Bản chất con người chỉ bộc lộ ra trong giao tiếp. Chữ "nhân" với nghĩa là "tính người" bao gồm chữ "nhị" và bộ "nhân đứng" - tính người bộc lộ trong quan hệ giữa hai người.
Người Việt Nam nông nghiệp sống phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ tốt với mọi thành viên trong cộng đồng, chính đó là nguyên nhân dẫn đến việc coi trọng giao tiếp. Sự giao tiếp tạo ra quan hệ : Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen. Sự giao tiếp củng cố tình thân : áo năng may năng mới, người năng tới năng thân. Năng lực giao tiếp được người Việt Nam xem là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người : Vàng thì thử lửa, thử than - Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.
Vì coi trọng giao tiếp cho nên người Việt Nam rất Thích Giao Tiếp. Việc thích giao tiếp này thể hiện chủ yếu ở hai điểm:
Từ gốc độ của chủ thể giao tiếp, người Việt Nam có tính thích thăm viếng. Đã là người Việt Nam, đã thân với nhau, thì cho dù hàng ngày có gặp nhau ở đâu, bao nhiêu lần đi nữa, những lúc rảnh rỗi, họ vẫn tới thăm nhau. Thăm viếng nhau đây không do nhu cầu công việc ( như ở Phươg Tây) mà là biểu hiện của tình cảm, tình nghĩa, có tác dụng thắt chặt thêm quan hệ.
Với đối tượng giao tiếp thì người Việt Nam có tính hiếu khách. Có khách đến nhà, dù quen hay lạ, thân hay sơ người Việt, dù nghèo khó đến đâu, cũng cố gắng tiếp đón một cách chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình, dành cho khách các tiện nghi tốt nhất, các đồ ăn ngon nhất : Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi, bởi lẽ đói năm, không ai đói bữa. Tính hiếu khách càng tăng lên khi về những miền quê hẻo lánh, những miền rừng núi xa xôi.
Đồng thời với việc thích giao tiếp, người Việt Nam lại có một đặc tính hầu như ngược lại là rất rụt rè - điều mà những người quan sát nước ngoài rất hay nhắc đến. Sự tồn tại đồng thời hai tính cách trái ngược nhau (tính thích giao tiếp và tính rụt rè ) này bắt nguồn từ hai đặc tính cơ bản của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng và tính tự trị :
Đúng là người Việt Nam xởi lởi, rất thích giao tiếp, nhưng đó là khi thấy mình đang ở trong phạm vi của cộng đồng quen thuộc, nơi tính cộng đồng (liên kết) ngự trị. Còn khi đã vượt ra khỏi phạm vi của cộng đồng, trước những ngời lạ, nơi tính tự trị phát huy tác dụng thì người Việt Nam, ngược lại, lại tỏ ra rụt rè. Hai tính cách tưởng như trái ngược nhau ấy không hề mâu thuẫn với nhau vì chúng bộc lộ trong những môi trường khác nhau, chúng chính là hai mặt của cùng một bản chất, là biểu hiện cách ứng xử linh hoạt của người Việt Nam.
Xét về quan hệ giao tiếp, nguồn gốc văn hóa nông nghiệp với đặc điểm trọng tình đã dẫn người Việt Nam tới chỗ lấy tình cảm - lấy sự yêu sự ghét - làm nguyên tắc ứng xử : Yêu nhau yêu cả đường đi - Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng; Yêu nhau cau sáu bổ ba - Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười; Yêu nhau củ ấu cũng tròn - Ghét nhau bồ hòn cũng méo; Yêu nhau mọi việc chẳng nề - Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; Yêu nhau chín bỏ làm mười....
Nếu trong tổng thể, người Việt Nam lấy sự hài hòa âm dương làm nguyên lí chủ đạo nhưng vẫn thiên về âm tính hơn, thì trong cuộc sống người Việt Nam sống có lí có tình nhưng vẫn thiên về tình hơn. Khi cần cân nhắc giữa tình với lí thì tình được đặt cao hơn lí : Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình; Đưa nhau đến trước cửa quan - Bên ngoài là lí, bên trong là tình. . .
