Cách giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp khôn ngoan nhất

Ý kiến khác nhau trong công việc là điều hết sức bình thường và cần thiết để có những thay đổi, sáng tạo, để giải quyết vấn đề cũng như cải thiện hiệu quả công việc. Nhưng hiểu rõ những tác dụng tích cực của sự khác biệt ý kiến trong công việc không làm cho việc giải quyết những mâu thuẫn dễ dàng hơn.




CÁCH GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN VỚI ĐỒNG NGHIỆP

Giải quyết mâu thuẫn đúng cách

 

Chuẩn bị kỹ

Hãy chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện thẳng thắn. Bạn cần phải biết vai trò của mình, và hãy cố gắng hiểu kỹ hơn đồng nghiệp của mình. Trước khi nói chuyện với họ, bạn hãy "hiểu rõ bản chất thực của mâu thuẫn".




Có ba loại mâu thuẫn thường gặp:

1.    Công việc: bất đồng về công việc đang thực hiện

2.    Mối quan hệ: mâu thuẫn xuất phát từ mối quan hệ giữa bạn và người kia

3.    Quan điểm: hai người có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau

Hiểu rõ điều này có thể giúp bạn có cách bắt đầu câu chuyện rõ ràng hơn. Đầu tiên, hãy nói cho đồng nghiệp của bạn biết bản chất mâu thuẫn hai bên đang gặp phải và hỏi thử anh ấy có thấy vấn đề giống bạn không.

Dù cho tính chất của mâu thuẫn như thế nào, đừng đem cảm xúc cá nhân vào câu chuyện. Mâu thuẫn sẽ dễ dàng được giải quyết bằng những cái nhìn khách quan thay vì cảm xúc cá nhân.

Ngoài ra, hãy chuẩn bị đủ thời gian cho buổi nói chuyện này để bạn có thể tìm được giải pháp. Hãy nói chuyện trực tiếp, ở một nơi riêng tư nếu có thể, đừng dùng email hay điện thoại chỉ vì bạn cảm thấy ngại, vì email hay điện thoại sẽ hạn chế những hiệu quả của một cuộc trao đổi nghiêm túc.

Xác định mối quan tâm chung

Để bắt đầu một cuộc nói chuyện khó khăn một cách đúng đắn, điều quan trọng là bạn và đồng nghiệp của mình phải xác định những gì cả hai đang có cùng quan điểm. Có thể đó là mục tiêu chung của cả nhóm, hay những quy định cả hai cùng đồng ý. Hãy thử bắt đầu "Cả hai chúng ta đều muốn có một kế hoạch tốt để giúp công ty phát triển lên một nấc mới." hoặc "Chúng ta đã từng có chung quan điểm về quyết định này." Hãy nhớ rằng, đây phải là mục tiêu chung mà cả bạn lẫn người đồng nghiệp kia thật sự quan tâm, chứ không phải là điều bạn cho rằng anh ấy cũng quan tâm. Điều này sẽ cho người kia thấy rằng bạn thật sự muốn điều tốt cho cả hai bên, chứ không phải là bạn chỉ quan tâm đến bản thân bạn.

Hãy biết lắng nghe

Cho dù bạn nghĩ rằng bạn đã hiểu quan điểm của đồng nghiệp mình, bạn nên lắng nghe những gì anh ấy nói. Bạn có thể đặt những câu hỏi giúp bạn hiểu thêm về cách nhìn nhận vấn đề của anh ấy và xác định rõ hơn liệu bạn đang gặp bất đồng về quan điểm, về trách nhiệm công việc hay về lợi ích mỗi bên. Như vậy, bạn sẽ không phải "đoán xem điều gì xảy ra" mà phải chủ động lắng nghe. Đừng giả vờ nghe mà phải lắng nghe và hiểu những gì anh ấy nói. Lắng nghe một cách chủ động và cởi mở khi đồng nghiệp của bạn giải thích có thể giúp bạn hiểu thêm về những thông tin quan trọng đem lại giải pháp cho bất đồng bạn đang gặp phải. Hoặc bạn có thể giúp anh ấy một vài lời khuyên mà anh ấy đang cần. Một không khí cởi mở, thân thiện sẽ giải quyết vấn đề tích cực hơn.

Về phía bạn, hãy mở lòng để chia sẻ vấn đề của bạn. Đừng chỉ trích hay đổ lỗi cho người khác, hãy cho anh ấy biết mục tiêu của bạn. Nếu anh ấy có những câu hỏi thẳng thắn, hãy cho anh ấy cơ hội để nói hết những gì làm anh ấy hiểu nhầm.

