Chữa bệnh đau thần kinh tọa như thế nào?
Chữa bệnh tiêu chảy cho chó hiệu quả
Tác dụng chữa bệnh của cây cỏ mực
Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Thiền sẽ giúp tinh thần yên tĩnh trí tuệ sáng suốt.
NGỒI THIỀN ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC VÀ TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE
Lương y VÕ HÀ
Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Sự căng thẳng sẽ làm mệt bộ não, cơ thể tiêu phí nhiều năng lượng mà việc giải quyết công việc lại kém hiệu quả. Một sinh viên thiếu tập trung sẽ khó tiếp thu bài giảng. Một công nhân đứng máy lơ đểnh sẽ dễ mắc tai nạn lao động. Một nhà nghiên cứu mà tinh thần không ổn định sẽ khó có thể hoàn thành công trình của mình. Ngoài ra, trong điều kiện phát triễn của nền văn minh công nghiệp với tính cạnh tranh cao, con người luôn phải đối mặt với nhiều loại áp lực thì việc phải gánh chịu stress làm giảm sức đề kháng và dễ dẫn đến nhiều bệnh tật là điều đáng lo ngại. Từ những thực tế nầy nhiều người đã tìm đến với thiền.
THIỀN LÀ GÌ?
Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.
Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp người luyện tập có thể tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, vào một đề tài, một hình ảnh hoặc một câu "chú" nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.
CÁC BƯỚC THÔNG THƯỜNG CỦA MỘT LẦN NGỒI THIỀN
1. Chuẩn bị: Trước khi ngồi thiền, cần hoàn tất các công việc thường nhật trong ngày để tư tưởng khỏi vướng bận; Tắm rửa sạch sẽ, nới lỏng quần áo; Chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát, không có ruồi muỗi.
2. Tư thế: Có thể chọn tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc ngồi kiết già. Lưng thẳng, cằm hơi đưa vào để cột sống được thẳng. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, miễn sao hai tay cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp là được.
Tư thế kiết già (thế hoa sen), đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.
Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.
3. Giảm các kích thích giác quan: Một trong những yếu tố quan trọng để dễ nhập tĩnh là không bị các kích thích bên ngoài quấy nhiễu. Người xưa gọi là "bế ngũ quan".
Trên thực tế, những quan sát qua điện não đồ cho thấy chỉ cần nhắm mắt để loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Do đó, nên nhắm mắt lúc ngồi thiền. Khi nhắm mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ ở vùng mặt.
4. Giãn mềm cơ bắp: Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ. Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt...; đó là lúc thần kinh quá căng thẳng. Ngược lại, hãy nhìn một người đang ngồi ngủ gật trên xe. Lúc người này thiếp đi là lúc thần kinh ở mức thư giãn, tâm không còn ghi nhận ý niệm gì cụ thể và cơ bắp cũng giãn mềm nên đầu dễ dàng ngoẹo sang một bên. Vì vậy, trong quá trình hành thiền, việc chủ động giãn mềm cơ bắp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thư giãn, nhập tĩnh.
Trên thực tế, chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này căn cứ vào hai quy luật: Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể, do đó nếu thư giãn được vùng mặt hay hai bàn tay sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.
5. Tập trung tâm ý: Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào điểm hoặc vào đề mục tập trung trong một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập vào trạng thái thiền định.
Về điểm để tập trung tư tưởng, một vị trí ở vùng bụng dưới mà nhiều trường phái thường chọn làm điểm tập trung khi ngồi thiền là huyệt Đan điền, cách dưới rốn khoảng 3cm. Nên tập trung vào điểm này vì nhiều lẽ.
Theo y học cổ truyền, "thần đâu khí đó". Do đó, khi tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.
Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là nơi "luyện thuốc", là "bể chứa khí". Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công. Có nhiều trường phái khác nhau và việc tu luyện rất phức tạp. Tuy nhiên, các công phu của đạo gia nói chung và việc phát sinh nội khí để chửa bệnh nói riêng đều dựa vào bí quyết "hồi quang nội thị" hoặc "ngưng thần nhập khí huyệt". Tâm không duyên ra ngoài, hướng đôi mắt vào trong gọi là hồi quang, tập trung thần vào bên trong cơ thể gọi là nội thị. Ngưng thần nhập khí huyệt chính là tập trung tâm ý tại Đan điền để phát sinh nội khí. Lâu dần chân khí được sung mãn sẽ khai thông các kinh lạc bế tắt hoặc bồi bổ cho ngủ tạng để tăng cường sức khoẻ.
