Cách làm giàu chân chính hiệu quả

Cách làm giàu chân chính hiệu quả. Với cách này dù bạn xuất phát từ vạch nào, thì xác suất dòng thu nhập thụ động (sau 20 năm, 30 năm) của bạn sẽ đủ lớn để bạn trang trải mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày mà không cần đi làm.



CÁCH LÀM GIÀU CHÂN CHÍNH


Cách làm giàu đơn giản áp dụng cho mọi người


 

Có quá nhiều tranh luận về làm giầu, nhưng có lẽ khó có thể thống nhất được với nhau, ngay cả các quan điểm được Robert Kyosaki trình bày trong “Rich Dad Poor Dad” cũng bị rất nhiều người phản đối.

Nhiều quan điểm đưa ra thậm chí còn rất nguy hại khi xuyên suốt tác phẩm đó tác giả cổ vũ cho con đường khởi nghiệp tạo dựng doanh nghiệp, con đường mà xác suất thành công áp dụng cho mọi người (ở mọi tầng lớp khác nhau, học vấn khác nhau, trí tuệ khác nhau) chỉ ở mốc không quá 3%. Khuyên mọi người đi một con đường mà xác suất thất bại đến 97% hoàn toàn không phải là một lời khuyên tốt, đặc biệt khi các bạn trẻ ít kinh nghiệm áp dụng lời khuyên này.

Trong các sách trình bày về “con đường làm giầu đơn giản kiểu dễ như ăn cơm bình dân và dành cho mọi người đều thực hiện được” thì có lẽ tác phẩm “ Người giầu nhất thành Babylon” ra đời cách đây gần 100 năm là tác phẩm có các quan điểm đúng đắn và giá trị nhất.

Trong tác phẩm này, tác giả đúc kết các kinh nghiệm làm giầu của các lái thương kinh thành Babylon cổ kính và vĩ đại, những kiến thức quý giá được các học giả Babylon đúc kết và ghi chép lại trên các tấm thẻ đất sét nung từ 5000 năm trước được truyền cho hậu thế.

Các bước làm giầu cơ bản được đúc kết từ cuốn sách này như sau:

+ Bước 1: Tiết kiệm số tiền mình kiếm được hàng tháng, tỷ lệ tối thiểu là 10% số tiền kiếm được, đa phần mọi người đều làm ngay được bước này, dù họ chỉ là một cán bộ công chức hay một chuyên gia kỹ thuật cao cấp, hay một người công nhân lao động bình thường, một số người làm công (của các tập đoàn lớn hoặc các công ty liên doanh) có mức thu nhập cao có thể có mức dành dụm đến 40% -> 50% tiền lương, những người làm chủ các cơ sở kinh doanh nhỏ hoặc các chủ doanh nghiệp thì mức dành dụm còn cao hơn nữa trên mức thu nhập lợi nhuận của họ.

+ Bước 2: Dùng số tiền tiết kiệm này tái đầu tư để sinh ra các nguồn thu nhập mới một cách thụ động (tức là các khoản thu nhập tự động sinh đẻ ra theo thời gian mà không cần người chủ đầu tư phải bỏ sức lao động), mức dành dụm tiết kiệm càng cao thì dòng thu nhập thụ động sẽ càng ngày càng lớn, có nhiều cách để có dòng thu nhập này, từ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô rất nhỏ đến quy mô rất lớn, và dù cách nào + quy mô nào thì cũng đòi hỏi yếu tố thời gian, không có cách nào làm giàu cực nhanh và dễ dàng cả.

Đây là bước làm ai cũng có thể làm được, nhưng vẫn có một số người bị thất bại bởi sự thiếu kiên nhẫn cũng như căn bệnh muốn “làm giầu cực nhanh”, họ không chịu “chờ đợi”.

Tôi xin liệt kê các cách tạo dòng thu nhập thụ động theo nhiều quy mô khác nhau, từ nhỏ đến lớn, ai cũng có thể làm được, và ai cũng có thể làm đồng thời nhiều cách một lúc, càng đa dạng thì dòng tiền thụ động về càng nhiều cũng như sự rủi ro càng được chia nhỏ, và quan trọng là bạn phải liên tục bổ sung vốn (từ khoản 10% tiết kiệm hàng tháng + khoản lợi nhuận thu về từ năm thứ 2 trở đi lại tái bổ sung vào) vào các khoản mục đầu tư này.

- Gửi tiết kiệm ngân hàng vào những đợt sốt lãi suất, mức lợi nhuận 11%/năm hoàn toàn có thể đạt được.

- Mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm uy tín và hàng đầu của thế giới, mức lợi nhuận tuy khiêm tốn (7%/năm) nhưng nó cũng là một lựa chọn bắt buộc cho sự bảo hiểm các rủi ro cá nhân mà bạn có thể gặp phải.

- Mua trái phiếu của chính phủ (hoặc công trái) hoặc trái phiếu của các tập đoàn lớn do chính phủ bảo lãnh, hoặc trái phiếu của các tập đoàn lớn kinh doanh hiệu quả và uy tín (ví dụ như Vinamilk, Kinh đô, Tân Tạo…), mức lợi nhuận 15% / năm hoàn toàn trong tầm tay.

- Mua cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn và thực sự có giá trị, của các tập đoàn đầu nghành, làm ăn hiệu quả tại Việt nam (Viễn thông , Sữa, Dầu khí, Bánh kẹo, Bất động sản, Công nghệ cao…).

- Mua nhà chung cư đóng làm nhiều đợt và sau đó dùng nó để cho thuê.

- Góp vốn và các cơ sở kinh doanh có lợi nhuận và phải có uy tín của họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…

- Mua các căn nhà nhỏ, cũ nát, cải tạo đẹp đẽ để cho thuê hoặc bán lại

- Nhận thêm việc làm bằng chuyên môn tốt nhất của mình để tăng thêm dòng vốn tái bổ sung …

- Và nếu có kinh nghiệm, cơ hội, năng lực, vốn: bạn hoàn toàn có thể mở một doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình sinh thu nhập nhanh nhất có thể

+ Bước 3:

Tiếp tục tái bổ sung hàng tháng vào các khoản đầu tư trên, nguồn tái bổ sung này tư năm thứ 2 trở đi sẽ có 2 khoản:
- Khoản tiết kiệm 10% hàng tháng
- Khoản lợi nhuận từ các dòng thu nhập thụ động được tái đầu tư lại

Và dù cách nào thì tác giả vẫn khuyên chúng ta cần làm thật tốt công việc mà chúng ta đang làm hàng ngày (công nhân phải lành nghề, kỹ sư phải thành thạo và chuyên nghiệp, bác sỹ phải giỏi, trang điểm thẩm mỹ phải đẹp, bán hàng phải bán thật tốt, kinh doanh phải năng động, đầu tư phải kiên nhẫn…) để thu nhập chính từ công việc này phải không ngừng tăng lên và khoản tái đầu tư cũng nhờ đó được tăng lên…

Và cùng với thời gian (ngắn hạn là 5-10 năm, trung hạn là 10-20 năm, dài hạn là trên 20 năm, tuỳ thuộc vào thu nhập từ công việc chính của bạn), dù bạn xuất phát từ vạch nào, thì xác suất dòng thu nhập thụ động (sau 20 năm, 30 năm) của bạn sẽ đủ lớn để bạn trang trải mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày mà không cần đi làm.

