Trời lạnh, bát cháo cá nóng hổi, óng ánh màu vàng của hành mỡ, ấm nồng mùi tiêu cay quyện mùi thơm hăng hăng của tía tô, thì là…, làm sao ta có thể cưỡng nổi…
Để có một nồi cháo cá ấm lòng ngày đông giá không đòi hỏi nhiều thời gian cũng như nguyên liệu. Chỉ cần cá tươi (cá rô-phi, cá quả hay cá chép… đều được), chút mỡ hành, tía tô, thì là, gạo tẻ ngon…, vậy là bạn cùng những người thân yêu đã có thể quây quần cùng nhau, xì xụp thưởng thức hương vị quyến rũ, khó quên của món ngon khó từ chối này.
CÁCH 1: CÁCH LÀM CHÁO CÁ HỒNG THƠM NGON
Nguyên liệu: 1 chén gạo, vo sạch để ráo. 1,5 lít nước. Cá hồng 1 con. 1,5 thìa muối. Gừng cắt miếng, nghiền nát mịn. Cây hẹ để cả cây. 3 tép tỏi nghiền nhỏ. 1 của hành tây vừa xắt miếng. 2 muỗng canh dầu ô liu. Nước mắm
Để trang trí: ½ chén hành lá, Hẹ chiên, Hạt tiêu, Giá đỗ (tùy theo sở thích).
Cách làm:
Gạo vo xong để sang bên cho ráo nước.
Trong nồi vừa, đun sôi cá nguyên con, gừng nghiền nát, hẹ nguyên cây, hành tây cùng với 1,5 thìa muối. Đun sôi khoảng 5-8 phút hoặc cho đến khi cá được nấu chín. Cẩn thận khi cá chín, gắp nhẹ nhàng để ra ngoài cho nguội.
Trong chảo không dính, đun dầu ô liu cùng với hẹ tây xắt lát mỏng và gạo với nhiệt thấp cho đến khi màu của gạo hơi đục vàng. Cho nước luộc cá vào nấu cùng gạo và hẹ, thỉnh thoảng khuấy đều.
Tỉ mĩ gỡ thịt cá, bỏ xương ra ngoài. Trộn thịt cá với nước mắm và hạt tiêu, cho hẹ tây vào chảo dầu ô liu đảo nhanh cùng với cá cho thơm.
Khi gạo đã chín và đặc sánh như cháo, cho cá xào vào đảo cùng nhanh tay. Múc cháo ra bát, rắc hạt tiêu, hành, rau mùi, hành chiên lên trên.
CÁCH 2: CÁCH LÀM CHÁO CÁ CHÉP BỔ DƯỠNG AI ĂN CŨNG TỐT
Nguyên liệu:
- Cá chép
- 1 bát gạo tẻ ngon
- Nước mắm ngon, hành khô, gừng củ, hành, thì là.
Cách làm:
Cá chép mua về bạn rửa với nước rồi làm sạch vẩy, bỏ phần ruột đi. Dùng gừng giã nhỏ và muối chà xát khắp thân cá, cả bên trong mình cho hết sạch mùi tanh.
Cá sơ chế xong, bạn tiến hành luộc. Đặt cá vào nồi, thả thêm vài lát gừng và một chút thì là để làm giảm mùi tanh. Đổ nước ngập mình cá rồi luộc ở lửa vừa.
Cá chép luộc chín bạn vớt ra đĩa để cho nguội rồi gỡ hết phần xương. Khi lọc xương bạn chú ý thao tác kỹ, tránh để sót xương trong thịt cá dễ gây hóc lúc ăn cháo. Bạn cũng nên nhẹ tay và khéo léo để phần thịt cá không bị nát nhé. Thịt cá lọc hết xương, bạn đem tẩm ướp với chút nước mắm và hạt tiêu cho vừa vặn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lọc xương khi chưa luộc cá. Sau đó, đem thịt cá xào khéo léo trên chảo để không bị nát. Lọc xương cá trước khi luộc sẽ nhanh nhưng khó hơn. Bạn có thể cân nhắc để chọn một trong 2 cách này nhé.