Với đối tượng giao tiếp, người Việt Nam có thói quen ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá. Tuổi tác, quê quán, trình độ học vấn, địa vị xã hội, tình trạng gia đình (bố mẹ còn hay mất, đã có vợ/chồng chưa, có con chưa, mấy trai mấy gái,...) là những vấn đề người Việt Nam thường quan tâm. Thói quen ưa tìm hiểu này (hoàn toàn trái ngược với người phương Tây!) khiến cho người nước ngoài có nhận xét là người Việt Nam hay tò mò. Đặc tính này - dù gọi bằng tên gọi gì đi chăng nữa - chẳng qua cũng chỉ là một sản phẩm nữa của tính cộng đồng làng xã mà ra.
Do tính cộng đồng, người Việt Nam tự thấy có trách nhiệm phải quan tâm đến người khác, mà muốn quan tâm thì cần biết rõ hoàn cảnh. Mặt khác, do phân biệt chi li các quan hệ xã hội, mỗi cặp giao tiếp đều có những cách xưng hô riêng, nên nếu không có đầy đủ thông tin thì không thể nào lựa chọn từ xưng hô cho thích hợp được.
Tính hay quan sát khiến người Việt Nam có được một kho kinh nghiệm xem tướng hết sức phong phú : chỉ cần nhìn vào cái mặt, cái mũi, cái miệng, con mắt,... là đã biết được tính cách của con người. Chẳng hạn, riêng về xem người qua con mắt đã có các kinh nghiệm : Đàn bà con mắt lá dăm- Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền; Người khôn con mắt đen sì, Người dại con mắt nửa chì nửa thau, Con lợn mắt trắng thì nuôi - Những người mắt trắng đánh hoài đuổi đi, Những người ti hí mắt lươn - Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người; Trên trời Phạm Nhan, thế gian một mắt.
Biết tính cách, biết người là để lựa chọn đối tượng giao tiếp thích hợp : Tùy mặt gửi lời, tùy người gửi của; Chọn mặt gửi vàng. Trong trường hợp không được lựa chọn thì người Việt Nam sử dụng chiến lược thích ứng một cách linh hoạt : ở bầu thì tròn , ở ống thì dài ; Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.
Tính cộng đồng còn khiến cho người Việt Nam, dưới gốc độ chủ thể giao tiếp, có đặc điểm là trọng danh dự : Tốt danh hơn lành áo; Đói cho sạch rách cho thơm; Trâu chết để da, người ta chết để tiếng. Danh dự được người Việt Nam gắn với năng lực giao tiếp : Lời nói ra để lại dấu vết, tạo thành tiếng tăm, nó được truyền đến tai nhiều người, tạo nên tai tiếng. Không phải ngẫu nhiên mà từ "tiếng" trong tiếng Việt, từ nghĩa ban đầu là "ngôn ngữ" (vd: tiếng Việt ), đã được mở rộng ra để chỉ sản phẩm của ngôn ngữ ( vd: tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa), và, cuối cùng, chỉ cái thành quả mà tác động của lời nói đã gây nên - đó là "danh dự, uy tín" (vd: nổi tiếng).
Chính vì quá coi trọng danh dự nên người Việt Nam mắc bệnh sĩ diện : ở đời muôn sự của chung - Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi; Đem chuông đi dấm nước người - Không kêu cũng đấm ba hồi lấy danh; Một quan tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng . ở chốn làng quê, thói sĩ diện thể hiện trầm trọng trong tục lệ ngôi thứ nơi đình trung và tục chia phần. Các cụ già tám mươi, tuy ăn không được, nhưng vì danh dự ( sĩ diện), vẫn có thể to tiếng với nhau vì miếng ăn : Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp. Thói sĩ diện đã tạo nên giai thoại cá gỗ nổi tiếng.
Về cách thức giao tiếp, người Việt Nam ưa sự tế nhị, ý tứ và trọng sự hòa thuận.