Khi đó bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến 3 cụm từ: “nghỉ ngơi thư giãn”, “làm việc mà mình yêu thích”, “giàu có”.

Nhưng…

Rất ít người muốn chọn cách này, bởi vì nó lâu dài và đòi hỏi kiên nhẫn quá.
Các bạn trẻ trong xã hội cần các phương pháp “làm giầu siêu tốc” và “dễ dàng”…
Không phải ngẫu nhiên mà tủ sách dạy làm giầu nhanh lại bán chạy như vậy…
Và rất tiếc tôi không thể có một phương thức nào như thế để chia sẻ với các bạn

Làm giàu chân chính

Tôi là người rất thích làm giàu, trên diễn đàn này tôi đã theo dõi gần như từ đầu đến cuối. Phần lớn là những hoàn cảnh trong quá trình kiếm tiền đúc kết được. Nói chung có nhiều tấm gương rất đáng trân trọng và đáng khâm phục, nhưng cũng có những bài học rất ư là bình thường.

Trong diễn đàn này phần lớn nhiều người hiểu rằng làm giàu là phải mở doanh nghiệp, làm ông chủ, ông giám đốc, tổng giám đốc… còn làm thuê, làm công ăn lương không phải là làm giàu. Tôi cho rằng hiểu như vậy là sai. Làm công hay làm chủ là quá trình kiếm tiền và trong thâm tâm ai cũng muốn làm giàu và chưa chắc người làm chủ giàu hơn người làm công!

Nói về khái niệm làm giàu có thể hiểu như sau: Giàu có là dư ăn, dư để, có tích lũy, có nhà cửa, đất đai, có xe cộ… nói chung là có những vật chất và giá trị tinh thần cần thiết. Theo thời gian các giá trị này tăng lên, quá trình đó là quá trình làm giàu.

Từ khái niệm đó làm giàu đó nó tồn tại trong tất cả công việc từ làm chủ doanh nghiệp, làm thuê, làm công chức cho nhà nước… Chúng ta quên nhắc đến đối tượng là công chức nhà nước. Ai nói họ không làm giàu? Tất cả các kiểu làm kiếm tiền đều có thể là quá trình làm giàu, có điều khác nhau ở cách làm, nhanh hay chậm, rủi ro ít hay rủi ro nhiều.

Có bạn nói rằng làm giàu với giá trị âm 10 triệu hay sau 7 năm có 2.5 tỉ hay có bạn đúc kết công thức làm giàu bằng 3K…Tất cả đều là những bài học mà tác giả đã đúc kết được rất quý và đáng trân trọng!

Có trường hợp một người quyết tâm đi học một nghề, một chuyên môn nào đó bằng cách vay mượn không phải 10 triệu mà là hàng chục triệu, hàng trăm triệu hay hơn nữa. Sau một thời gian họ có kiến thức để làm thuê với chuyên môn đó với chức danh CEO chẳng hạn lương tháng hang chục, thậm chí hàng trăm triệu một tháng. Ai nói làm thuê không làm giàu! Có những trường hợp từ tay trắng sau 7 năm có được không phải 2.5 tỉ mà là 10 tỷ. Có những trường hợp do may mắn mà giàu có lên không theo một công thức nào hết!

Một công chức làm việc càng ngày càng thăng tiến, được những đặc lợi do nhà nước ban cho do công sức và đóng góp của họ, họ có mức lương cao dư ăn, dư để, có tích lũy. Họ cũng đang làm giàu đó.

Cũng một công chức (hoặc chính trị gia) lợi dụng những chức quyền có được để trục lợi. Xin thưa làm giàu nhanh lắm! Tuy nhiên chúng ta không công nhận cách làm giàu này vì đó là cách làm giàu không chân chính.

Hay một cô làm bảo hiểm, một anh bán hang đa cấp gặp may mắn làm giàu nhanh hơn những ông chủ doanh nghiệp lèo tèo mà chúng ta chưa nhắc đến.

Vân vân và v.v.

Tóm lại tất cả cách làm giàu mà các bạn đã nêu ra trong diễn đàn này đều là quá trình kiếm tiền bằng phương pháp kinh doanh theo cách lập doanh nghiệp, còn những cách làm giàu khác mà chúng ta chưa nhắc đến. Ở đây tôi muốn nói rộng hơn về khái niệm làm giàu, tuy nhiên làm giàu phải chân chính và được luật pháp công nhận.
 

Lời khuyên cách làm giàu chân chính của người xưa


•1. Không từ mọi gian nan cực khổ : Vì cần kiệm mà giàu

•2. Buôn bán công bằng nhiều khách hàng : Trung hậu mà giàu

•3. Mỗi sáng thức dậy sớm : Chăm chỉ làm giàu

•4. Thường chăm lo việc gia đình : Lâu ngày rồi sẽ giàu

•5. Giữ gìn nhà cửa đề phòng trộm cướp, hỏa hoạn : Cẩn thận mà giàu

•6. Không làm việc phi pháp : Giữ mình mà giàu

•7. Trong nhà già trẻ giúp đỡ lẫn nhau : Một lòng làm giàu

•8. Vợ hiền con ngoan không hà hiếp, ghen tuông : Giúp gia đình giàu

•9. Dạy con cháu biết tạo lập sự nghiệp : Để đời sau giàu

•10. Một lòng tích đức làm thiện : Vì ở hiền mà giàu
Nhân đọc trên mạng 10 điều làm giàu này, Võ sĩ Đường tôi nhận thấy trong thời hiện tại có rất nhiều người giàu, đại gia, trung tiểu gia tôi đều gặp cả, từ giới quan chức, cán bộ cho đến các nhà doanh nghiệp. Sự làm giàu của họ đa phần rơi vào một, hoặc hai ba điều trong những điều dưới đây .

