Cách nấu nước sâm bông cúc

Những ngày hè nóng bức, một ly nước mát bông cúc vừa giúp giải khát vừa có tác dụng thanh nhiệt. Vị của bông cúc hơi nhẫn nên khi nấu cho thêm nhãn nhục vào sẽ rất ngon.

Để giải nhiệt ngày hè, không gì bằng nước mát tự nấu tại nhà. Dạo quanh các chợ lớn nhỏ mùa này, không khó để mua 1 bó nước mát đủ loại (mã đề, rễ tranh, mía lau…), nha đam, bông cúc khô, bông atisô… Đem về sơ chế sau đó cho nước vào nấu là có ngay một nồi nước sâm ngọt mát, thanh nhiệt.

Khi nấu nước bông cúc, do vị của bông cúc rất đặc trưng nên thường chỉ nấu riêng một loại, không nấu chung như bó nước mát. Nếu không thích vị hơi nhẫn thì có thể cho thêm rong biển, mía lau, nhãn nhục… Đặc biệt nhãn nhục khi nấu cùng với bông cúc sẽ tạo vị ngọt thanh rất ngon cho nước mát.

Bên cạnh tác dụng thanh nhiệt, bông cúc còn giúp an thần, làm dịu căng thẳng, khắc phục chứng mất ngủ. Với đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, trà bông cúc cũng giúp ngừa mụn, trị đau họng. Đây là thức uống “hạ hỏa” hiệu quả cho những ngày hè nóng bức.

Nước mát bông cúc nhãn nhục

 

Nguyên liệu

10g bông cúc khô 

100g nhãn nhục

1 cục đường phèn nhỏ

Thực hiện

Bông cúc ngâm nước lạnh 15 phút, rửa sạch, vắt ráo. 

 

Nhãn nhục rửa sạch, ngâm nước lạnh 10 phút cho nở ra, vớt ra, giữ lại nước.

 

Cho bông cúc vào nồi, đổ nước ngập bông, bắc lên bếp nấu khoảng 15 phút cho ra mùi.

 

Lược lại nước bông cúc, bỏ xác.

 

Đường phèn nghiền nhỏ, nấu sôi cùng 1,5 lít nước.

 

Khi nước sôi, cho nước bông cúc vào nấu 5 phút, cho tiếp nhãn nhục và nước ngâm vào, để sôi lại, nếm lại cho vừa vị ngọt. Tắt bếp.

 

Tùy thích có thể để nhãn nhục hoặc lược lại chỉ lấy nước mát. Nếu thích uống lạnh thì chờ nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.