Lối giao tiếp ưa tế nhị khiến người Việt Nam có thói quen giao tiếp "vòng vo tam quốc", không bao giờ mở đầu trực tiếp, nói thẳng vào vấn đề như người phương Tây. Truyền thống Việt Nam khi bắt đầu giao tiếp là phải vấn xá cầu điền, hỏi thăm nhà cửa ruộng vườn. Cũng để tạo không khí, để đưa đẩy, người Việt Nam trước đây có truyền thống "miếng trầu là đầu câu chuyện". Với thời gian, trong chức năng "mở đầu câu chuyện" này, "miếng trầu" từng được thay thế bằng chén trà, điếu thuốc, ly bia...
Để biết người đối ngoại với mình có còn cha mẹ hay không, người Việt Nam thường hỏi : Các cụ nhà ta vẫn mạnh giỏi cả chứ? Để biết người phụ nữ đang nói chuyện với mình có chồng hay không, người Việt Nam ý tứ sẽ hỏi : Chị về muộn thế liệu anh nhà( ông xã) có phàn nàn không? Còn đây là lời tỏ tình rất vòng vo của ngời con trai Nam Bộ - nơi mà người Việt có tiếng là bộc trực hơn cả : Chiếc thuyền giăng câu, Đậu ngang cồn cát, Đậu sát mé nhà, Anh biết em có một mẹ già, Muốn vô phụng dưỡng, biết là đặng không? ( Ca dao).
Lối giao tiếp "vòng vo tam quốc" kết hợp với nhu cầu tìm hiểu về đối tượng giao tiếp tạo ra ở người Việt Nam thói quen chào hỏi - "chào" đi liền với "hỏi" : "Bác đi đâu đấy?", "Cụ đang làm gì đấy ?"... Ban đầu, hỏi là để có thông tin, dần dần trở thành một thói quen, người ta hỏi mà không cần nghe trả lời và hoàn toàn hài lòng với những câu "trả lời" kiểu : "Tôi đi đằng này một cái" hoặc trả lời bằng cách hỏi lại : Cụ đang làm gì đấy? Đáp : Vâng ! Bác đi đâu đấy?
Lối giao tiếp ưa tế nhị, ý tứ là sản phẩm của lối sống trọng tình và lối tư duy coi trọng các mối quan hệ (tư duy biện chứng). Nó tạo nên một thói quen đắn đo cân nhắc kĩ càng khi nói năng : Ăn có nhai, nói có nghĩ; Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói; Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe; Khôn cũng chết, dại cũng chết, ai biết thì sống; Người khôn ăn nói nữa chừng, Để cho kẻ dại nữa mừng nữa lo,...Chính sự đắn đo cân nhắc này khiến cho người Việt Nam có nhược điểm thiếu tính quyết đoán. Để tránh phải quyết đoán, và đồng thời để không làm mất lòng ai, để giữ được sự hòa thuận cần thiết, người Việt Nam rất hay cười. Nụ cười là một bộ phận quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt; có thể gặp nụ cười Việt Nam vào cả những lúc ít chờ đợi nhất.
Tâm lý trọng sự hoà thuận khiến người Việt Nam luôn chủ trương nhường nhịn : Một sự nhịn chín sự lành; Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê
Người Việt Nam có một hệ thống nghi thức lời nói rất phong phú.
Trước hết, đố là sự phong phú trong hệ thống xưng hô bằng các từ chỉ quan hệ họ hàng. Hệ thống xưng hô này có các đặc điểm : Thứ nhất, có tính chất thân mật hóa (trong tình cảm), coi mọi người trong cộng đồng như bà con họ hàng trong một gia đình. Thứ hai, có tính chất xã hội hóa, cộng đồng hóa cao - trong hệ thống từ xưng hô này, không có cái "tôi" chung chung. Quan hệ xưng hô phụ thuộc vào tuổi tác, địa vị xã hội, thời gian, không gian giao tiếp - chú khi ni , mi khi khác. Cùng là hai người, nhưng cách xưng hô có khi đồng thời tổng hợp được hai quan hệ khác nhau : Chú - con, bác - con, bác - em, anh- tôi,... Lối gọi nhau bằng tên con, tên cháu, tên chồng; bằng thứ tự sinh ( Cả, Hai, Ba, Tư...). Thứ ba, thể hiện tính tôn ti kĩ lưỡng: Người Việt Nam xưng và hô theo nguyên tắc xưng khiêm hô tôn (gọi mình thì khiêm nhường, còn gọi đối tượng giao tiếp thì tôn kính). Cùng một cặp giao tiếp, nhưng có khi cả hai đều cùng xưng hô là em và đều cùng xưng là em và đều gọi nhau là chị. Việc tôn trọng, đề cao nhau dẫn đến tục kiêng tên riêng : người ta chỉ gọi tên cái ra để chửi nhau; đặt tên con cần nhất là không được trùng với tên của những người bề trên trong gia đình, gia tộc cũng như ngoài xã hội. Vì vậy mà trước đây có tục nhập gia vấn húy (vào nhà ai, hỏi tên chủ nhà để khi nói nếu có động đến từ đó thì phải nói lệch đi).