Mười điều làm giàu bất chính :

1- Nịnh hót, tâng bốc cấp trên : Nhờ quan giúp đỡ mà giàu

2- Biết sử dụng, lợi dụng, tận dụng chức quyền : Nhờ hà hiếp, hù thiên hạ mà giàu

3- Biết ăn nhậu, ăn chơi : nhờ quan hệ mà giàu

4- Biết ăn nói , gợi ý gần xa : nhờ ăn hối lộ mà giàu

5- Nắm vững bí kíp làm khó thiên hạ : nhờ nhũng nhiễu mà giàu

6- Nắm chắc thủ thuật sử dụng tiền mua chức, mua quan, mua bằng cấp : nhờ có chức quyền mà giàu

7- Nắm chắc quy hoạch đất đai : nhờ đầu cơ mà giàu

8- Biết làm quy hoạch mọi thứ (quy hoạch cán bộ, đất đai, khu CN...) : nhờ lấy của thiên hạ mà giàu

9- Biết cách trốn thuế : nhờ ăn cắp mà giàu

10- Biết chung chi cho quan tham : nhờ bỏ tép câu tôm mà giàu

Nếu làm giàu nhờ những cố gắng , cần cù thì quả là cái giàu đáng cho ta khâm phục. Và của cải đó sẽ ở lại dài lâu với chủ, khi cần đi thì đi. Hoàn toàn đúng với ý nghĩa của nhà Phật, "Không lấy, không nhận của không cho thì tài sản của mình sẽ không bị ai tham lam dành lấy cả - đó là nguyên lý nhân quả ", nói theo Karl Marx thì đó là "Làm theo lao động, hưởng theo năng suất" - Xứng đáng, xứng đáng

Ngược lại , nói theo Marx "làm theo lao động , hưởng theo nhu cầu" - Hic! Lao động thì ít mà nhu cầu "tiền" cao quá sá cỡ , chưa lên chủ nghĩa Cộng sản mà đòi tiền có thiệt nhiều - nên mới đi giành giựt của cải của thiên hạ về , không xuất phát từ công sức lao động , chất xám của mình, chắc chắn rằng tài sản này sẽ không cánh mà bay, nếu ở lại với chủ thì chủ cũng liệt giường liệt chiếu, không có sức khỏe mà hưởng.
Theo nguyên lý nhân quả thì đời này lấy của người khác nhiều quá - ngoài việc phải trả báo ngay trong đời này- thì đời sau sẽ vô cùng nghèo túng, bần hàn (mà khoảng cách giữa đời này và đời sau có khi là vài trăm năm vì vị chủ này sẽ đọa lạc vào 3 đường ác (ngạ quỹ, súc sanh, địa ngục) trong nhiều kiếp rồi khi tái sanh làm người phải chịu cảnh bần cùng.

Nếu vị nào đang giàu lên nhờ 1 trong 10 điều bất chính này (có thể còn nhiều cách làm giàu bất chính nữa nhưng Võ sĩ tui tạm nhìn thấy chừng đó thôi) thì ngay từ bây giờ hãy biết "hành thiện tích đức" để cứu lấy chính mình ngay trong đời này và cho cả đời sau.

Nên nhớ 1 điều là "Quan tài không có túi", chết đi quý vị sẽ bỏ lại tất cả , chỉ mang theo nghiệp xấu xa, tham ác của mình thôi. Hãy thức ngộ sớm đi để không bị đọa lạc. Cuộc đời ngắn ngủi , vài ba mươi năm chớp mắt là qua nhanh . Con người chỉ thực sự giàu có khi bản thân mình đang sở hữu những thứ mà tiền không thể mua được 
 

MỜI BAN THAM KHẢO THÊM:


Ý kiến về vấn đề làm giàu chân chính

- Quan niệm của các ông như thế nào là giàu? (Thanh Mai, 28 tuổi, TP HCM)

- Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal): Giàu là thành đạt, có địa vị xã hội, được mọi người nhìn nhận một cách quý trọng.

- Ông Lương Văn Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Đại Nam Long (DNL): Rất khó có câu trả lời chung. Trên thế giới khi xếp hạng những người giàu có rất nhiều hạng và không có định nghĩa giàu tuyệt đối. Nhiều tiền hay thành công là quan trọng hơn? Theo tôi thành công trong công việc chính đáng quan trọng hơn.

- Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Left Brain Connectors: Có nhiều quan điểm nhưng với tôi cần làm giàu có ý nghĩa: Một là làm giàu tri thức qua nhà trường, thứ hai là tôi luyện phẩm chất qua xã hội, cuối cùng sau khi đạt được hai điều trên thì sẽ giàu về tiền bạc.

Buổi tọa đàm trực tuyến do TS tổ chức chiều 22/12. Ảnh: Đức Quang

- Tại sao không ít người Việt Nam vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với người giàu có? (Quỳnh Anh, 24 tuổi, Hà Nội)

- Ông Lương Văn Lý: Giàu là người thành công trong công việc của mình hay còn gọi là thành đạt, có nhiều người khâm phục, ngưỡng mộ nhưng đồng thời cũng không tránh khỏi có nhiều người ganh tỵ. Việt Nam có điểm xuất phát thấp, đại đa số người dân có mức sống khiêm tốn nên người giàu là thiểu số. Giữa đại đa số người dân có cuộc sống còn khó khăn thì người giàu sẽ phải có cách cư xử khéo léo hơn vì chắc chắn họ sẽ được nhìn nhận, đánh giá bằng một cặp mắt khắt khe. Người giàu ở Việt Nam thường bị nhìn thiếu thiện cảm hơn ở nước ngoài.

- Ông Phạm Việt Anh: Chuyện giàu nghèo là điều tự nhiên của nền kinh tế mở. Đứng ở góc độ tâm lý xã hội thì việc thiếu thiện cảm giữa người giàu và nghèo xuất phát từ việc người giàu "quá tự tin" còn người nghèo thì "quá tự ti". Theo tôi, nếu tất cả người giàu có đủ tri thức và phẩm chất tốt của một người thành đạt thì sẽ giúp phần xóa dần những khoảng cách tâm lý ấy thông qua những hành vi và thái độ ứng xử...

- Theo quan điểm của các ông, làm giàu khó hay dễ? Và tại sao? (Phạm Khuyên, 27 tuổi, Nam Định)

- Ông Lương Văn Lý: Làm giàu chân chính theo tôi rất khó. Người muốn thành công vượt trội trong công việc phải là người có năng lực thực sự: năng lực chuyên môn và năng lực quản trị. Muốn có năng lực này phải được đào tạo bài bản, chu đáo. Ngoài ra, đó phải là người có bản lĩnh mới có thể làm giàu. Người thành công là người có cái tâm ngay thẳng, chân chính. Đây không không phải là điều ai cũng có được. Nó đòi hỏi một quá trình và mất nhiều thời gian. Không có chuyện làm giàu nhanh chóng, nếu ai muốn thực hiện điều này thì hãy quên ngay đi. Theo tôi, làm giàu rất khó.

Việt Nam đang trong giai đoạn trở mình phát triển, cơ hội rất nhiều, có thể gọi là bùng nổ. Luật pháp chỉ đang từng bước hoàn thiện. Vì thế, làm giàu nhanh tại Việt Nam là chuyện có thật. Tuy nhiên, cơ hội sẽ ngày càng ít đi. Gây dựng cơ nghiệp lúc đầu có thể không khó nhưng đảm bảo cho cơ nghiệp đó ngày càng phát triển thì cần làm ăn bài bản. Do đó cần phải không ngừng nâng cao trình độ và năng lực thông qua đào tạo.

- Tuổi trẻ chúng ta rất có khát vọng làm giàu, nhưng với các thanh niên không hề có tài sản, kiến thức không vào loại xuất chúng, chưa có kinh nghiệm thì nên bắt đầu từ đâu? (Nguyễn Ngọc Dung, 25 tuổi, Hà Nội)

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal). Ảnh: Đ.Q

- Ông Đặng Hồng Anh: Làm giàu phải có quá trình, bạn phải nhìn nhận nền tảng của bản thân có gì. Nếu không có tài sản, bạn phải xem tính cách mình phù hợp với ngành nghề nào. Ví dụ: Nếu nhanh nhạy, bạn có thể thử sức ở lĩnh vực kinh doanh, kỹ thuật... Từ đó xác lập được mục tiêu cho mình.

