Cách làm bánh bông lan trà xanh mềm mịn và thơm hương

Công thức làm bánh bông lan trà xanh dưới đây đảm bảo rằng bạn sẽ tạo ra được chiếc bánh ưng ý mềm mượt đủ độ và có mùi hương matcha dịu nhẹ tinh tế

Bột trà xanh, hay còn gọi là matcha, là phần tinh túy tạo nên hương vị chính cho bánh ngọt trà xanh.

Ba yếu tố thường khiến cho bột trà xanh dễ mất mùi vị đó chính là: nhiệt độ, ánh sáng và oxy trong không khí. Chỉ khi được bảo quản trong môi trường lạnh, tối và tránh tiếp xúc với khí oxy thì màu sắc và hương vị của bột trà mới bảo toàn được nguyên vẹn.

Những loại bột trà xanh chất lượng hảo hạng thường được bán và đóng gói trong những loại bao bì có lớp vỏ kim loại kín giúp ngăn ánh sáng, không khí xâm nhập, và đồng thời còn có chất chống oxy hóa. Khi được mua về, bạn nên dùng hết càng sớm càng tốt và hãy luôn luôn bảo quản chúng trong tủ lạnh kể cả khi bao bì chưa được mở ra. 

Những loại bột trà xanh chất lượng kém thường được đóng gói trong những loại bao bì chất liệu nilon xuyên thấu. Tuy chúng được đóng gói kín nhưng chưa chắc đã ngăn được hoàn toàn không khí xâm nhập vào. Vậy nên loại bột trà xanh này thường rất có thể sẽ được nhuộm màu và thêm vào hương vị nhân tạo để đảm bảo mùi vị của chúng không bị thay đổi. Loại bột trà này chỉ nên dùng để làm bánh cho... thỏ ăn mà thôi.

Thường thì mọi người nghĩ rằng, việc làm bánh vị trà xanh chỉ đơn giản là thêm một ít bột trà và giảm đi lượng bột mì tương ứng và hoàn toàn có thể áp dụng điều này với bất kì công thức làm bánh nào. Thực tế thì đúng là bạn hoàn toàn có thể làm như vậy, tuy nhiên bạn nên lưu ý rằng về bản chất thì bột trà và bột mì được cấu tạo hoàn toàn khác nhau. Trong đó, bột trà được tạo nên bởi các vụn lá trà; còn bột mì thì lại cấu tạo bởi protein (chất đạm) và chất đường bột. Nếu so sánh với bột mì thì bột trà tuy hút ẩm mạnh, nhưng lại thấm dầu hơn. Trừ khi bạn điều chỉnh công thức cho phù hợp, chiếc bánh chứa bột trà thường kém xốp và có vẻ nhiều dầu hơn chiếc bánh thường. 

Ngoài sự khác biệt về tính thấm hút, thì mùi vị của bột trà và bột mì cũng hoàn toàn khác xa nhau. Trà xanh luôn để lại vị hơi đăng đắng và vì thế bánh trà xanh thường kém ngọt hơn những loại bánh thường. 

Và đặc biệt là khi nướng lên, độ ẩm của bột trà sẽ khiến cho bánh khó có màu nâu vàng khi chín, trừ khi bạn phải tăng thêm lượng đường trong công thức hoặc điều chỉnh tăng nhiệt độ lò nướng. 

Hầu hết các công thức làm bánh thường đều có chứa một hàm lượng nhỏ xíu muối ăn. Tuy vậy, bạn sẽ hầu như không cảm thấy được chút nào vị mặn bởi chúng được cho vào để làm cho vị ngọt của bánh được đậm đà hơn. Đối với bánh vị trà xanh thì bạn nên tuyệt đối lưu ý rằng chúng không cần được cho thêm muối bởi đây là loại bánh ít ngọt.

Hương vị của bánh trà xanh thường vô cùng tinh tế và dịu nhẹ, vậy nên bạn không nên cho baking soda (bột nở) vào công thức khi chế biến bởi mùi vị trà xanh sẽ rất dễ bị trung hòa. 

Vậy nên có thể kết luận được rằng, một chiếc bánh trà xanh hoàn hảo đúng chất thường cốt bánh sẽ không quá chắc và nhiều dầu, vị không quá mặn hay ngọt, màu sắc không quá nâu hay quá xanh (do phẩm màu).

Công thức làm bánh bông lan trà xanh dưới đây chắc chắn đảm bảo rằng bạn sẽ tạo ra được chiếc bánh ưng ý mềm mượt đủ độ và có mùi hương matcha dịu nhẹ tinh tế, chứ không đơn thuần chỉ theo kiểu thay bột trà xanh vào bất kỳ công thức làm bánh vị vani thông thường nào. 