Một số người tâm dễ xao động có thể cần một phương pháp kiểm soát tâm chặt chẽ hơn. Trường hợp này, nên kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung tại Đan điền bằng cách quan sát sự phồng lên và xẹp xuống tại bụng dưới. Lúc hít vào bụng dưới hơi phồng lên, lúc thở ra bụng dưới hơi xẹp xuống. Chỉ cần thở bình thường. Không cần quan tâm đến thở sâu hay thở cạn, đều hay không đều. Điều quan trọng ở đây là tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở bụng dưới. Sở dĩ chọn quan sát hơi thở ở bụng dưới mà không phải ở đầu mũi hoặc ở ngực là nhằm tạo quán tính thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở Đan điền như đã dẫn ở phần trên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là bình thường. Chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại Đan điền hoặc tiếp tục quan sát hơi thở vào ra là đủ. Lâu dần, những tạp niệm sẽ bớt đi, thời gian tập trung sẽ dài hơn, hơi thở sẽ đều, chậm và nhẹ hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và quên luôn cả hơi thở. Nếu thường xuyên đạt đến tình trạng này, có nghĩa người tập đã tiến được một bước rất dài. Không chỉ là không bệnh tật mà còn là sự tự tin, cảm thông và hoà hợp để dần dần đạt đến điều mà người xưa gọi là thiên nhân hợp nhất.
6. Xả thiền: Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường. Từ từ buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Việc xả thiền tùy thuộc vào mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.
NGỒI THIỀN CÓ GÂY NGUY HIỂM GÌ KHÔNG?
Một vấn đề cuối cùng mà những người mới tập thiền thường thắc mắc là liệu ngồi thiền có gây nguy hiểm gì không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phương pháp và động cơ của việc ngồi thiền. Một số phương pháp thiền có phối hợp với vận khí hoặc có sự hỗ trợ khai mở một số trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm đi kèm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Trái lại, nếu ngồi thiền để đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, để thư giãn thần kinh và tăng cường sức khỏe, không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào thì không có gì nguy hiểm./.
‘THIỀN CÔNG: PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH ĐƠN GIẢN"
Một buổi chiều mưa nhẹ. Ngồi bên tách trà bốc khói trong một căn phòng "Tu Thiền" với những bầy biện đơn sơ; một chiếc chiếu trơn, chiếc gối ngồi, bức tranh vẽ Đức Phật Thích Ca lớn rộng gần hết bức tường trước mặt, và một vài bức họa trang trí nhỏ; người viết được anh C., chủ nhân căn phòng "Tu Thiền" này, một Luật sư về hưu, cho biết nhiều ý tưởng lạ về "Thiền." Biết người viết theo đạo Công Giáo, anh đã trao đổi nhiều ý tưởng mới lạ về Chúa Giêsu liên can tới "Thiền". Theo anh, Chúa Giêsu đã là một tấm gương lớn về "Thiền". Chính Ngài đã "Thiền" trong hoang mạc suốt 40 đêm ngày trước khi đi giảng đạo cứu đời. Tuy Kinh Thánh không nói Ngài đã làm gì và sinh hoạt như thế nào trong 40 ngày, nhưng nhất định Ngài đã nhập "Thiền", bởi vì ở chốn hoang vu ấy, không có tiếng nói, không có sinh vật, con người không có nơi để trú ngụ bình thường, không thể đi tới đi lui, thì chỉ có mỗi một sinh hoạt là "Thiền" thì mới qua hết thời gian tu niệm lâu dài như thế được.
Theo anh, "Thiền" là một hình thức trau luyện cho con người đi tới chỗ "Vô Ngã", tức là quên "Mình" đi, coi như "Mình" không chủ quan tồn tại một cách cá nhân nữa. "Thiền" cũng giúp con người tới chỗ nhận thức về "Vô Thọ giả", nghĩa là không còn thời gian nữa. Nếu không có thời gian, sẽ không đói, không già, và không còn phân biệt Sống-Chết. Cũng theo anh C., Vườn Địa Đàng, hồi Thiên Chúa tạo dựng nhân loại, đã cho Ađam và Evà một không gian vĩnh cửu, không phân biệt Thiện-Ác, tốt xấu, không Nam Nữ, đàn ông hay đàn bà.