- Khi khởi nghiệp, thất bại là không thể tránh khỏi, vậy làm gì để đứng dậy sau thất bại? Xin các anh chia sẻ những kinh nghiệm thực tế (Thanh Bình, 25 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)

- Ông Phạm Việt Anh: Trên thực tế, không có chiến lược nào đúng đắn hoàn toàn, điều đó có nghĩa sẽ có rất nhiều chiến lược sai lầm dẫn đến thất bại. Do vậy, nhiệm vụ của người làm kinh doanh là nên chọn lọc những chiến lược nào ít sai lầm nhất để giảm thiểu rủi ro, thất bại. Tôi rất tâm đắc với quan niệm của tiến sĩ Lê Đăng Doanh: "Phá sản là tàn phá sáng tạo. Khi thất bại mà còn sáng tạo thì còn cơ hội làm lại từ đầu".

- Ông Đặng Hồng Anh: Nếu nói thất bại là mẹ thành công chỉ là an ủi. Nếu bạn liên tục thất bại thì khó thành công. Bạn phải nhìn lại nguyên nhân thất bại (điều hành, quản trị, bố trí nhân sự...). Đối với doanh nghiệp, không thể để thất bại vì thất bại sẽ ảnh hưởng đến an nguy cho doanh nghiệp, chỉ có không đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra so với nhiều mục tiêu đề ra.

- Ông Lương Văn Lý: Làm thế nào để đứng dậy? Điều đầu tiên là phải muốn đứng dậy, thu mình lại, gom lại tất cả sức lực dồn vào đầu gốc để đứng dậy. Như tôi đã nói 2 năm qua là giai đoạn hết sức khó khăn. Doanh nghiệp mở thêm sản phẩm giải quyết xung đột, giải quyết tranh chấp để các bên tìm ra tiếng nói chung.

- Với đa số mọi người, suy nghĩ làm giàu là phải thành lập doanh nghiệp, tự mình làm chủ. Liệu có thể làm một người nhân viên, một người làm thuê giàu đuợc không? (Kim Chi, 26 tuổi, TP HCM)

- Ông Phạm Việt Anh: Mình không nghĩ vậy. Làm giàu có nhiều cách, vấn đề là quan niệm về giàu của mọi người như thế nào. Người làm thuê cũng có thể kiếm được hàng triệu đô la, trong khi đó chưa chắc người làm chủ đã có thể làm được điều tương tự. Vấn đề là cơ hội của mỗi người đều không giống như nhau.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Left Brain Connectors. Ảnh: Đ.Q

- Đối với các anh, tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam nằm trong lĩnh vực nào, liệu có một ngành nào đó đột biến trong thời gian tới? (Minh Hoài, 26 tuổi, Quy Nhơn)

- Ông Lương Văn Lý: Đây là một câu khó trả lời vì cho tới giờ, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển kinh tế quốc gia nên chưa có những ngành mũi nhọn được lựa chọn để phát triển trong những năm tới. Tôi nhớ có chuyên gia marketing đề nghị Việt Nam nên chọn thức ăn chẳng hạn như ... phở để phát triển. Thật ra cho đến nay cũng chưa ai biết đó sẽ là ngành nào.

Bản thân tôi cũng chưa thấy ngành nào là đột biến cho kinh tế VN. Bởi lẽ đột biến không thể từ trên trời rơi xuống, sự đột biến cần sự vun đắp, bồi dưỡng để phát triển.

- Ông Phạm Việt Anh: Cá nhân tôi không phải là chuyên gia kinh tế vĩ mô nên không thể đưa ra ngành nào đột biến, do vậy cho dù ngành nào có đột biến đi chăng nữa thì cũng bắt đầu từ tư duy sáng tạo có tính đột phá. Vì phải đột phá mới có tính đột biến.

- Theo ông, giới trẻ làm giàu trong bối cảnh hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì? Ông có cho rằng trong vài năm nữa, tại Việt Nam sẽ xuất hiện làn sóng thế hệ 9X làm giàu? (Nguyễn Hoài Anh, 25 tuổi, Đà Nẵng)

- Ông Đặng Hồng Anh: Điều thuận lợi với giới trẻ hiện nay là đất nước thoát khỏi chiến tranh, kinh tế thị trường mở cửa, nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều, việc tiếp cận tri thức, khoa họa kỹ thuật tiên tiến cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ chưa có định hướng, mục tiêu, kế hoạch để phấn đấu đạt được. Theo tôi, giới trẻ càng ngày càng nhiệt huyết hơn nữa, làn sóng làm giàu từ đó sẽ mạnh mẽ hơn.

- Là doanh nhân trẻ đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi kinh tế vĩ mô nói chung bị khủng hoảng, có lúc nào ông thấy mệt mỏi và suy sụp? Những lúc như thế ông thường làm gì để lấy lại thăng bằng? (Vũ Chí Anh, 31 tuổi, TP Hải Phòng)

- Ông Đặng Hồng Anh: Áp lực điều hành, chi trả cổ tức cho cổ đông lớn, thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua càng tạo áp lực lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi may mắn xuất thân từ gia đình có truyền thống giáo dục tốt, nhận được sự chia sẻ từ gia đình, bạn bè, cán bộ cốt cán tại công ty... Họ giúp tôi rất nhiều trong những lúc khó khăn.

Tôi rất mê thể thao, golf là một môn thể thao giúp tôi rất nhiều trong công việc.

- Ông Lương Văn Lý: Chưa bao giờ tôi thấy áp lực giảm mà trái lại cứ lớn thêm. Những lúc như vậy tôi quyết định quên áp lực đi, đọc sách, đi bơi, xem phim hành động, gọi điện thoại cho vài người bạn để bù khú. Đây là khoảng lặng hết sức cần thiết để lấy lại sự bình tâm.

Giống như nhân vật Sacrlett trong Cuốn theo chiều gió, khi gặp khó khăn thì quyết định đi ngủ một giấc với lời tự nhủ "ngày mai mọi việc sẽ tốt hơn". Sau khoảng lặng đó, sáng hôm sau tôi sẽ bắt đầu tìm giải pháp cho vấn đề, trước hết bằng cách trao đổi tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, đàn anh đã đi trước và sau đó, tự mình suy nghĩ tìm giải pháp.

