Cách làm kế hoạch học tập hiệu quả nhất cho bạn


Hằng ngày chúng ta cắp sách đến trường, vào lớp nghe thầy cô giảng bài, nhưng rất ít bạn đặt vấn đề: Nên học như thế nào?





CÁCH LẬP KẾ HOẠCH HỌC TẬP HIỆU QUẢ

 

 


Lập kế hoạch học tập hợp lý sẽ mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến, TP.HCM trong giờ học ngữ văn

Nếu không phát huy tinh thần tự học, tự tổ chức kế hoạch học tập thì rất khó đạt kết quả cao. Vậy để có một kế hoạch học tập khoa học, chúng ta phải làm sao? Trước khi lập kế hoạch học tập, các bạn cần lưu ý:

Phân tích đặc điểm và năng lực học tập của bản thân

Mỗi người có một đặc điểm học tập rất khác nhau: có người mê văn, có người yêu toán... Người mê văn chỉ mong tới giờ văn để được thả hồn vào những vần thơ, áng văn hay, say sưa nghe thầy bình thơ, giảng văn; người yêu toán chỉ đợi đến giờ toán để giải những bài toán khó, hóc búa hoặc xem thầy đưa ra những cách giải mới, đầy bất ngờ, thú vị... Trong học tập, mê văn hay yêu toán... đều rất đáng quý! Nhưng yêu cầu ở bậc phổ thông là phải học đều ở các môn. Vì thế yêu thích môn này mà bỏ bê môn kia, dẫn đến kết quả học tập giữa các môn quá khập khiễng thì cũng chưa được.

Để biết năng lực học tập của mình tới đâu, các bạn có thể tiến hành so sánh kết quả học tập của mình với các bạn trong lớp, hoặc trong cùng một môn, xem thời gian trước đây và hiện nay tình hình học của mình như thế nào, đi lên hay đi xuống? Để từ đó đưa ra kế hoạch học tập xác hợp nhất.

Xác định mục tiêu học tập

Mục tiêu học tập chính là phương hướng học tập của người học. Nhờ nó mà bạn thấy được ý nghĩa công việc mình đang tiến hành. Khi xác định mục tiêu học tập cần chú ý: tính vừa sức, tính rõ ràng và tính cụ thể của mục tiêu.

- Tính vừa sức: Mục tiêu ấy không nên đề ra các yêu cầu quá cao hoặc quá thấp so với khả năng của bản thân. Nếu quá cao thì khó thực hiện, dễ mất niềm tin vào bản thân, khiến cho mọi kế hoạch sẽ mãi mãi nằm trên giấy. Nếu quá thấp thì không cần nỗ lực cũng đạt được, dễ nhàm chán, không tạo ra thách thức để vươn lên. Ví dụ như: đối với việc học ngoại ngữ, bạn đề ra mục tiêu học 10 từ mới mỗi ngày là hoàn toàn có thể, nhưng nếu chỉ học có 5 từ thì quá ít và cố gắng học 80 từ một ngày là một mục tiêu quá cao, không thể thực hiện.

- Tính rõ ràng: Tính rõ ràng của mục tiêu thể hiện ở chỗ có thể đánh giá, có thể kiểm tra, đối chiếu để thấy rõ mình đã thực hiện đến đâu và cần bổ sung thế nào? Ví dụ như: từ nay về sau cần nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt hơn. Đây là một mục tiêu không rõ ràng, mơ hồ. Cần xác định cụ thể hơn: môn văn, sau mỗi buổi học dành 15 phút ôn tập; trước khi lên lớp học bài, soạn bài mới cẩn thận; mỗi ngày dành khoảng 30 phút để đọc tài liệu tham khảo; mỗi tuần tập viết một bài luận về đề tài tự chọn... cố gắng vượt lên hạng khá. Như vậy mục tiêu đề ra đã rõ ràng hơn. Các môn khác cũng cần có kế hoạch tương tự như thế.

- Tính cụ thể: Mục tiêu phải nêu lên được cách thức làm sao để đạt được những điều mình đề ra. Ví dụ muốn đạt được mức khá về ngoại ngữ thì phải cụ thể hóa kế hoạch học tập như: mỗi ngày học thuộc 10 từ mới, ôn tập 10 từ cũ; mỗi bài khóa đều học thuộc đến mức có thể viết lại toàn bộ mà không cần nhìn vào sách; khi học bài mới, dành 15 phút ôn lại bài cũ...

