Làm sao để biết anh ấy hết yêu mình hay còn yêu?
Ý nghĩa của hoa violet không phải ai cũng biết
Làm sao để biết anh ấy hết yêu mình?
Từ trước đến nay, dầu thực vật luôn được quảng cáo với nhiều ưu việt như: giảm cholesterol, phòng xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, dầu thực vật có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, tuyến tiền liệt, đại tràng...
Gần đây, nhiều người dân tỏ ra lo lắng trước những luận điểm khoa học của giáo sư Grazyna Cichosz, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng của Ba Lan cho rằng dầu ăn không tốt như quảng bá. Theo bà, việc xào, chiên thức ăn bằng dầu thực vật rất độc hại, thực chất là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe bởi khi bị gia nhiệt, dầu thực vật bao giờ cũng trở nên độc hại.
Bên cạnh đó, còn có những dẫn chứng đáng chú ý là mô hình bệnh tật ở Israel, nơi có số người mắc bệnh ung thư cao bất thường so với các nước khác. Đây là quốc gia sử dụng khá nhiều dầu thực vật.
Cũng chính vì thế tọa đàm Sự thực về dầu, bơ thực vật được tổ chức sáng 31/5, tại Hà Nội nhằm đưa ra thông tin chính xác đến người tiêu dùng.
- Người béo phì, mỡ trong máu cao, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường không nên ăn mỡ động vật. Tốt nhất chỉ dùng dầu thực vật và nhiều rau xanh, củ quả cùng với các loại cá.
- Người khỏe bình thường thì không cần kiêng mỡ động vật, nhất là với trẻ em. Tuy nhiên, cũng không nên cho ăn quá nhiều vì sẽ gây béo phì và các bệnh khác. Theo Phó giáo sư Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm thì những thông tin trên không phải là mới. Từ những năm 1994, nhiều nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng không tốt của dầu thực vật.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý: dầu thực vật có nhiều loại nên không thể đánh đồng chúng lẫn với nhau.
Theo bà, ưu điểm vượt trội của dầu thực vật là: so với mỡ động vật, dầu thực vật có hàm lượng các axit béo không no cần thiết (có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol, phòng xơ vữa động mạch) cao hơn mỡ động vật.
"Tuy nhiên, khi dầu thực vật được dùng để chiên, rán ở nhiệt độ cao hơn 180 độ C sẽ bị ôxy hóa và biến chất. Vì thế, tuyệt đối không được dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần", bà Sửu cho biết.
Cũng theo ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) không thể phủ nhận những tác dụng của dầu thực vật. Chẳng hạn, dầu thực vật cung cấp 2 axit béo không no rất quan trọng là omega-3 và omega-6, tự thân cơ thể người không thể tổng hợp được. Chúng có tác dụng là giảm cholesterol, huyết áp thể nhẹ...
"Tuy nhiên, nếu hàm lượng hai chất này không cân đối thì sẽ rất có hại cho cơ thể người.Tỷ lệ 4:1 (hàm lượng omega 6 so với omega 3) được coi là tỷ lệ tuyệt đối. Loại dầu nào đạt được tỷ lệ này là loại dầu tốt", ông Đáng cho biết.
Theo ông, nếu dư thừa quá nhiều omega 6 sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, đại tràng, xơ vữa động mạch, tuyến tiền liệt..., thậm chí gây ức chế omega 3. Vì thế, người tiêu dùng khi lựa chọn dầu ăn, cần lựa chọn sản phẩm có tỷ lệ cân đối giữa hai chất béo không no này.
"Một điều cần lưu ý, đây chỉ là những nguy cơ cao chứ không phải chắc chắn việc sử dụng dầu ăn sẽ gây bệnh", ông Đáng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo ông, nhiều nghiên cứu đều cho rằng không nên ăn quá nhiều dầu thực vật. Tuy nhiên, đến nay hàm lượng bao nhiêu là đủ thì vẫn chưa thống nhất. Có người cho rằng chỉ nên ăn một thìa cà phê mỗi ngày, tương ứng với 5 gam. Có người lại cho rằng nên ăn 20 gam dầu thực vật mỗi ngày.
Bên cạnh đó, về tác dụng thực sự của bơ thực vật, theo các chuyên gia, ý kiến cho rằng "bơ thực vật không có gì là bổ béo" hay "bơ thực vật có tác dụng đặc biệt với sức khỏe" đều không đúng.
Bơ thực vật hay margarin có thành phần chính là dầu thực vật được hydro hóa, sữa bột tách kem...
Theo Phó giáo sư Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm, trong quá trình phản ứng hydro hóa dầu thực vật có một số axit béo dạng trans (axit béo xấu) được hình thành. Nó làm tăng cholesterol xấu và giảm lượng cholesterol tốt, tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, gây béo phì.
"Nếu trong quá trình làm bơ thực vật, nhà sản xuất chỉ sử dụng một phần dầu thực vật đã hydro hóa và một phần dầu thực vật được este hóa thì lượng axit béo dạng trans sẽ ít hơn. Chất lượng bơ sẽ tốt hơn", bà Sửu nói.
Vì thế, theo bà người tiêu dùng không nên ăn bơ thực vật thường xuyên và số lượng nhiều. Không nên ăn các loại thịt nướng, chiên, rán, thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo.
Ngoài ra, để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng khi chọn mua dầu thực vật nên chọn loại dầu lỏng chứa nhiều axit béo không no theo thứ tự như sau: oliu, vừng, ngô, hướng dương, đậu nành, cọ.
Có trường hợp, nhà sản xuất trộn lẫn các loại dầu với nhau nên khi mua về người tiêu dùng có thể thử bằng cách để dầu vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu dầu nào bị đông đặc hoặc tạo cặn đặc thì chứng tỏ loại đó chứa nhiều axit béo no, không tốt cho sức khỏe.
Khi mua các sản phẩm có dầu như (bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên, dầu ăn, bơ thực vật) cần chú ý nhãn sản phẩm. Nếu trên nhãn có ghi "Trans Fatty acids 0 gam" hoặc "Trans Fat 2 gam" thì được xem là sản phẩm an toàn.