Ông Lương Văn Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Đại Nam Long (DNL). Ảnh: Đ.Q

- Anh Hồng Anh rất nổi tiếng. Anh có thể chia sẻ gì về quá trình đạt đến điều này ngoài những trợ giúp từ bác (Đặng Văn Thành)? Theo anh, đâu là điểm cân bằng giữa: sự nổi tiếng thông thường, sự thành đạt trong kinh doanh và sự cống hiến cho xã hội? (Vũ Thọ, 32 tuổi, Nam Định)

- Ông Đặng Hồng Anh: Tôi không phủ nhận mình có xuất phát điểm tốt hơn những bạn đồng trang lứa, nhưng đây chỉ là một trong những yếu tố thuận lợi. Những thành quả đạt được của Sacomreal sau 5 năm hoạt động đã chứng minh cho những cố gắng và năng lực của bản thân tôi.

- Xin ông cho biết việc giới trẻ ngày nay có nên tự xây dựng thương hiệu riêng cho công ty của mình hay không? Nếu có, trong việc xây dựng thương hiệu thường gặp phải những khó khăn nào? Ngoài ra, để định hướng tốt cho mục tiêu của mình cần nhất những yếu tố nào? (Việt Hùng, 28 tuổi, TP HCM)

- Ông Phạm Việt Anh: Có chứ, phải xây dựng thương hiệu riêng của cá nhân (nhân hiệu) rồi mới đến công ty (thương hiệu). Vì là người trẻ do vậy để xây dựng được thương hiệu uy tín công ty sẽ mất rất nhiều thời gian. Nên bắt đầu từ những uy tín, thành tích của cá nhân, vì những điều đấy sẽ góp phần xây dựng nên thương hiệu doanh nghiệp. Thương hiệu cá nhân thường được tích cóp và vun đắp thông qua những kinh nghiệm có tính thành tích trong thời kỳ chuẩn bị lập nghiệp.

- Làm sao để “Tiền lại đẻ ra tiền”? Anh Đặng Hồng Anh có thể chia sẻ về vấn đề này không? (Trần Nhật Hoa, 28 tuổi, TP HCM)

- Ông Đặng Hồng Anh: Để tiền đẻ ra tiền bạn phải đầu tư, nhưng sẽ có rủi ro. Hiện có 3 kênh đầu tư thông dụng nhất: chứng khoán, bất động sản, vàng. Bạn phải nghiên cứu, am hiểu, lựa chọn đơn vị tư vấn cho tốt để hạn chế rủi ro. Còn nếu muốn an toàn, bạn hãy gửi tiết kiệm.

Hiện kênh đầu tư từ vàng và chứng khoán khá bất ổn. Cho nên nếu có tiền (khoảng 100 triệu), bạn có thể chọn kênh bất động sản, vì giữ chắc tài sản trong tay (đất, sổ đỏ).

- Cho tôi hỏi các anh đã có gia đình chưa? Mẫu bạn gái của các anh là gì? Bà xã của anh Lý quan niệm như thế nào về chuyện làm giàu của chồng? (Nguyệt Anh, 26 tuổi, TP HCM)

- Ông Đặng Hồng Anh: Tôi may mắn có một người vợ rất tốt và hai bé trai kháu khỉnh (một bé 1 tuổi, một bé 4 tuổi).

- Ông Phạm Việt Anh: MBA (thạc sỹ quản trị kinh doanh)! (cười)

- Ông Lương Văn Lý: Làm giàu sẽ trả giá đắt. Tiền bạc, thời gian và sức khỏe. Càng ham làm giàu thì càng hy sinh nhiều thời gian. Không có thời gian thì có khi không có sức khỏe và không còn thời gian chăm sóc gia đình. Cần cân bằng 3 yếu tố trên. Bà xã là người cổ vũ tôi mạnh mẽ ra tư nhân. Vai trò của vợ tôi rất quan trọng đối với công việc hiện tại của tôi. Vợ tôi làm công việc giảng dạy tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM.

- Chú Lý vốn là người làm nhà nước. Chú có thể đưa ra một lời khuyên thẳng thắn cho các bạn sinh viên mới ra trường là nên làm nhà nước hay làm ngoài không ạ? Có nhiều câu trả lời về vấn đề này nhưng hay chung chung kiểu "biện chứng" cả hai đều tốt! Cũng mong nhận được câu trả lời về "tổng số dự trữ tài sản" của chú. (Trương D, 23 tuổi, Hà Nội)

- Ông Lương Văn Lý: Làm việc cho nhà nước có nhiều cái lợi. Trước hết có kinh nghiệm về phương thức vận hành bộ máy nhà nước, sau này ra làm tư nhân sẽ có kinh nghiệm. Bởi lẽ, khi ra làm tư nhân hầu như ngày nào cũng phải giải quyết công việc liên quan đến nhà nước. Việc giải thích luật pháp và vận hành luật pháp ở Việt Nam cực kỳ quan trọng. Trong luật pháp có nhiều khoảng trống không rõ ràng, sẽ phụ thuộc vào cách lý giải của quan chức nhà nước.

Kinh nghiệm làm việc tập thể: lấy ý kiến tập thể, tôn trọng ý kiến tập thể. Nhà nước làm việc tôn trọng tập thể. Trong khi đó, thực tế doanh nghiệp tư nhân lại chuộng chế độ thủ trưởng. Mấy chục năm làm nhà nước tôi học được cách làm việc tập thể. Làm việc nhà nước là quá trình học hỏi giúp ích. Chỉ mới 3 năm ra tư nhân trong giai đoạn khủng hoảng này nên chưa có dự trữ.

- Công ty của anh Việt Anh lấy tên Left Brain Connectors từ ý tưởng nào? Phải chăng hoạt động tư vấn không cần tư duy cảm xúc của não phải? (Trần Diệu Thùy, 25 tuổi, Hà Nội)

- Ông Phạm Việt Anh: Bản chất của tiếp thị sáng tạo là sử dụng bán cầu não phải (tư duy sáng tạo, tầm nhìn bối cảnh, trực giác) trong khi tiếp thị truyền thống sử dụng bán cầu não trái (tư duy logic, tuyến tính, chức năng). Khi sử dụng đồng thời cả hai tư duy này sẽ làm tăng gấp bội khả năng tiếp thị, nâng tầm thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh doanh tối ưu.

Công việc của Left Brain Connectors không thay thế tiếp thị truyền thống (não trái). Nó là sự bổ sung thuần túy (não phải), là một chức năng cần được bổ sung cho bộ phận tiếp thị, một chức năng cần đến sự toàn tâm toàn ý, có hệ thống và tính chuyên nghiệp của quy trình.

- Anh Hồng Anh đã nói rằng anh chỉ ngủ một đêm là sáng hôm sau có thêm 1 tỷ đồng trong tài khoản... Nhưng nếu cha mẹ anh không có tiền để anh làm vốn kinh doanh thì liệu anh có thể có ngay 1 tỷ đồng đó hay không? (Trần Văn Minh, 22 tuổi, 32 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

- Ông Đặng Hồng Anh: Hiện tại, số tiền hàng ngày mà tôi kiếm được, phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của Sacomreal.

- Một ngày làm việc của quý vị là bao lâu? (Đặng Bắc Phương, 30 tuổi, 141-143 Hàm Nghi, Quận 1, TP HCM)

- Ông Lương Văn Lý: Bình thường tôi làm việc 10 giờ đồng hồ một ngày. Nếu tính những buổi tiếp khách cũng là thời gian làm việc thì có thể là 14-15 tiếng đồng hồ. Tôi ít khi nào ngủ trước 12h khuya, thông thường tôi thức dậy vào lúc 6 giờ sáng.