Sắp xếp thời gian học tập khoa học

Sau khi đề ra mục tiêu, bạn cần sắp xếp thời gian học tập một cách khoa học để đạt mục tiêu đó. Thế nào là sắp xếp thời gian một cách khoa học? Cơ bản phải đảm bảo các yếu tố sau:

- Toàn diện: Khi sắp xếp thời gian không chỉ nghĩ tới việc học bài mà còn phải dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Đồng thời cần cân đối hài hòa giữa thời gian học nội khóa và ngoại khóa. Đặc biệt phải chú ý tới bản chất của từng môn học để có kế hoạch đầu tư thời gian thích đáng.

- Hợp lý: Cần tìm khoảng thời gian thích hợp nhất đối với hoàn cảnh của bản thân để có thể học bài dễ thuộc, làm bài một cách thoải mái và đạt hiệu quả cao nhất. Lúc học nên sắp xếp xen kẽ các môn có hứng thú khác nhau, nhằm giảm bớt căng thẳng. Ví dụ: ôn tập văn xong, giải các bài toán khó, sau đó học ngoại ngữ...

- Nổi bật trọng điểm: Căn cứ vào mức độ nặng, nhẹ, gấp hay không gấp của công việc mà sắp xếp thời gian. Cần đặt nhiệm vụ học tập khó khăn hoặc quan trọng lên trước để hoàn thành, bởi lúc ấy tinh lực còn dồi dào, tư duy linh hoạt, tập trung cao. Những việc tương đối dễ để làm sau.

- Thời gian trống: Không nên sắp xếp công việc quá dày đặc, như vậy rất khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Cần phải cân đối giữa công việc và quỹ thời gian, có những khoảng thời gian trống cần thiết để giải quyết những việc đột xuất. Ngoài ra còn cần có kế hoạch cho những bài kiểm tra (ôn tập, hệ thống hóa kiến thức... trước khi kiểm tra từ 1-2 tuần). Kế hoạch cho những ngày nghỉ, kế hoạch vui chơi, ngoại khóa!

Tóm lại, đối với học sinh, học tập có kế hoạch là một yêu cầu không thể thiếu. Nó là điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công. Có thể ví kế hoạch như là “mệnh lệnh” nghiêm khắc buộc mình tuân theo, nó còn là người chỉ huy, chỉ đạo mọi hoạt động của mình.

Kế hoạch học tập không chỉ có lợi đối với việc nâng cao chất lượng học tập mà còn giúp các bạn bồi dưỡng và hình thành những thói quen tích cực như: luôn làm việc có kế hoạch, luôn có ý thức và ý chí thực hiện kế hoạch, biết quản lý bản thân, quản lý thời gian.


Lưu ý khi lập kế hoach học tập

Nhiều sinh viên cho rằng chỉ cần cố gắng học là có thể đạt kết quả tốt, nhưng thật ra, học ở ĐH khác với học ở trung học rất nhiều, và biết cách học có hiệu quả ở ĐH là một điều quan trọng mà có khi chưa được chú ý đúng mức.

Hệ quả của phương pháp học không tốt là lãng phí thời gian, thành tích học tập kém, thậm chí thi rớt dẫn đến chán nản, thất vọng và bất mãn.
Học đối với SV là cuộc sống, là tương lai. Vậy nên thời gian học tập vô cùng quý giá, không thể lãng phí được. Do đó, ngay ngày hôm nay, các bạn hãy tạo và phát triển nơi mình một kĩ năng học tập có hiệu quả.


1/ Lập kế hoạch học tập là điều cần thiết:
Trước khi làm bất cứ chuyện gì, nên lập kế hoạch. Nếu không có kế hoạch thì không làm chủ được thời gian, nhất là khi có điều gì bất trắc xảy đến. Một kế hoạch học tập tốt cũng giống như chiếc phao cứu hộ vậy. Mỗi người, tùy vào nhu cầu của mình, sẽ lập một kế hoạch học tập riêng, kế hoạch đó có thể thay đổi khi cần, nhưng điều quan trọng là phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra.

2/ Kế hoạch học tập giúp quản lý thời gian:

Bất cứ ai cũng có 168 giờ mỗi tuần, nhưng có người sử dụng quỹ thời gian đó có hiệu quả hơn người khác. SV có rất nhiều thứ để làm, bạn hãy liệt kê tất cả công việc cho từng ngày ( ngủ, chưng diện, đi lại, ăn uống, kiếm tiền, đi chơi, tham gia công tác đoàn thể, xã hội, thể thao…) sau đó, nếu bạn thấy còn ít hơn 30 giờ mỗi tuần để tự học thì bạn hãy kiểm điểm lại xem tại sao mình phí thời gian như vậy.

