Cách làm bánh Empanadas Argentine cực ngon
Cách làm bánh quai vạc chiên ngon tuyệt cú mèo
Làm bánh Mochi không phải là quá khó, nhưng đòi hỏi sự chính xác. Nắm được cách làm dưới đây, bạn sẽ tránh được những lỗi hay gặp khi mới làm Mochi. Và cũng không cần dùng bột Mochiko đâu bạn ạ.
Chẳng hiểu sao, mùa trung thu năm nay mình cứ nghĩ đến Mochi. Thế là hì hụi thử. Mẹ chồng mình cũng thích, bà bảo: "Hay nhà mình làm bánh này ăn trung thu nhỉ, vừa ngon, vừa vui!"
Thông thường, với một món mới mình sẽ có kết quả ngay từ lần đầu, cùng lắm là lần thứ 2. Riêng với Mochi thì lần 2 vẫn hỏng và lần 3 thì vẫn chưa hài lòng.
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ kỹ hơn để mọi người tránh được việc mắc lỗi như mình nhé!
Nguyên liệu
+ 1 cup (130gr) (bột nếp ngon, mịn (mình dùng bột nếp Thái Lan, loại ngon)
+ 1 cup nước (250ml)
+ ½-1 cup đường (140gr)
+ ¼ thìa café muối
+ Nhân đỗ xanh, hạt sen, đỗ đỏ hoặc khoai môn
+ 1 cup (130gr) bột ngô , bột năng hoặc đường bột để làm áo
+ 50g lá dứa
Bạn tham khảo thêm: Bảng quy đổi định lượng trong pha chế, nấu ăn, làm bánh
Cách làm nước lá dứa
50g lá dứa thái khúc, xay cùng với 250ml nước. Sau đó dùng màng lọc rây lấy nước cốt.
Nếu không thích lá dứa, bạn có thể thay thế bằng sô cô la hoặc lá trà xanh.
Cách làm bánh Mochi
- Trộn bột với nước lá dứa và muối cho đều, cho vào hấp cách thuỷ. Bạn cũng có thể hấp bằng xửng/chõ hoặc cho vào lò vi sóng. Nếu dùng lò vi sóng thì tuỳ theo lượng bột mà thời gian khác nhau. Cứ quay chừng 1-2 phút thì bạn dừng máy để kiểm tra. Nếu bị kỹ quá thì bột sẽ bị chín cứng - hỏng.
Nếu hỗn hợp bột sau khi hấp mà bị đặc quá thì cũng hỏng. Khi ta trộn đường, nó sẽ bị cắt ra thành những lọn khối, chứ không đồng nhất được nữa. Nếu bột loãng quá thì bánh sẽ bị chảy, thiếu độ dai. Tuy nhiên, bạn có thể "chữa" bằng cách cho vào lò vi sóng, để ở mức vừa trong vòng từ 30 giây đến 1 phút, rồi bỏ ra đánh và quay tiếp nếu cần, lặp lại tới khi bột đạt độ quánh mà bạn muốn.
- Khi bột đã được, ta cho đường vào đánh, tuỳ theo lượng bột và lượng đường mà bạn cho đường vào một lượt hay là 2-3 lượt. Đường sẽ chảy dần và quện với bột thành một hỗn hợp bột láng mịn óng ánh dẻo quánh.
- Trên một bề mặt phẳng đã rắc sẵn bột năng, ta đổ hỗn hợp bột nóng lên. Rắc tiếp bột năng lên mặt khối bột, xoa bột đều tay rồi dàn bột phẳng đều, kéo các góc khéo sao cho thành hình chữ nhât. Các bạn nhớ nhé, ta phải làm bước này ngay khi bột còn nóng.
- Lưỡi dao đã “nhúng” bột, ta cắt vỏ bánh theo dạng kẻ caro, thành những miếng vuông đủ để bọc nhân.
- Nặn nhân, rồi năn bánh. Tách một miếng bột vuông, kéo các góc cho to ra nếu cần, bọc lấy viên nhân, túm góc lại rồi dùng ngón trỏ và ngón cái bóp dính chúng vào với nhau, bao bọc lấy viên nhân. Xoay nặn cho thành hình. Lặp lại cho tới hết. Phần vỏ thừa, ta cắt thành sợi để ăn thêm.
Vậy là ta đa có những chiếc bánh Mochi như ý.
Lưu ý khi làm nhân bánh
Bạn có thể làm nhân đỗ xanh, hạt sen hay đỗ đỏ bằng cách nấu thật nhừ, rồi sên với đường, trộn thêm một chút kem tươi nếu thích, rồi dằm hay nghiền mịn ra.
Vì lớp vỏ dẻo mềm và khá “mong manh” nên nếu nhân bánh mà lợn cợn thì ăn mất ngon. Để đảm bảo là nhân nhuyễn, sau khi nấu xong bạn cho qua rây lọc mịn nhé, (rất quan trọng đấy).
Thêm nữa là viên nhân. Nhân bánh phải mịn mượt dẻo nhưng cũng phải giữ được chắc hình khối sau khi nặn không bị chảy xuống. Nếu nhân nhão quá thì sau khi nặn bánh cũng sẽ bị "mất dáng", nhìn rất xấu.
Những lỗi hay mắc phải khi làm bánh Mochi
- Pha bột đặc quá. Hậu quả là khi ta trộn đường vào thị hỗn hợp bột tách thành lọn, bị vữa chứ không đồng nhất được nữa.
- Bột loãng quá thì bánh ăn nhão và không giữ khối tốt. Có thể khắc phục bằng cách cho vào lò vi sóng nấc vừa, cứ 30 giây - 1 phút lại lấy ra để đánh và kiểm tra.
- Nhân bị lợn cợn, ăn sẽ rất "vô duyên".
Hi vọng là qua bài viết này, bạn sẽ thấy việc làm Mochi dễ dàng hơn rất nhiều, và tránh được những lỗi cơ bản.
Chúc bạn thành công và có đón một trung thu thật vui bên gia đình!