- Ông Phạm Việt Anh: Một ngày làm việc của tôi khoảng 3 tiếng tuy nhiên thời gian tư duy cho công việc thì mất từ 12-15 giờ. Do công việc liên quan đến sáng tạo tôi có thể làm việc ở bất cứ mọi nơi, mọi lúc khi cảm hứng trào dâng. Thậm chí đôi lúc khi ngủ cũng bừng tỉnh cầm giấy viết ghi lại những ý tưởng ùa về, để sáng mai họp lại với đội ngũ để triển khai cho kịp tiến độ công việc do khách hàng giao phó.

- Ông Đặng Hồng Anh: Một ngày làm việc của tôi từ 10 giờ đồng hồ trở lên. Thời gian dành cho việc tiếp khách 4-5 ngày và có thể kéo dài đến khuya, do tính chất ngành nghề của mình phải thường xuyên giao tiếp.

- Các anh quan niệm thế nào về một người phụ nữ có khát khao làm giàu và khẳng định bản thân trong lĩnh vực kinh doanh? Liệu những người phụ nữ ấy có thể vẫn giữ được vai trò làm vợ làm mẹ hay không? (Lan Nguyen, 23 tuổi, Hà Nội)

- Ông Lương Văn Lý: Tôi nghĩ đàn ông hay phụ nữ đều như nhau, làm giàu là việc nên khuyến khích và nên cỗ vũ và không nên có bất cứ sự phân biệt nào. Tuy nhiên làm giàu có cái giá của nó, điều này không loại trừ nam hay nữ. Chính vì thế không nên để mình phải trả cái giá cao quá, không nên để cho việc làm giàu lấn át đi đến triệt tiêu thời gian dành cho bản thân mình, bạn bè và cho gia đình.

- Nhân vật nổi tiếng nào trong giới kinh doanh mà các ông yêu mến nhất? Vì sao? Xin cảm ơn! (Hung, 29 tuổi, Bắc Ninh)

- Ông Đặng Hồng Anh: Đó là ba của tôi (ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank). Ba tôi là thần tượng của tôi. Tôi kế thừa và học được ở ba cách nghĩ, kinh nghiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp...

- Gửi anh Việt Anh. Các hãng nước ngoài làm dịch vụ marketing, branding tốt hơn các công ty Việt Nam. Có thể thấy các chiến dịch marketing của các mạng di động lớn của Việt Nam có sử dụng nhiều đến dịch vụ của các hãng nước ngoài. Có phải tư duy chiến lược của người nước ngoài tốt hơn người Việt Nam? Quan điểm của anh về digital marketing trong kinh doanh? (Nguyễn Mạnh Tiến, 25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

- Ông Phạm Việt Anh: Có những chương trình các agency Việt Nam làm tốt hơn agency nước ngoài, do vậy tính phù hợp của năng lực agency và nhu cầu của chương trình sẽ quyết định việc chọn lọc agency tốt nhất. Không hẳn tư duy chiến lược của người nước ngoài tốt hơn VN, hay ngược lại. Điều này phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp và sự thấu hiểu của thị trường mục tiêu trước khi xây dựng chiến lược.

Tất cả những nhà hoạch định chiến lược đều sử dụng chung một phương pháp như nhau là lấy khách hàng làm trọng tâm cho việc xây dựng chiến lược, do vậy những chiến lược tốt nhất phải bắt đầu từ việc thấu hiểu khách hàng tốt nhất. Chính vì thế, khi anh hiểu sai thị trường (đầu vào) thì đầu ra sẽ sai. Không phân biệt anh là agency nước ngoài hay trong nước.

- Bí quyết làm giàu của các anh là gì? Tôi có ước mơ làm giàu từ lâu nhưng quả thực chưa biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào! Việt Nam đang trên con đường hội nhập một cách rộng rãi với thế giới. Là một công dân Việt Nam tôi mong muốn mỗi người sẽ làm giàu cho đất nước mình ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. (Nguyễn Ngọc Mai, 28 tuổi, Hà Nội)

- Ông Đặng Hồng Anh: Theo tôi, đó là sự nhạy bén, quyết đoán, nhiệt huyết trong công việc.

- Ông Phạm Việt Anh: Tôi làm giàu chẳng có bí quyết gì cả. Thực tế là tôi làm giàu bằng "não phải" (sáng tạo) và tiêu tiền bằng "não trái" (thông minh). Kiếm tiền cũng không hẳn là khó, tiêu tiền thì khó hơn, do vậy để phát triển bền vững, bạn cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa "não trái" và "não phải".

- Ông Lương Văn Lý: Chúng tôi là một công ty tư vấn nên chúng tôi tập trung cố gắng giữ cho được khách hàng cũ đồng thời tìm được càng nhiều khách hàng mới càng tốt. Muốn như vậy, chất lượng dịch vụ phải ngày càng tốt hơn, đáp ứng cao hơn lợi ích của khách hàng và thời gian cung cấp dịch vụ phải ngày càng ngắn hơn. Nếu làm được như vậy chúng tôi có thể giữ phí dịch vụ của chúng tôi ở mức cao. Đó là bí quyết làm giàu.

- Khi tư vấn cho các doanh nghiệp trong thời điểm có suy thoái, ông nói gì với họ? (Nguyễn Minh Vân, 29 tuổi, Hải Phòng)

- Ông Lương Văn Lý: Công ty DNL chuyên tư vấn đề đầu tư. Chúng tôi tư vấn cho khách hàng các khía cạnh: pháp lý, tài chính (soạn thảo kế hoạch kinh doanh), thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, giúp khách hàng thỏa thuận với đối tác... các khâu từ lúc dự án được soạn thảo trên giấy tờ cho đến khi dự án được thực hiện trên thực địa.

DNL không tư vấn về chiến lược và sách lược kinh doanh nên hầu như không có khách hàng đến hỏi ý kiến về kế hoạch thoát khỏi suy thoái, khủng hoảng.

- Cái giá phải trả cho khát vọng làm giàu của anh là gì? Vì em nghĩ để làm giàu có hàng nghìn cách, nhưng mỗi cách có cái giá của nó. Sinh viên tụi em có thể nghĩ ra hàng nghìn cách để thực hiện khát vọng, nhưng để biết cái giá của nó thì chỉ có cách trải nghiệm, lúc ấy cũng khá muộn màng để sửa chữa mọi thứ! (Trương Thị Nguyệt Hằng, 21 tuổi, Đồng Nai)

- Ông Đặng Hồng Anh: Đối với tôi, đó là thời gian và sức khỏe.

