Mát ơi là mát đấy các bạn ạ.
Uống đến đâu là biết tới đó đấy.
Khi trong người cảm thấy khó chịu, nóng nảy, uống một ly nước khổ qua (mướp đắng) sẽ rất dễ chịu với tác dụng điều nhiệt. Khổ qua thích hợp với người bị táo bón, ăn khó tiêu. Khổ qua cũng có hai cách chế biến: ép lấy nước uống hoặc nấu thành sâm giải nhiệt. Nếu không ngại đắng, dùng những trái khổ qua “đèo”, non và có thể dùng luôn phần ruột. Ngược lại, chọn những trái khổ qua có gai nở lớn thì ít đắng hơn.
Nguyên liệu: 1 kg khổ qua, một lượng mật ong vừa đủ, đường cát trắng và đường phèn.
- Nước ép khổ qua: Khổ qua rửa sạch, bỏ ruột, ướp với đường cát trắng khoảng một giờ để đường thấm, sau đó cho vào máy ép lấy nước uống. Hoặc khổ qua sau khi rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng, đổ thêm ít nước lọc, cho vào máy ép lấy nước, đổ nước ép khổ qua ra ly, thêm mật ong vào, khuấy đều.
- Sâm khổ qua: Khổ qua rửa sạch, cho vào nồi nấu đến khi nước sôi, lọc bỏ phần xác, cho đường phèn vào. Có thể dùng nóng hoặc lạnh.
- Trà khổ qua: Khổ qua rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng thì hãm trong bình nước sôi đậy kín khoảng 30 phút.
MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM: Mướp đắng vừa ngon vừa bổ
Mướp đắng là thức ăn, vị thuốc của nhiều dân tộc trên thế giới. Nó là 1 trong ngũ vị mà con người ưa thích: Đắng, cay, chua, chát, ngọt. Mướp đắng còn có tên gọi: Khổ qua, Hồng cô nương, Lương qua, Cẩm lệ chi. Tên khoa học: Momordica charantia L. Họ Bầu bí (CUCURBITACEAE).
Mướp đắng là cây dây leo bằng tua cuốn. Thân có góc cạnh, lá mọc so le, phiến lá hình tim tròn chia 5 – 7 thuỳ, mép khía răng cưa to. Tràng hoa màu vàng nhạt. Quả dài 15 – 23cm, trên mặt quả có nhiều u nổi màu xanh nhạt, khi chín chuyển sang màu vàng rồi đỏ hồng. Hạt có màng màu đỏ (giống hạt gấc). Mùa quả từ tháng 2 – tháng 12( gần như quanh năm).
Trên thế giới, Mướp đắng được trồng nhiều ở các nước châu Á, Mỹ Latinh. Ở nước ta, Mướp đắng được trông ở khắp mọi miền.
Trong lá và quả Mướp đắng có chứa Polyphenol và Flavonoid (mùa đông cao hơn mùa hè một chút), hàm lượng polyphenol và Flavonoid trong quả cao hơn trong lá. Polyphenol: 3,85% trong quả, 3,09 trong lá già. Flavonoid: 1,34% trong quả 1,12% trong lá già. Các chất quan trọng là glycosid: charantin và momordicin. Charantin và polypeptid – P có tác dụng làm hạ đường huyết. Momordicin có tác dụng diệt vi khuẩn, siêu vi và hỗ trợ cho cơ thể chống lại các tế bào ung thư đang phát triển. Theo Wills và cộng sự thuộc Đại học Purdue – Mỹ: trong 100g quả Mướp đắng chứa: Chất béo 0,10g; chất đạm 0,90g; chất bột đường 4,70g; các khoáng chất như kali 250mg, calci 22mg, Magiê 16mg, Sắt 0,9mg, Kẽm 0,1g. Các sinh tố: A 4mg, C 50g, B1 0,05mg, B2 0,03mg, PP 0,40mg.
Đại học Calcuta (Ấn Độ) đã thử nghiệm cho 6 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 uống mỗi ngày 1 lần 100ml nước sắc Mướp đắng tươi. Sau 3 tuần lễ uống thuốc liên tục, đo lượng đường trong máu khi đói đã giảm được 54% so với ban đầu. Sau 7 tuần dùng thuốc, cả 6 bệnh nhân đều hết đường trong nước tiểu. Lượng đường trong máu trở về bình thường.