Nghi thức lời nói trong lĩnh vực cách nói lịch sự cũng rất phong phú. Do truyền thống nặng về tình cảm và linh hoạt nên người Việt Nam không có những từ cảm ơn, xin lỗi khái quát dùng chung cho mọi người trường hợp như người phương Tây. Cũng như trong xưng hô, đối với mỗi người ta có một cách cảm ơn, xin lỗi khác nhau : Con xin chú (Cảm ơn khi nhận quà), Chị chu đáo quá, Anh tốt quá (cảm ơn khi được quan tâm), Bác bày vẽ quá (cảm ơn khi được tiếp đón nồng hậu), Quý hóa quá (cảm ơn khi có khách đến thăm), Anh quá khen (cảm ơn khi được khen),..
.
Một số đặc trưng trong Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam
Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam đó là vừa thích giao tiếp, vừa rụt rè.
Người Việt Nam quan tâm đến việc giữ gìn các mối quan hệ với mọi thành viên trong tập thể, cộng đồng. Nguyên nhân này khiến cho văn hóa giao tiếp của người Việt Nam rất coi trọng đến việc giao tiếp, và được thể hiện ở 2 điểm chính sau:
Chủ nhà thích có khách viếng thăm. Việc khách đến nhà thăm là hành động biểu hiện của tình cảm, tình nghĩa, sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình, của xóm làng, nhằm giúp thắt chặt thêm mối quan hệ.
Chủ nhà có tính hiếu khách: “Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi, bởi lẽ đói năm, không bằng đói bữa”. Khi có khách đến nhà, cho dù là người thân quen hay xa lạ, thì chủ nhà luôn tiếp đãi khách một bữa thịnh soạn cho dù gia cảnh lúc đó có khó khăn, tính hiếu khách càng được thể hiện rõ ràng hơn khi bạn về những vùng nơi hẻo lánh, hay miền rừng núi xa xôi.
Tuy nhiên trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam, thì người Việt nam lại có một đặc tính đó là sự rụt rè. Sự tồn tại của hai tính cách trái ngược này xuất phát từ đặc tính cơ bản tính cộng động và tính tự trị. Trong một môi trường có tính cộng động thì người Việt Nam giao tiếp rất cởi mở, nhưng vào môi trường mà tính ngự trị phát huy tác dụng thì người Việt Nam luôn tỏ ra rụt rè. Có thể nói chúng chính là hai mặt cùng một bản chất, là biểu hiện cho cách ứng xử của người Việt Nam.
Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam luôn lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử:
Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình. Người Việt Nam sống có lý, có tình nhưng thiên về tình cảm hơn mọi thứ trên đời. Ai đã giúp mình một lần thì phải nhớ ơn, ai đã chỉ bảo ban thì cũng phải tôn làm thầy “một chữ là thầy, nữa chữ là thầy”
Người việt Nam có thói quen ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá đó là một đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam.