3/ Học ở đâu:
Bạn có thể học ở bất kỳ nơi nào, mặc dù rõ ràng có một số nơi thuận lợi hơn cho việc học. Thư viện, phòng đọc sách, phòng riêng là tốt nhất. Quan trọng là nơi đó không làm phân tán sự tập trung của bạn. Cho nên hãy làm cho việc lựa chọn nơi học thích hợp trở thành một phần của thói quen học tập của bạn.

4/ Khi nào nên học tập:
Nói chung chỉ nên học lúc chúng ta thoải mái, minh mẫn, vào đúng khoảng thời gian đã lên kế hoạch để học. Nguyên tắc là không học trong vòng 30 phút sau khi ăn, và trước khi đi ngủ,không học ngốn vào giờ chót trước khi đến lớp.

5/ Học cho giờ lý thuyết:
Nếu bạn học trước để chuẩn bị cho giờ lên lớp, cần đọc tất cả những tài liệu, cần đọc trước và ghi chú thích những điểm chưa hiểu. Nếu bạn học sau giờ lên lớp, cần chú ý xem lại những thông tin ghi chép được.

6/ Học cho giờ cần phát biểu, trả bài ( chẳng hạn giờ Ngoại ngữ):
Bạn nên dùng khoảng thời gian ngay trước các giờ học này để luyện tập kỹ năng phát biểu với các học viên khác ( nếu cần). Điều này sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng phát biểu.

7/ Sửa đổi kế hoạch học tập.
Đừng lo ngại khi phải sửa đổi kế hoạch. Thật sự kế hoạch chỉ là cách bạn dự tính sẽ dùng quỹ thời gian của mình như thế nào, cho nên một khi kế hoạch không hiệu quả, ta có thể sửa đổi nó. Nên nhớ rằng, việc lập kế hoạch là giúp bạn có thói quen học tốt hơn và khi đó việc lập kế hoạch sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Bạn phải ý thức một sự thật đơn giản là tuân theo đúng kế hoạch học tập đã định là một chuyện rất khó làm, trong khi vỡ kế hoạch là một việc dễ làm nhất trên thế gian này.


MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Lập kế hoạch cho 4 năm đại học của bạn


Nhiều tân sinh viên đã biết làm cho mình khác biệt, bằng cách đặt ra một bản kế hoạch chi tiết cho 4 năm đại học của mình, và sau khi ra trường, nhìn lại, chính bạn sẽ ngạc nhiên vì những điều mình làm được. Hãy lắng nghe chia sẻ của Ninh Quang Khôi, sinh viên xuất sắc ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại British University Vietnam, chia sẻ bí quyết để thành công trong môi trường ĐH.

Đặt ra mục tiêu ngay từ khi bước vào đại học

Để 4 năm đại học của bạn trôi qua thực sự ý nghĩa, ngay từ khi vừa bước vào đại học, bạn nên đặt ra mục tiêu lớn cho mình trong vòng 5 năm tới. Việc viết ra các mục tiêu là cách để nhắc nhở bản thân luôn luôn nỗ lực hướng đến mục tiêu đó.

Bạn có thể chia ra mục tiêu trong học tập như: đứng trong top 5 của lớp, tốt nghiệp loại giỏi, giành học bổng du học, thành thạo tin học, nâng cao kiến thức chuyên ngành; hay những mục tiêu liên quan đến kỹ năng làm việc như: kỹ năng mềm, thuyết trình trước đám đông, kỹ năng lãnh đạo, mở rộng các mối quan hệ xã hội, kết nối thêm bạn bè, tham gia các cuộc thi ý tưởng kinh doanh dành cho sinh viên…

Những hoạt động này sẽ giúp bạn hình thành phong cách sống, phong cách làm việc, ứng xử, mở rộng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp cũng như không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân.