Đưa ra giải pháp

Khi mọi thứ đã được làm rõ, hãy đưa ra giải pháp. Sử dụng những thông tin bạn có được trong buổi nói chuyện đó để đưa ra một giải pháp mới tốt nhất cho cả hai bên. Đừng để trong lòng những ý kiến gây tranh cãi. Nếu đồng nghiệp của bạn không đồng ý với giải pháp bạn đề xuất, hãy cố gắng kéo anh ấy vào quá trình giải quyết vấn đề rốt ráo và có lợi cho cả hai bên.

Nếu tình hình trở nên tệ hơn...

Cho dù bạn đã có chuẩn bị chu đáo, vẫn có khả năng cuộc nói chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn. Những cuộc trao đổi sẽ trở thành cuộc đấu khẩu nếu một trong hai bên đưa vào những cảm xúc cá nhân. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy không khí nóng lên, hãy tìm cách đưa câu chuyện trở về những mối quan tâm chung. Hãy tập trung vào mối quan hệ trong tương lai. Bạn có thể không giải quyết được mâu thuẫn dựa trên những vấn đề của quá khứ, nhưng bàn về những mối quan tâm trong tương lai, bạn
có thể hòa giải bất đồng.

Nếu đồng nghiệp của bạn trở nên quá khích, tốt nhất bạn nên tạm ngưng buổi nói chuyện. Bạn có thể ra khỏi phòng hoặc tạm thời ngưng tranh cãi để quan sát tình hình xung quanh. Cách này sẽ giúp bạn biết cần phải làm gì tiếp theo. Bạn có thể thử thay đổi cách nói chuyện: dùng bảng, dùng giấy để thảo luận, thậm chí có thể đề nghị tiếp tục câu chuyện trong lúc ăn tối. Bạn sẽ tạm thời ngăn sự quá khích của anh ấy, cũng như tránh làm tăng sự mâu thuẫn giữa hai người. Nếu tất cả những cách này đều không hiệu quả, hãy rút lui và tìm một người thứ ba để giải quyết.

Tóm lại, bạn cần phải nhớ:

Điều cần làm:

  • Tập trung vào những mục tiêu chung
  • Hiểu được bản chất của sự bất đồng trước khi nói chuyện
  • Hãy trò chuyện cởi mở để tìm giải pháp

Điều không nên làm:

  • Cho rằng bạn đã hiểu hết quan điểm của đồng nghiệp
  • Cố gắng giải quyết mâu thuẫn bằng email
  • Cố ngăn không cho đồng nghiệp mình nói rõ suy nghĩ của họ
6 cách hạn chế mâu thuẫn với đồng nghiệp
 
Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn hạn chế bất đồng với đồng nghiệp:

Đừng nghĩ rằng đồng nghiệp không ưa mình

Cho dù tại đồng nghiệp không đưa cho bạn báo cáo đúng hạn khiến bạn bị sếp nhắc nhở mà mặc định cho rằng anh/cô ấy ghét và muốn chơi xấu bạn. Hãy bình tĩnh và giữ thái độ trung lập, khách quan. Bạn nên tìm hiểu nguyên nhân trước khi đưa ra nhận xét. Có thể người đồng nghiệp kia không biết sắp xếp thời gian, không nhớ rõ thời hạn nộp báo cáo hoặc họ đang bị "quá tải" với phần việc của mình dẫn tới sự chậm trễ đó.

Đặt mình vào vị trí của đồng nghiệp

Bạn nên chú ý tới phong cách làm việc của đồng nghiệp để có thể hợp tác hiệu quả hơn với họ. Lưu ý rằng bên cạnh việc tìm hiểu cách thức giao tiếp và sở thích cá nhân, bạn cũng cần chú ý tới những khó khăn và áp lực họ phải đối mặt. Bạn sẽ có sự đồng cảm và thấu hiểu nếu biết rõ hơn vai trò của đồng nghiệp.

Rạch ròi trong từng nhiệm vụ

Mâu thuẫn sẽ gia tăng qua từng bất đồng tưởng chừng rất nhỏ như người này làm "nhầm" phần việc của người kia hay người này tị nạnh người kia vì phần việc nhiều hơn... Để tránh những tình huống như vậy, mọi người cần họp lại với nhau và thống nhất phần công việc cụ thể của từng người. Sau đó, thường xuyên cập nhật tình hình và kiểm tra tiến độ chung.