Khi bạn làm theo công thức này, lưu ý rằng bề mặt bánh sẽ nở đều và có những đường nứt vỡ nhờ có các tấm bìa carton bọc giấy bạc chèn xung quanh giữa khuôn bánh lớn và nhỏ. Sau khi bánh nguội, trên bề mặt bánh sẽ chỉ còn những đường nứt nhỏ chạy dọc theo chiều dài khuôn như hình dưới đây.

Sau đây là công thức vô cùng tâm đắc đã được blogger Kitchen Tigress chắt lọc sau khi thử nghiệm nhiều lần với 4 chai bột trà xanh. Hi vọng các bạn sẽ thành công khi áp dụng và có thể vui sướng thưởng thức thành quả của mình cùng những người thân yêu.

Nguyên liệu: (Công thức dành cho bánh cỡ 20x12cm)

Phần cốt bánh:

+ 10g đường trắng 

+ 60g lòng đỏ trứng gà

+ 30g dầu bắp (hoặc dầu ăn thường)

+ 5g bột trà xanh: trộn đều với 20 g nước sôi cho tới khi tan hết; thêm vào 30g nước nguội trong nhiệt độ phòng, trộn đều và để nguội

+ 40g bột bánh (cake flour - nếu không có, có thể trộn theo tỷ lệ 30g bột mì: 10g bột bắp)

+ 105g lòng trắng trứng gà

+ Một nhúm nhỏ cream of tartar hoặc thay bằng 5ml nước chanh

+ 45g đường trắng mịn (để tách riêng với 10g trên kia)

Phần kem tươi:

+ 200g kem tươi (whipping cream)

+ 1 thìa cà phê bột trà xanh

Thực hiện:

- Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 160 độ C.

- Cân đo các nguyên liệu theo như công thức phía trên.

- Dùng phới lồng đánh 10g đường với lòng đỏ trứng gà cho tới khi đường tan hoàn toàn. Thêm dầu bắp vào, và đánh tiếp cho tới khi chúng trộn lẫn. Sau đó thêm trà xanh và tiếp tục đánh thật kĩ. Rây bột bánh vào hỗn hợp và trộn lẫn cho tới khi chỉ còn thấy hơi lợn cợn.

- Để riêng lòng trắng trứng và đánh trong một tô lớn khác cho tới khi sủi bọt. Thêm cream of tartar và tiếp tục đánh sao cho trứng chuyển bọt nhỏ li ti. Sau đó cho 45g đường mịn vào rồi đánh cho tới khi trứng đạt độ bông cứng. Nhấc đầu que đánh trứng thấy trứng tạo chóp nhọn sắc nét nhưng vẫn cong xuống là được.

- Đánh qua hỗn hợp lòng đỏ trứng ban đầu. Chia đều phần lòng trắng trứng trên làm đôi rồi cho một nửa lòng trắng trứng vào âu đựng lòng đỏ trứng, lần này bạn trộn thoải mái cho hỗn hợp hòa quyện. Tiếp tục cho 1/2 lòng trắng trứng vào, sử dụng kĩ thuật fold (vét dưới đáy âu, hất lên trên, gập lại) nhẹ nhàng trộn đều bằng cây vét bột/ phới dẹt để hỗn hợp hòa quyện. 

- Đổ hỗn hợp trên vào khuôn bánh đã lót 2 lớp giấy nến. Lắc nhẹ khuôn cho mặt bánh mịn đều.

- Đặt khuôn bánh ở trên vào khuôn lớn hơn cỡ 23 x 15 cm. Với những lỗ hổng xung quanh giữa hai khuôn, bạn nhét các miếng bìa các tông bọc giấy bạc vào 4 khe hở là được. Nướng trong vòng 55 phút thì bạn lấy khuôn ra khỏi lò. Bỏ các miếng bìa các tông ra, thả rơi khuôn lớn từ độ cao 30cm xuống mặt bàn 2 tới 3 lần. 

Lấy khuôn bánh nhỏ ra và để nguội trên khay. Sau đó dùng dao tách bánh ra khỏi khuôn và bỏ phần giấy nến đi.

Phần kem bánh:

Đánh bông kem tươi cho tới khi nhấc đầu que đánh lên thấy thành hình chóp mềm. Thêm bột trà xanh vào và đánh cho tới khi bông cứng.

Trang trí:

Cắt ngang thân bánh bằng dao lưỡi răng cưa hay loại cắt bánh mỳ thành 2 nửa bằng nhau. Lật ngửa phần đáy bánh, phết kem lên và đặt một nửa phần bánh còn lại lên. Sau đó phết phần kem còn lại lên mặt bánh cho đều và đẹp. Cắt viền ngoài ở cả 4 cạnh lùi vào tầm 1 cm rồi đặt bánh lên dĩa trước khi cho vào ngăn mát. Bạn có thể tranh thủ nếm thử phần viền bánh được cắt ra trong lúc chờ đợi.