Thiên Chúa, vì muốn thử Ađam và Evà xem có tuân lời Ngài không nên đã cấm không được ăn trái của cây gọi là cây "Thiện-Ác". Thực tế, không có cây nào là cây "Thiện-Ác" hay "Thưởng-Phạt" cả. Khi Ađam và Evà ăn trái cấm đó, họ đã bất tuân lệnh của Thiên Chúa, do đó, họ đã bị đầy ra cõi trần gian, ở đó, có Sống và Chết, có đổ mồ hôi mới có bát cơm mà ăn. Giả như họ biết "Thiền", nghĩa là biết quên mình đi, thì có lẽ nhân loại đã không khổ đau vì cuộc sống vất vả và nhất là không còn khóc lóc vì sự Chết đến cướp đi sinh mạnh của những người thân yêu cũng như của chính họ.
Những điều mà anh bạn C., một Phật tử thuần thành, đang trong giai đoạn "Tu Thiền", suy diễn đã đem lại một nhãn quan rất mới lạ, thích thú mà từ trước tới nay, có lẽ chưa có ai khai triển. Thực tế, có nhiều phương pháp "Tu Thiền" phát xuất từ nhiều niềm tin tôn giáo khác nhau. Với anh bạn C., "Thiền" theo phương pháp của anh là ngồi "Thiền" trong một căn phòng khép kín, nghiên cứu sách về Phật giáo rồi ngồi bất động và suy nghĩ về những tư tưởng đã lãnh hội trong các cuốn sách đó để sau đó thực hành một cuộc sống thanh thản, thoát tục, và hạnh phúc.
Về phần người viết, nếu bỏ qua khía cạnh liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng, không đề cập đến "Tu Thiền" mà chỉ nhìn đến phương diện vật lý, "Thiền tập" theo kiểu Yoga là một sinh hoạt thể dục bất động, khép kín, và cưỡng chế phối hợp với hơi thở để làm trẻ hóa cơ thể, đem lại một sinh khí mới cho những bộ phận đã bị lão hóa, cùng phát huy sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người để sống lâu hơn với một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện.
1-Thể dục bất động: Người tập Thiền sẽ đặt mình vào một vị trí bất động trong một thời gian dài hay ngắn tùy theo cơ thể và sự tập luyện, có thể năm phút một thế tập hay vài tiếng đồng hồ.
2-Khép kín: Việc tập Thiền phải được thực hiện trong một môi trường kín đáo, không tiếng ồn, để tránh phân tâm.
3-Cưỡng chế: Những động tác Thiền không đơn giản như ngồi thẳng, mà là những thế cần phải bẻ tay, chân, đầu, cổ, thân, lưng... theo một hướng nào đó.
Tất cả những động tác thể dục bất động này, phối hợp với việc thở đúng cách sẽ làm trẻ hóa cơ thể và tự trị được một số bệnh. Như chúng ta đã biết, con người sống được là nhờ đường, nước, và khí Oxy là yếu tố quan trọng nhất cho sự sống. Thiếu đường, người ta sẽ kiệt sức và chết dần. Thiếu nước, thì sinh ra đủ thứ bệnh. Nếu thiếu hai yếu tố này, con người cần phải có những cách điều trị riêng để duy trì được cuộc sống. Nhưng với Oxy, chỉ cần thiếu ở não trong 2, 3 phút là chết ngay.
Bình thường, máu luân chuyển khí Oxy đến các tế bào một cách quân bình. Tuy nhiên, nếu có phần nào trong cơ thể phải "gồng" lên, hoặc bẻ cong đi, máu sẽ luân lưu tại chỗ đó mạnh hơn, như vậy, sẽ mang đến Oxy nhiều hơn. Vì vậy, nếu chúng ta ép những bộ phận cơ thể theo một hướng nào đó, chúng ta sẽ làm cho những nơi đó trẻ lại và từ đó, sẽ ngăn được những căn bệnh sinh ra bởi phần cơ thể thiếu Oxy ấy.