Chấp nhận cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của đồng nghiệp

Chỉ đánh giá cao điểm mạnh mà coi thường những khía cạnh khác của đồng nghiệp cũng không thể giúp bạn có mối quan hệ hoà hảo. Không có ai là người hoàn hảo, đồng nghiệp cũng vậy và ngay bản thân bạn chắc chắn cũng có nhiều thiếu sót. Do đó, mọi người cần chấp nhận bản chất thật của nhau theo xu hướng tích cực. Chẳng hạn, đồng nghiệp của bạn là người xuề xoà, không cẩn thận câu chữ trong bản báo cáo. Nhưng trái lại, anh ấy lại có khả năng thuyết phục tốt và được nhiều khách hàng quý mến.

Góp ý cho đồng nghiệp trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau

Khi đồng nghiệp làm sai và việc đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới bạn, hẳn nhiên bạn sẽ phải lên tiếng. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng những ý kiến của bạn mang tính xây dựng và trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp. Chú ý tới nội dung và cách bạn nói. Chỉ cần bạn thể hiện sai, hậu quả là mâu thuẫn với đồng nghiệp có thể không thể giải quyết.

Không để mâu thuẫn kéo dài

Khi có bất đồng với đồng nghiệp, hãy nhanh chóng tìm cách giải quyết trước khi nó trở nên nghiêm trọng. Bạn cũng nên chủ động hành động thay vì cho rằng đồng nghiệp mới là người phải lên tiếng trước.

Trong cuộc sống công sở, sẽ có những người xấu tính, cố tình khiến bạn gặp khó khăn. Khi đó bạn sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài chia sẻ và xin tư vấn từ sếp. Dù cho tình huống là gì, hãy nhớ bí quyết cư xử với mọi người là linh động, ngoại giao và cảm thông.

Khi giận dữ với đồng nghiệp

Các cuộc tranh luận nơi công sở, những bất đồng trong công việc, thái độ quá đáng của một đồng nghiệp nào đó đôi khi cũng khiến bạn "nổi cơn tam bành". Khi đó, bạn sẽ phản ứng thế nào? Qua mỗi lần giận dữ, đồng nghiệp sẽ biết được tính cách của bạn đấy.

Bỏ đi nơi khác

Khi giận dữ, nhiều người muốn tránh xung đột bằng cách bỏ đi. Thái độ cư xử này khiến đối phương không còn ai để gây gổ, buộc phải im lặng, nhìn lại bản thân hoặc ngồi đó gặm nhấm nỗi tức giận. Nếu bạn có phản ứng này chứng tỏ bạn khá cao ngạo nhưng rộng rãi, "dĩ hoà vi quý", không thích đôi co. Cách này khiến môi trường làm việc của bạn bớt những cuộc cãi vã không đáng có.

Lời nói cay nghiệt

Nhiều người thường dùng lời lẽ để trút giận. Những lời nói cay nghiệt thật ra không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm hỏng mối quan hệ đồng nghiệp của bạn thôi vì khi đó đối phương cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, khó có thể bỏ qua.

Bạn thường xử sự như vậy ư? Vậy thì trong mắt đồng nghiệp, bạn là người hiếu thắng, nóng tính, đôi khi suy nghĩ nông nổi nhưng cũng dễ quên, dễ tha thứ. Bạn thật ra cũng biết tự nhận lỗi sau khi đã hết giận.

Hành động

Điều này thường hay xảy ra với nam giới. Họ không đè nén được cảm xúc, phải bộc lộ ra ngoài bằng cách đập phá đồ đạc, thậm chí "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với đối tượng đang xung đột với mình. Tuyệt đối đừng phản ứng thế này ở công sở. Đồng nghiệp không phải là người nhà của bạn, họ không thể hiểu nổi tại sao bạn lại cuồng nộ lên như thế. Còn sếp thì càng không thể chấp nhận một nhân viên sẵn sàng đập phá mọi thứ khi tức giận.

Đây là mẫu người hướng ngoại, tính tình nóng nảy, thiếu kiềm chế. Vì tính cách này, các đồng nghiệp không thích chơi với họ.

Nước mắt

Khi hờn giận, nhiều người (chủ yếu là phụ nữ) chỉ biết khóc. Họ tự an ủi mình bằng nước mắt và cho đó là vũ khí để chứng minh sự ấm ức. Bạn khóc ở cơ quan cũng chẳng sao, nhưng đừng yếu đuối quá trước mặt đồng nghiệp, họ có thể mủi lòng nhưng cũng dễ coi thường bạn. Nên cứng rắn hơn để giải quyết được mâu thuẫn.