Cho Chuột cống trắng uống nước sắc Mướp đắng, sau 3 giờ nước mức hạ đường huyết là 24,58%, liều uống 200mg/Kg.
Cho chó đực uống cao Mướp đắng 1,7g/ngày: tinh hoàn bị thương tổn, giảm khả năng sinh tinh trùng. Cho chuột và thỏ cái có thai uống nước sắc Mướp đắng đều bị xuất huyết tử cung. Ở chuột cái có tác dụng chống thụ thai. Chuột có thai thì bị hỏng thai.
Công dụng: Theo Đông y: Mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, ăn thường xuyên sẽ làm giảm các bệnh ngoài da làm cho da dẻ mịn màng, được xếp vào loại thanh nhiệt lương huyết.
Theo y học hiện đại: Mướp đắng được dùng để chữa các bệnh:
- Đường huyết tuýp 2 (tiểu đường): Giai đoạn đầu chưa dùng các loại sulfamid hạ đường huyết. Phối hợp với các loại sulfamid hạ đường huyết để tăng tác dụng và giảm tác dụng phụ của các loại sulfamid hạ đường huyết
- Phối hợp với xạ trị chữa ung thư và giảm tác hại của tia xạ với người bệnh.
- Phòng chống bệnh tim mạch, thần kinh, lão hoá.
Dạng thuốc phổ biến là viên nang Mướp đắng chứa bột Mướp đắng đóng khô (được bán ở thị trường Mỹ và các nước châu Âu).
- Quả Mướp đắng (toàn phần, bỏ hạt) còn được dùng để chữa: táo bón, đầy hơi, khó tiêu, rối loạn đường ruột.
Các loại dược phẩm chứa Mướp đắng hiện lưu hành ở Việt Nam hiện chưa có viên nang chứa bột Mướp đắng đóng khô. Các loại khác như trà túi lọc khổ qua, có Mướp đắng khô phối hợp với Trà xanh: chỉ có tác dụng giải nhiệt trợ tiêu hoá. Do đó, cách dùng tốt nhất là quả Mướp đắng xanh, bỏ hạt, dùng tươi mỗi ngày 100 – 150g (tuỳ thể trọng người dùng) để chữa bệnh đường huyết tuýp 2 bệnh tim mạch, thần kinh hoặc hỗ trợ điều trị ung thư; dùng thường xuyên hàng ngày. Chữa táo bón, đầy hơi, khó tiêu, rối loạn đường ruột, liệu trình 3 – 5 ngày. Chế biến theo nhiều cách như:
Cách 1: Xào chín Mướp đắng bằng 1 chén con nước sôi rồi ăn cùng các món khác trong bữa ăn 1 lần/ngày (cách này tốt hơn cả).
Cách 2: Chế nước ép 1/1 (550g quả lấy 500ml nước ép chia làm 5 lần. Mỗi ngày uống 1 lần 100ml nước ép), bảo quản nước ép trong tủ lạnh.
Kiêng kỵ: Không dùng Mướp đắng cho phụ nữ có thai, nam giới đang cần sinh con. Người hạ đường huyết hoặc nhạy cảm với Mướp đắng. Người đang dùng thuốc có Huyền sâm.
CÁCH TRỒNG MƯỚP ĐẮNG
Mướp đắng dễ trồng, không kén đất. Là cây ưa ẩm, ưa sáng, sợ úng, ít sâu bệnh vì quả mướp đắng có hình dạng ngộ nghĩnh, bóng đẹp nên nó còn được trồng làm cảnh, lấy bóng mát kết hợp ăn quả trong gia đình. Có thể trồng Mướp đắng trên diện tích lớn để có hàng hoá cung cấp cho thị trường thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm.
Mùa vụ: Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào tháng 10 – 11 dương lịch (vì cây có chu kỳ sản xuất dài nhất).