"Yoga" nguyên thủy là những bài tập thể dục bất động được chia ra hàng trăm thế đứng, thế nằm, hay thế ngồi và không mang theo một tư tưởng tôn giáo nào. Người tập sẽ thấy trẻ trung, vui vẻ, chữa được một số bệnh sau khi tập một thời gian. Nội dung bài viết này lại không hoàn toàn về "Yoga" vì được phối hợp với "Thiền" trong tư tưởng và "Thở" trong vật lý và được gọi là "THIỀN CÔNG " với mục đích vừa Chữa bệnh, vừa Trẻ hóa cơ thể, vừa tạo được một tinh thần minh mẫn.
Có bốn thế chính: Ngồi, nằm, đứng, và quỳ. Trong mỗi thế này, lại phân thành những chi thế nhỏ.
A-CÁC THẾ NGỒI
Chưã bệnh tim mạch, mất ngủ, căng thẳng..
1-TỌA THIỀN:
Ngồi xếp bằng thoải mái, (không cần gác chân nọ lên đùi chân kia), lưng thẳng, hai bàn tay mở ngưả, để trên đầu gối, ngón cái và ngón trỏ bấm vào nhau. Nhắm mắt, tập trung tư tuởng vào khoảng trước mắt để chỉ thấy một bức tường tối đen. Chầm chậm hít không khí vào. Ngay từ khi bắt đầu hít vào, phải tưởng tượng thấy hơi thở vào đi qua mũi, xuống tới ngực rồi mới tới bụng. Nén hơi tại bụng chừng hai, ba giây, rồi từ từ thở ra. Khi khí ra hết, đếm "Một!" trong đầu. Chầm chậm hít vào lần thứ hai, thứ ba... cho tới 10 lần.
Chú ý: Nếu hay ngồi cong người về đằng trước, thì phải kiếm một bức tường, để dựa lưng vào cho thẳng. Tập ngồi thật thẳng góc với mặt đất sẽ bớt được bệnh đau thắt lưng. Người hay ngồi cong lưng làm cho các khớp xương ở thắt lưng dúm vào nhau về phía trước, và đè lên giây thần kinh, gây đau lưng. Sau một thời gian ngồi và thở đã quen, thì tăng lần thở lên 20, hoặc 30 lần. Từ từ tập trung tư tưởng để nhìn "xuyên qua" màng mắt, mặc dầu vẫn nhắm, nhưng dần dần sẽ thấy một vùng sáng trước mắt thay cho vùng đen, và dường như nhìn được mọi vật trước mặt một cách rõ ràng. Nhiều người có thể ngủ ngồi như thế chừng vài tiếng đồng hồ không cử động.
2-TẢ TỌA THIỀN:
Ngồi thẳng như trên, nhưng nghiêng đầu sang vai trái, để máu dồn vào phía cổ bên trái. Thế này không được ngồi lâu, tối đa là năm phút.
3-HỮU TỌA THIỀN:
Ngồi thẳng, nghiêng sang vai phải chừng năm phút.
4-HOÀNH THIỀN:
Ngồi như trên, nhắm mắt, hai tay dang ngang, song song với mặt đất, hít thở như trên. Năm phút.
5-BÁI TỔ:
Ngồi xếp bằng, hai tay chắp lại, hít thở. Thế này có thể ngồi lâu.
B-CÁC THẾ NẰM:
Chữa bệnh căng thẳng, khó ngủ, và yếu sinh lý.
1-KHÚC LONG:
Nằm thẳng, không gối đầu, hai tay để xuôi và sát hai bên suờn, nhắm mắt, hai chân từ từ rút vào gần mông, uỡn bụng lên cao, càng cao càng tốt, hít thở như trên chừng 10 lần. Sau đó, từ từ co hai chân lên, dùng hai tay ôm chặt lấy hai ống chân, ép vào bụng, giữ ở thế đó và nén hơi chừng 1 phút rồi từ từ thả hai chân thẳng trở lại. Làm chừng 10 lần. Tiếp tục với chân phải (co lên, ép vào bụng, nén hơi) rồi chân trái. Những thế này để chữa bệnh yếu sinh lý. (Yếu chứ không phải liệt)
2-PHI LONG:
Nằm thẳng, lưng dán xuống giường, hai tay xuôi theo sườn, nhưng cao hơn đùi chừng một gang tay. Hai chân thẳng nhưng nhấc lên khỏi giường chừng một gang tay. Hít thở chầm chậm và đều chừng 5 tới 10 lần. Sau đó, nằm úp xuống giường, hai tay giơ lên phía đầu, hai chân nhấc lên khỏi giường, hít thở. Chữa bệnh yếu sinh lý và đau lưng đồng thời tăng cường sức mạnh "nội công."