Nếu bạn hay rơi nước mắt khi tức giận đồng nghiệp, bạn là người giàu cảm xúc nhưng nhu nhược, yếu đuối, thậm chí bạn không biết cách tự bảo vệ mình.

Im lặng

Im lặng là cách cư xử khôn ngoan của những người làm chủ được cảm xúc. Họ biết trước hậu quả tệ hại nếu phản ứng tức thời nên tự rút lui. Khôn ngoan hơn, họ đợi đến khi bản thân và đối phương cùng "hạ nhiệt" mới gợi lại chuyện.

Đây là người biết cách hành xử, bình tĩnh trước mọi tình huống và dễ đạt được những thành công lớn. Dù đang rất giận bạn thì đồng nghiệp vẫn cảm thấy khâm phục cách cư xử của bạn.

Làm hoà

Kiểu phản ứng này chỉ có ở những người điềm tĩnh, chín chắn, luôn độ lượng với mọi người. Dù bực tức đến đâu, họ vẫn giữ được bình tĩnh và cố gắng thuyết phục đối tượng bằng lời lẽ nhẹ nhàng, có tình, có lý.

Đây là mẫu người hoà nhã, khôn khéo. Họ "biết người biết ta" nên "trăm trận trăm thắng".



Để là người bạn tốt với người đồng nghiệp



















Hiểu lầm là nguyên nhân gây bất hòa thường gặp tại công sở. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách êm đẹp để mối quan hệ với đồng nghiệp được hài hòa đồng thời nâng cao hiệu quả công việc.
1. Chỉ ra vấn đề cụ thể
Nếu có ý kiến hãy nêu thật cụ thể, chi tiết. Ví dụ thay bằng cách nói “ từ trước đến nay tôi không được tham gia các cuộc họp ”, bạn hãy nêu ra cách biểu đạt hiệu quả hơn: “ Buổi họp về tiêu thụ hàng hóa thứ tư trước nếu được tham gia tôi sẽ đưa ra ý kiến tốt hơn ”.
2. Tránh xa xung đột
Tránh tham gia vào các cuộc xung đột, đặc biệt là những việc không liên quan đến bạn hoặc bạn không có trách nhiệm. Cho dù có người bị oan ức thì hãy để họ tự giải quyết vấn đề của mình. Tự giải quyết rắc rối của bản thân giúp họ rèn luyện bản thân và họ cũng được cảm thấy được tôn trọng.
3. Trao đổi, thảo luận
Không nên biến vấn đề thành chuyện riêng của hai người mà hãy bàn luận thành công việc của chung. Điều này không những thể hiện thái độ chuyên nghiệp mà còn cải thiện hiệu quả lao động và phù hợp vì lợi ích chung của công ty. Nếu vấn đề là của riêng ai đó thì sẽ không dễ giải quyết và có thể trở thành mâu thuẫn giữa đồng nghiệp.
4. Biết lắng nghe đồng nghiệp
Học cách lắng nghe người khác và có ý kiến riêng của mình. Nếu đối phương cho rằng bạn đã hiểu được điều anh/chị ta nói thì hiểu lầm sẽ được giảm đi rất nhiều. Trước khi thể hiện lập trường của mình, hãy đúc kết lại ý của đồng nghiệp. Khi trả lời hãy bắt đầu bằng thái độ nhã nhặn: “ vấn đề mà anh/ chị vừa nêu…” để đối phương biết được bạn đã hiểu ý muốn của họ. Có thể suy nghĩ của hai bên giống nhau nhưng cách biểu đạt có chút khác biệt.
5. Không nên tìm đến sếp
Nếu xuất hiện mâu thuẫn, trước tiên hãy tự tìm cách giải quyết. Có những người khi cảm thấy bản thân bị oan ức lập tức tìm đến lãnh đạo. Nên hiểu rằng, khi có sự tham gia của sếp thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
6. Nói năng từ tốn khéo léo khi muốn bày tỏ ý kiến
Nếu vấn đề trở nên rắc rối và khó khăn, hãy hẹn thời gian và nơi nói chuyện . Có mâu thuẫn với khách hàng hay đồng nghiệp làm việc ngắn hạn là hoàn toàn không công bằng và thể hiện bạn là người không chuyên nghiệp. Hãy lựa chọn một thời điểm thích hợp và cùng nhau giải quyết vấn đề.
7. Tự giải quyết vấn đề theo cách riêng tư
Khi mối bất hòa mâu thuẫn chỉ xảy ra giữa hai người, hãy tìm cách giải quyết vấn đề ở những nơi ít người. Ai cũng quan tâm đến thể diện của bản thân vì vậy khi nói chuyện nên chú ý đến cả những người xung quanh.
8. Không nên tự tìm rắc rối
Khi bạn có thắc mắc nào đó, hãy nói chuyện trực tiếp với người có liên quan. Nhớ rằng, điều bạn quan tâm là duy trì mối quan hệ công việc chứ không phải là mối quan hệ cá nhân. Bạn không cần nói về phẩm chất hay tính cách của đồng nghiệp.
9. Tự phê bình
Sự mâu thuẫn nảy sinh trong văn phòng phần lớn là phát sinh từ công việc, do vậy giải quyết chúng không phải là quá khó khăn. Nhưng nếu sự thực cho thấy bạn cần có trách nhiệm với mâu thuẫn thì bạn nên xin lỗi đồng nghiệp của mình, đôi khi lời xin lỗi rất hiệu quả khi giải hòa những mâu thuẫn.
10. Tìm người giải hòa
Nếu mâu thuẫn không thể giải quyết hoặc liên quan đến những vấn đề nhạy cảm thì sự xuất hiện của người thứ ba là rất cần thiết, khi này rất có thể sếp cũng sẽ tham gia giúp hai người tìm được câu nói chung. Bạn cũng có thể tìm người mà cả hai đều tín nhiệm hoặc nếu trong nội bộ công ty thì người trong bộ phận tài nguyên nhân lực là thích hợp nhất.
11. Làm rõ đầu đuôi câu chuyện
Đôi khi vấn đề mâu thuẫn không có quan hệ với bạn. Hay bạn cho rằng đồng nghiệp muốn gây với bạn, nhưng thực tế là hôm đó tâm trạng của họ không được tốt. Suy xét kĩ và trả lời, đôi khi sự im lặng là câu trả lời khá tốt.
12. Hòa đồng và học cách quên đi mâu thuẫn
Mọi người vì công việc chung mới làm việc với nhau, để hoàn thành công việc một cách hoàn hảo là khá khó khăn. Mâu thuẫn bât hòa xảy ra là khó tránh, thẳng thắn đối mặt với vấn đề mới là cách giải quyết tốt nhất. Nên học cách quên đi bất hòa như vậy mới tránh được xung đột có thể phát sinh sau này và mối quan hệ giữa đồng nghiệp mới lâu dài.



MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:


Trình bày với sếp thế nào khi mâu thuẫn xảy ra nơi làm việc?

Bất kể môi trường nào, nơi có các mối quan hệ cá nhân đa dạng thì mâu thuẫn cũng đa dạng. Từ những mâu thuẫn thường thấy trong công việc do khác biệt trong: Thăng tiến, mức lương, sự ghi nhận những đóng góp hay việc chia sẻ trách nhiệm trong công việc, đến những mâu thuẫn riêng tư cá nhân hay đơn giản là mâu thuẫn do khác biệt về tính cách...

(Ảnh minh họa)

“Khi nơi làm việc là nơi tập hợp nhiều cá nhân đến từ những vùng, miền, thậm chí quốc gia khác nhau, mỗi người một thế giới quan, mâu thuẫn là khó tránh khỏi” Andy Teach, tác giả cuốn From Graduation to Corporation (tạm dịch: Từ tốt nghiệp đến công ty) nói.

Theo Teach, "mâu thuẫn không liên quan đến công việc cũng có thể xảy ra tại nơi làm việc, ví như do cách ăn mặc, nói năng, quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo…”.

Chuyên gia Lynn Taylor chia sẻ: "Mâu thuẫn nơi làm việc rất phổ biến, bởi vậy, biết cách khéo léo giải quyết mâu thuẫn nơi công sở có thể coi là một kỹ năng, như bất kỳ kỹ năng nào khác trong công việc”.

Vấn đề là mọi người đều cảm thấy khó chịu khi mâu thuẫn nảy sinh và thường không giải quyết nó một cách triệt để.

Teach cho rằng, người ta thấy khó chịu khi mâu thuẫn bởi “mâu thuẫn” thường khiến liên tưởng tới “đấu tranh”, “xung đột”, “vật lộn”... Con người thường muốn người khác nghĩ theo cách nghĩ của mình, nhìn nhận theo cách nhìn của mình và khi không như vậy thì sẽ xuất hiện cảm giác bị đe dọa.