Có thể do bị ảnh hưởng bởi tính cộng đồng, nên người Việt Nam luôn thấy mình cần có trách nhiệm quan tâm đến người khác, và để thể hiện sự quan tâm đó thì họ cần biết rõ hoàn cảnh. Đó là lí do vì sao mà bạn phải thường xuyên trả lời những câu hỏi có liên quan đến quê quán, trình độ học vấn, địa vị xã hội, công việc, gia đình, bố mẹ…..Ngoài ra, do lối sống tình cảm, nên trong giao tiếp người Việt Nam luôn có cách xưng hô riêng cho cá thể khác nhau cho phù hợp.
Văn hóa giao tiếp của người Việt Nam có một đặc điểm là trọng danh dự:
Có thể nói chính vì quá coi trọng danh dự nên người Việt Nam mắc bệnh sĩ diện, thói quen sĩ diện được thể hiện rất rõ ở các làng, do danh dự sĩ diện mà các cụ già ở quê có thể to tiếng với nhau chỉ vì một miếng ăn” một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” .
Trong giao văn hóa giao tiếp của người Việt Nam thì họ luôn ưa sự tế nhị, ý tứ, cũng như thích sự hòa thuận.
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”Cũng chính vì sự tế nhị nên trong giao tiếp người Việt Nam luôn chọn cách vòng vo khi trình bày hay giải thích một vấn đề chính nào đó, nhằm làm hạn chế mâu thuẫn. Lối giao tiếp ưa tế nhị, ứ tứ là sản phẩm của lối sống trọng tình, lối sống tư duy trong các mối quan hệ. Chính sự tế nhị trong giao tiếp đã tạo nên sự đắn đo cân nhắc khiến cho người Việt Nam có nhược điểm là thiếu quyết đoán, nhưng đồng thời giữ được sự hòa thuận không mất lòng. Và nụ cười là một bộ phận quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt Nam, bạn có thể gặp nụ cười Việt Nam vào cả lúc ít chờ đợi nhất.
Ngôn từ được sử dụng trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam rất phong phú.
Có thể kể đến đầu tiên là hệ thống xưng hô. Người Việt Nam dựa vào mối quan hệ họ hàng để xưng hô. Xưng hô dựa trên
Tinh chất thân mật hóa (quan trọng tình cảm) xem mọi người trong cộng đồng như bà con, họ hàng. Ví dụ như: một cụ già ngoài đường thì xưng hô “bà-cháu”
Tính chất cộng đồng hóa cao có nghĩa là không có những từ xưng hô chung mà phụ thuộc vào tuổi tác, địa vị, thời gian không gian cụ thể, hoặc gọi theo thứ tự ..Ví dụ như: “ông- con”, “anh-tôi”,”anh tư” chẳng hạn.
Một số tình huống ứng xử của người Việt
Trong văn hoá Việt Nam, một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất là văn hoá ứng xử. Trong văn hoá ứng xử, khía cạnh có nhiều đặc điểm tích cực, thường được khen ngợi nhất là tình gia đình và tình hàng xóm; khía cạnh thường bị xem là tiêu cực và có nhiều vấn đề nhất là văn hoá giao tiếp. Trong văn hoá giao tiếp, điều thường bị phê phán nhiều nhất cũng lại là những điều căn bản nhất: cách chào hỏi và cách nói cám ơn hay xin lỗi.
Trước hết, nói về chuyện cám ơn/xin lỗi. Đã có rất nhiều người viết về đề tài này. Hầu như ý kiến của ai cũng giống nhau: Người Việt, nhất là kể từ sau 1975, rất hiếm khi nói cám ơn hay xin lỗi. Nhờ người ta chỉ đường; nghe xong, lẳng lặng đi, không một lời cám ơn. Đi xe quẹt người khác, trừng mắt lên nhìn, rồi phóng đi, không một lời xin lỗi. Những chuyện như vậy diễn ra hàng ngày. Ở khắp nơi. Ngay cả giữa những người có ăn học.
Ngay cả việc chào hỏi của chúng ta cũng có vấn đề, thậm chí, vấn đề nghiêm trọng.