Từng bước thực hiện kế hoạch

Năm thứ nhất, khối lượng kiến thức chuyên ngành chưa nhiều, bạn hãy dành thời gian còn rảnh rỗi này để mở rộng các mối quan hệ xã hội, học các kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Có rất nhiều gợi ý cho bạn nếu muốn có năm học ĐH đầu tiên thật thành công: tham gia một câu lạc bộ trong trường, tình nguyện mùa hè, đăng ký 1 lớp kỹ năng mềm và 1 lớp tin học, đăng ký lớp tiếng Anh giao tiếp, tìm kiếm cơ hội giao lưu với các sinh viên thế giới qua những chương trình trao đổi văn hóa và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, cũng đừng quên công việc quan trọng nhất của bạn là học tốt và giành những điểm số cao nhé.

Nếu có cơ hội, hãy ứng cử vào vị trí lớp trưởng hoặc bí thư lớp. Tuy có vất vả hơn nhưng sẽ là cơ hội lớn để phát huy năng lực bản thân và là bước đệm để bạn thực hiện những dự định tiếp theo của mình. Hãy làm mình nổi trội cả về học tập lẫn hoạt động ngoại khoá.

Năm thứ hai, việc nâng cao khả năng ngoại ngữ tương đương với mức IELTS 7.5 hay TOEFL 95 là điều rất cần thiết nếu bạn dự định đi du học, hoặc làm việc trong các tập đoàn toàn cầu.

Bạn cũng có thể trau dồi những kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo hay lập kế hoạch cá nhân... thông qua các khóa học, hoặc qua những việc làm thêm. Có rất nhiều công việc phù hợp với sinh viên như: dịch thuật, hướng dẫn du lịch, làm trợ lý tại các hội chợ, trợ giảng tại các trung tâm Tiếng Anh, lễ tân, thực tập sinh tại các công ty, tổ chức phi chính phủ. Bất cứ một công việc gì cũng giúp bạn có thêm kinh nghiệm và kiến thức cho tương lai của mình.

Hãy theo dõi, và bắt đầu tham gia các cuộc thi dành cho sinh viên (cuộc thi ý tưởng kinh doanh nếu là sinh viên ngành kinh doanh, cuộc thi Robocon nếu bạn học ngành kỹ thuật, cuộc thi sáng tạo vì môi trường nếu bạn học ngành môi trường). Những cuộc thi này sẽ thúc đẩy bạn nghiên cứu, nâng cao kiến thức, đồng thời rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp cũng như các mối quan hệ xã hội.

Năm thứ ba là thời điểm bạn học nhiều môn chuyên ngành, và mong muốn áp dụng kiến thức vào thực tế. Nhờ vào các mối quan hệ bạn xây dựng được trước đó, và những kỹ năng được rèn luyện từ năm thứ nhất, chắc hẳn sẽ không khó khăn gì để bạn tìm được một công việc thực tập tốt, phát huy được khả năng của mình, và thậm chí còn được trả lương cao.

Nếu bạn có ý định du học, thì đây là thời điểm để tìm hiểu các chương trình học bổng. Dành năm thứ 3 và năm thứ 4 để chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn hảo sẽ giúp bạn đến gần hơn với ước mơ du học.

Năm thứ tư với những thách thức mới, đó sẽ là năm quyết định bước ngoặt của cuộc đời bạn. Trong năm này, bạn sẽ vô cùng bận rộn với khóa luận tốt nghiệp và tìm kiếm công việc sau khi ra trường. Trước khi ra trường, nhớ hoàn thành các kế hoạch đã đặt ra từ năm đầu, như thi các chứng chỉ quốc tế, kết thúc khóa học với điểm số cao, và thi một học bổng lớn để hoàn thành ước mơ du học.

Lập kế hoạch cho bốn năm học của mình bạn sẽ hình dung được những khó khăn mà bạn phải trải qua cũng như những thách thức và cơ hội đang chờ đón bạn! Đừng bao giờ quên nhìn nhận lại những kế hoạch đó bởi vì kế hoạch dù có chi tiết đến đâu cũng có lúc cần phải sửa đổi cho phù hợp với sự thay đổi của chính bạn! Các bạn tân sinh viên đừng quên lập kế hoạch cho mình nhé!

Lập kế hoạch học tập và bắt đầu tự học ngoại ngữ như thế nào?
 

Cho dù bạn mới bắt đầu học ngoại ngữ hay đã học trong một thời gian dài, việc lập kế hoạch học tập cũng sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ mà bạn đang học. Kế hoạch học tập bao gồm (1) những hoạt động học tập của bạn trong suốt quá trình học và (2) những hoạt động học tập trong ngày của bạn. Sau khi lập kế hoạch, bạn có thể bắt đầu tự học theo cách mình muốn.