Một lý do khác nữa khiến cả nhân viên cũng như người quản lý muốn lảng tránh đối mặt với mâu thuẫn là vì họ nghĩ mâu thuẫn sẽ mất đi theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia Taylor nói "vết thương sẽ mưng mủ khi chúng ta cố che kín nó”. Việc giao tiếp sẽ bị hạn chế, quan hệ giữa các cá nhân cũng vậy, cho đến khi có ai đó đủ dũng cảm để nói ra. Và người đó nên là bạn nếu bạn muốn chấm dứt căng thẳng và tập trung cho công việc.

Cũng có những người không muốn chia sẻ về những mâu thuẫn trong công việc của họ vì họ không muốn bị coi là "chuyện bé xé ra to", hay trở thành "một kẻ hay phàn nàn"...

Tuy nhiên, “trong những tình huống mà mâu thuẫn có thể dẫn tới những thiệt hại về doanh thu, thì cần phải trao đổi ngay với người quản lý” Taylor nói. “Cần ghi nhớ một điều là bạn nên có sẵn một giải pháp.”

Đôi khi bạn có thể tự giải quyết vấn đề của mình và không cần phải làm to chuyện. Teach nói "Nếu bạn có mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn nên nói chuyện với họ trước khi đưa vấn đề lên sếp. Còn trong trường hợp bạn đã cố gắng mà không có kết quả, thì lúc đó sếp của bạn cần tham gia giải quyết".

Nếu mâu thuẫn phát sinh từ một lời nói hoặc việc làm nào đó của chính sếp của bạn thì lúc này bạn lại đứng trước một thử thách mới. “Bạn không thể bỏ qua rắc rối vì nếu như vậy mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Teach giải thích. “Bạn cần phải trao đổi với sếp bằng một cách nào đó mà không khiến cho sếp của bạn có cảm giác đang bị chỉ trích. Hãy để sếp biết rằng điều đó gây phiền phức cho bạn, giải thích tại sao và đề xuất việc cả hai cùng trao đổi để tìm hướng giải quyết".

Trong một vài trường hợp, sếp của bạn hiểu và hợp tác để giải quyết mâu thuẫn, nhưng cũng có thể ngược lại và tình huống trở nên xấu hơn cho bạn. Điều quan trọng là cách thức.

Một khi bạn đã quyết định đặt vấn đề trao đổi với sếp về mâu thuẫn, có một số điều bạn nên (hoặc không nên) làm dưới đây:

Nghĩ ra giải pháp trước khi nói chuyện với sếp. Hãy nhớ rằng sếp của bạn vốn đã rất bận và có nhiều vấn đề cần giải quyết, họ không muốn hoặc cần thêm rắc rối nào khác và họ thuê bạn để làm việc cho họ, giúp cho họ bớt gánh nặng công việc. Hãy học cách giải quyết tình huống, chứ không phải là "bọc đường" những tin xấu. Vậy chỉ nên đến gặp sếp để trao đổi về mâu thuẫn của bạn khi bạn đã có hướng giải quyết, việc trao đổi với sếp chỉ là để bạn có được sự đồng ý của họ cho cách giải quyết của bạn.

Đánh giá trước rủi ro. Công sở cũng là một đấu trường. Đánh giá vị trí của bạn trong mối quan hệ với những người khác để biết trước việc mình làm có đáng với những rủi ro có thể gặp phải.

Chọn thời điểm phù hợp. Taylor cho rằng chọn thời điểm phù hợp là rất quan trọng khi muốn tiếp cận với sếp. Khi sếp đang mêt mỏi thì sẽ dễ nổi cáu. Nhưng khi sếp vừa trở về sau bữa trưa ngon miệng hoặc khi đang trò chuyện cởi mở thân mật với bạn thì đó là thời điểm tuyệt vời để bạn bình tĩnh nói về vấn đề của mình.

Kêu gọi sự giúp đỡ. Lý tưởng nhất là với một thái độ mềm mỏng bạn hãy cho sếp của bạn biết là bạn đang cần sự giúp đỡ. Trừ khi là trường hợp khẩn cấp, hãy xin một cuộc hẹn với sếp và bạn sẽ có thời gian để chuẩn bị trước. Một cuộc nói chuyện bình tĩnh, từ tốn bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp hơn là không có sự chuẩn bị trước. Sẽ chẳng có gì là xấu khi bạn nói rằng bạn có rắc rối với đồng nghiệp hoặc khách hàng và cần một sự hướng dẫn. 

Mời sếp đi ăn trưa. Bữa trưa thường tạo không khí thân mật và tránh được cảm giác căng thẳng như khi ở văn phòng. Sếp của bạn sẽ dễ tập trung hơn vào vấn đề mà bạn nêu ra.

