Cách giao tiếp của người Hà Nội thanh lịch, nho nhã

Tính cách thanh lịch của người Hà Nội thể hiện ở cách ứng xử văn hóa mà cụ thể trong cách nói năng, ăn mặc, giao tiếp.




CÁCH GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI HÀ NỘI



"Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"




Tiếng nói Hà Nội trước hết là ở chỗ phát âm đúng, từ ngữ chuẩn xác, có thể làm mẫu mực cho cả nước. Người Hà Nội còn biết sử dụng tiếng nói lưu loát, nhã nhặn, lịch sự. ấy là vì ngoài tiếng nói của địa phương mình, người Hà Nội đã tiếp thu có sàng lọc tiếng nói của mọi miền đất nước, giữ lại những gì tinh túy nhất. Lời nói của người Hà Nội thường ý nhị, tôn trọng người đối thoại. Họ không ưa cách nói cộc lốc, thô lỗ.

Người Hà Nội rất sành ăn uống, họ đã nâng việc nấu nướng, ăn uống lên thành một nghệ thuật, nghệ thuật ẩm thực. Món ăn Hà Nội ngon từ cách chế biến, từ chút gia vị, nước chấm cho đến cách bầy biện thế nào cho đẹp mắt, gợi cảm mà không phàm tục và khi ăn cảm thấy thích thú. Chính vì vậy các món quà Hà Nội trở nên nổi tiếng, chỉ riêng Hà Nội mới có.

Người Hà Nội ăn uống ý tứ, khi ăn uống thường mời chào nhau, nhường người khác gắp trước, tiếp cho khách miếng ngon. Những hiện tượng ăn tục, uống phàm, xô bồ ầm ĩ, xa lạ với phong cách ở đây.

Trong trang phục, người Hà Nội ưa chuộng sự gọn gàng, tề chỉnh và trang nhã. Mặc đẹp nhưng kín đáo, không cầu kỳ loè loẹt, không phô trương lố lăng. Ngày nay trên đường phố Hà Nội ta thấy nhiều cô gái mặc váy và quần áo theo kiểu châu Âu cũng rât đẹp, hiện đại mà duyên dáng. Ðiều đó chứng tỏ người Hà nội không bảo thủ, họ biết tiếp thu cách ăn mặc hợp thời trang, phù hợp cuộc sống sôi động hôm nay, nhưng từ những bộ trang phục ấy cũng toát lên một sự chọn lựa đầy ý nhị. Còn khi sử dụng mầu sắc rực rỡ, họ thường biết cách phối hợp chúng để bộc lộ quần áo vẫn giữ được phong cách nền nã, lịch sự.

Không chỉ thanh lịch trong ngôn ngữ, ăn mặc, tính chất thanh lịch ấy còn được thể hiện trong cách làm ăn, cách giao tiếp. Ðó là vì Hà Nội đã có một quá trình lịch sử lâu dài, là nơi hội tụ nhân tài, vật lực của bốn phương. Hà Nội tiếp thu mọi tài hoa và chắt lọc, phát triển thành lề thói Hà Nội, câu ngạn ngữ "Khéo tay hay nghề, đất lề kẻ chợ" là để ca ngợi cung cách làm ăn của Hà Nội.

Ngày hôm nay, Hà Nội cũng như cả nước đang mở rộng cửa đón bè bạn từ khắp các nơi trên thế giới đến viếng thăm, làm ăn. Hà Nội đổi mới từng ngày từng giờ. Nhiều dự án đầu tư, nhiều công trình mới dựng, Hà Nội cùng cả nước tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng bản sắc Hà Nội từ ngàn xưa vẫn còn được gìn giữ mãi. Với sức sống dẻo dai, với lòng yêu cái đẹp đã được hun đúc từ nhiều đời, người Hà Nội hôm nay đang đẩy lùi những gì không phải là của mình. Từng người, từng gia đình vẫn giữ "nếp nhà" cứ như thể người hà nội muôn đời thanh lịch.'





Văn hóa ứng xử Người Hà Nội



Nếu giao tiếp là thường xuyên ở bất cứ thời gian nào, và thường trực trong bất cứ một không gian lịch sử và xã hội nào, thì văn hoá giao tiếp lại là sản phẩm của từng lúc, từng nơi.

Văn hoá giao tiếp phụ thuộc, đồng thời cũng phản ánh và thậm chí tác động trở lại với rất nhiều điều kiện và hoàn cảnh xã hội, kinh tế, tự nhiên cũng như từng cá nhân và năm tháng nữa. Do đó mới có văn hoá vùng, miền, địa phương, cá nhân, cũng như có văn hoá nông thôn, đô thị, có văn hoá quý tộc và bình dân...