1. Đặt mục tiêu












Bước đầu tiên khi lập bảng kế hoạch là đặt ra mục tiêu bạn muốn đạt được. Mục tiêu này càng cụ thể càng tốt. Lấy ví dụ, mục tiêu là “Tôi muốn sử dụng thông thạo 3000 từ sau 6 tháng nữa” sẽ cụ thể hơn là mục tiêu “Tôi muốn vốn từ của mình trở nên phong phú sau 6 tháng”.

Sau khi bạn đã có mục tiêu lớn, hãy chia nhỏ nó ra thành mục tiêu hàng tháng, hàng tuần, hay hàng ngày. Điều này không những ngăn ngừa cảm giác “choáng ngợp” trước mục tiêu mà còn giúp bạn dễ dàng quản lý tiến độ thực hiện mục tiêu của mình. Sau khi bạn đã đạt được hết tất cả các mục tiêu nhỏ rồi thì... hãy nhìn lại xem, bạn đã đạt được mục tiêu lớn của mình lúc nào không hay rồi đấy!

2. Lựa chọn các công cụ và tiện ích học tập

Bạn có thể chọn ra những công cụ và tiện ích học tập giúp bạn học một cách hiệu quả nhất. Đó có thể là:

  • Từ điển hay kim từ điển
  • Sổ tay
  • Giáo trình
  • áy vi tính
  • Bộ tài liệu luyện thi
  • Điện thoại di động
  • Phần mềm hướng dẫn tự học tiếng Anh
  • Flashcards
  • Phim ảnh và nhạc
  • Sách truyện
  • ...

Việc lựa chọn cũng tùy thuộc vào sở thích cá nhân của bạn. Nếu bạn thích sử dụng từ điển giấy hơn kim từ điển, hãy chọn từ điển giấy. Nếu bạn không thích coi phim, hãy nghe đài. Nếu bạn không thích đọc sách, chẳng sao cả, bạn có thể lướt web đọc báo. Khi bạn cảm thấy thoải mái, bạn sẽ tiếp thu dễ dàng hơn.

3. Học từ vựng

Từ vựng là cái cơ bản nhất bạn cần trau dồi, vì không có từ vựng thì bạn không thể nghe, nói, đọc, viết được. Nếu như bạn đang học tiếng Anh tổng quát, hãy học những từ và cụm từ phổ biến nhất trước. Nếu bạn đang học tiếng Anh chuyên ngành, hãy tập trung vào các từ và cụm từ chuyên môn. Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn học từ vựng:

  • Tra các từ và cụm từ mới sử dụng tất cả các công cụ bạn có. Nếu như đó là một cụm từ chuyên ngành trong từ điển thường không có, bạn có thể tìm sự trợ giúp từ các diễn đàn học tiếng Anh, hoặc tra tìm theo cú pháp [từ vựng/cụm từ] + definition trên Google.
  • Khi bạn đọc sách, xem phim, lướt net... nếu gặp phải từ hay cụm từ mình chưa biết, hãy ghi lại chúng vào sổ tay. Bạn có thể mang theo mình một cuốn từ điển mini hay kim từ điển để tra các từ này.
  • Bạn cũng có thể mang theo flashcard để học từ khi có thời gian rãnh. Học mỗi lúc một vài từ sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn là cố gắng học nhiều từ cùng lúc. Bạn có thể tự vẽ lên flashcard để minh họa cho từ, bởi vì từ vựng sẽ được nhớ lâu hơn nếu được liên kết với một hình ảnh sinh động.
  • Bạn chỉ có thể nhớ lâu nếu thường xuyên ôn tập, nên hãy cố gắng sử dụng những từ mình mới học càng nhiều càng tốt. Hãy đưa từ mới học vào trong những hoạt động hằng ngày vì như vậy bạn sẽ được làm quen với từ trong những ngữ cảnh cụ thể.
  • Bạn phát âm to từ mình mới học cho đến khi tự tin với phát âm của mình. Nếu không chắc chắn, hãy thu âm và thử nghe lại giọng của mình để chỉnh sửa dần dần cho đến khi đúng.

4. Học ngữ pháp

Khi bạn đọc hay nghe tài liệu, bạn sẽ phát hiện ra một số điểm ngữ pháp mình chưa biết. Khi đó, bạn hãy sử dụng các công cụ học tập của mình để tìm hiểu về điểm ng�� pháp đó và ghi chúng vào sổ tay. Nếu vẫn chưa hiểu được, bạn hãy nhờ một người hiểu rõ hơn giải thích cho mình hoặc vào diễn đàn để hỏi những thành viên khác.