Chọn giống: Chọn quả thuôn dài, thẳng, tròn đều, 2 đầu nhỏ. Để quả chín đỏ hồng đều mới hái, bổ lấy hạt, để nguyên cả màng đỏ bám hạt, phơi cho thật khô màng đỏ rồi mới bóc màng. Rửa sạch hạt, phơi khô. Chọn hạt mẩy đều, bỏ hạt vẹo hạt lép. Để nơi khô mát, chống chuột gặm hạt, không để lâu quá (càng để lâu tỷ lệ nảy mầm càng giảm).
Gieo hạt, ươm cây: Tốt nhất là gieo, ươm ngay vào bầu đất. Có thể dùng túi P.E hoặc ống tre rỗng to, ống bương (bổ đôi sẵn rồi buộc đai lại bằng dây tốt để khi trồng tách ống lấy bầu cây được dễ dàng) để làm bầu. Cho đất đã trộn 1/3 phân chuồng hoai mục hoặc bã chè khô; cho bột vỏ Dừa vào bầu ấn chặt khoảng 2/3 bầu. Chọc 1 lỗ nhỏ để thoát nước và thủng đáy túi P.E. Đặt vào mỗi bầu 2 hạt giống mướp đắng rồi phủ lên trên 1 lớp đất có mùn (1/4 bầu). Tưới nước đủ ẩm. Xếp các bầu đã ươm hạt vào nơi ẩm, có rào bảo vệ chống chuột và gia súc phá. Hàng ngày tưới nước đủ ẩm. Khi cây có 4 lá thật, chọn cây khoẻ nhất để trồng. Cắm que tre dài 50cm cho cây leo. Khi cây leo cao được 40cm thì đưa ra trồng.
Trồng, chăm sóc
Trồng nhiều để bán sản phẩm: Làm luống cao 30 – 40cm. Mặt luống rộng 20 – 30cm. Vùng trung du đồi, núi thấp cần làm luống theo đường đồng mức, vừa giữ ẩm vừa chống sói mòn đất. Cây cách cây 2m. Đào lỗ rộng 20cm dài 40cm sâu 20cm. Bón lót phân chuồng hoai mục rồi bỏ vỏ bầu, trồng bầu cây lên luống, tưới cho đủ ẩm. Làm giàn kiểu chữ A, mỗi giàn 2 luống. Khi cây leo giàn dài khoảng 2 – 3m thì bón thúc phân NPK. Pha loãng phân với đất bột, tỷ lệ 1/5, bón sâu 15cm 2 bên gốc, cách gốc 30cm. 90 ngày sau lại bón thúc NPK. Lần thứ hai, cách gốc 70cm.
Từ khi cây leo giàn, toả nhánh, cứ một tuần phải chỉnh các ngọn cho toả đều, tránh quấn quýt vào nhau. Khi cây kín giàn, mỗi tuần hái bớt lá nơi quá dày, để quả dễ phát triển (lá non nấu canh ăn được, lá già làm thuốc).
Trồng làm cảnh, bóng mát, ăn quả:
Nơi dễ thoát nước: Đào hố sâu 40cm, rộng 50 x 50cm. Cho phân chuồng hoai mục 1/4 hố trộn lẫn với đất. Đặt bầu (đã bỏ vỏ) cây đã leo 40cm vào trồng (mỗi cây cần 3 – 4m2 giàn).
Nơi dễ úng ngập: Làm ụ đất trồng bằng cách cho đất vào sọt tre to, đường kính 50 – 60cm, cao khoảng 60 – 80cm. Đất trộn với 1/4 phân chuồng hoai mục hoặc bã chè, bột xơ dừa, lèn chặt khoảng 3/4 chiều cao của sọt. Trồng cây vào trong. Xung quanh sọt tre xếp gạch vỡ để bảo vệ. Khi cây leo giàn (dây dài 3 – 4m) thì bón thúc bằng phân NPK pha loãng với đất bột tỷ lệ 1/20, đắp lên phía trên 1 lớp dày khoảng 10cm. Tưới ẩm hàng ngày; 3 tháng sau lại bón thúc một lần như thế.
Làm giàn: Nên làm giàn hơi nghiêng để hứng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt, tạo bóng mát cho cây được quang hợp tối đa và cho năng suất quả, lá cao.
(ST)