Có sự chuẩn bị. “Dù là nói về mâu thuẫn của bạn với đồng nghiệp hay với chính sếp của bạn đều cần có sự chuẩn bị”. Teach nói. Thông tin một cách trung thực và tránh đưa ra quan điểm cá nhân. Mâu thuẫn đã xảy ra như thế nào và khi nào? Ai hoặc cái gì đã khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng? Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn và cải thiện tinh thần cho tất cả những người liên quan?

Thể hiện sự chuyên nghiệp. Sẽ thật tồi tệ khi nói chuyện với sếp về mâu thuẫn trong lúc bạn đang bức xúc. Hãy giữ bình tĩnh khi nói chuyện với sếp của bạn.

Đừng để lộ yếu điểm. Một khi mâu thuẫn đã được đưa lên để sếp giải quyết, có thể sẽ có việc điều tra ở cả hai phía. Nếu như có điểm nào còn chưa tốt về phía bản thân, bạn hãy chỉnh sửa trước khi báo cáo với sếp. Nếu không có thể bạn sẽ tự hại chính mình.

Thừa nhận sai lầm. Trong bất kỳ mâu thuẫn nào, không thể hoàn toàn là lỗi từ một phía. Teach nói. “Nếu như phần nào là lỗi của bạn, hãy thú nhận với sếp. Như vậy họ sẽ đánh giá cao sự trung thực của bạn và tin tưởng hơn vào lời nói của bạn”.

Giải quyết mâu thuẫn giữa các nhân viên

Trong doanh nghiệp, mâu thuẫn và bất đồng giữa các nhân viên là việc không thể nào lờ đi, đặc biệt là khi bạn đang ở vị trí quản lý. Khi có sự mâu thuẫn giữa các nhân viên, môi trường làm việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, trong những lúc này, ở vị trì quản lý, bạn hãy sử dụng kỹ năng lãnh đạo để giải quyết một cách ổn thỏa mọi chuyện.
Mâu thuẫn giữa các nhân viên là không thể tránh được bởi vì không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy vậy, mọi người vẫn cần phải tỏ ra lịch sự và cố gắng hợp tác với nhau. Sự ác cảm giữa các đồng nghiệp càng kéo dài càng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả làm việc của chính họ cũng như của những người xung quanh. Vì vậy, giải quyết mâu thuẫn là vấn đề cần được ưu tiên và giải quyết càng sớm càng tốt.