Dù chỉ là một khía cạnh của văn hoá nói chung song văn hoá giao tiếp cũng là cả một lĩnh vực tổ hợp của nhiều yếu tố: ăn, mặc, nói năng, ứng xử...

Nói về văn hoá giao tiếp của mình người Hà Nội chỉ gói gọn trong hai chữ Thanh và Lịch: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An Chỉ bằng một câu nói ví von ngắn gọn, nhã nhặn, nhún nhường vậy thôi cũng đã cho ta thấy cái lịch lãm, tế nhị, tự tin của người Hà Nội. Những con người sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hoá, để rồi thẩm thấu, chắt lọc và toả sáng.

Đây cũng đồng thời là nơi tập hợp các danh nhân văn hoá, các tao nhân mặc khách ở mọi thời đại và mọi thế hệ. Chính những yếu tố đó làm nên văn hoá Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, thì thử hỏi làm sao người Hà Nội không thanh lịch cho được. Sự thanh lịch ấy thể hiện trước hết ở lời nói: Người thanh tiếng nói cũng thanh Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.


Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội là ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước. Kẻ Chợ là nơi hội tụ người tứ xứ, do đó cũng là nơi chung đúc tiếng nói của bốn phương, rồi qua sàng lọc tự nhiên đã lắng đọng những gì tinh tuý nhất, tiêu biểu nhất, hợp lý nhất.

Cái thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện trong giao tiếp xã hội. Người Hà Nội với vốn từ giàu có, lại biết sử dụng đúng nơi đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình, tạo nên một phong cách riêng không pha trộn vừa hào hoa, nhã nhặn, vừa lịch lãm nhún nhường.

Trong quan hệ với bạn bè, khách khứa, người Hà Nội bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô bạo, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, người chủ dù bận việc cũng phải đứng dậy mời chào. Nếu đang mặc quần áo ngắn, quần cộc, áo cánh thì phải “xin lỗi” khách, mà mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi mới tiếp khách.

Trong cách pha trà đãi khách của người Hà Nội cũng thể hiện trình độ và sự tinh tế riêng. Chè để đãi khách bao giờ cũng là chè ngon, có nhà cẩn thận còn đem ướp sen, nhài hay hoa ngâu để tăng thêm hương vị.


 
Trong ăn uống của người Hà Nội cũng có những nét khác biệt và thể hiện một trình độ thẩm mỹ hay nói đúng hơn là năng khiếu trong việc chế biến món ăn. Chỉ cần quan sát mâm cơm ngày tết hay mâm cơm khách của người Hà Nội là thấy ngay được tính lịch sự và chu đáo trong đó. Trong một mâm bao giờ cũng có rất nhiều món, mỗi món một chút, mỗi món cho một khẩu vị riêng.

Đặc biệt, cách bài trí các món ăn đều được trình bày rất đẹp và hấp dẫn. Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nền nếp “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách khứa. Khi đi ăn tiệm thì cũng rất sành điệu để tìm nơi, tìm vị, chọn thời, chọn cơ, mà đã hợp với nơi nào thì thuỷ chung với nơi đó.

Chính chất sành điệu trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã làm ra biết bao món ăn nổi tiếng và trở thành đặc sản chốn Thượng Kinh: phở, bún thang, chả cá, cốm vòng, rươi... Tóm lại, đó chính là nếp sống thuần hậu, khiêm nhường, thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội mà xưa kia Phạm Đình Hổ từng ca ngợi trong Vũ Trung tuỳ bút. Ông cho biết vào thời ông còn nhỏ, tức thời Lê Cảnh Hưng:

"Phong tục chuộng thói trung hậu, mọi người hàng ngày giao tiếp với nhau có ý khoan dung, bình dị, giữ thói khiêm nhường. Nếu ai có điều gì sằng bậy, thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến như những kẻ thân quan, quốc thích và những kẻ con em vô lại rong chơi, cũng không dám công nhiên làm càn. Nếu có kẻ nào không theo lễ phép mà làm sằng, thì những bậc phụ lão nhà lương gia lại ngầm đem chuyện ấy để răn bảo con cháu".

Từ ngàn xưa, người Thăng Long - Hà Nội đã có nếp sống “có lịch có lề”. Đó chính là truyền thống văn minh - văn hiến ngàn năm trong thế ứng xử của người Hà Nội.