Còn nhớ, cách đây non mười năm, đứa em trai tôi từ Việt Nam sang Úc chơi. Mỗi sáng, hai anh em đi bộ dọc theo bờ biển gần nhà để tập thể dục. Những ngày đầu tiên, em tôi chú ý đến mấy điều: thứ nhất, cái đẹp đầy thanh bình của phong cảnh; thứ hai, sự dạn dĩ của chim chóc, chủ yếu là bồ câu và hải âu, lúc nào cũng quấn quít quanh người đi dạo hay ngắm cảnh; và, thứ ba, sự thân mật của người Úc.
Trên quãng đường khoảng 3 cây số dọc theo bờ biển, trung bình cứ vài ba phút lại gặp một người đi bộ ngược chiều. Hầu như ai cũng nhoẻn miệng cười và nói “hello” hay “good morning”. Thỉnh thoảng có người còn hỏi thêm “Khoẻ không?” hay buông vài câu bâng quơ, kiểu “Hôm nay trời đẹp quá há!”.
Thằng em tôi, thoạt đầu, than: “Trả lời mỏi miệng quá!”, sau, nghĩ ngợi một lát, trầm trồ: “Người Úc dễ thương ghê!”; sau nữa, trầm ngâm so sánh: “Ở Việt Nam đâu có ai chào người lạ như vậy. Gặp người dân tộc thiểu số nữa thì đừng hòng!”
Mà thật, bạn để ý xem, ở Việt Nam, đi đường, có ai chào ai không? Với người lạ, câu trả lời hầu như tuyệt đối: Không. Chúng ta chỉ chào người quen. Câu tục ngữ “tiếng chào cao hơn mâm cỗ” hầu như chỉ áp dụng cho người quen, trong làng xóm với nhau. Nhưng với người quen, chúng ta thường chỉ chào bằng ngôn ngữ thân thể (body language) hơn là ngôn ngữ bằng lời (verbal language): Chúng ta gật đầu, vẫy tay hay nhoẻn miệng cười. Là hết. Thân tình hơn, mới hỏi bâng quơ vài câu: “Anh/chị đi đâu đó?” hay “Đi đâu mà vội quá vậy?”. Vậy thôi.
Nói cách khác, liên quan đến khía cạnh này của văn hoá giao tiếp, chúng ta thiếu đến hai điều:
Thứ nhất, chúng ta không có thói quen chào nhau, nhất là với người lạ.
Thứ hai, chúng ta chưa có những công thức chào.
Về điểm thứ nhất, nhớ lại xem, hồi nhỏ, hầu như bố mẹ chúng ta chỉ dạy chúng ta chào khi có khách đến nhà hoặc khi đến nhà người khác. Và chỉ yêu cầu chúng ta chào người lớn, hoặc lớn tuổi hoặc lớn vai vế, hơn. Hầu như không ai dạy con cái cách chào người lạ hay với người nhỏ tuổi hơn mình.
Về điểm thứ hai, trong tiếng Việt, “chào hỏi” thường đi đôi với nhau, thành một từ, từ ghép. Trên thực tế, chúng ta thường dùng câu hỏi thay cho lời chào. Mà hỏi thì đa dạng vô cùng. Chúng thay đổi theo mức độ quen thân, theo hoàn cảnh, theo cảm hứng, v.v... Hệ quả là lời chào, ngay cả chào-hỏi, của chúng ta không được công thức hoá. Khác hẳn với các ngôn ngữ Tây phương. Ví dụ, với tiếng Anh hay tiếng Pháp, những lời chào hỏi hầu như thành công thức. Với ai, ở đâu, chúng ta cũng lặp đi lặp lại như vậy. Đại khái:
- Chào anh.
- Chào chị. Chị khoẻ không?
- Khoẻ, anh ạ. Cám ơn anh. Còn anh thì thế nào?
- Tôi cũng khoẻ. Cám ơn chị.
Từ người thân đến kẻ sơ, từ người lớn đến trẻ em, từ ông Tổng thống đến người bán hàng, gặp nhau, ở đâu người ta cũng đều nói thế. Những công thức chào hỏi như thế biến thành một thứ văn hoá, văn hoá giao tiếp.