Mâu thuẫn nhân viên vì quyền lợi
Nếu xung đột xảy ra giữa những nhân viên công nhật, bạn thường có xu hướng bỏ qua hoặc kỷ luật nhân viên nếu điều đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Bạn thậm chí có thể để họ tránh mặt nhau nơi làm việc. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu đó là xích mích giữa những nhân viên toàn thời gian. Và một khi có sự ganh đua giữa các đồng nghiệp cho một vị trí trong dự án mới, họ sẽ bị yếu tố cảm xúc và tham vọng chi phối rất lớn và dĩ nhiên điều đó sẽ có những tác động không mấy khả quan cho dự án.
Việc chủ động đánh giá sơ bộ về hành vi ứng viên bằng các phương pháp đánh giá chuyên biệt là điều cần thiết. Thế nhưng bất đồng giữa nhân viên có thể xuất phát từ nhiều vấn đề có liên quan hoặc không liên quan đến công việc. Nguyên nhân đó có thể do sự khác biệt trong hoàn cảnh gia đình, xã hội hay khác biệt tính cách, thậm chí có thể do những điều nhỏ nhặt như thói quen nói lớn tiếng khi nghe điện thoại. Dù lý do như thế nào, cần sớm chủ động giải quyết mâu thuẫn trước khi nó trở thành mối hiểm họa của tổ chức.
Chuyên mục Kỹ năng quản lý – lãnh đạo chia sẻ cùng bạn đọc những tình huống sau đây:
Sáu tình huống có thể xảy ra sau khi giải quyết mâu thuẫn
• Cả hai bên cùng nhau thay đổi bản thân để giải quyết mâu thuẫn
• Cả hai bên không đồng ý thay đổi, nhưng chấp nhận bỏ qua bất đồng
• Cả hai bên đồng ý bỏ qua mâu thuẫn, nhưng vẫn có một bên đơn phương duy trì mối ác cảm với bên kia, từ đó dẫn đến sự tiêu cực và giảm hiệu suất làm việc
• Một bên miễn cưỡng chấp thuận và phần thắng có vẻ nghiêng về bên còn lại. Mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết.
• Bên phạm lỗi không có sự cải thiện và cần được loại bỏ ra khỏi tổ chức
• Tình huống ảnh hưởng xấu đến cả hai bên và họ quyết định rời khỏi tổ chức
Hẳn bạn đã từng gặp phải những người luôn giả vờ trước mặt người khác và luôn tìm cách lôi kéo người ngoài vào vấn đề của riêng họ. Nếu bạn cho rằng việc xung đột có liên quan đến một người trong tổ chức, đó chính là dấu hiệu cho thấy những người này cần phải thay đổi thái độ của họ nơi làm việc.
Tôi từng làm việc cho một quản lý luôn muốn tạo ra sự va chạm giữa các thành viên trong nhóm. Ông cho rằng chính sự cạnh tranh đó sẽ giúp chúng tôi tiến bộ hơn so với việc xem nhau là bạn tốt. Điều này cũng chẳng khác gì so với việc các võ sĩ chiến đấu cho đến chết trên võ đài chỉ để nhận sự tán thưởng của đám đông. Trừ phi bạn là một vận động viên, công việc không thể là một môn thể thao và bạn cũng không thể xem nhân viên là con chốt trong ván cờ.
Có một số tranh cãi rằng chính sự cạnh tranh và ganh đua sẽ đem lại sức sáng tạo tốt hơn cho nhân viên. Mặc dù điều này có thể đúng trong một chương trình hay dự án ngắn hạn, tuy nhiên, nó có thể dễ dàng thiết lập xu hướng đối chọi giữa nhân viên và dẫn đến mâu thuẫn nội bộ nếu được duy trì trong thời gian dài.
Hãy suy nghĩ theo hướng này: nếu bạn để xung đột giữa nhân viên kéo dài mà không giải quyết, một trong số nhân viên của bạn (hoặc có thể là người thứ 3) có thể sẽ đến gặp ban nhân sự hoặc cấp trên của bạn để trình bày vấn đề. Tình hình vì thế sẽ trở nên trầm trọng hơn. Cấp trên của bạn ắt hẳn sẽ có suy nghĩ: “Việc này đã từng được trình lên người quản lý và anh ta hoặc là đã chọn cách làm ngơ hoặc là không biết cách giải quyết. Dù thế nào thì điều đó cũng chứng tỏ rằng anh ta không có năng lực.” Việc đến gặp cấp trên của bạn có thể có tác dụng ngược đối với người nhân viên đó (có thể khiến nhân viên bị cho thôi việc…). Nhưng điều chắc chắn là danh tiếng của bạn và đội ngũ làm việc sẽ bị tổn hại.
Lời khuyên cho việc giải quyết và tránh xung đột giữa các nhân viên
Bạn có thể làm gì để giải quyết xung đột giữa nhân viên? Tuy mỗi tình huống đều khác nhau, nhưng sau đây là một số cách để giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên và tránh xung đột trong tương lai:
• Gặp gỡ những nhân viên có mâu thuẫn với nhau để xác định xem tình hình có thể được giải quyết hay không. Hãy thực hiện việc này một cách nhanh chóng để vấn đề không trầm trọng thêm và mất kiểm soát.
• Báo động với sếp của bạn về tình hình. T��� đó nhân viên sẽ ý thức được rằng họ có thể chịu thức kỷ luật ngay lập tức hoặc trong tương lai.
• Liên kết với bộ phận nhân sự nếu cần thiết như một bên giảng hòa trung lập. Những nhân viên cá biệt sẽ bị lưu ý hoặc chuyển sang phòng ban khác.
• Khuyến khích một môi trường làm việc khoan dung, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau.
• Duy trì những cuộc đối thoại mở, tự do chia sẻ và cập nhật thông tin về tổ chức và dập tắt những tin đồn không hay.
• Xem xét lại các chính sách về việc sử dụng thư điện tử hoặc các trang mạng xã hội tại công ty. Một số nhân viên bất mãn có thể đưa ra những bình luận xấu về công ty ngay tại văn phòng hoặc ở ngoài công ty. Hãy nắm rõ những chính sách truyền thông của công ty và trao đổi thằng thắn với nhân viên của bạn.
Hãy ứng dụng những kỹ năng quản lý để trở thành người lãnh đạo đúng nghĩa.



Tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Giao tiếp với đồng nghiệp như thế nào
Để trở thành đồng nghiệp tốt
5 mẫu đồng nghiệp "khó chịu"
Cách ứng xử với đồng nghiệp xấu tính
Nỗi khổ của đồng nghiệp tốt bụng
Cách ứng xử ngày đầu tiên đi làm được lòng đồng nghiệp




(ST)