việc nhà, quan tâm đến cha mẹ và học tập tốt là trách nhiệm của trẻ, qua đó trẻ sẽ học được tính độc lập, biết quan tâm đến người khác, các kỹ năng sống cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, không treo thưởng bằng tiền không có nghĩa là không dạy trẻ cách tiêu tiền.
Tôi nghĩ, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu giá trị của đồng tiền. Bạn có thể dạy con bạn cách tiêu tiền như một tuần cho con bạn đi chợ một lần cùng bạn hoặc nếu con bạn học cấp 2 có thể giao cho con chút tiền để con tự tính toán chi tiêu chuẩn bị bữa cơm cho gia đình...
Gia đình tôi, vào dịp hè thường khuyến khích cháu làm một công việc tốt như dọn đồ phế phẩm trong gia đình, cháu có thể bán để lấy tiền mua sách báo, đó dùng học tập, vừa là hoạt động bảo vệ môi trường vừa là cơ hội để cháu hiểu về giá trị của đồng tiền. Cháu sẽ trân trọng và biết cách tiêu tiền hợp lý.
Đặc biệt ở mỗi một giai đoạn phát triển của gia đình sẽ cần các nguồn tài chính khác nhau, hoặc đôi khi gia đình có những thời điểm khó khăn bạn cũng có thể chia sẻ điều đó với con trẻ, trẻ sẽ thấy rõ tình trạng tài chính của gia đình hơn.
Vậy theo ông, khi con mắc lỗi, bướng bỉnh không chịu nghe lời, cha mẹ nên làm gì để phạt trẻ...nếu cả hai cách "dùng tiền và dùng roi" đều không thích hợp?
Có rất nhiều cách trừng phạt tích cực đối với trẻ. Với những hành động như đánh bạn, bẻ đồ chơi, ném đồ chơi, chúng tôi dùng phương pháp "time out". Phương pháp đó là yêu cầu con đứng ra một góc tường để suy nghĩ về việc làm của mình, phạt không chơi trong khoảng một thời gian nhất định. Nếu trẻ 5 tuổi có thể bắt con đứng 5 phút, 10 tuổi đứng 10 phút chẳng hạn. Ban đầu trẻ có thể chống đối bằng cách la hét, không tuân thủ. Nhưng, cha mẹ cần thực sự nghiêm khắc trẻ sẽ phải tuân thủ theo đúng quy định.
Một cách khác cha mẹ có thể sử dụng phương pháp phạt lấy đi những cái gọi là đặc quyền của trẻ. Chẳng hạn, phạt con không cho xem chương trình tivi mà con yêu thích trong vòng 2 tiếng hoặc không cho con chơi búp bê trẻ thường xuyên chơi trong một vài tiếng...Trẻ sẽ hiểu rằng, nếu nó làm sai thì nó sẽ bị lấy mất một số thứ nó yêu thích. Tuy nhiên, phạt con trẻ là một cách để dạy dỗ trẻ, hướng cho trẻ thực hiện các hành vi chuẩn được xã hội chấp nhận chứ không phải trẻ có lỗi và đáng bị phạt như vậy.
Ông có lời khuyên gì với các bậc cha mẹ?
Ai cũng nói gia đình là vô cùng quan trọng song người lớn lại dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Tôi nghĩ, dù bận rộn thế nào, các ông bố, bà mẹ hãy cố gắng dành khoảng thời gian tương đương như với công việc để chơi đùa, nói chuyện với con như các buổi tối trong ngày nghỉ cuối tuần.
Cha mẹ cũng cần tự nâng cao nhận thức cho mình, đọc sách báo để hiểu tâm sinh lý phát triển của trẻ. Khi xảy ra một tình huống, thay vì mắng mỏ, hãy đặt mình vào tình huống của con và cùng con giải quyết. Nếu cần, cha mẹ cũng sẽ phải cùng con điều chỉnh hành vi. Cả cha mẹ và con cái cũng nên học kỹ năng sống. Biết kỹ năng sống, mọi người sẽ học được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng đối phó với những khó khăn...Những kỹ năng này rất tốt cho cuộc sống của cả cha mẹ và con cái.
Xin cảm ơn ông.