- Gửi anh Đặng Hồng Anh. Anh có thể chia sẻ cho tôi biết phương cách quản lý và điều hành nhân sự của anh được không? Làm thế nào để anh có thể điều khiển được công ty với nhiều nhân sự lớn tuổi và kinh nghiệm hơn anh? Anh có cho rằng Sacomreal do anh lãnh đạo đã đi đúng hướng?(Trần Minh Đức, 29 tuổi, E7 Bách Khoa Hà Nội)

- Ông Đặng Hồng Anh: Sau 5 năm, những thành quả mà Sacomreal đạt được đã phần nào trả lời cho 3 câu hỏi đó.

- Các ông có bao nhiêu chân dài theo đuổi (Thùy Chi, 22 tuổi, Mỹ)

- Ông Đặng Hồng Anh: (cười)

- Em chào anh Phạm Việt Anh. Em vừa mở công ty riêng được 3 tháng nhưng vẫn chưa có thu nhập. Trong 3 tháng đó em cũng rất cố gắng đưa ra nhiều ý tưởng nhưng không thành. Em mong anh tư vấn những giải pháp hợp lý để đưa công ty phát triển. (Nguyễn Văn Cao, 24 tuổi, TP HCM)

- Ông Phạm Việt Anh: Ba tháng là khoảng thời gian quá ngắn để quyết định việc ổn định kinh doanh của một doanh nghiệp. Theo mình hiểu thì bạn đang kinh doanh một ngành nghề có tính đặc thù (kỹ thuật, tư vấn...), khác với việc kinh doanh buôn bán thông thường chỉ cần vốn liếng và sự nhạy bén bẩm sinh thì những ngành này đòi hỏi những kinh nghiệm có tính thành tích của cá nhân rất cao trong công việc điều hành và kinh doanh vì nó được nhìn nhận là những vốn liếng có giá trị vô hình giúp tạo dựng niềm tin của khách hàng khi làm việc với mình.

Với việc mới ra trường mà đã quyết định làm ngay là hơi sớm khi chưa có nhiều thành tích. Việc quyết định sự thành bại của kinh doanh phải bằng mục tiêu. Ví dụ nếu mục tiêu năm năm đầu của bạn là tạo dựng uy tín và kinh nghiệm thì mục tiêu lợi nhuận vẫn là thứ yếu. Sau khi đã có đầy đủ những "vốn liếng vô hình" trên, thì giá trị doanh nghiệp sẽ được gia tăng, tùy theo nghệ thuật xây dựng thương hiệu của bạn.

- Hiện tại các ông đang kinh doanh theo hướng nào:" Bán cái mọi người cần hay bán cái mình đang có"? Vì sao lại kinh doanh theo hướng đó ? (Hoàng Hà, 22 tuổi, Lạch Tray, Hải Phòng)

- Ông Đặng Hồng Anh: Hiện tại, tôi đang kinh doanh theo cách hài hòa giữa 2 hướng mà bạn nêu ra. Với những cái đang có, chúng tôi phải nghiên cứu, trau chuốt cho nó phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Còn đối với cái mọi người cần, thì đó là định hướng để chúng tôi đáp ứng nhu cầu đó.

- Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng hiện tại họ rất là chán và sợ môi trường đầu tư của Việt Nam vì hay bị thay đổi về cách làm, về luật pháp. Rất khó lấy các dự án của Việt Nam vì thông thường phải thông qua các công ty con của các sếp mới có thể lấy được. Và phải chung chi, ăn nhậu?(Trần Văn Minh, 22 tuổi, 32 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

- Ông Lương Văn Lý: Đúng là nhiều nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn về môi trường hành chính thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả; luật pháp chậm hoàn chỉnh, còn quá nhiều khoảng trống và kẽ hở, lại hay thay đổi; sự thiếu vắng quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế.

Ngoài ra, xã hội Việt Nam nói chung là xã hội trong đó vai trò quan hệ cá nhân, quen biết bạn bè là rất quan trọng có thể góp phần vào thành công hay thất bại của công việc kinh doanh. Còn những yếu tố tiêu cực khác thì không phải chỉ ở Việt Nam mới có và doanh nhân, nhà đầu tư cũng có trách nhiệm góp phần với các cơ quan chức năng đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực đó.

- Cách làm giàu của người Việt Nam và cách làm giàu của những nước khác (Mỹ, Trung Quốc) giống và khác nhau ở điểm nào? Khi làm giàu, theo các anh, nhưng điều kiện cần & đủ như thế nào? (Nguyễn Long, 30 tuổi, 457 Xô Viết Nghệ Tỉnh, P26, Bình Thạnh)

- Ông Phạm Việt Anh: Với những doanh nhân chân chính và chuyên nghiệp, việc làm giàu tại Việt Nam và thế giới đều giống nhau ở điểm là thấu hiểu thị trường, có khát vọng làm giàu, có ý tưởng độc đáo và quan trọng nhất là năng lực biến ý tưởng đó thành hiện thực. Ở thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, ý tưởng không phải là thứ "hàng hóa" quá hiếm mà quan trọng là việc biến nó thành lợi nhuận. Nếu ý tưởng này không thành thì sẽ còn nhiều ý tưởng khác, song nếu mất đi lửa làm giàu và năng lực triển khai thì dù có triệu ý tưởng độc đáo cũng chỉ là "ước mơ" và "mơ ước làm giàu".

- Quảng cáo là một nghệ thuật. Theo các anh làm thế nào để một công ty thu hút được nhiều sự chú ý nhất? (Trần Tùng, 27 tuổi, 15 Đinh Tiên Hoang - Q.1)

- Ông Phạm Việt Anh: Ý tưởng, ý tưởng và ý tưởng (độc đáo nhưng phù hợp). Cũng giống như trong kinh doanh bất động sản, yếu tố quan trọng nhất là: Địa điểm, địa điểm và địa điểm!

- Thưa anh Hồng Anh, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2010 sẽ phát triển theo xu hướng nào? Xu hướng thu đất để đầu tư bất động sản, anh thấy như thế nào? (Trương Bá Quang, 25 tuổi, 12AB Thanh Đa, Phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM)

- Ông Đặng Hồng Anh: Theo tôi, nó sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực, bởi sẽ có nhiều sản phẩm để nhà đầu tư và khách hàng chọn lựa. Các chủ đầu tư sẽ phải chú trọng đến tiến độ và chất lượng sản phẩm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để giữ uy tín và thu hút nhiều khách hàng hơn nữa.

- Kính thưa ông Lý, một người bạn nước ngoài của tôi đã nói: "Người Việt Nam không kinh doanh bằng Não mà kinh doanh bằng cái Mồm. Có nghĩa là hay nói xấu lẫn nhau hoặc chơi xấu lẫn nhau". Theo ông, làm gì và làm như thế nào để mọi người Việt Nam không kinh doanh bằng mồm nữa mà nên kinh doanh theo đúng nghĩa của nó, thương yêu nhau nhiều hơn nữa trong môi trường kinh doanh? (Trần Văn Minh, 22 tuổi, 32 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)

- Ông Lương Văn Lý: Nếu doanh nhân Việt Nam không kinh doanh bằng não thì chúng ta không có được những doanh nhân thành đạt và giàu có để nói chuyện lý thú như hôm nay. Không ai kinh doanh bằng mồm mà có thể thành tỷ phú được. Còn nói về sự thiếu hợp tác lẫn nhau điều này có thể thấy được ở một vài doanh nghiệp, một vài doanh nhân; đây là vết tích của một thời gian dài làm ăn nhỏ lẻ manh mún, cạnh tranh với nhau theo kiểu "tao sống thì mày phải chết".