Phần xương cá sau khi lọc bạn không nên bỏ đi. Cho xương cá vào cối giã nhỏ, thêm chút nước vào rồi dùng vải sạch lọc lấy nước cốt để nấu cháo. Nước cốt xương cá không chỉ giúp nồi cháo thêm ngon, ngọt mà còn tận dụng được tối đa lượng canxi đấy.
Tiếp theo bạn đong lượng gạo vừa đủ và vo sạch. Cho gạo vào nồi nước cốt xương cá để nấu cháo có thể thêm cả nước luộc cá vào cùng. Nêm thêm một chút muối vào nồi để cháo nhanh nhừ và dẻo hơn.
Ngoài ra, bạn có thể trộn thêm một chút đỗ xanh đã ngâm kỹ và đãi vỏ vào nồi nấu cùng với gạo nhé. Như vậy, nồi cháo cá chép sẽ càng giàu dinh dưỡng hơn nhé.
Trong quá trình nấu cháo, bạn nhớ thường xuyên khuấy đều tay để cháo không bị tràn nước và cháy ở đáy nồi. Với cách nấu cháo cá chép này, bạn cần đun trong khoảng 3 tiếng để đạt đủ độ nhừ.
Hành khô bạn bóc vỏ, thái nhỏ rồi phi thật vàng.
Cháo nấu đủ thời gian, ăn thử thấy nhừ và dẻo thì đổ thịt cá vào, nêm nếm gia vị cho vừa miệng, đun sôi lại một lần nữa rồi tắt bếp.
Cuối cùng, bạn múc cháo ra bát, rắc hành khô và chút dầu ăn lên trên, thêm cả hành lá thái nhỏ và tía tô là đã có thể thưởng thức luôn rồi nhé. Cháo cá chép ăn ngon nhất khi còn nóng đấy.
Thành phẩm
Cháo cá chép ăn trong thời gian mang thai sẽ rất tốt cho bà bầu. Theo Đông y, món cháo này có tác dụng an thai, thông sữa, giúp bồi bổ sức khoẻ, điều hoà khí huyết, làm giảm mệt mỏi cho mẹ. Đồng thời, các dưỡng chất trong cá chép còn có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ. Vì thế mẹ bầu nên thường xuyên ăn món cá này để con thông minh khoẻ mạnh nhé. Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu không hề khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận để cá không bị nát và cháo đạt đủ độ nhừ. Để con và mẹ cùng khoẻ thì ngại gì mà không học ngay cách nấu cháo cá chép cho bà bầu nhỉ?
MỘT SỐ MẸO HAY ĐỂ CÓ NỒI CHÁO CÁ THƠM LỪNG HẤP DẪN
Nấu cháo mau nhừ
Khi nấu cháo đậu xanh có trộn thêm gạo, muốn cháo mau nhừ, bạn chỉ cần giã một ít phèn chua cho vào. Cách làm này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhiên liệu.
Để cháo trắng thơm ngon hơn
Nhiều người cho rằng, cháo trắng nấu thế nào cũng vẫn nhạt, nhưng thật ra, cháo trắng cũng có hương vị riêng của nó. Để cháo trắng thơm hơn, trước khi tắt bếp, bạn nên cho vào nồi cháo một vài lát vỏ quýt rồi vớt ra, cháo sẽ có hương vị quyến rũ hẳn.
Nấu cháo không bị trào
Để hạn chế cháo bị trào trong lúc nấu, ngoài việc canh lửa vừa, bạn cũng cần lưu ý thời gian cho gạo vào. Không nên cho gạo vào ngay nước lạnh rồi đun hay cho vào lúc nước đã sôi mà nên cho lúc nước ở nhiệt độ từ 50-60oC. Bạn cũng nên cho vào gạo ít muối khi nấu.
Nấu cháo bằng bình thủy (phích nước)
Đây là cách dân gian hay dùng, nhất là khi cần thăm nuôi bệnh nhân trong bệnh viện, điều kiện nấu nướng không có. Lúc này, chỉ cần vo một ít gạo (gạo chiếm ¼ phích), sau đó rót nước đang sôi sùng sục vào phích (không rót đầy, tránh tình trạng khi gạo nở bị trào), sau đó đậy nắp lại và để vài tiếng đồng hồ, cháo sẽ nhừ và vẫn còn nóng. Khi đó, chỉ cần trút cháo ra và dùng như bình thường.