3- PHÂN THÂN:
Trị mất ngủ và căng thẳng, hồi hộp: Nằm thẳng, không gối đầu, hai tay để hai bên suờn, nhắm mắt, hít thở thật chậm, thật sâu, mỗi một lần thở ra, thì đếm. Đến lần thứ 10 thì bắt đầu đi vào giai đoạn "Phân Thân" tức là tưởng tượng chia "mình" thành hai nguời: một nguời nằm, một nguời đứng bên giuờng. Nguời đứng nhìn nguời nằm từ chân lên đầu. Bắt đầu nhìn từ ngón chân cái bên trái, nhớ đến hình dạng của ngón chân cái, nhớ lại từng kỷ niệm từ thời ấu thơ đến lớn, xem có lần nào bị gẫy móng không, bị sẹo gì không, bị đau lần nào không...
Qua ngón cái, nhìn sang ngón kế tiếp... dần dần ra tới ngón út. Đổi tầm nhìn qua bên phải, cũng từ ngón cái bên phải, lần ra tới ngón út... Lần lên cổ chân phải, xong qua cổ chân trái, leo lên bắp vế, nhớ từng kỷ niệm, từng vết sẹo... Chuyển qua bắp vế trái. Rồi lên đầu gối, lên đùi, cứ qua phải lại qua trái.. Nhìn tới bụng thì nhớ những lần mổ, lần đau ruột, lần đau bao tử.... Lên ngực cũng thế, hết ngực thì qua tay. Từ vai đi xuống, tới khuỷu, rồi bàn tay. Trở nguợc lên vai, qua mặt...
Thường thì khi nhìn tới vai, người nằm đã ngủ say rồi! Nhiều người mất ngủ cả 15, 20 năm, chỉ cần tập vài lần là quen giấc và ngủ thoải mái thật sâu. Người nào bị bệnh căng thẳng quá, thì trước khi đi ngủ, nên tập 10 lần thế "Khúc Long" rồi "Phi Long" như ở trên rồi mới ngủ "Phân Thân".
C-CÁC THẾ QUỲ:
1-PHỤC HỔ:
Trị mệt bất thường: Quỳ trên hai đầu gối, úp trán xuống đất, hai tay để xuôi trên đầu. Hít, thở chầm chậm. Những võ sĩ sau khi đấu đài, những người làm lao động quá sức...tim đập mạnh, chỉ cần quỳ xuống, hít thở từ 5 đến 10 lần là khỏe lại ngay.
2-TÀNG LONG:
Quỳ úp xuống, để tay trái thẳng trên đầu, tay phải luồn dưới cánh tay trái, mặt úp xuống, nghiêng về phía trái. Hít, thở 5 đến 10 lần. Đổi bên sang bên phải, tay phải để thẳng, tay trái luồn dưới tay phải, mặt nghiêng về phải, hít thở.
3-ĐỘC LONG:
Quỳ úp mặt xuống, hai tay để thẳng trên đầu, một chân giơ thẳng lên trời, hít thở. Thế này giúp cho máu chẩy xuống óc, giúp những người bị bệnh nhức đầu khi đọc sách hay học nhiều.
D-CÁC THẾ ĐỨNG:
1-BẠCH HẠC:
Đứng thẳng, hai chân cách xa vừa phải, bàn chân phải hơi xoay ngang về phía phải, hai bàn tay chắp lại, từ từ gập người xuống, trong khi từ từ giơ chân trái về phía sau, hai tay chầm chậm giơ ra hai bên. Cố giữ thăng bằng trong 1, 2 phút rồi tăng dần lên. Đổi chân, chuyển sang chân trái đứng, chân phải giơ lên.
