Cách làm hết nhức đầu bằng trái cây
Cách làm gỏi đu đủ Lào ngon như ăn ở Lào
Cách làm vòng tay handmade vô cùng độc đáo
Hôm nay, Dầu dừa thiên nhiên xin gởi đến các chị em phụ nữ cách làm nước màu dừa đơn giản để cho món kho trong bữa ăn gia đình thêm phần đậm đà và hấp dẫn.
Ẩm thực Việt được yêu mến vì sự mộc mạc, bình dị mà lại đậm đà. Đậm không chỉ vì vị mà còn đậm vì cái hồn của món ăn. Trên mỗi bàn ăn, trong mỗi bữa ăn, trong mỗi gia đình Việt, không khó để thấy một món kho. Khi là món cá rô kho tộ, khi là món thịt heo kho tiêu đôi khi là một nồi kho quẹt thơm lừng mùi nước mắm... Có lẽ, trong mỗi người chúng ta đều một lần được nếm cái vị mằn mặn đậm đà của món kho mẹ nấu. Riêng tôi, tôi không chỉ yêu cái vị, cái hương của món kho, tôi còn yêu cái “đẹp” ở những món kho mẹ nấu. Những ngày đi học xa nhà, tôi nhớ day dứt cái dĩa thịt kho mẹ nấu, nhưng có làm thế nào thì cũng không giống mùi vị ấy, cái “đẹp” ấy. Chắc vì tôi không đủ trình nấu nướng, chắc vì tôi phải tự nấu nên không được ngon, nhưng chắc chắn một đều rằng món kho tôi làm bị trừ đến 5 điểm vì thiếu đi cái “bí quyết” làm nên vẻ “đẹp” và cái “hồn” món kho.
Cái bí quyết ở đây là nước màu dừa. Có lẽ không ít bạn cho rằng có thể thay nước màu dừa bằng nước màu đường (caramel: dùng một ít đường, có thể thêm ít nước đun trên chảo đến khi đường ngã sang màu nâu đậm thì cho thịt hoặc cá vào kho), mình sẽ chẳng ngại ngần khi nói không thể nào. Bạn từng nếm thử vị của nước màu dừa chưa? Tôi từng nghĩ nó là vị của quê hương, giờ thì tôi nôm na nó như “sô-cô-la Bến Tre”, không ngọt như đường không mặn như muối, màu dừa là sự hòa quyện hoàn hảo của ngọt và mặn.Thậm chí bạn có thể nếm được cái vị ngọt ấy chỉ qua hương thơm thôi.
Cá kho với nước màu dừa
Về nguyên lý, cách làm nước màu dừa cũng tương tự như nấu màu đường, nhưng nấu màu dừa tốn nhiều công sức và thời gian hơn. Để có được 1 lít màu dừa các mẹ phải nấu hơn 20 lít nước dừa (khoảng 100 trái dừa khô). Sau khi đập (bổ đôi) trái dừa để lấy nước, các mẹ phải dùng vải sạch để lọc nước dừa, loại bỏ bụi bẩn và cát. Khệ nệ mang tất cả chỗ nước dừa này nấu ngay (vì nếu để lâu nước dừa sẽ bị chua) trong chảo sâu hoặc xoong lớn, các mẹ phải ngồi canh lửa trong hơn 10 giờ liền, vừa canh lửa cháy đều, vừa canh cho thêm nước dừa vào mỗi khi nước trong chảo cạn xuống. Cứ như thế, đến khi nước dừa bắt đầu chuyển sang màu cánh gián và sánh lại, các mẹ khéo léo nhỏ lửa, khuấy đều tay đến khi thấy “tới” thì tắt lửa. Cái chữ “tới” nói nghe thì dễ, nhưng để làm thì khó đấy, nếu làm không đúng thì thành phẩm nước màu dừa sẽ không đủ hoặc dư lửa đấy. Các mẹ chỉ cần dùng một cái vá khuấy thử thì biết ngay là nên tắt lửa hay chưa. Không chờ đến khi màu dừa chuyển màu và đạt độ sánh như mong muốn mới tắt lửa, các mẹ sẽ tắt lửa khi nước màu dừa vừa “tới non” đợi đến khi nguội thì thành phẩm thu được sẽ như ý muốn, vừa sánh, vừa thơm, vừa có được màu cánh gián ngon mắt. Lúc này thì chỉ cần chiết rót vào chai, lọ để dành thêm “hồn” vào món kho là được.
Nước màu dừa
Khi dùng nước màu dừa để ướp cho món kho, bạn chỉ cần tí ti thôi (khoảng nữa thìa cà phê) cũng đủ phần hương sắc cho cả cân thịt cá. Nhờ nước màu dừa mà món kho sẽ có màu cánh gián rất đẹp và hương vị đậm đà khó quên. Yêu lắm vị “sô cô la Bến Tre”.
Hi vọng với cách làm nước màu dừa mà chúng tôi chia sẻ, các bạn có thể tự thực hiện tại nhà để món kho trên mâm cơm của gia đình thêm phần ngon miệng và hấp dẫn