Nấu cháo bằng cơm nguội mà vẫn ngon
Tận dụng cơm đã chín để nấu cháo cũng là một cách tiết kiệm thời gian. Lưu ý, trước khi nấu, hãy dội cơm qua nước lạnh, cháo sẽ không bị dính, cháy. Cháo nấu ra sẽ ngon không kém nấu bằng gạo.
Bí quyết nấu cháo cá bống mú miền Tây
Vào những ngày hè, khách du lịch đổ về miệt Rạch Gốc, Đất Mũi, Năm Căn (Cà Mau) sẽ được thưởng thức nhiều món ngon như canh chua cá dứa, cá kèo nướng muối ớt, đọt choại xào tép, rắn bông súng nướng mọi , trong đó cháo cá bống mú là một trong những món điểm tâm độc đáo của vùng.
Bống mú là một loài thủy sản nổi tiếng của nhiều vùng biển phía nam, thịt rất ngon và bổ dưỡng, trung bình mỗi con nặng từ vài ba ký trở lên. Thông thường, người ta dùng cá bống mú để hấp tương, kho mẳn hoặc nấu cháo.
Muốn có một nồi cháo cá bống mú thơm ngon và giàu dinh dưỡng người ta phải rang gạo trước khi nấu. Khi cháo vừa chín mới cho cá vào nồi (cá để nguyên con hoặc cắt khúc), thêm chút bột nêm, nước mắm, hành tây, hành lá, cần tây, tỏi phi.
Muốn ngon hơn, chúng ta nên cho thêm nấm hương hoặc nấm rơm. Khi cá chín thì bắc nồi cháo xuống. Vị ngọt của cá, mùi hăng của hành và nồng của rau húng hòa quyện vào nhau tạo cho thực khách cảm giác nhớ đời. Thú ăn cháo cá bống mú là ăn lúc còn bốc khói thơm lừng, kèm thêm ít giá sống, rau ghém, bắp chuối bào, đặc biệt là bỏ tiêu thật cay để vừa ăn vừa hít hà mới cảm nhận hết mùi thơm ngon của sản vật miền sông nước Cà Mau.
Bí quyết nấu cháo cá nục Bình Định
Cháo cá nục là đặc sản của xứ dừa Tam Quan, Bình Định. Cá có vị ngọt đậm đà. Dừa xiêm có cái ngọt thanh tao. Hai cái chất cộng hưởng nhau tạo nên vị riêng của cháo cá nục.
Cá nục không cần lớn lắm nhưng phải là loại cá nục suôn (thân tròn chứ không phải dẹt) và tươi xanh. Luộc cá nục và dùng chính nước này để nấu cháo. Sau khi đã vớt cá ra, giẽ lấy phần nạc. Cháo vừa chín tới không cho đặc quá và cũng không lỏng quá. Nạo dừa xiêm (số lượng trái dừa tuỳ thuộc vào số lượng cháo) và bỏ cả cái lẫn nước vào nồi cháo. Nước sôi, nêm nếm vừa miệng là được.
Bỏ cá trước khi múc cháo đang sôi vào bát, rắc thêm chút tiêu, rải chút hành ngò và có thể ung dung… húp. Hì hụp từng muỗng một thưởng thức cho hết vị ngọt lịm của cá quyện với hương thơm của những hạt gạo chưa nở hết và cái beo béo, ngầy ngậy của dừa. Cá có vị ngọt đậm đà. Dừa xiêm có cái ngọt thanh tao. Hai cái chất cộng hưởng nhau tạo nên vị riêng của cháo cá nục.
Đây là đặc sản ở vùng quê Tam Quan, Bình Định với rừng dừa bạt ngàn trước kia. Nay dừa thưa thớt dần, cá nục cũng khan trong lòng biển, phần nhiều là cá sòng, cá bạc má… Nhưng phải chọn cho đúng cá nục mới thơm. Dù sao, nguyên liệu vẫn còn để bạn có thể ra tay làm nồi cháo húp nóng những chiều thu trời se lạnh.
(ST)