2-ĐỘC KÊ:
Đứng thẳng, hai tay chắp lại. Từ từ co chân trái lên về phía sau bắp chuối của chân phải. Gác bàn chân vào đấy, hai tay giơ ngang. Hít thở. Đổi chân. Các thế này giúp cho hệ thần kinh quân bình lại, không còn hồi hộp, sợ hãi, âu lo.
Trong phạm vi bài viết ngắn ngủi, người viết không thể trình bầy những chi tiết sâu xa hơn liên quan đến việc luyện "Thiền Công" này. Dĩ nhiên, tất cả những điều kể trên chỉ là những phương pháp thể dục miễn phí, được nghiên cứu nhằm mục đích phục vụ cộng đồng mà thôi. Nếu có điều chi thiếu sót, xin được cao nhân chỉ giáo. Người viết chỉ hy vọng giúp được ai đó khỏe hơn, trẻ hơn, và có thể chữa được một số bệnh nào đó, trừ những bệnh về vi trùng hay ung thư, thì rất lấy làm hạnh phúc.
NHỮNG CHÚ Ý KHI NGỒI THIỀN
Thiền là nét văn hoá đặc sắc của phương Đông. Từ đầu thế kỷ 20, sau khi du nhập vào phương Tây, thiền đã nhanh chóng được tiếp nhận như một phương pháp chữa lành những căn bệnh tâm lý của xã hội hiện đại.
Nhiều nghiên cứu khác nhau của các giáo sư Mỹ, Nhật, Pháp… cho thấy thiền giúp cải thiện các chức năng sinh lý của cơ thể, giúp phát triển trí não, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng và cải thiện lão hoá; trị các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra, giúp cải thiện những thói quen xấu. Đối với những người bình thường, thiền giúp tinh thần thoải mái, lạc quan, nâng cao chỉ số thông minh, cảm xúc…
Nên bắt đầu thiền vào sáng sớm, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu thiền trước khi ngủ sẽ bất lợi vì người tập dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc có thể trong đầu còn nhiều tạp niệm chưa giải quyết được sau một ngày làm việc.
Để ngồi thiền hiệu quả, sự chuẩn bị và luyện tập đòi hỏi cũng phải rất công phu. Khi thiền, nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi. Chuẩn bị một tấm nệm vuông dày khoảng 5cm, ở giữa đặt lên một cái gối ngồi nhỏ. Nửa mông sau đặt trên gối và ngồi ngay thẳng.
Có nhiều cách ngồi, nhưng với người mới bắt đầu có thể ngồi kiểu Miến Điện hay ngồi bán kiết già. Khi đã quen nên chọn thế toàn kiết già. Những người thường mặc âu phục có thể thiền trên ghế hay ngồi theo kiểu Nhật Bản.
Ngồi kiểu Miến Điện: cả hai chân xếp chéo nhau đặt trên nệm.
Ngồi bán kiết già: đặt chân trái lên đùi phải hoặc ngược lại.
Ngồi toàn kiết già: hai chân khoá vào nhau. Đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu. Bàn tay trái để lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chỏ vừa ôm hông là được. Đây là tư thế thiền đúng cách và hữu hiệu nhất.
Ngồi kiểu Nhật Bản: ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế.
Ngồi trên ghế: sử dụng ghế chân cao, ngồi lên, hai bàn chân đặt trên mặt đất.
Với bất cứ kiểu ngồi thiền nào, xương sống cũng phải ở vị thế thẳng đứng, không nghiêng trái, ngả phải; không cúi tới, ngả lui. Lỗ tai thẳng với vai, lỗ mũi ngay nơi rốn. Lưỡi chạm hàm trên, miệng ngậm, mắt nhắm hờ. Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng.
Điều quan trọng của thiền là “tâm toạ”, tức là tâm không được đi “dong duổi ta bà”. Muốn vậy, phải giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu. Tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ ý niệm nào.
Nên tập thiền đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút, dần dần tăng lên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm phân tán. Điều này bình thường, chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại.
Xả thiền
Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông.
Từ từ buông thõng hai chân. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Việc xả thiền tuỳ mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.
Ngồi thiền có tác dụng gì
Các cách giải tỏa stress hiệu quả nhất
Các kỹ thuật thả lỏng
Giảm lo lắng cho chị em khi mang thai
Dạy thai nhi bằng thiền và hát ru
(st)