Ngoài ra, khi viết ghi chú hay lập kế hoạch những việc cần làm trong ngày, bạn có thể sử dụng những điểm ngữ pháp mình mới học. Hãy tìm kiếm cơ hội thực hành các điểm ngữ pháp này trong cuộc sống thường ngày.












5.
Nghe một cách chủ động

Khi nghe, bạn hãy lắng nghe thật kỹ xem người bản xứ nói gì và bắt chước ngữ điệu của họ, đồng thời chú ý tìm ra những từ và cụm từ bạn vừa mới học. Điều này giúp bạn nhớ lâu hơn những gì vừa học.

Nếu như bạn nghe thấy một từ hoặc cụm từ được sử dụng khác với cách mà bạn biết, hãy ghi chú và thực hành cách sử dụng mới này.

Đối với những tình huống bạn có thể dự đoán được người khác sẽ nói gì, hãy tìm hiểu và thực hành cách trả lời trước.


6. Nâng cao kỹ năng đọc

Bạn chọn lựa những tài liệu phù hợp với trình độ của mình để đọc. Ban đầu, bạn đọc những chủ đề mà mình yêu thích, sau đó dần mở rộng sang những chủ đề khác. Bạn có thể mang theo một cuốn sách khi đi ra ngoài và đọc trong thời gian rảnh.

Khi đọc, nếu bạn gặp phải những từ, cụm từ hay điểm ngữ pháp mới, cố gắng đoán ý nghĩa của chúng trước khi tra từ điển. Sau đó, bạn viết chúng lên flashcards để học dần.

7.    Nâng cao kỹ năng viết và nói













Sau khi bạn đã tích lũy đủ vốn từ và ngữ pháp, khả năng viết và nói ngoại ngữ sẽ hình thành một cách tự nhiên. Bạn chỉ cần thực hành nhiều hơn để biến khả năng thành kỹ năng, rồi sau đó nâng cao kỹ năng là được.

Bạn có thể nhờ một người trình độ cao hơn mình giúp chỉnh sửa lỗi sai khi nói và viết. Mỗi ngày, bạn ôn lại một số từ vựng và điểm ngữ pháp, và cố gắng sử dụng chúng khi nói và viết.

Bạn hãy chủ động tìm cơ hội thực hành nói với người bản xứ, lắng nghe họ nói và bắt chước ngữ điệu của họ.

Đối với kỹ năng viết, đầu tiên bạn viết theo chủ đề mình yêu thích, sau đó mở rộng sang các chủ đề khác.

8.    Nhờ sợ trợ giúp của những người xung quanh

Nếu bạn quen với người bản xứ, đừng bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này! Hãy đặt câu hỏi về những điểm bạn chưa rõ và nhờ họ đưa ra nhận xét để cải thiện kỹ năng nghe nói của bạn.

Đừng ngại ngần khi yêu cầu họ giúp đỡ, chẳng hạn như khi bạn muốn học cách diễn đạt một ý nào đó, bạn có thể hỏi: “How do you say ?” “How do you pronounce that?” “What does that mean?” “Would you please repeat that?”, sau đó ghi chú lại câu trả lời để học sau.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ người khác kiểm tra lại từ vựng bạn mới học bằng flashcard...

9.    Đánh giá và xem lại kế hoạch học tập













Mỗi tuần, bạn tự đánh giá xem mình đã tiến bộ được bao nhiêu, có đạt được mục tiêu học tập của tuần chưa, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp. Bạn có thể tự thưởng cho mình khi đạt được mục tiêu mình đề ra, cách này cũng giúp bạn có động lực học tập hơn.

Lập kế hoạch học tập giúp bạn hệ thống toàn bộ quá trình học của mình và theo tiến bộ học tập theo ngày, tháng, năm. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh lại hoạt động học tập cũng như mục tiêu học tập cho phù hợp để bắt đầu tự học. Chúc bạn tự học thành công!



Kế hoạch học Tiếng Anh hiệu quả
Kế hoạch luyện thi Ielts cực chuẩn cho bạn
Kế hoạch học tiếng Nhật hiệu quả
Kế hoạch luyện thi đại học để đỗ điểm cao
Kế hoạch cho tương lai luôn thành công, vượt trội
Kế hoạch luyện thi TOEFL cực chuẩn

 

(ST)