Bởi vậy, tôi nghĩ, yếu tố đầu tiên của văn hoá là tính công thức. Văn hoá là sự đồng điệu thuận về ý nghĩa của một biểu trưng hay một giá trị nào đó trong cộng đồng. Để thể hiện hay đẩy mạnh sự đồng thuận ấy, công thức hoá là một biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất. Nhưng tâm lý con người thường e ngại trước tính công thức. Quá trình công thức hoá chỉ có thể thực hiện được bằng cưỡng chế, chủ yếu qua hệ thống giáo dục. Ở Tây phương, ít nhất qua tiếng Anh và tiếng Pháp mà tôi biết, những công thức chào hỏi vừa nêu là những bài học vỡ lòng cho cả người ngoại quốc lẫn trẻ em bản ngữ. Ai cũng phải học như thế. Công việc tiếp nhận các công thức giao tiếp được khởi sự ngay từ lúc người ta học ngôn ngữ.
Việc cưỡng chế trong quá trình tiếp nhận tính công thức trong văn hoá cần có một điều kiện khác nữa: đó là sự sùng bái. Văn hoá nào cũng bao gồm sự sùng bái. Nhiều học giả đã phân tích: tính sùng bái (cult) nằm ngay trong chữ văn hoá (culture), trở thành yếu tính của văn hoá. Nói cách khác, không có sùng bái sẽ không có văn hoá.
Trong văn hoá giao tiếp, sùng bái chủ yếu là sùng bái đối với hình mẫu của một con người văn minh và có văn hoá: Đó là một con người biết chào hỏi, biết nói cám ơn và nói xin lỗi như một cách thể hiện sự tự trọng.
Vâng, tôi xin nhắc lại: đó là sự thể hiện của lòng tự trọng.
Cám ơn hay xin lỗi, ngay cả về những chuyện, thành thực mà nói, không đáng, là cách bày tỏ sự kính trọng đối với người khác, qua đó, thể hiện sự tự kính trọng mình với tư cách là một người văn minh và có văn hoá. Nói cách khác, nếu trên đường đi, tôi hơi lấn hay đụng anh một chút, một chút thôi, tôi xin lỗi anh; đó không phải là tôi “sợ” anh, mà là vì tôi sợ tôi biến thành một con người thô lỗ. Xin lỗi, do đó, trở thành một cách tự bảo vệ mình, bảo vệ nhân phẩm của chính mình: Trong trường hợp này, nếu anh sừng sộ với tôi, anh thua tôi. Thua về độ văn minh và văn hoá.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một kỷ niệm lúc mới từ trại tị nạn ở Galang qua Pháp. Trong mấy tháng ở trại tị nạn, tôi cố gắng học thêm cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp: trong khi học tiếng, lúc nào cũng tự dặn dò mình phải học cả văn hoá giao tiếp ở xứ người, trong đó, điều quan trọng và cũng là điều căn bản nhất là biết chào hỏi, biết nói xin lỗi và cám ơn.
Đến Paris, những ngày đầu tiên sống trong trung tâm chuyển tiếp, lúc nào tôi cũng lẩm nhẩm trong miệng hai chữ “Merci” (cám ơn) và “Pardon” (xin lỗi) như một kiểu tự kỷ ám thị. Một lần, vào tiệm mua một tờ báo, trả tiền xong, quay ra, tôi hấp tấp vấp phải một phụ nữ vừa trờ tới từ phía sau. Bèn nhớ đến bài học, nhưng thay vì nói “xin lỗi”, tôi buộc miệng nói nhầm “cám ơn!”.
Bước đi được mấy bước, nhớ lại cái nhầm của mình, thẹn đỏ mặt, tôi bước đi thật nhanh. Để trốn.
Thẹn. Nhưng nếu không như vậy, biết bao giờ những điều mình học mới trở thành một phản xạ tự nhiên?
Khi nói văn hoá là những gì còn lại sau khi đã quên hết, có lẽ người ta cũng nhấn mạnh đến tính phản xạ ấy.
Thói quen ăn uống của người Việt Nam
Phong tục thờ cúng của người Việt Nam
Người đẹp Việt Nam khỏa thân
Xu hướng đi du lịch của người Việt Nam
Món ăn truyền thống của người Việt Nam
trang phục truyền thống của người Việt
(ST)
|