Cách nấu chè khoai lang bột báng nước cốt dừa



Hôm nay mình chia sẻ với các bạn món chè khoai lang bột báng nước cốt dừa ngon tuyệt. Đừng nghĩ nghe đã thấy ngán. Hãy thử đi rồi bạn sẽ ngạc nhiên cho mà xem.


Chè khoai lang bột báng nước cốt dừa

Nguyên liệu:

Khoai lang ruột vàng: ½ kg

Bột báng: 10g.

Bột bắp (bột năng): 1 muỗng canh

Đường cát trắng và nước cốt dừa.

Thực hiện:

Bột báng mua về ngâm vào nước lạnh khoảng 30 phút, sau đó bỏ vào luộc. Nhìn thấy bột trong thì bột đã chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh.

Khoai lang gọt vỏ, cắt hình vuông bằng con cờ, ngâm trong nước có pha tí muối cho khoai không bị đen.

Khoai rửa sạch cho vào xửng hấp chín hoặc có thể luộc.

Khoai hấp chín chia ra làm hai phần, một phần tán nhuyễn, phần còn lại cho vào ít đường trộn  đều cho thấm.

Phần khoai tán nhuyễn (bỏ xơ đi nếu có) cho vào một cái nồi, đổ vào 3 – 4 chén nước lọc vào khấy đều. Sau đó bỏ thêm đường vào nồi chè, quậy đều.

Bắt nồi chè lên bếp, đun nhỏ lửa, khi nồi chè sôi thì bỏ phần khoai ướp đường vào. Sau đó cho bột báng đã luộc chín vào chung.

Bột bắp (bột năng) pha với ít nước lọc, đổ từ từ vào nồi chè để tạo độ sánh cho chè. Tắt lửa để nguội.

Nước cốt dừa sử dụng theo hai cách sau:

Cách 1: Múc chè ra chén và rưới ít nước cốt dừa lên trên, cách này nên sử dụng chè lạnh mới ngon. Tức là chè sau khi được nấu để cho nguội hẳn mới ăn.

Cách 2: Khi chuẩn bị tắt bếp thì cho phần nước cốt dừa vào trộn chung luôn với cách này thì ăn nóng hay ăn lạnh cũng tuyệt vời.

Yêu cầu món ăn:

Chè không được đặc quá, không quá ngọt, nước sánh vừa, khoai lang bùi, ngọt, mùi thơm và béo của nước cốt dừa.

Chúc các bạn thành công với món chè khoai lang bột báng nước cốt dừa.

Theo Mebetin.com

Tham khảo thêm: Đẹp mắt ngon miệng với món chè khoai lang hai màu


Nguyên liệu:

- 1 hay 2 củ khoai lang vàng
- 1 củ khoai lang tím
- 60gr đường thốt nốt (bạn có thể mua đường thốt nốt tại siêu thị)
- 100gr bột năng
- Vài lá dứa (lá nếp)
- ½ lon nước cốt dừa (200ml)
- 1 thìa cà phê bột năng
- ½ thìa cà phê muối
- 1 thìa cà phê đường cát trắng.

Bước 1:

Khoai lang rửa sạch trong thau nước.

Để khoai lang vào lò nướng ở 180ºC trong khoảng 40 - 45 phút, nếu không có lò nướng bạn có thể đem hấp chín đến khi khoai mềm hoặc nướng trên than hoa. Thường mình hay nướng, khoai sẽ ngọt hơn và không mất nhiều chất sắt trong khoai.

Bước 2:

Khoai chín mềm bạn lấy ra bỏ vỏ và bỏ bớt phần sượng rồi dùng thìa nghiền mịn hai loại khoai lang vào 2 thố khác nhau.

Bước 3:

Để khoai lang ra thố, từ từ thêm khoảng 60gr bột năng vào khoai lang vàng, dùng tay trộn đều.
Tay thoa bột khô, vo tròn khoai, để ra dĩa.

Thố khoai lang tím bạn chỉ đổ khoảng 40gr bột năng, dùng tay trộn đều.

Vo tròn khoai lang tím thành những viên tròn. Khoai lang tím rất ngọt nhưng không được dẻo nên việc vo viên khá mất công, nếu thấy khô bạn châm vào khoảng 2 - 3 thìa nước lạnh để khoai dẻo, dễ nặn hơn.

Bước 4:

Lá dứa rửa sạch, cuộn tròn lại.

Nước cốt dừa đổ vào nồi, thêm muối, đường, bột bắp trộn đều rồi đun trên lửa nhỏ để nước cốt dừa đặc lại. Nếu không mua sẵn nước cốt dừa, bạn có thể dùng dừa tươi vắt lấy nước cốt.

Nước cốt dừa đặc lại bạn đổ ra bát để riêng.

Bước 5:
Đường thốt nốt múc ra bát. Đường thốt nốt có nhiều dạng, có loại có hình dạng từng thỏi, có loại được đóng trong hộp lúc cần mình múc ra bát; loại mình đang dùng đây là loại được đóng trong hộp.

Đun khoảng 1.5 lít nước với đường thốt nốt, thả lá dứa vào đun cùng cho nước được thơm.

Đường tan bạn nhanh tay đổ hai loại khoai đã vo tròn vào nồi, đun lửa nhỏ đến khi khoai nổi lên thì tắt bếp.

Đợi chè nguội bạn múc ra bát, bên trên chan 1 - 2 thìa nước cốt dừa ăn kèm. 

Khoai lang tím khá khô và không dẻo như khoai lang vàng nên khi đun màu của khoai lang sẽ ra màu tím rất đẹp, viên khoai dù không được tròn nhưng ăn lại ngon. Nếu không có thời gian bạn dùng 1 loại khoai nấu chè cũng được.

Món chè này có tên gọi là Biji Salak - một món tráng miệng ngọt khá nổi tiếng của Indonesia. Vì được nấu bằng đường thốt nốt nên chè có vị ngọt thanh rất dễ ăn và không bị ngán. Từng viên khoai dẻo dẻo bùi bùi quyện với nước cốt dừa béo ngậy, lẫn hương thơm thoang thoảng của lá dứa khiến món chè trở nên thật hấp dẫn; ăn nóng hay lạnh đều ngon.
Đối với nhiều  người đường thốt nốt vẫn còn khá xa lạ, tuy nhiên cây thốt nốt gắn chặt với đời sống người Khmer như cây dừa với người Kinh. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó vừa là biểu tượng của dân tộc Khmer, vừa là nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Chúc các bạn thành công với món chè tuyệt ngon này nhé!


Theo Afamily.vn

Công thức nấu chè sâm bổ lượng
Cách nấu chè chuối không kém ngoài hàng
Cách nấu chè bạch quả cực ngon
Nấu chè khoai lang đậu xanh cho cả nhà thả ga
Cách nấu chè đậu xanh ngon ơi là ngon