Lối sống đặc trưng của người Hà Nội











Lòng tự trọng bắt nguồn từ ý thức dân tộc, trân trọng và tự hào về truyền thống vẻ vang của tổ tiên, ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như trong quá trình cách mạng và kháng chiến. Người Hà Nội luôn luôn trân trọng và tự hào về những chiến thắng lẫy lừng chống ngoại xâm trên đất "Rồng bay".

Lòng nhân ái, khoan dung, yêu chuộng hòa bình. Lòng nhân ái của người Hà Nội vốn đã có nguồn gốc sâu xa từ chính cuộc sống, sinh hoạt và đấu tranh lâu dài của dân tộc. Đây là bản chất, đồng thời là hệ quả tất yếu của một đất nước đã buộc phải giành đến hơn một nửa thời gian lịch sử của mình để đối phó với chiến tranh.

Nghị lực, trung thực, thẳng thắn và giàu nghĩa khí. Người dân ở các vùng của đất nước đưa nghề thủ công về Hà Nội, tạo thành nghề 36 phố phường sầm uất. Nghị lực của người Hà Nội còn được thể hiện ở con đê ngăn lũ sông Hồng đắp suốt chiều dài lịch sử ngàn năm xây dựng đô thành.

Óc thực tế, sáng tạo và nhạy cảm với cái mới. Do hoàn cảnh đô thị hội tụ người bốn phương nên khách quan đòi hỏi người Hà Nội có đầu óc thực tế, thể hiện ở các mặt: Xem xét tính toán trong làm ăn để có lợi nhiều. "Khéo tay hay làm, đất lề Kẻ Chợ" là câu ngạn ngữ quen thuộc ca ngợi tài hoa, sáng tạo của những người thợ thủ công kinh thành. Người Hà Nội xưa và nay có khả năng thích nghi rất nhanh, rất nhạy cảm, khá năng động và không ngại tiếp nhận những cái mới và tìm tòi, cải tiến, sáng tạo thành cái của mình. Điều này thể hiện trong các công trình kiến trúc, văn hóa, trong việc du nhập các luồng tư tưởng tôn giáo, không chỉ tiếp xúc giao lưu với các nền văn hóa phương Bắc mà cả với nền văn hóa phương Tây...

Trọng học thức, chuộng cái đẹp.Chính vì Hà Nội là nơi hội tụ và đỉnh cao của nền văn hóa dân tộc, nên vùng đất và con người Thăng Long cũng là nơi có tinh thần ham học và quý trọng trí thức. Do sống trong môi trường của đô thành, lại có học vấn khá nên người Hà Nội cảm nhận được vẻ đẹp từ thiên nhiên, cảnh quan môi trường, kiến trúc nghệ thuật, thích thưởng ngoạn những nơi thiên nhiên đẹp, những bức tranh đẹp.

Thanh lịch. Nói đến vẻ đẹp của người Hà Nội là nói đến nếp sống thanh lịch hay: Lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp, xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao. Sự thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua từng lời nói. Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước. Nét thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện ở trang phục. Trong trang phục của cả nam và nữ, của người già và trẻ em… luôn giữ được vẻ trang nhã, hài hòa, giản dị và mỗi người ăn vận đúng với vị thế xã hội và nghề nghiệp của mình. Trang phục áo dài của thanh nữ Hà Nội vẫn là nét đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam. Trong ăn uống của người Hà Nội thể hiện nét thanh lịch ở trình độ thẩm mỹ cao, sự tinh tế trong công việc chế biến thức ăn. Chính chất sành điệu trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã sáng tạo nhiều món ăn nổi tiếng trở thành đặc sản Hà thành như: Phở, bún thang, bún ốc, chả cá, bánh cuốn Thanh trì, chè kho, cốm vòng, bánh tôm Hồ Tây…

Những đặc trưng về lối sống của người Hà Nội trải qua lịch sử trên cho thấy: có những đặc trưng truyền thống đã trở thành giá trị văn hóa, có đặc trưng truyền thống không có giá trị văn hóa. Nắm được, nhận thức được các đặc trưng truyền thống, để chọn lọc, phát huy và phát triển những nét truyền thống văn hóa bền vững và gạt bỏ những nếp truyền thống xấu là trách nhiệm của mỗi chúng ta hôm nay.



hong tục cưới hỏi của người Hà Nội
ách ứng xử người Hà Nội nhã nhặn và thanh lịch
Món ăn truyền thống của người Hà Nội
Nghệ thuật thưởng thức trà của người Hà Nội
Những món ngon nổi tiếng ở Hà Nội



(ST)