Vết tích này sẽ nhanh chóng biến mất khi nền kinh tế Việt Nam lớn mạnh, hiện đại và hội nhập, đòi hỏi các doanh nhân Việt Nam phải thực sự bắt tay nhau kết hợp sức mạnh của nhau để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

- Anh sẽ đề nghị tôi làm gì để trở thành một nhà triệu phú. Những cuốn sách mà anh tâm đắc nhất? Ai là thần tượng của anh? (Lương Chí Hiếu, 30 tuổi, TP HCM)

- Ông PhạmViệt Anh: Người Nhật có cách nghĩ muốn kiếm tiền thì phải đổ mồ hôi, muốn không đổ mồ hôi mà có tiền thì phải suy nghĩ. Cuốn sách tôi thích nhất là cuốn Whatever you think, think the opposite (tạm dịch: Bất cứ điều gì bạn nghĩ nên nghĩ thêm điều ngược lại), của Paul Arden. Một cuốn sách giúp khích lệ tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo vốn có trong bạn. Có thể tôi không có thần tượng nhưng có những doanh nhân đàn anh làm tôi ngưỡng mộ, là nguồn khích lệ tính khởi nghiệp của tôi như Lý Quý Trung, Đặng Lê Nguyên Vũ, Lý Ngọc Minh...

- Gửi anh Đặng Hồng Anh. Khi bắt đầu thành lập công ty kinh doanh địa ốc khó khăn lớn của anh là gì? Làm thế nào để vượt qua các khó khăn đó khi mọi chuyện mới chỉ là bắt đầu? (Ngô Thành Liêm, 28 tuổi, Lai Vung, Đồng Tháp)

- Ông Đặng Hồng Anh: Thời điểm thành lập Sacomreal năm 2004 là giai đoạn thị trường địa ốc đang đóng băng. Tôi đã cùng với các định chế tài chính đưa ra mô hình tài trợ mua bán bất động sản dài hạn 20 năm. Nhờ thế, các khách hàng có được nguồn hỗ trợ về tài chính để thực hiện giao dịch. Và từ đó, thị trường bất động sản ấm dần lên.

- Tôi rất khâm phục ông Lý đã từ quan để thực hiện những khát vọng của mình. Giả sử sau khi từ quan về bỗng dưng ông mất hết tài sản và trắng tay, vậy ông có quay trở lại làm quan hay vào một công ty, tổ chức nào đó không? (Phạm Ngọc Hưng, 27 tuổi, Hà Nội)

- Ông Lương Văn Lý: Quyết định không làm việc cho nhà nước nữa là một quyết định đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng trong một thời gian khá dài. Không thể có yếu tố ngẫu nhiên hay "bỗng dưng" trong việc này được.

- Là người trẻ và kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu khá mới mẻ, ông nghĩ đây là thời cơ hay thách thức? (Hà Hải, 27 tuổi, Hải Phòng)

- Ông Phạm Việt Anh: Thách thức là cái tôi nghĩ tới đầu tiên chứ không phải cơ hội, vì ngành tư vấn thương hiệu vốn còn rất mới mẻ tại VN và là thế mạnh nhiều năm của những tập đoàn quốc tế. Do đây là một ngành non trẻ tại VN thì đấy lại là thời cơ của những doanh nghiệp tư vấn thương hiệu Việt như Left Brain Connectors tiên phong từng bước khẳng định mình.

Ở Left Brain Connectors hiện hội tụ đầy đủ nhiều nhân sự đã có kinh nghiệm và thành công nhất định cho những tập đoàn tư vấn truyền thông và thương hiệu đa quốc gia đang điều hành và quản lý. Do vậy, mọi sản phẩm hay dịch vụ do Left Brain Connectors cung cấp đều đạt chuẩn tắc nghề nghiệp mang tính quốc tế.

- Từ năm 2006, TS đã bình chọn và công bố danh sách 100 người giàu trên sàn chứng khoán. Hoạt động này nay thành thường niên để tôn vinh doanh nghiệp làm ăn chân chính thành đạt và thay đổi quan niệm xã hội về người làm giàu cho đất nước. Các ông nghĩ gì về chương trình này, trong khi thế giới không lạ gì chuyện xếp hạng người giàu? (Trần Minh Long, 28 tuổi, TP HCM)

- Ông Đặng Hồng Anh: Tôi cũng cảm ơn TS Thông qua việc bình chọn này, đã trả lời một phần nào đó công sức mà giới doanh nhân đã nỗ lực cố gắng làm việc. Tôi rất vui và tự hào vì nhiều năm liền lọt vào top người giàu trên sàn chứng khoán do TS bình chọn.

Các bạn trẻ phải xác định được định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của mình, sau đó kiên trì và nhiệt huyết để đạt được nó. Thế hệ 8X và 9X là thế hệ được kế thừa và kỳ vọng rất nhiều, nên các bạn trẻ cần phải cố gắng và nỗ lực thật nhiều để đạt được hoài bão và ước mơ của mình.

Nếu gặp phải thất bại, các bạn cũng hãy bình tĩnh, đừng nản lòng mà hãy nhìn nhận, đánh giá những thất bại này để đúc kết kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời xây dựng cho mình định hướng mới.

- Ông Lương Văn Lý: Như tôi đã nói từ đầu, làm giàu chính đáng rất đáng hoan nghênh, nên cổ vũ. Đây cũng là quan điểm chính thức của lãnh đạo VN. Điều tôi mong muốn là trong vòng 5 năm nữa, chúng ta sẽ có những doanh nhân VN không những được xếp hạng trong nước như TS đang làm mà còn được xếp hạng hàng năm trong danh sách Forbes.

- Ông Phạm Việt Anh: Đây là một chương trình tốt để công khai khuyến khích việc làm giàu chân chính đối với doanh nhân và đồng thời xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về sự thành đạt xứng đáng của doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. VN là một nền kinh tế đang phát triển và bản thân chữ "đang phát triển" đã chứa đựng nhiều cơ hội. Vậy còn chờ gì nữa! Các bạn hãy bắt đầu và chỉ bắt đầu khi bạn nhìn thấy những cơ hội mà không gì giữ chân bạn được (cho dù là mức lương nghìn đô từ những công việc ổn định khác).




Bí quyết làm giàu nhanh chóng
Làm giàu bằng vốn ít
Giấc mơ làm giàu của giới trẻ
Bí quyết làm giàu của doanh nhân Việt Nam
Những bí quyết làm giàu giúp bạn thành công nhanh chóng
Kế hoạch làm giàu để bạn 'cán đích' thành công nhanh nhất
Bí quyết làm giàu của những tỷ phú
Kế hoạch kinh doanh mỹ phẩm giúp bạn làm giàu nhanh chóng





(ST)